Abner Mares: Từ băng đảng ma túy đến siêu sao quyền Anh

13/05/2012 16:40 GMT+7 | Thế giới Sao

(TT&VH Cuối tuần)- Abner Mares sang Mỹ từ “vùng đất của tội phạm”-Mexico. Là con trai của những người nhập cư bất hợp pháp, rồi gia nhập một băng đảng ma túy, trước khi trở thành nhà Vô địch quyền anh thế giới, nhưng bất chấp những điều đó, anh không bao giờ tin vào giấc mơ Mỹ.

*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Giữa những băng đảng

Lớn lên ở Hawaiian Gardens, thành phố nhỏ nhất và từng là nhiều tội phạm nhất ở hạt Los Angeles, Mares đã có thời niên thiếu đầy vất vả. Anh được mẹ đưa lậu qua biên giới Mexico. Thời đó, và cả thời này, các băng đảng Latin và da đen xử nhau bằng súng như cơm bữa. Ngay từ đầu, đường đời Mares đã được định đoạt: chiến đấu để sinh tồn.

Giờ đây, anh lái chiếc Jaguar XF màu bạc của mình qua Hawaiian Gardens như một người hướng dẫn du lịch mệt mỏi, mất phương hướng, với một cặp kính râm Louis Vuitton to bự, ngắm lại nơi anh đã lớn lên, một đứa bé không có tuổi thơ. Rất nhiều điểm trên đường là các hiện trường vụ án mà anh vẫn còn nhớ. “Ở đây, một người bạn của tôi bị bắn chết”, anh nói. “Và ở kia, một người khác bị đâm trọng thương”.



Mares và đai vô địch thế giới của WBC

Thật trớ trêu, chính từ giao du với những kẻ buôn ma túy, những kẻ rửa tiền, ăn cắp xe và…sát thủ, Mares phát hiện ra tài năng của anh, nhỏ con, nhưng nhanh nhẹn, mạnh mẽ, một tay đấu cừ khôi.

Giờ Mares đã 26 tuổi, cao 1,65 mét, tầm tay 1,73 mét, cân nặng 55 kg, và vừa đánh bại nhà đương kim vô địch Eric Morel ở hạng gà để giành đai vô địch của Hội đồng quyền anh thế giới (WBC) tại El Paso, Texas, một thành phố Mỹ nằm ngay biên giới Mexico, quê nhà của Mares. Những người yêu quyền anh tại Mexico tin rằng Mares sẽ trở thành một Julio Cesar Chavez thứ hai, võ sĩ quyền anh thắng nhiều trận chuyên nghiệp liên tiếp nhất lịch sử, hay Ruben Olivares mới, nhà vô địch đầy tự hào của quê hương Mexico.

Bản thân Mares cũng luôn cảm thấy rằng anh là một người Mexico nhiều hơn một người Mỹ, đất nước giúp anh thành danh nhưng lại chẳng mấy thân thiện khi anh còn khốn khó. Năm 7 tuổi, khi mẹ đưa anh vượt biên từ Guadalajara, với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía bắc, bà còn mang theo 6 người con nữa, với tất cả gia tài trả cho bọn đưa lậu người. Đó là năm 1992.

Mẹ của Mares, không có giấy tờ tùy thân, không nói được tiếng Anh, chỉ có một lựa chọn nghề nghiệp duy nhất cho những người nhập cư bất hợp pháp là làm vườn và nông nghiệp với mức lương rẻ mạt. Abner, con thứ tư trong gia đình, nhớ rằng mẹ anh làm việc gần như 20 tiếng một ngày. Cha anh, đến Mỹ sau đó, hiếm khi nào ở nhà. Những đứa con của họ được thả rông tự chăm sóc lấy mình. Dần dần, từ bảy, họ tăng lên 11 đứa con, 7 trai và 4 gái, chen chúc trong những căn nhà gỗ ba, bốn đứa một phòng.

Tuổi thơ dữ dội



Mares bên cô con gái sáu tuổi

Trong nhiều năm liền, Mares ngủ trên sàn nhà, và thường xuyên không ngủ được vì bụng đói. Một hoặc hai lần mỗi tuần, gia đình sẽ có “một chuyến mua sắm lớn”, đến các siêu thị ở trong vùng, lục thùng rác tìm thức ăn thừa, thịt hết hạn bị vứt đi hay bánh mì, sữa và trứng sắp hỏng không còn bán được nữa. Ban đầu, cuộc sống ở Mỹ không tồi chút nào với những khám phá mới, “như Disneyland của chúng tôi”, nhưng rồi sau đó, cũng trên những đường phố đó, cuộc chiến sinh tồn bắt đầu.

Mãi cho tới 3 năm trước, chiến tranh băng đảng vẫn hoành hành ở Hawaii Gardens khiến nhà chức trách phải có hẳn một biệt đội cảnh sát riêng cho vùng này. Trong vòng vài tháng, các chiến dịch truy quét đã bắt giữ tới 147 tên côn đồ, rất nhiều trong số đó lãnh trọng án 15-20 năm tù. Mares quen mặt biết tên nhiều người trong số đó, bao gồm bạn bè, bạn học, những “đại ca” ngày xưa và cả hàng xóm láng giềng. Họ làm đủ nghề, buôn ma túy, rửa tiền, ăn cắp xe và sát thủ. Thật trớ trêu, chính từ giao du với những người đó, Mares phát hiện ra tài năng của anh, nhỏ con, nhưng nhanh nhẹn, mạnh mẽ, một tay đấu cừ khôi.

Mares trở thành nhà vô địch thế giới lần đầu mùa hè năm ngoái, trong một trận đấu điên cuồng với Joseph “King Kong” Agbeko. Tuy nhiên, ngay sau trận đấu, Liên đoàn quyền anh quốc tế (IBF) yêu cầu tiến hành trận đấu lại vì Mares có vài cú đánh tầm thấp mà trọng tài cho là trái luật. Chỉ sau trận đấu lại vào tháng 12 ở trung tâm Honda tại Anaheim, Mares mới chính thức giành ngôi vô địch.

Kể từ đó anh không dừng lại, dù cho có đổ máu và mấy lần suýt thua cuộc. Trận đánh bại Morel đã là chiến thắng thứ 24 liên tiếp trong sự nghiệp chuyên nghiệp của anh, chưa thua trận nào, bao gồm 13 trận nốc ao. Trở thành nhà vô địch thế giới đồng nghĩa với phần thưởng bằng tiền từ 200.00-300.000 USD, có thể lái một chiếc Jaguar, xem ti-ti tinh thể lỏng, có quần áo được thiết kế riêng và nhà riêng ở một khu ngoại ô giàu có.

Không phải giấc mơ Mỹ



Mares bên chiếc Jaguar của anh- Ảnh Getty

Nhà của Mares giờ đây nằm ở khu Lakewood, chỉ cách Hawaiian Gardens vài dãy nhà, nhưng đó là một thế giới khác hẳn. Giờ Mares có một người hàng xóm da trắng và một người gốc Á, những người bạn da đen. Vợ anh là Nathalie, một người Mexico chỉ nói tiếng Tây Ban Nha dù đã sang Mỹ được nhiều năm. Anh không muốn vợ đi làm: “Tôi có thể lo cho cả nhà”. Với một người bắt đầu dưới đáy xã hội như Mares, đó là một chiến tích đáng tự hào.

Họ có với nhau cô con gái đầu tiên 6 năm trước và đứa thứ hai mới 5 tháng tuổi. Mares dường như đã trở thành một điển hình tiên tiến của giấc mơ Mỹ, nhưng bản thân anh chưa bao giờ trở thành một người Mỹ tự hào, yêu nước. Không như những người khác, Abner Mares coi những gì anh đạt được là nhờ nỗ lực của riêng anh, chứ không phải đất nước mà anh sinh sống.

Mares không bao giờ thực sự thấy thuộc về nước Mỹ, dù là khu Hawaiian Gardens tồi tàn hay Lakewood sang trọng. Bất cứ khi nào anh bị cảnh sát dừng xe, một điều diễn ra rất thường xuyên, họ không hỏi anh bằng lái và đăng ký, mà hỏi chiếc xe Jaguar là của ai. Đó là nếu anh may mắn, còn thông thường, anh bị lôi ra khỏi ghế và lục soát trước xem có ma túy và vũ khí hay không. “Tôi phải giải thích hết lần này đến lần khác”, Mares nói. “Họ không nghĩ một kẻ như tôi có thể lái một chiếc xe thế này. Thế mà người ta nói đây là đất nước tự do”.

Thật vậy, Mares đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại để có được thành công như ngày nay, với rất ít sự giúp đỡ. Anh bị đuổi khỏi trường năm 15 tuổi, đánh nhau suốt ngày và sắp bị gửi vào một trại giáo dưỡng, rồi cha mẹ quyết định đưa anh về Mexico. Quê cha đất tổ đã không từ chối anh. Năm 2000, anh bước vào một chương trình huấn luyện quyền anh với đội tuyển Mexico và chính ở đó, anh tìm được con đường đến với quyền anh chuyên nghiệp để thay đổi cuộc đời mình.

Với sự chính xác đến lạnh lùng, thành tích nghiệp dư của anh rất đáng nể, 112 chiến thắng, chỉ 8 trận thua. Một trong những thất bại, trận cuối cùng, diễn ra ở vòng một Olympic Athens 2008. Khi đó, Mares 18 tuổi, anh đối mặt với Zsolt Bedak, hơn anh hai tuổi và là một tay thuận trái cự phách. Trận đánh rất quyết liệt và Mares chỉ thua sít sao trong tính điểm. Anh đã khóc và nói không nên lời sau thất bại, anh khát khao mang vinh quang về cho tổ quốc ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh và là giải cuối cùng anh có thể tranh tài trong màu áo Mexico. Sau đó, Mares lên chuyên nghiệp và như mọi tay đấm khác, để khởi đầu, anh quay lại Mỹ. Không tiền bạc, Mares bắt đầu bằng việc làm đủ thứ nghề, nhiều khi 14 tiếng mỗi ngày để nuôi sống bản thân. Mọi chuyện chỉ khá lên thật sự từ năm 2009, khi anh trở lại sàn đấu.

Giờ đây ở Hawaiian Gardens, những băng đảng vẫn tồn tại, một trong nhiều người anh em của Mares vừa đi tù, và anh thấy mình thật sự may mắn. “Nếu tôi không được trở về Mexico, có lẽ tôi cũng đã vào đấy”, Mares nói.

Hải Minh 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm