Chuyện cây gạo bất tử

01/06/2015 19:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Người dân làng Đông Cao (xã Yên Lộc, Ý Yên, Nam Định) đã hoàn toàn thất vọng khi các chuyên gia đầu ngành của Viện Lâm nghiệp Việt Nam thông báo về tình hình sâu bệnh của hai cây gạo gắn bó với dân làng hàng thế kỷ. Nhưng, hai cây gạo mang bao ký ức của dân làng đã không “chết” mà đã hóa thân thành các tác phẩm điêu khắc đặc sắc gửi gắm những thân phận, những chuyện làng và cả tình cảm người dân làng Đông Cao dành cho hai cây gạo cổ thụ.

Triển lãm “Sự tái sinh cây gạo” khai mạc 10 giờ 30 phút sáng nay (1/6 và kéo dài trong 1 tuần) tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Khi biểu tượng.... chết!

Các bậc cao niên ở thôn Đông Cao đều không biết hai cây gạo cổ thụ trong thôn có từ bao giờ. Các cụ chỉ biết rằng, từ tấm bé, các cụ đã thấy hai cây gạo mấy người ôm đã sừng sững trước cửa chùa đầu thôn.

Các cụ cho hay, hai cây gạo như cổng làng của thôn Đông Cao. Chúng lưu giữ bao cuộc chia ly, bao phút mừng mừng tủi tủi ngày hội ngộ sau những cuộc chiến chinh. “Những ký ức, thân phận người Đông Cao đã gắn với hai cây gạo trăm tuổi. Chúng như mảnh hồn làng, như biểu tượng phảng phất mà người Đông Cao luôn nhớ về mỗi khi xa xứ” – Anh Ngô Văn Khánh, người thôn Đông Cao chia sẻ.

Năm 2010, một cây gạo héo khô, có dấu hiệu sâu bệnh. Dân làng Đông Cao lo lắng, tìm mọi cách cứu chữa “mảnh hồn làng”. Lời kêu cứu của người dân Đông Cao được chuyển tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Bộ trưởng chỉ thị Viện Lâm nghiệp Việt Nam lập tức cử những chuyên gia đầu ngành đến nghiên cứu tìm cách cứu chữa cây gạo.


Tác phẩm Mạch sống của NĐK Trần Văn An.

Chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu người Úc, TS. Arbor Carbon Paul Barber cũng được mời sang để phối hợp cứu chữa. Qua tìm hiểu, các chuyên gia nhận định, cây bị sâu đục thân quá nặng, đang chết từ trong và có những tổn thương không thể phục hồi. Không bỏ cuộc, các chuyên gia tiếp tục chiến đấu chống sâu bệnh.

Sau thời gian dài bơm thuốc cứu chữa, cây gạo cổ thụ không thể qua khỏi. Cây gạo còn lại một năm sau cũng chết theo. Người dân Đông Cao ngậm ngùi hạ “xác” cây thiêng mang bao ký ức của làng.

“Phép màu nghệ thuật”

Thất bại trong việc cứu chữa cây bằng các phương pháp khoa học, TS Paul muốn “tái sinh” hai cây gạo thành biểu tượng bất tử về tình cảm giữa con người và thiên nhiên. Ông cùng các chuyên gia lâm nghiệp mời các nghệ sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội thực hiện trại sáng tác gỗ với chủ đề “Tái sinh”.

Đặc biệt, vật liệu để tạo tác các tác phẩm đều từ gỗ của hai cây gạo già thôn Đông Cao. “Cây gạo đầu làng Đông Cao là hình ảnh gắn bó mật thiết bao đời với mỗi người dân nơi đây. Khi cây gạo bị sâu bệnh người dân hết sức lo lắng tìm cách cứu chữa; khi cây gạo chết đi, cả làng đều tiếc thương. Vì vậy, việc biến thân cây gạo – biểu tượng của làng thành những tác phẩm nghệ thuật, trao cho cây gạo một đời sống khác được dân làng Đông Cao nhiệt tình hưởng ứng”. – Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Cục Mỹ thuật, Nhiếp Ảnh và Triển lãm chia sẻ.

Ý tưởng của dự án cũng được hưởng ứng bởi 15 nhà điêu khắc. Sau 3 tuần, cưa, đục bằng tay dưới cái nắng hè kỷ lục, các nghệ sĩ đã hoàn thành các tác phẩm mang những giá trị đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt trưng bày trong một triển lãm hiện đại từ gỗ những cây gạo già cỗi.

Có mặt ở triển lãm, anh Ngô Văn Khánh chia sẻ: Mới đầu, nghe ý tưởng “tái sinh” cây gạo đã chết khi khoa học “bó tay”, dân làng tưởng các nghệ sĩ sẽ làm một điều kỳ bí nào đó. Nhưng lúc nhìn các tác phẩm ở đây, tôi hiểu rằng phép màu nghệ thuật đã biến cây gạo Đông Cao trở nên bất tử.

Một số tác phẩm trong triển lãm "Sự tái sinh cây gạo":


Tác phẩm Bình minh của NĐK Đỗ Bá Quang.



Tác phẩm Chuyện quê của NĐK Kù Kao Khải.


Tác phẩm Hoa sen của NĐK Nguyễn Văn Đức.


Tác phẩm Phục sinh kỳ diệu của NĐK Phạm Hoàng Vân.

Tác phẩm Chồi của NĐK Vũ Hữu Nhung.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm