Bao giờ thượng nguồn sông Sài Gòn thoát cảnh bị 'bức tử'?

12/12/2015 14:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm nay, khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn (đoạn giáp ranh giữa 3 tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh) đang bị bức tử từng ngày bởi hoạt động xả thải trực tiếp của nhà máy chế biến "đóng chân" trên địa bàn. 

Từ chân cầu Sài Gòn, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, ngược dòng lên chưa đầy 1km, không khó để nhận thấy sự khác biệt của đoạn sông này. Mùi hôi thối bốc lên, nước sông có chỗ vì quá ô nhiễm nên chuyển thành màu nâu đục, đặc quánh. Xuôi theo dòng sông xuống địa bàn xã Tân Hiệp, dòng nước chuyển sang màu xanh đục như bị đổ phẩm màu và bốc mùi khó chịu. 


Dòng nước chuyển màu xanh đục. Ảnh: TTXVN

Những màu sắc vốn dĩ bất thường nay đã trở thành quen thuộc với những người dân làm nghề chài lưới qua đoạn sông này. Mặt sông Sài Gòn ở khu vực thượng nguồn, đoạn từ chân cầu Sài Gòn thuộc xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, lên đến bến đò Cây Khế, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, từ nhiều tháng qua đã bị ô nhiễm. Dòng sông ngập ngụa trong váng xanh. 

Đưa tay sục vào lớp bùn đã chuyển sang màu xanh, anh Nguyễn Thanh Triều, ngư dân ở thượng nguồn sông Sài Gòn nói: Người dân sống bằng nghề chài lưới quanh năm lênh đênh trên mặt sông, mọi sinh hoạt tắm rửa giặt giũ đều nhờ vào nguồn nước này. Nhiều người khi tắm xong cũng bị ngứa ngáy, tay chân nổi mụn. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên là do 3 đường ống xả thải có kích thước D200 đang ngày đêm trực tiếp đổ chất thải xuống lòng sông. Mùa nắng, để tránh bị phát hiện, những ống xả thải này được giấu kín trong các bụi tre dọc sông. Còn mùa mưa, lợi dụng nước lớn, chất thải được xả ào ạt ra sông.

Theo ghi nhận của phóng viên, đây là ống xả thải của Công ty chăn nuôi heo Việt Phước đóng trên địa bàn xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, cách chân cầu Sài Gòn chỉ vài trăm mét. Nước sông bị ô nhiễm khiến cuộc sống của hàng trăm ngư dân dọc sông Sài Gòn đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 


Lớp váng trên mặt sông keo dính như mủ cao su. Ảnh: TTXVN

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi đi vào hoạt động, Công ty chăn nuôi heo Việt Phước đã cam kết với chính quyền địa phương sẽ đảm bảo về môi trường. Công ty này cũng được UBND tỉnh Bình Phước đánh giá tác động môi trường theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Ông Nguyễn Song Đoàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, quy mô chăn nuôi của công ty Việt Phước nay đã lên đến 27 ngàn con heo. 

Do đó, trong quá trình sản xuất, có thể do lượng nước thải quá lớn dẫn đến việc xử lý nước thải chưa đạt theo quy chuẩn xả thải của UBND tỉnh áp dụng cho các công ty chăn nuôi trên địa bản về đảm bảo vệ sinh môi trường. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính công ty số tiền 313,2 triệu đồng và buộc công ty khắc phục hậu quả, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả lại môi trường. 

Hiện Công ty chăn nuôi Việt Phước đang tiến hành lập quy hoạch cải tạo hệ thống xử lý nước thải và Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ giám sát việc thực hiện các nội dung cải tạo này, sau đó phân tích kết quả xả thải đạt quy chuẩn thì mới cho xả thải ra môi trường. 

Thượng nguồn sông Sài Gòn đổ vào lòng hồ Dầu Tiếng. Công trình thủy lợi nhân tạo lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha nông nghiệp của các địa phương thuộc các tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn cung cấp nước cho các nhà máy lọc nước ở Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là môi trường sinh sống của nhiều loài thủy hải sản. 

Khu vực thượng nguồn bị ô nhiễm nghiêm trọng đồng nghĩa với việc đời sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng và nguy cơ môi trường nước tự nhiên của toàn khu vực sẽ bị hủy hoại là rất lớn nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để. 

TTXVN/ Đậu Tất Thành

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm