Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Đồ án này là khả thi”

03/06/2010 10:23 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bên lề Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trao đổi với các phóng viên về Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

* Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội hiện nay thu ngân sách chỉ có 72 nghìn tỷ (tương đương với 4 tỷ USD), nhưng đồ án đòi hỏi 90 tỷ USD. Trong khi đất nước còn nhiều dự án khác nữa phải triển khai, vậy Hà Nội dự tính sẽ huy động nguồn vốn từ đâu?

- Đấy chính là vấn đề khiến chúng tôi quan ngại. Quy hoạch đây là để cho đến 2030, tầm nhìn 2050, phân lộ trình ra để chúng ta thực thi. Tôi có suy nghĩ là với sự phát triển kinh tế của đất nước ta, và với cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, kể cả ở trong nước và ngoài nước, thì chúng ta có thể làm được.

* Cử tri nói rằng, họ rất sợ những đồ án mà quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, ông nghĩ sao về lo ngại trên?

- Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội được quyết định từ năm 1998. Theo như quy chế quản lý về quy hoạch thì 5 năm điều chỉnh một lần. Từ đó đến nay chúng ta chưa điều chỉnh quy hoạch chung toàn bộ của Hà Nội mà chỉ điều chỉnh cục bộ. Khi Hà Nội mở rộng, phải tập trung việc cần thiết là tiến hành xây dựng quy hoạch chung chứ không phải theo nhiệm kỳ. Kể cả cuối nhiệm kỳ hay đầu nhiệm kỳ cũng đều là như thế hết. Đây là cơ hội để chúng ta xây dựng quy hoạch chung hướng tới xây dựng thủ đô như mong muốn.

* Ông thấy thế nào, khi đồ án quy hoạch chung chưa được Thủ tướng phê duyệt, nhưng giá đất tại Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai lên rất cao?

- Đó là tác động của quy luật thị trường một cách rất tự nhiên. Diễn biến của bất động sản, khi lạm phát giá bị xuống, khắc phục lạm phát giá bất động sản lại quay lại. Khi chúng ta xây dựng quy hoạch chung, những vùng được quy hoạch giá biến động rất nhanh. Cùng với đó, nhu cầu nhà ở và có thể nhu cầu về các trung tâm công cộng, dịch vụ, thương mại, khách sạn vẫn đang rất cần với Hà Nội. Khi cung không đáp ứng được cầu thì giá lên.

Bản thân quy hoạch đưa ra hình ảnh, định hướng, những hệ thống kết cấu hạ tầng rồi các điều kiện môi trường sống rất hiện đại, do nhu cầu người ta tìm đến những chỗ được quy hoạch đó để mua bán và giao dịch tự nhiên tăng lên dẫn đến biến động về giá cả.

* Chúng ta đặt ra kế hoạch hút dân ra, nhưng giá đất ở những nơi dự kiến lại tăng mạnh thế, liệu rằng dân có ra không? Các cơ quan chức năng chưa đưa ra giải pháp?

- Qua kiểm tra, kiểm soát vừa rồi, phần lớn những giao dịch mua bán đất đai ở những vùng quy hoạch kia là những giao dịch có tính chất “cầu giả”, tức là đầu cơ tích trữ. Thậm chí còn có hiện tượng người dân đặt những giao dịch giả để “mồi” kích giá lên.

Chính những biện pháp kiểm soát hiện nay chúng tôi đề xuất phải sớm hoàn thiện quy hoạch này để phê duyệt. Thứ hai, phải thông tin rất rõ ràng về quy hoạch để người dân và những doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết rõ về quy hoạch. Biết rõ quy hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch là biện pháp để ổn định được giá cả.

* Nhiều người hoài nghi về việc kéo 40 vạn dân ra khỏi khu vực nội thành hiện nay?

- Trước tiên về định lượng thì phải tổ chức đô thị mới bên ngoài để có sức hấp dẫn, đủ điều kiện để kéo 40 vạn dân ra, giải pháp tiếp theo là phải giảm mật độ nội đô ra bằng cách kéo giãn ra những cơ quan của Trung ương, Chính phủ, trường đại học, phấn đấu giảm đô thị lõi xuống chỉ còn gần 1 triệu người.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm