Thành phố Hồ Chí Minh - mãi xứng danh "Thành phố Anh hùng"
Cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm giành độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn đã được Sài Gòn - Gia Định mở đầu oanh liệt với "Mùa Thu rồi ngày hai ba" (Lời bài hát Nam Bộ kháng chiến) và kết thúc vẻ vang với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong nửa thế kỷ qua, từ 1975 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có hai sự kiện trọng đại, đó là: Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quyết nghị: chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là "Thành phố Hồ Chí Minh". Và, ngày 1/9/2005, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, TP.HCM đã tổ chức mít tinh và đón nhận danh hiệu cao quý "Thành phố Anh hùng".
Từ đó, cặp cụm từ "Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng" gắn chặt với nhau, vừa phản ánh danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng Thành phố, vừa là nguồn động lực to lớn để Thành phố luôn vững vàng vượt qua bao trở ngại, phát huy cao độ truyền thống anh hùng, liên tiếp giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, mãi xứng danh là Thành phố Anh hùng.
Trong 10 năm đầu sau giải phóng (1975 - 1985), trong quá trình vượt qua những bước hiểm nghèo với muôn vàn khó khăn, thử thách, Thành phố đã giữ vững thành quả cách mạng, hàn gắn vết thương của chiến tranh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. Đặc biệt, đã bám sát thực tiễn, coi lợi ích của nhân dân là trên hết, đã tự lực, tự cường, đổi mới tư duy, tìm cách làm ăn mới với những mô hình mang tính đột phá. Những đổi mới của Thành phố lúc đầu bị coi là "phá rào", "xé rào", sau này được ghi nhận là "bước đột phá đầu tiên" của quá trình Đổi mới, là "năng động, sáng tạo", "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm", những đặc trưng tính cách anh hùng đã trở thành thuộc tính, thương hiệu của TP.HCM.
Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế, trung tâm phát triển lớn nhất của cả nước. Ảnh: TTXVN
Tiến nhanh trên đường Đổi mới, mang danh "Thành phố Anh hùng"
Từ một địa phương được coi là một trong những nơi khởi xướng Đổi mới, được Bộ Chính trị xác định "Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội", bước vào quá trình thực hiện đường lối Đổi mới từ năm 1986, TP.HCM liên tục phát triển mạnh trong nhiều năm. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, quy mô kinh tế mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực đều phát triển, vị trí vai trò của Thành phố đối với khu vực và cả nước được khẳng định.
Trong 10 năm (1975 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GRDP) chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986 - 2010), GRDP tăng bình quân 10,5%/năm, là một trong số ít đô thị của các nước tăng trưởng hai con số liên tục trong khoảng thời gian dài.
TP.HCM đã khẳng định được vai trò, vị trí là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước. Đến năm 2002, tại Nghị quyết 20-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh "Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước".
Vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Tân Cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: TTXVN
Có thể nói, thập niên đầu thế kỷ XXI, TP.HCM đã có những bước tiến vững vàng. Thời kỳ 2001 - 2005, kinh tế Thành phố tăng bình quân 11%/năm, sang giai đoạn 2006 - 2010 tăng 11,2%/năm, bằng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2005), TP.HCM được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới" và nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2 tháng 9, Thành phố được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Thành phố Anh hùng". Từ đó, Thành phố liên tục phát triển, năm 2005, tỷ trọng GDP của Thành phố so với cả nước chiếm 19,7% thì năm 2010 chiếm 21,3%. Tỷ trọng thu ngân sách của Thành phố so với tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 là 26,5%, năm 2010 tăng lên 27,81%.
Rõ ràng, vai trò vị trí của Thành phố so với cả nước ngày càng được khẳng định, là địa phương đứng đầu trong tăng trưởng kinh tế của cả nước, xứng danh "Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng".
Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế, các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội ngày càng tiến bộ; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và hoạt động ngày càng có hiệu quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển không ngừng của Thành phố.
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, trong Nghị Quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tiếp tục khẳng định "Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước".
Rõ ràng, sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, vị thế, vai trò của TP.HCM đã được nâng lên rõ rệt. Dù chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,56% dân số cả nước, nhưng Thành phố đã đóng góp 21,3% GDP cả nước, 29,38% tổng thu ngân sách nhà nước, 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 58,3% khách du lịch quốc tế, 43,72% doanh thu du lịch, 26% kim ngạch xuất khẩu,… Theo đó, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Thành phố năm 2011 bằng 2,4 lần so với mức bình quân đầu người trong cả nước.
Giữ vững vai trò "đầu tàu" để mãi xứng danh "Thành phố Anh hùng"
Trong 4 nghị quyết của Bộ Chính trị về TP.HCM (1982, 2002, 2012, 2022) đều khẳng định vị trí của Thành phố là "trung tâm kinh tế lớn", "đô thị lớn nhất nước" và hai lần nói đến vai trò "đầu tàu" của Thành phố.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đặc biệt đợt 4 (29/4 - 30/9/2021), TP.HCM đã trải qua 150 ngày đêm chống dịch gian lao khốc liệt. Với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, sâu sát, bám sát thực tế, với bản lĩnh, bản chất kiên trì, bền gan của Thành phố Anh hùng, các tầng lớp nhân dân Thành phố đã đồng cam cộng khổ "chống dịch như chống giặc" với biết bao sự dũng cảm, năng động, sáng tạo, nghĩa tình. Với đợt dịch tàn khốc nhất ở tâm điểm và đỉnh điểm, Thành phố đã không thể tránh được những tổn thất lớn lao, song cuối cùng khí phách Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng đã chiến thắng...
Cầu Phú Mỹ (TP.HCM). Ảnh: TTXVN
Những biến động kinh tế - xã hội của Thành phố sau đại dịch Covid-19 là điều có thể dự đoán được. Đến năm 2023, đặc biệt là năm 2024, nền kinh tế Thành phố tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ rệt, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Cuối năm được dự báo mức tăng trưởng sẽ cao nhất, đưa cả năm tăng khoảng 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách đã căn cứ bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước, tính toán hiệu quả bước đầu triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế Thành phố sau dịch Covid-19 đến 2025, đặc biệt là hiệu quả quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh…, đã dự báo kinh tế Thành phố năm 2025 có thể tăng từ 8% đến 9,12%. Theo nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, TP.HCM đã đặt ra mức tăng trưởng năm 2025 sẽ là hai con số, ít nhất là 10%. Đây vừa là "mệnh lệnh" của cả nước, vừa là khát vọng lớn lao của Thành phố.
Năm 2025 có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, như Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Ngày Quốc khánh, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV,… Đó không chỉ là những "ngày kỷ niệm" mà là những sự kiện lịch sử tạo nên khí thế mới, động lực mới cho sự phát triển.
Khi truyền thống kiên cường, dũng cảm; những đức tính căn cơ của người dân Thành phố như năng động, sáng tạo, hào sảng, nghĩa tình, tiên phong, hội nhập, hiện đại… được khơi dậy cao độ, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"…, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng thành tựu mới dù rất cao sẽ đến với "Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng".
Phấn đấu trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO về điện ảnh
Ngày 25/10/2023, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030; chọn 8 ngành công nghiệp văn hóa để phát triển gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.
Trong đó, giai đoạn từ năm 2026-2030, TP.HCM tập trung phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Qua đó, xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP. Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của thành phố khoảng 148.000 tỷ đồng.
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất