Cô bé người Chăm đạt giải nhất cuộc thi HSG Văn TP.HCM nhờ đề thi có thơ Nguyễn Phong Việt

16/03/2018 20:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo facebook của nhà thơ Đồng Chuông Tử (hiện sống ở Bình Thuận) thì mới đây có một trường hợp khá đặc biệt đã giành giải nhất kì thi HSG Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là trường hợp của em Đàng Phương Trinh, hiện là học sinh lớp 12A20 trường TH, THCS, THPT Trương Vĩnh Ký.

Giải nhất văn đầu tiên của trường Trương Vĩnh Ký

Có thể nói trường hợp của Phương Trinh khá đặc biệt bởi em là một học sinh người Chăm ở Ninh Thuận, từ đầu năm cấp ba em đã xa gia đình vào Sài Gòn và học nội trú tại trường Trương Vĩnh Ký từ đó đến nay. Nhà thơ Đồng Chuông Tử cho biết, để được tham dự kỳ thi này, Phương Trinh đã có một kết quả học tập rất ấn tượng: 12 năm liền đạt học sinh giỏi và là học sinh giỏi toàn diện. 

Chú thích ảnh
Nguyên văn đề thi HSG TP.HCM năm 2018

Từ khi thành lập trường đến nay, trường Trương Vĩnh Ký có rất nhiều học sinh thuộc các thế hệ đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi cấp thành phố nhưng giải nhất văn như Phương Trinh là đầu tiên. Trong danh sách công bố ngày 14/3 vừa qua của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thì kỳ thi vừa qua môn Ngữ văn có 8 giải nhất trong đó Đàng Phương Trinh đứng đầu bảng.

Chú thích ảnh
Đàng Phương Chinh (trái)

Bên cạnh việc là một học sinh giỏi thì Phương Trinh cũng rất say mê đọc sách, yêu thích hoạt động dã ngoại và có trái tim nhân ái khi em thường giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn quanh mình qua mỗi dịp em được ra ngoài mua sách.

Chú thích ảnh
Chân dung nhà thơ Nguyễn Phong Việt

Khi đạt giải Phương Trinh đã nhắn những dòng tin rất xúc động về cho người thân của mình: “Mẹ, hôm nay cô Tâm tặng con một giỏ hoa hồng, với cô Trúc tặng con một tấm thiệp chúc mừng. Từ chiều hôm qua đến nay, cảm giác giống như con đang mơ vậy. Đi đến đâu cũng được thầy cô, bạn bè từ lạ đến quen hỏi thăm, chúc mừng... Quả thật là không uổng công 150 phút con làm bài không kịp thở”. 

Đề thi theo sát nhịp văn chương đương đại

Điều khá thú vị ở đề thi HSG Văn năm nay của TP. HCM đó là đã trích một đoạn bài thơ Mình sẽ đi hết núi đồi của một tác giả đương đại và rất ăn khách hiện nay: nhà thơ Nguyễn Phong Việt. 

Đoạn thơ của Phong Việt nằm ở câu hỏi số một của bài thi với nguyên văn:
“Mình sẽ đi qua hết núi đồi 
để nhìn thấy cuộc đời còn nhiều lắm những niềm vui…
(…)

Mình sẽ đi lúc biển động mà trái tim đập nhịp ngang tàng 
biết là có thể đau nhưng cuộc đời thật ra cần khốn khó 
trưởng thành không phải cố gắng tìm bình yên, chỉ là khi đối đầu với sóng gió 
mình vẫn lặng lẽ 
giữ chặt lấy niềm tin…
(…)

Mình sẽ đi lúc mình còn có cả một tuổi trẻ cần lấm láp bụi đường…
(Trích Mình sẽ đi qua hết núi đồi…, Nguyễn Phong Việt, báo Mực Tím xuân Mậu Tuất 2018)
Anh/chị có đồng ý với suy nghĩ “tuổi trẻ cần lấm láp bụi đường” của tác giả trong câu cuối văn bản trên không? Hãy viết bài văn trình bày câu trả lời của anh/chị”.

Với việc trích thơ của một tác giả mà tên tuổi khá "hot" trên văn đàn Việt suốt mấy năm qua như Phong Việt cho thấy người ra đề thi văn của thành phố năm nay khá cấp tiến và theo sát nhịp của văn học đương đại trong nước. 

Chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà thơ Nguyễn Phong Việt tâm sự: 

“Thú thật là tôi thật sự bất ngờ, vì chưa bao giờ hình dung rằng đề thi dành cho học sinh giỏi văn mà lại là lớp 12 có thể sử dụng một trích đoạn thơ của một tác giả đương đại như tôi để làm đề bài. Nhưng sau sự bất ngờ ấy, tôi chuyển sang cảm giác thích thú và tiếp đó là biết ơn Thầy/Cô đã ra đã ra câu đề thi.

Một câu đề thi mà tôi nghĩ đòi hỏi rất nhiều về sự dũng cảm của người ra đề khi hướng cho học sinh tư duy sâu hơn về trải nghiệm sống cũng như tìm ra thông điệp cho tuổi trẻ trong thế giới hiện đại.

Một đề thi không giới hạn suy nghĩ, khiến cho học sinh có thể thoải mái chia sẻ quan điểm của mình mà thế hệ 8x đời đầu của tôi ngày xưa chỉ mong ước thôi chứ chưa bao giờ có cơ hội làm được một đề bài như thế! Tôi cũng mong có dịp sẽ đọc được bài thi đạt giải cao nhất trong kỳ thi vừa qua. Ít nhất cũng là có cơ hội được chia sẻ sự đồng cảm của mình về một câu chuyện tuổi trẻ với người làm bài thi”.

Nguyễn Phong Việt được đánh giá là nhà thơ best seller kể từ khi tập thơ Đi qua thương nhớ của anh ra mắt lần đầu tiên năm 2012 đã lập tức "cháy hàng" và liên tục tái bản. Từ đó đến nay, mỗi năm anh đều đặn cho ra đời một tập thơ mới để thỏa lòng mong đợi độc giả hâm mộ mình. 

Bạn đọc có thể thưởng thức nguyên văn bài thơ dưới đây:

Mình sẽ đi qua hết núi đồi…

Mình sẽ đi qua hết núi đồi
để nhìn thấy cuộc đời còn nhiều lắm những niềm vui…

Mình sẽ đi lúc vai gầy nhưng gió lộng chẳng thể làm mình ngại xa xôi
thấy mây trời bình yên qua khoảng rừng vắng
bước chân rời khỏi phố đông cho lòng mình phẳng lặng
tựa như một giọt nước mắt
rơi nhưng có người nâng niu…

Mình sẽ đi lúc nắng tắt qua chiều
ngồi trên bậu cửa xa và nhìn về miền quê xa thẳm
mình đã lớn lên ở một nơi rồi từ đó đi tìm nguồn vui sống
đôi khi lại thèm một chiều ngồi hong tóc
tiếng mẹ cười giòn tan…

Mình sẽ đi lúc biển động mà trái tim đập nhịp ngang tàng
biết là có thể đau nhưng cuộc đời thật ra cần khốn khó
trưởng thành không phải cố gắng tìm bình yên, chỉ là khi đối đầu với sóng gió
mình vẫn lặng lẽ
giữ chặt lấy niềm tin…

Mình sẽ đi lúc có thể chẳng ai ngoái theo nhìn
nỗi yên tâm dù thế nào cũng còn một nơi quay về khi chồn chân mỏi gối
thường sẽ làm cho đường xa bỗng có thêm nhiều lối
và lòng người dễ thay đổi
khi nhìn thấy hoàng hôn…Mình sẽ đi lúc mình còn có cả một tuổi trẻ cần lấm láp bụi đường…

Suy nghĩ từ đề thi môn văn về Chi Pu

Suy nghĩ từ đề thi môn văn về Chi Pu

Đề thi học môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 10 yêu cầu học sinh: “Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV "Từ hôm nay" đã gây ồn ào trên mặt báo và Facebook trong những ngày vừa qua.

Văn Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm