Những hợp đồng tài trợ áo đấu kỳ dị trong bóng đá

13/03/2021 15:28 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Thế giới bóng đá không lạ lẫm với các hợp đồng tài trợ áo đấu. Rất nhiều thỏa thuận đã đem lại thành công cho cả hai phía. Tuy nhiên, cũng có không ít những thỏa thuận nhanh chóng phải chấm dứt và xét theo khía cạnh nào đó, khá kỳ dị.

Công ty cần sa của Mike Tyson tài trợ áo đấu Everton

Công ty cần sa của Mike Tyson tài trợ áo đấu Everton

Công ty Swissx chuyên cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc từ cần sa của Mike Tyson đang đàm phán với Everton để trở thành nhà tài trợ áo đấu mới của đội bóng này từ mùa tới.

 

Dưới đây là Top 10 bản hợp đồng tài trợ áo đấu kỳ lạ nhất lịch sử bóng đá.

1. Inter Milan - Stripchat

Inter Milan đã xây dựng được mối quan hệ đối tác mang tính biểu tượng với hãng lốp xe Pirelli trong nhiều năm qua, thu về khoảng 10 triệu bảng/năm. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác từ năm 1995 giữa họ sẽ đi đến hồi kết vào cuối mùa này và Inter đang trong quá trình tìm kiếm nhà tài trợ mới.

Theo Financial Times, đàm phán giữa Inter với một số đối tác tiềm năng thời gian qua không khả thi. Lời đề nghị khả dĩ nhất họ nhận được đến từ Stripchat, công ty hoạt động trong ngành công nghiệp phim khiêu dâm. Inter chưa có phản hồi về đề nghị này, theo truyền thông Italy. Nếu hợp tác, đó sẽ là thương vụ kỳ lạ của bóng đá thế giới.

2. Voukefalas FC - Villa Erotica

Từng rơi vào khó khăn tài chính như Inter, câu lạc bộ Voukefalas FC của Hy Lạp đã phải hợp tác với một nhà thổ địa phương có tên Villa Erotica. Voukefalas FC chỉ là CLB hạng thấp, nhưng nhờ thỏa thuận này, tên của họ được biết rộng rãi hơn trong thế giới bóng đá.

3. AC Milan - Pooh Jeans

Áo đấu kèm tên của nhà tài trợ Pooh Jeans là mẫu áo fan AC Milan ghét bậc nhất trong lịch sử đội bóng. Nguyên do không chỉ đến từ thiết kế logo thiếu tính thẩm mỹ mà còn bởi ý nghĩa của từ “Pooh”. Trong tiếng Italy, nó hoàn toàn bình thường nhưng trong tiếng Anh, từ “Pooh” có thể khiến người ta xấu hổ mỗi khi nhìn thấy hay nhắc đến.

4. Wiener Viktoria - Flowery Field

“Flowery Field” nghe giống như tên của một cánh đồng hoa, một khu vườn nhưng Flowery Field - nhà tài trợ áo đấu của CLB Wiener Viktoria lại là một công ty chuyên trồng cần sa.

Chú thích ảnh
Atletico Madrid từng quảng cáo cho nhiều bộ phim trên áo đấu

5. Atletico Madrid - Columbia Pictures

Năm 2004, Atletico Madrid ký hợp đồng áo đấu với hãng phim Columbia Pictures. Tiếp theo đó là cuộc diễu hành vui nhộn của logo, tên, hình ảnh của hàng chục bộ phim trên áo đấu của đội bóng Tây Ban Nha, như “Người nhện”, “Peter Pan”, “The Terminator”. Họ đã dán các thiết kế được miêu tả là “khủng khiếp” lên ngực áo của những cầu thủ Atletico Madrid hồi đó như Diego Simeone, Fernando Torres.

6. West Brom - Đại học Wolverhampton

Không có gì lạ khi một CLB bóng đá hợp tác với các tổ chức giáo dục. Tuy nhiên, trường hợp của West Brom thì lựa chọn của họ khiến fan thực sự không hài lòng. West Brom hợp tác quảng cáo cho Đại học Wolverhampton trên áo đấu. Nhưng điều đáng nói là Đại học Wolverhampton nằm ở thành phố Wolverhampton, nơi có đối thủ đáng gờm của họ, đội Wolverhampton FC.

7. West Brom - No Smoking

West Brom có lẽ từng là điểm đến của những cầu thủ không hút thuốc. Lý do tại sao? Tổ chức y tế West Midlands từng trả tiền để biển báo “Cấm hút thuốc” xuất hiện trên áo đấu của đội bóng này.

8. Atletico Madrid - Azerbaijan

Azerbaijan được xếp vào hạng mục các nhà tài trợ kỳ lạ nhất vì đây là một đất nước chứ không phải một nhãn hàng thông thường. Tháng 05/2014, Azerbaijan đã tài trợ cho Atletico số tiền 16,6 triệu USD để tên của họ xuất hiện trên áo đấu đội bóng Tây Ban Nha. Hợp đồng sau đó được gia hạn thêm 1 mùa khi Atletico thành công trên cả hai mặt trận quốc nội lẫn quốc tế.

9. Everton - Hafnia

Trong thời kỳ vinh quang những năm 80, Everton từng hợp tác với nhà tài trợ Hafnia - một công ty chế biến thịt của Đan Mạch. Điều kỳ lạ là các sản phẩm của Hafnia không có mặt ở thị trường Anh quốc và Everton không có cầu thủ Đan Mạch nào trong danh sách thi đấu của họ cho tới năm 1997. Tới năm 1985, thương hiệu Hafnia hoàn toàn biến mất khỏi áo đấu của Everton.

10. Eintracht Braunschweig - Jagermeister

Năm 1973, tài trợ áo đấu không được cho phép tại Đức. Vì thế, để lách luật, Eintracht Braunschweig đã thay đổi logo của CLB thành logo của đối tác, công ty sản xuất gia vị Jagermeister. Eintracht Braunschweig đã bỏ hình ảnh chú sư tử - biểu tượng của CLB ở logo, để thay bằng hai con nai - biểu tượng của Jagermeister.

Ở trận đầu tiên xuất hiện với áo đấu này, Eintracht Braunschweig bị trọng tài phản đối. “Vua áo đen” đã phải mời luật sư tới sân để xem lại quy chế của giải đấu. Vụ việc biến thành một cuộc đấu tranh pháp lý và Eintracht Braunschweig đã giành chiến thắng.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm