Các tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại nặng nề vì mưa lũ

07/07/2009 08:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 6/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1105/CĐ-TTg điện UBND các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc; các Bộ GTVT, Quốc phòng, Công an, Công Thương, NN&PTNT, VHTT&DL, Tài nguyên và Môi trường, TT&TT, Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH, KH&ĐT, Tài chính… nêu rõ: “Liên tục trong các ngày qua, mưa lũ đã làm ngập lụt trên diện rộng ở nhiều địa phương tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị thiệt hại.

Thiệt hại nặng nề

Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cần thiết để chủ động đối phó với tình hình diễn biến lũ trên các triền sông, lũ quét, sạt lở đất, tập trung huy động các lực lượng để sớm khắc phục hậu quả, trước mắt huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc thông suốt; làm tốt công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh; chăm lo hỗ trợ các gia đình bị nạn; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai. Các Bộ ngành theo dõi sát tình hình mưa lũ thiên tai còn tiếp tục diễn biến khó lường, có biện pháp giúp các địa phương chống lũ và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn cử đoàn công tác đi các địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lũ để chỉ đạo, phối hợp trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả; đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp hỗ trợ cần thiết để nhân dân vùng bị mưa lũ sớm trở lại sinh hoạt bình thường.

Đợt mưa lớn từ ngày 4 đến 6/7, trên địa bàn Hà Giang đã làm chết 7 người là ông Lèng Sào Vủi, người Nùng ở thôn Xếp, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì; 2 chị em cháu gái người Mông là Giàng Thị Chính, 18 tuổi và cháu Giàng Thị Xê 15 tuổi ở xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì; bà Giàng Thị Mỷ người Mông ở bản Kẹp A, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê; anh Đặng Văn Xiên, 30 tuổi, người Dao ở bản Lùng Chang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên và 2 cháu nhỏ người Dao là Đặng Thị Trang, 7 tuổi và Đặng Văn Đông, 5 tuổi ở thôn Nậm An, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên. Trong số 7 người bị lũ cuốn trôi đã tìm thấy thi thể 5 người, còn 2 cháu là Đăng Văn Đông và Đặng thi Trang đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Mưa to đã làm nước các sông, suối dâng nhanh gây ngập úng cục bộ nhiều vùng ven sông Gâm và Sông Lô. Huyện Bắc Mê có 4 xã bị ảnh hưởng nặng. Cầu cứng Nậm Vàng, thuộc xã Đường Âm (huyện Bắc Mê) đã bị nước cuốn trôi toàn bộ. Theo ước tính, đến chiều 6/7, thiệt hại về tài sản, hoa màu do đợt mưa lũ những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã lên đến trên 16 tỷ đồng....

Đường đi của cơn lũ ống tại thôn Nà Bẻ, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nậm, Bắc Kạn


Tại Tuyên Quang, tuyến giao thông huyện vùng cao Nà Hang có một số đoạn bị sạt lở ta luy, trong đó tại Km 10 thuộc thị trấn Nà Hang bị ách tắc giao thông. 1,2 tấn mạ vừa gieo và 128,1 ha lúa mới cấy thuộc các huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa cũng bị ngập úng.

Tính đến ngày 6/7, tại huyện Mường La (Sơn La) có thêm 1 người mất tích và 1 người bị thương do mưa lũ gây ra. Huyện Mường La là địa phương duy nhất có thiệt hại về người: 1 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương. Tại khu vực cầu tràn Ít Piệng, xã Nậm Păm, lũ quét tràn về làm 1 người chết khi đang đi trên đường. Nạn nhân là Nguyễn Văn Công (30 tuổi), công tác tại Công ty Sông Đà 7.2, khi đang đi xe máy từ xã Ngọc Chiến ra thị trấn Mường La, đến cầu tràn Ít Piệng, do nước dâng cao và chảy xiết đã bị lũ cuốn trôi.

Tại Điện Biên, do mưa lớn và kéo dại từ ngày 3/7 nên tình trạng sạt lở xẩy ra ở nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 6, 12 và 279 đã làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại các tuyến đường này. Cá biệt, tại huyện Tuần Giáo và Mường Ảng sạt lở đã làm ách tắc giao thông, gây biệt lập ở một số xã như Mường Báng, Mường Đun, Nậm Lịch, Mường Lạn, Ngối Cáy, Tả Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải... Cũng do mưa lớn gây ra, nhiều ha lúa, hoa màu, ao cá của người dân đã bị ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp. Tại huyện Tủa Chùa và Mường Lay có ít nhất 7 gia đình đã phải di dời khẩn cấp để tránh hậu quả đáng tiếc do sạt lở đất đá gây ra...

Tại Yên Bái, đến 8 giờ sáng 6/7, trên quốc lộ 32 đoạn từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải có hơn 40 điểm sạt lở với chừng 20.000 m3 đất đá, gây ách tắc giao thông; các điểm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Zé Su Phình, Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải bị sạt lở nặng, làm ách tắc giao thông toàn tuyến.

Trong khi đó tại Lai Châu, toàn bộ các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại ước tính 81 tỷ đồng, nặng nhất là tại các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên và Tam Đường. Đã có 7 người bị thiệt mạng, 3 cây cầu bị phá huỷ, tuyến tỉnh lộ 127 từ ngã ba Lai Hà đi huyện Mường Tè bị hư hỏng nghiêm trọng làm địa phương này bị cô lập với bên ngoài từ 2 ngày qua.

Bàng hoàng nơi lũ ống

Theo ghi nhận của PV TT&VH tại rốn lũ huyện Pác Nậm, Bắc Kạn, đến ngày 6- 7, trên địa bàn huyện có 13 người chết, 10 người mất tích, 2 người làm nương hiện chưa tìm thấy. Thiệt hại về tài sản vẫn chưa thể thống kê được, nhưng ban đầu xác định, có 16 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi hoàn toàn, 34 ngôi nhà bị ta luy sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Buổi trưa ngày 6/7, thôn Nà Bẻ (xã Nhạn Môn), người dân trong thôn vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì cơn lũ dữ. Những tiếng khóc đau thương ai oán đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Nà Bẻ là nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Những người già cho rằng cả trăm năm nay chưa từng có cơn lũ ống nào như vậy đã bất ngờ tràn qua thôn từ trên núi nằm ngay sau lưng thôn, cuốn trôi 4 mạng người trong đó 3 người đã chết, 1 người bị thương nặng, làm nhiều người khác bị thương và cuốn trôi 5 ngôi nhà. Đáng thương nhất trong số 3 người chết có 1 gia đình đã mất 2 người gồm bố chồng (ông Chu Văn Tốc, 57 tuổi) và con dâu. Bà Nông Thị Đế (người thôn Nà Bẻ, xã Nhạn Môn), người may nắm sống sót khi đã bị cơn lũ cuốn trôi, gương mặt bầm dập, vẫn chưa hoàn hồn, cho hay: “Khi vừa ăn cơm trưa xong, cơn lũ bất ngờ tràn qua khiến mọi người không ai kịp trở tay. Lúc đó tôi đang xuống chuồng, dắt bò ra để đi chăn thì dòng nước ập đến. Tôi bị nước cuốn trôi xa ra ngoài khu ruộng cách nhà đến hơn 100m. May mắn làm sao khi lúc đó tôi kịp bám được vào bờ ruộng và gào thét lên để chồng đến cứu kịp thời”.

Đến sáng sớm 6/7, lực lượng cứu hộ huyện Pác Nặm mới đào bới được 4 thi thể, hiện còn 9 thi thể vẫn đang nằm dưới đống đổ nát tại thôn Khên Lền xã Công Bằng. Mưa lớn còn vùi lấp hoàn toàn 21 nhà dân tại 2 xã Nhạn Môn và Công Bằng; 35 nhà tại các xã Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Công Bằng bị sạt tà luy dương; 88 hộ ven sống Năng vẫn ngập chìm trong nước. Giao thông đến 10/10 xã đều bị ách tắc do đất vùi lấp nền đường hoặc đoạn đường bị lũ cuốn trôi, điện lưới và điện thoại cũng mất suốt ngày mùng 4 và 5/7, đến sáng 6/7 mới khắc phục ổn định tại khu vực trung tâm huyện Pác Nặm.

Nhóm phóng viên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm