Chân dung Franklin Delano Roosevelt: Vị tổng thống đưa Mỹ vượt qua khủng hoảng tăm tối

31/08/2021 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – Đối mặt với Đại suy thoái và Thế chiến II, Franklin D. Roosevelt, hay có biệt danh là “FDR”, đã chèo chống nước Mỹ vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng lớn nhất ở nước ngoài. Nhiệm kỳ tổng thống của FDR là vô song – kéo dài tới 12 năm – không chỉ về chiều dài mà còn về phạm vi.

'Mẹ đẻ' vaccine AstraZeneca Sarah Gilbert: Nhà khoa học vì con người, xa lánh hào quang

'Mẹ đẻ' vaccine AstraZeneca Sarah Gilbert: Nhà khoa học vì con người, xa lánh hào quang

Sự cấp bách của Gilbert trong cuộc chiến chống “tử thần” Covid-19, thể hiện qua cách làm việc không mệt mỏi của bà.

FDR nhậm chức khi nước Mỹ đang sa lầy vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ và khủng khiếp, không chỉ khiến mất đi của cải vật chất và sức mạnh tinh thần mà còn ảnh hưởng nặng nề tới tương lai. Kết hợp giữa tự tin, lạc quan và hiểu biết chính trị - thể hiện rõ trong các chương trình thử nghiệm kinh tế và xã hội của Thỏa thuận mới – Roosevelt đã vực dậy lại cả một quốc gia.

Chú thích ảnh

Về đối ngoại, FDR cam kết đánh bại các cường quốc Phát-xít Đức, Nhật và Italy, đưa Mỹ và các đồng minh tới bờ vinh quang. Chiến thắng này đã thay đổi đáng kể mối quan hệ của Mỹ với thế giới, dẫn đường cho Mỹ tới vị trị nổi bật trên trường quốc tế, nếu không muốn nói là chiếm ưu thế. Nhờ sức mạnh chính trị và kinh tế mới tìm lại được, cũng như vai trò lãnh đạo về chính trị và đạo đức, Mỹ sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình thế kỷ XX.

Roosevelt cũng tạo nên cuộc cách mạng trong nước trên một số mặt trận. Về chính trị, FDR và Đảng Dân chủ đã xây dựng quyền lực nền tảng, đưa đảng lên tầm ý thức hệ, giữ vị trí thống trị cho tới cuối thập niên 1960. Về quản trị, các chính sách của FDR, đặc biệt là Thỏa thuận mới, giúp tái định hình và củng cố sức mạnh cả nhà nước Mỹ và đặc biệt là tổng thống, mở rộng quyền lực chính trị, hành chính và hiến pháp của văn phòng.

Quan tâm tới chính trị và chiến lược cá nhân

Chú thích ảnh

Franklin Delano Roosevelt sinh năm 1882 tại New York, con của James và Sara Roosevelt. James Roosevelt là một địa chủ và doanh nhân, nhưng không quá giàu. FDR lớn lên trong sự giám sát của mẹ - người vô cùng tận tụy với đứa con duy nhất của mình – cùng nhiều bảo mẫu. Năm lên 14, ông được bố mẹ gửi tới Trường Groton – một trường nội trú danh tiếng ở Massachusetts. Tại đây, FDR ngày một ngưỡng mộ người họ hàng xa của mình là Theodore Roosevelt – ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa. FDR học lên Đại học Harvard, nơi ông dành nhiều thời gian cho tờ báo trường hơn là việc học. Khi ở Harvard, FDR tuyên bố rõ ràng mình là người của Đảng Dân chủ và bắt đầu tán tỉnh người em họ xa Eleanor Roosevelt.

Franklin và Eleanor kết hôn ở New York năm 1905, vài tháng sau khi FDR bắt đầu học luật ở Columbia. Tuy nhiên, ông không mấy quan tâm tới ngành luật mà sớm chuyển sự chú ý sang chính trị. Ông tranh cử thành công vào Thượng viên New York năm 1910 và tái đắc cử năm 1912. Năm 1913, ông tham gia chính quyền Wilson với tư cách trợ lý Bộ trưởng Hải quân và đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho Mỹ tham gia thế chiến. FDR được ca ngợi hết lời vì nỗ lực của ông và các lãnh đạo Đảng Dân chủ sớm để mắt tới ông. Thật vậy, năm 1920, đảng chỉ định ông làm ứng viên phó tổng thống. Dù thua vào tay James Cox nhưng tương lai FDR rõ ràng rất rạng rỡ.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, bi kịch ập tới vào năm 1921. Roosevelt mắc bệnh bại liệt, một căn bệnh đáng sợ và gần như không thể chữa khỏi, khiến ông bị liệt hai chân. Chỉ bằng quá trình phục hồi gian khổ - với sự hỗ trợ của vợ con và bạn bè thân thiết – ông mới có thể lấy lại đôi chân của mình.

Vào những năm 1920, ông đầu tư một phần đáng kể tài sản cá nhân cho một spa ở Warm Spring, George, nơi có nước trị bệnh đã hỗ trợ quá trình phục hồi của ông. Trong những năm sau đó, ngôi nhà ông xây ở đó dược ví như “Nhà Trắng nhỏ”. Mặc dù bệnh bại liệt đã tàn phá FDR về mặt thể chất, nó chỉ khiến ý chí kiên cường của ông thêm mạnh mẽ. Eleanor nhớ về thời gian này: “Tôi biết ông ấy thật sự sợ hãi khi lần đầu ốm bệnh vậy, nhưng ông đã học cách vượt qua nó. Sau đó, tôi không bao giờ nghe thấy ông ấy nói rằng ông sợ thứ gì”.

Trở thành thống đốc và ứng viên tổng thống

FDR chính thức sốt sắng trở lại chính trường vào năm 1928 khi ông giành chức thống đốc New York. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào tháng 10/1929 là dấu hiệu báo trước về thời kỳ khó khăn sắp tới và thống đốc Roosevelt đã tập trung ngay vào việc chống khủng hoảng kinh tế ở bang. FDR đã thực hiện một số sáng kiến cứu trợ và phục hồi – bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu, giới hạn giờ làm việc và dự án những việc công khổng lồ - đưa ông trở thành nhà cải cách tự do. Những nỗ lực này giúp FDR tái đắc cử thống đốc năm 1930, một thành tích hiếm có giữa thời suy thoái.

Chú thích ảnh

Đến mùa bầu cử tổng thống năm 1932, Đại suy thoái chỉ trở nên tồi tệ hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm. Các đảng viên Dân chủ đã hướng sang FDR, một thống đốc hai nhiệm kỳ nổi tiếng và thành công với cái họ dễ nhận biết, để đấu với Tổng thống Hoover. Hứa hẹn một Thỏa thuận mới đưa FDR tới Nhà Trắng. Trong phát biểu nhậm chứng, Roosevelt mang lại hi vọng cho những người Mỹ tuyệt vọng khắp đất nước, đảm bảo với họ rằng “không có gì đáng sợ ngoài chính nỗi sợ”.

Chiến đấu chống Đại suy thoái

Thỏa thuận mới của tân Tổng thống Roosevelt đã đánh Đại suy thoái trên nhiều mặt trận. Trong “100 ngày đầu tiên” nổi tiếng của nhiệm kỳ, FDR thúc đẩy thông qua luật cải cách các lĩnh vực tài chính và ngân hàng, cố trị các vấn nạn trong nông nghiệp Mỹ và nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp Mỹ. Để chống lại khủng hoảng đói và nhu cầu bức thiết của người thất nghiệp cả nước, FDR cung cấp các chương trình cứu trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo và các chương trình việc làm. Roosevelt trấn an, trò chuyện với cả nước thông qua đài phát thanh để xoa dịu nỗi bất an.

Chú thích ảnh

Năm 1935, FDR thực hiện Thỏa thuận mới theo hướng tự do hơn, giám sát việc ban hành một số luật kinh tế và xã hội sâu rộng nhất trong lịch sử Mỹ. Đạo luật Wagner cho phép công đoàn tổ chức và thương lượng tập thể, mang lại cho họ tính hợp pháp mới. Đạo luật An sinh Xã hội thiết lập các chương trình được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người già, người nghèo và người thất nghiệp, thiết lập một mạng lưới phúc lợi xã hội, ít nhất về mặt lý thuyết, bao phủ toàn bộ người dân Mỹ. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, FDR và cố vấn của ông nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang nên kích thích nền kinh tế thông qua các chính sách chi tiêu của mình, một chiến lược sẽ có tác động trong 30 năm tới.

Tuy nhiên, tất cả những hành động này không thể kết thúc Đại suy thoái. Chỉ có sự huy động của Mỹ vào chiến tranh đầu thập niên 1940 mới giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ. Nhưng FDR đã làm được nhiều điều để định hình lại Mỹ. Với Roosevelt là ứng cử tổng thống, Đảng Dân chủ một lần nữa chiến thắng vào năm 1936, báo hiệu sự khởi đầu của 30 năm thống trị chính trị, kéo dài rất lâu sau cả cái chết của FDR. Với FDR trong Nhà Trắng, chính phủ liên bang đóng vai trò to lớn chưa từng có trong việc quản lý nền kinh tế Mỹ, bảo vệ phúc lợi của người dân. Nói tóm lại, FDR chính là người giám sát những biến chuyển lớn và quan trọng trong chính trị và quản trị Mỹ, giúp định hình đời sống Mỹ trong phần lớn thế kỷ XX.

Thế chiến II

Ngoài thay đổi đời sống trong nước, Roosevelt còn vĩnh viễn thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới. Bị chấn động trong những năm 1930 bởi khủng hoảng kinh tế trong nước và khối cô lập mạnh trong Quốc hội, FDR chỉ tạm thời đối đầu với Đức và Nhật Bản khi hai cường quốc này tìm cách thiết lập quyền thống trị ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, Roosevelt đã mở lượng cứu trợ lớn cho Anh khi nước này chống lại các cuộc tấn công dữ dội của Đức Quốc xã vào năm 1940 và 1941. Hợp tác với các phe đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương, FDR cũng cố gắng ngăn cản mối đe dọa từ Nhật Bản.

Chú thích ảnh

Cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941 chính thức đưa Mỹ tới Thế chiến II. FDR chứng tỏ là một nhà cầm quân tài năng trong chiến tranh và tới năm 1943, đã cùng đồng minh lật ngược tình thế chống Đức và Nhật Bản. Nhưng Roosevelt không còn sống để chứng kiến chiến tranh kết thúc. Tháng 4/1945, chỉ vài tuần trước khi Đức đầu hàng, ông gục ngã và chết vì xuất huyết não.

Dưới sự lãnh đạo của Roosevelt, nước Mỹ nổi lên từ Thế chiến II là cường quốc kinh tế, chính trị và quân đội hàng đầu. Đóng góp của FDR cho cuộc sống trong nước suốt các nhiệm kỳ Tổng thống của ông cũng quan trọng không kém. Dù Thỏa thuận mới không chấm dứt Đại suy thoái, sự lãnh đạo của Roosevelt cho người Mỹ hi vọng và niềm tin giữa thời khắc tăm tối nhất và về cơ bản định hình mối quan hệ giữa liên bang chính phủ và người dân.

FDR thống trị chính trị Mỹ tới mức một tay đưa Đảng Dân chủ lên vị trí cầm quyền trong một thời gian dài. Trong nhiệm kỳ của mình, FDR đã nâng cả vị thế và quyền lực tổng thống Mỹ lên một tầm cao chưa từng có. Có thể nói, rộng hơn, Thỏa thuận mới của ông, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa quốc gia.

Chú thích ảnh

  Thư Vĩ (Theo Miller Center)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm