Câu chuyện bức ảnh “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập”

28/04/2015 08:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/3/2015 có một cuộc hội ngộ giữa tác giả và những nhân vật trong bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập - bức ảnh nổi tiếng được nhiều người biết đến khi nói đến sự kiện ngày 30/4/1975...

Mãi cho đến ngày 8/3/2015, ông Trần Mai Hưởng - tác giả bức ảnh  Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập mới được bắt tay 3 chiến sĩ xe tăng 846 trong ảnh của mình tại nhà trưởng xe Nguyễn Quang Hòa số 19, ngõ 23, Chợ Đình, tổ dân phố 3, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.

Cuộc hội ngộ sau 40 năm

Năm ngoái, nhà báo Trần Mai Hưởng có địa chỉ ông Hòa là do ông Nguyễn Văn Bình, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn thiết giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, quê ở Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cho số điện thoại. Hôm 8/3/2015, ông cũng có mặt tại đây. Người trưởng xe trước kia lại làm trách nhiệm chỉ huy, nhắn gọi các đồng đội đến nhà để “ôn cũ, biết mới” và gặp nhà báo chưa biết mặt đã chụp ảnh xe tăng mình tiến vào Dinh Tổng thống Sài Gòn năm xưa.

Nhà báo Trần Mai Hưởng (hàng sau) và 3 chiến sĩ xe tăng 846 năm xưa. Ảnh: Chu Chí Thành

Nguyễn Bá Tứ ở 77, ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội đến sớm nhất. Ông nguyên là pháo thủ số 2, cách đây 3 năm bị mổ thanh quản, không nói được, trao đổi với ai đều phải viết ra giấy. Sau xuất ngũ, ông Tứ làm nghề lái xe nuôi 3 con, 2 cháu đầu bị di chứng chất độc da cam khiến trí não kém phát triển.

Còn người lái chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập ngày ấy là Trần Bình Yên, ở xóm 7, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ra quân năm 1980, về nhà ông vui thú với ruộng vườn. Hôm nay, ông đưa cậu con trai út lên để chào các bác và thanh minh vì bận bịu mùa màng không dứt ra được nên 40 năm rồi nay mới gặp lại đồng đội. Duy có pháo thủ số 1 tên là Quý ở Hải phòng, lâu ngày chưa liên lạc được.

Mười năm trước, vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng Miền Nam, ông Tứ đưa gia đình vào thăm TP.HCM. Tại phòng trưng bày hiện vật và hình ảnh của Dinh Thống Nhất, ông Tứ thấy bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập, bỗng hồi hộp nhận ra mình đứng trong tháp xe tăng, và thốt lên với cô thuyết minh: “Chiếc xe tăng ấy là của tôi!”. Sung sướng đến nghẹt thở, ông liền gọi điện ngay cho ông Hòa: “Anh Hòa ơi, có ảnh xe tăng mình treo trong Bảo tàng Dinh Thống Nhất. Đúng lúc em đứng trong tháp pháo ló đầu ra ở ngay cổng sắt”.

Giờ đây ông Nguyễn Quang Hòa vẫn còn nhớ như in cuộc điện thoại bất ngờ đó và càng nhớ hơn cái giọng nói reo vui của Tứ lúc ấy, nhưng lại đau xót cho bạn của mình, vì hiện nay Tứ không nói được nữa!

Ông Tứ hôm 8/3 rất vui, nét mặt rạng lên khi bắt tay từng người. Vui nhất là ông được cầm tay nhà báo Trần Mai Hưởng, người đã chụp được ảnh mình cùng xe tăng đúng giờ phút lịch sử. Trước đông đủ mọi người, ông Hòa kể: “Xe 390 và 843 vào trước, xe chúng tôi vào sau, trong sân có tất cả 7 xe .Chúng tôi ở đó đến chiều rồi rút khỏi Dinh. Không có lệnh nào điều động xe của tôi tham gia quay phim, chụp ảnh cả”.

Cuộc hội ngộ này còn có nhóm phóng viên mũi nhọn đi cùng lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập như: Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, là hai phóng viên ảnh TTXVN, Mạnh Hùng phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Tại đây, nhà báo Trần Mai Hưởng và ông Phạm Đình Quyền, thay mặt Ban biên tập Ảnh TTXVN, đã tặng cho 3 chiến sĩ mỗi người 1 bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập, một kỷ niệm vô giá của người lính trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.


Bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng

Giá trị đích thực của bức ảnh

Chúng ta cảm ơn nữ phóng viên người Pháp, bà Francoise De mulder đã chụp được chiếc xe tăng đầu tiên chồm lên cánh cửa sắt và cảnh đoàn quân tập kết tại Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975. Đây là phóng sự ảnh rất giá trị.

Tuy nhiên, bức ảnh Xe tăng tiến vào Dinh do bà chụp trực diện, ống kính hất từ dưới lên, chỉ cho thấy một phần hai bánh xích trước và nòng pháo, bên trái có một xe tăng nữa. Theo bà kể thì xe bên trái (843) húc 3 lần vào cửa phụ, cánh cửa bung ra, xe bị kẹt lại, sau đó xe 390 lao lên vào cổng chính. Thế là bà bấm máy, ống kính của bà thu được cả hai xe. Nhưng rất tiếc, trong ảnh ấy, bộ đội không rõ, cờ bị khuất, cũng không thấy số xe. Những chi tiết này, nhất là xe số 390 và 843 phải chụp tiếp ngay sau khi đội xe tăng đã ở trong sân, rồi bà phải viết bài và chú thích ảnh bổ sung cho đầy đủ. Đó là cách làm phóng sự tinh tế, hợp lý của nữ phóng viên thông minh và quả cảm này.

Ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập của nhà báo Pháp Francoise De mulder

Ngay từ những năm trước, các báo của ta và Hội Nghệ sĩ Nghiếp ảnh Việt Nam đã tập hợp nhiều ảnh về sự kiện 30/4/1975 để tìm ra những ảnh hay nhất, cuối cùng đa số vẫn thừa nhận bức ảnh Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng là trọn vẹn hơn cả. Trọn vẹn ở chỗ, trong ảnh có chiếc xe tăng cắm cờ Giải phóng, có pháo thủ đứng trong xe ngẩng đầu trên tháp pháo, có bộ binh ngồi bên thành xe, có bối cảnh là cánh cửa sắt, và bóng nắng buổi trưa đổ tròn trên sân…

Ngần ấy chi tiết hội tụ trong một bức ảnh nói được rõ ràng một tình huống mau lẹ, bất ngờ, một địa điểm quan trọng, một thời khắc hiếm hoi của lịch sử chiến tranh. Đây là chiếc xe hiên ngang hành tiến trong tư thế chiến thắng. Thế là đủ hoành tráng cho một dấu ấn chiến công rực rỡ có một không hai.

Điều lý tưởng là chụp được chiếc xe tăng “đi đầu” mà ta ước ao đã được nữ phóng viên Pháp chụp, nhưng như đã nói, ngôn ngữ hình ảnh trong bức ảnh này còn ít những chi tiết cần thiết. Những gì mà ở góc chụp của Trần Mai Hưởng khá đủ thì trong ảnh của Francoise De mulder không có. Hơn nữa, bức ảnh ấy của Francoise De mulder bị mờ nhòa, không sắc nét.

Chụp ảnh chiến sự ai dám nói trước điều gì, giỏi mấy mà lỡ thời cơ, lỡ góc chụp cũng đành chịu. Bởi vậy, những phóng viên ảnh cùng trên một xe com-măng-ca với Trần Mai Hưởng, cùng nhảy xuống sân Dinh lúc ấy như: Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Kiểm và các phóng viên ảnh kỳ cựu như Lâm Hồng Long, Văn Bảo, rồi bạn cùng lứa như Ngọc Đản, Hoàng Thiểm v.v… mỗi người chỉ được một vài ảnh sáng giá trong chuỗi sự kiện này mà thôi. Vì họ hiểu rằng: Giá trị đích thực của  ảnh chỉ đến với người cầm máy ở giây phút xuất thần điển hình nhất trong quá trình săn đuổi sự kiện. Giây phút đó đã đến với Trần Mai Hưởng.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên là phóng viên chiến trường của TTXVN (phóng viên tin, không phải phóng viên chuyên về ảnh); ông từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc TTXVN và nay đã về hưu, sống tại Hà Nội.


Chu Chí Thành

(Nguyên phóng viên ảnh chiến trường, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm