Chen vai “phúng” vàng đúc tượng Thánh Gióng

27/10/2009 11:09 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, nhằm đúng vào ngày trùng cửu 9 giờ 9 phút 9 giây ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu (tức 26-10-2009), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành phố Hà Nội đã đổ “thớt” đồng đầu tiên Tượng đài Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Đúc tượng Thánh Gióng khó hơn nhiều

Đây là công trình văn hóa tâm linh trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nguyên liệu để đúc tượng gồm 77 tấn đồng, 4 tấn thiếc và 4 tấn chì. Khi hoàn thành và qua chế tác, dự kiến khối lượng của bức tượng sẽ khoảng 75 tấn, cao 11m07, độ vươn ra là 16m sẽ được đặt tại đỉnh núi Đá Chồng.


Một bà cụ già yếu nhờ người tháo nhẫn vàng để đóng góp công đức

Tượng đài (mẫu tượng của nhà điêu khắc Kim Xuân) mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA là nhà thầu thi móng bệ tượng. Tổng dự toán công trình (giai đoạn thực hiện) vào khoảng 50 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng khoảng 25 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thực hiện dự án thì phấn đấu rước tượng trước ngày mùng 6/1/2010 và đến quý 1 – 2 năm 2010 tượng đồng Phù Đổng Thiên Vương sẽ được làm nguội, đến tháng 9 sẽ hoàn thành trước khi diễn ra Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội vào tháng 10/2010.

Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn (đã tham gia đúc thành công pho tượng Phật tổ bằng đồng tại chùa Non), trực tiếp đúc tượng đồng Thánh Gióng cho biết: “Đúc tượng Thánh Gióng khó hơn nhiều so với đúc tượng thông thường. Vì tượng Thánh Gióng ở thế bay, với góc nghiêng
350 nên việc tính toán kết cấu, chịu lực phải thật chính xác và khoa học. Mặt khác, do bức tượng được đặt trên đỉnh núi cao nên chịu tác động rất lớn của gió, bão. Do đó, cần phải bảo đảm độ an toàn cũng như tính bền vững của bức tượng.


Rất đông du khách đã đóng góp công đức rất trật tự
phía ngoài khu đúc tượng Thánh Gióng


Nô nức thả vàng vào miệng khuôn

Thường thì khi có một sự kiện đúc chuông, đúc tượng liên quan đến văn hóa tâm linh nhiều người lại háo hức kéo đến địa điểm đặt khuôn đúc thể hiện lòng thành kính của mình bằng cách tự tay phúng vàng, bạc vào miệng khuôn đúc. Tại lễ đúc tượng Đức thành Phù Đổng Thiên Vương diễn ra ngày hôm qua 26/10 cũng vậy.

Sau hồi trống dài của lãnh đạo TP.HN lệnh cho bắt đầu đổ mẻ đồng nóng chảy đầu tiên vào khuôn đúc, đã có hàng trăm người dân sở tại cũng như du khách thập phương đổ dồn về phía hàng rào thép kiên cố được bao kín khu đặt khuôn và nồi nấu đồng. Cảnh tượng chen lấn đã diễn ra. Nhiều du khách “hừng hực khí thế” tưởng như muốn “xé rào” lấn tới để “mục sở thị” cận cảnh các nghệ nhân rót đồng vào khuôn nên khiến cho lực lượng bảo vệ phải rất vất vả.


Chen nhau lên dàn giáo để phúng vàng

Ở ngoài hàng rào thép, Học viện Phật giáo Việt Nam kê đến hai dãy bàn dài để cho du khách đóng góp công đức cho việc đúc tượng. Tuy nhiên, dường như kiểu thể hiện lòng thành gián tiếp như vậy vẫn chưa làm thỏa mãn một số du khách nên họ đã cởi nhẫn, tháo vòng giơ lên cao, đồng thời nói oang oang với lực lượng bảo vệ hàng rào như: “Cho tôi vào với. Thả cho Đức thánh chỗ vàng, bạc này xong là tôi ra ngay!” Một số người bị lực lượng bảo vệ kiên quyết gạt ra thì tìm cách gửi vàng qua khe rào, nhờ người leo lên thả giúp vào miệng khuôn .

Sau khi mẻ đồng đầu tiên được rót vào khuôn xong, trong lúc chờ đợi mẻ đồng tiếp theo chín, lực lượng bảo vệ có vẻ ‘thoáng hơn” khi thi thoảng lại cho một tốp người vào khu vực đúc tượng để xem. Tuy vậy, người xem thì ít mà hiện tượng mạnh ai người ấy leo lên dàn giáo, khỏe ai người ấy trèo lên cốt khuôn, không cần quan tâm đến lời cảnh báo nguy hiểm của nhóm nghệ nhân cũng như lực lượng bảo vệ để bỏ vàng vào miệng khuôn đúc.

Sự quan tâm ủng hộ của những người có thiện tâm bằng vật chất hay tinh thần đối với công việc đúc tượng đài Thánh Gióng đều là rất đáng quý. Mong rằng du khách thập phương hãy thể hiện lòng thành của mình đúng theo hướng dẫn của Ban tổ chức để đảm bảo an toàn cho công việc đúc tượng đài.

Hoàng Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm