Sài Gòn - đô thị phồn hoa, náo nhiệt bậc nhất Việt Nam. Nhưng chẳng vì thế mà tất cả người dân nơi đây lạc trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Vẫn có một Sài Gòn - biết đủ, là đủ.
Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 1.


Sài Gòn - đô thị phồn hoa, náo nhiệt bậc nhất Việt Nam. Nhưng chẳng vì thế mà tất cả người dân nơi đây lạc trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Vẫn có một Sài Gòn - biết đủ, là đủ.

Những con người dù hằng ngày lao động vất vả kiếm từng đồng lẻ nhưng vẫn giữ cho mình một tâm hồn thảnh thơi, không áp lực, không chạy đua với đồng tiền giữa Sài Gòn náo nhiệt. Họ chọn lối sống vừa đủ - đủ cố gắng để mưu sinh mỗi ngày và cũng vừa đủ để thong dong tận hưởng những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời.

Có một Sài Gòn biết đủ là đủ! | Saigonis #1

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 1.

Nằm trong con hẻm nhỏ số 382/10 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP.HCM, quán cơm tấm nhỏ của bà Ba, bà Tư vẫn đều đặn mở mỗi ngày. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng hiếm khi nào chiếc bếp nhỏ của hai bà ngừng đỏ lửa. Tiệm cơm nhỏ ban đầu không có tên nhưng đó được những vị khách thường xuyên ghé qua gọi với cái tên thân thương “Cơm tấm Hai chị em”.

Tiệm cơm nhỏ đơn sơ với vài ba chiếc bàn vậy nhưng lại rất nổi tiếng trong giới sành ăn đường phố Sài Gòn với những lời khen nức nở. Khen vì cơm Tấm ngon, khen vì món tóp mỡ đỉnh chóp, chả trứng lạ miệng. Và khen nhất là vì hai chị em bà Ba bà Tư “quá trời dễ thương”.

Tay vừa thoăn thoắt cắt miếng thịt nướng thơm lừng vào đĩa cơm tấm, bà Tư vừa vui vẻ kể lại SEA games 22 - kỳ SEA games  có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bà. Không phải vì ở đó diễn ra những trận đấu kịch tính hay những chiếc huy chương vinh dự. Đơn giản vì đó là ngày mà tiệm cơm tấm của hai chị em bà bắt đầu nổi lửa:

“Bán ngay cái ngày SEA Games, SEA Games 22 phải không? Ở Việt Nam mình đó. Tính bán một tháng SEA games rồi nghỉ, tại sợ không bán được. Nhưng mà ổn rồi thì bán luôn. Trời ơi con biết bán tới mấy giờ không? Tới 5 giờ, tới 5 giờ sáng mới dẹp vô. Bán theo người ta thức coi đá banh đó.”

Gần mười năm thấm thoắt trôi đi, SEA games một lần nữa được Việt Nam đăng cai tổ chức, mà tiệm cơm tấm Hai chị em vẫn luôn ở đó. Mỗi ngày tiệm đều dọn bắt đầu bán lúc 2h chiều, và chỉ đến 8h tối là nghỉ. Dù quán có đông tới cỡ nào thì hai bà vẫn nhất định không làm thêm:

“Làm thêm nữa thì mệt, già rồi không có sức. Phải về nhà nghỉ ngơi rồi ngày hôm sau bán tiếp chứ. Tiền kiếm được hôm ít hôm nhiều, đủ mua ly cafe uống là vui rồi.” - bà Tư vui vẻ cười.

“Không bao nhiêu là đủ, không bao nhiêu là không đủ. Ăn thua cái mình vẫn sống, đâu có đòi hỏi gì cao sang đâu, chỉ vậy thôi.”

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 2.

Chẳng phải điều gì cao sang, đối với bà Ba bà Tư, “đủ” chỉ đơn giản là mỗi mai vẫn thức dậy khỏe mạnh, nấu nồi cơm tấm thơm dẻo, hấp miếng chả trứng vàng thơm, tóp mỡ giòn rụm vừa lòng khách, kiếm đồng tiền “đủ mua ly cà phê”. Dù bán được nhiều hay ít, dù ngày ế ẩm hay đắt khách, hai bà vẫn luôn vui vẻ bởi “buồn làm gì ai cho đâu, phải không?”

Con ngõ nhỏ vang lên âm thanh cười nói quen thuộc, hương gạo thơm ấm lòng mỗi thực khách ghé qua, tiếng cô Ba cô Tư hỏi đã đủ món chưa cùng tiếng dặn dò thật lớn khi biết khách ăn nửa đĩa cơm mà thiếu mất mấy miếng tóp mỡ giòn trong đĩa cơm tấm:

“Trời ơi, xin lỗi nha, chuyến sau cho "đúp bờ" (gấp đôi) nha. Nha, nhớ nhắc nha.”

Sài Gòn chỉ vậy là đủ.


Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 4.

Trong chợ Tôn Thất Đạm có một tiệm hủ tiếu nhỏ đã bán được 33 năm của hai người phụ nữ - cô Chánh và cô Gái. Ngày nào cũng vậy, tiệm có đông đến đâu, cứ đến đầu giờ chiều là hai cô đóng cửa đi về. Bởi vì theo hai cô, cứ làm hoài thì chẳng bao giờ là đủ cả. Dừng lại một chút mỗi ngày, để tận hưởng cuộc sống, để tìm kiếm niềm vui, để sống lãng mạn chút - sẽ khiến cuộc đời dễ thương hơn biết bao.

“Giờ còn có hai chị em à, mình bán vừa đủ sống thôi.” - hai cô cười hiền.

Hỏi chuyện mới biết, cô Chánh và cô Gái vốn không phải hai chị em ruột nhưng đã sống và cùng nhau mở tiệm hủ tiếu này hơn nửa cuộc đời. Hai chữ “tri kỷ” có lẽ cũng chưa đủ để hình dung mối quan hệ này.

Tiệm hủ tiếu nhỏ đơn sơ nằm góc chợ nhưng hương nước lèo đặc biệt lại níu chân những thực khách quay lại.

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 5.

“Người ta cũng hỏi sao mà nước dùng cô Chánh, cô Gái nấu sao mà nước lèo nó đậm đà. Là bởi người ta đun bếp gas, nó quá là tốc độ, bật lên là sôi. Sôi hỗn (sôi quá nhanh) là tắt nên không được đậm đà. Người ta bán hàng lấy nhiều tiền. Cô Gái bán lấy hương vị, lấy khách lộc, chứ Cô Gái không cần lấy tiền nhiều! Bình dân thôi.”- bí quyết nước lèo cô chia sẻ tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó khi nằm chính ở cái tâm, tấm lòng đặt vào món ăn.

Quanh tiệm hủ tiếu nhỏ ngoài hai cô luôn có sự xuất hiện của khá nhiều “thực khách bốn chân”. Cô Chánh kể, những bé chó mèo này đều “bù lăn bù lóc ngoài đường” chứ hai cô vốn không nuôi. Nhiều khách tới đây thả cục xương miếng thịt xuống cho ăn, các bé mới quen và kéo đến “ở chung” cùng hai cô.

“Cưu mang nó, thấy nó tội nghiệp. Kệ giờ hổng ai lo cho nó, mình thấy thương thì mình cho nó miếng. Có hai miếng mình cũng cho nó nửa miếng, cũng chia sớt cho nó.”

Từng giọt mồ hôi lăn dài, tay hai cô vẫn đổ thoăn thoắt đổ từng muôi nước lèo thơm lừng vào những bát hủ tiếu “đẫy đà” thịt tôm. Ở tuổi 60, giữa Sài Gòn xô bồ vội vã, cô Chánh, cô Gái vẫn ngày ngày vui vẻ yêu đời bên tiệm hủ tiếu nhỏ của mình. Bởi hai cô đều hiểu, chỉ cần sống lạc quan thêm một chút, đời sẽ vui thêm nhiều. Quan trọng, vẫn là “biết đủ”:

“Bao nhiêu cho đủ, làm cả đời cũng không thấy đủ được. Chi bằng giờ mình ăn thiếu đi một chút, một miếng này mình bẻ ra làm 3, làm 4 mình ăn cũng vẫn được mà. Bán bao nhiêu, ăn bấy nhiêu, không cần suy nghĩ nhiều thêm nữa. Thả lỏng một chút thì mới tận hưởng được cuộc sống này.”

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 6.

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 7.

Nằm giữa quận 5 nhộn nhịp, tiệm cà phê má Nghĩa bao giờ cũng đầy ắp tiếng cười.

Từng là một người mất trắng không còn gì trong tay, phải nuôi 3 con nhỏ ăn học, má Nghĩa dốc hết vốn liếng để thuê cửa hàng nhỏ này bán cafe và gắn bó tới giờ. Cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng không thấy bao giờ má than phiền. Má Nghĩa nghĩ, đây là một cái “duyên” - cái “duyên” khiến mình yêu công việc, yêu thêm cuộc sống này.

Lúc nào ghé quán, má Nghĩa cũng tiếp đón với một nụ cười tươi thật tươi, rộn ràng nói chuyện hết từ bàn này sang bàn nọ, ồn ào cả con hẻm nhỏ quận 5. Rồi cũng cứ đúng 1 giờ trưa, là má lại dọn hàng đi về.

Trước má Nghĩa cũng bán cả ngày nhưng sau khi 3 đứa con đều đã thành đạt, má lựa chọn cuộc sống thảnh thơi hơn cho mình. Về để nghỉ ngơi, để thảnh thơi khỏi những lo nghĩ:

“Má cứ bán tới 12h xong má về cơm nước xong má nghỉ chiều, nhiều khi bạn bè rủ đi chơi đâu đó, tối đi ăn đi nhậu gì đó. Sáng làm tiếp. Cứ vậy thôi.”

“Không bao nhiêu là đủ. Ăn thua cách sắp xếp, cách con sống. Con có 10 đồng, đủ. Có 5 đồng cũng đủ. Có tiền nhiều thì con ăn ngon chút xíu, không có tiền nhiều thì con ăn cực, mai có tiền con lại ăn sướng, thế thôi. Mình sống sao cho yêu đời.” - Từ má có thể thấy rõ chân dung của một người Sài Gòn - sống hào sảng, vô tư, sống hết mình mỗi ngày.

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 8.

Kiếm tiền không biết bao nhiêu là đủ, nhưng sức khỏe và tinh thần vui vẻ thì má Nghĩa dặn đi dặn lại, nhất định phải giữ gìn:

“Nhiều khi người ta lệ thuộc quá nhiều vào đồng tiền. Má không lệ thuộc đồng tiền nhưng lệ thuộc sức khỏe. Cái sức khỏe của má còn thì má còn làm dài dài, còn không thì làm sao làm. Tiền bữa nay có thể má kiếm không ra, mai má kiếm được. Còn sức khỏe của má là bữa nay xuống là xuống luôn.”

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 9.

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 11.

Nhìn nụ cười rạng rỡ và giọng nói vui tươi của Día Điệp sau quầy xiên chiên, làm sao mà nghĩ được người phụ nữ này đã trải qua thật nhiều vất vả. Nhưng vất vả cỡ nào cũng không ngăn được Día “sống thiệt là sống”!

Sáng 8h dậy đi cafe, 10h ra chợ làm, 4h ăn cơm chiều rồi 5h đẩy xe ra chợ bán đến tới 10h về đi ngủ. Ngày nào của Día cũng vậy. Cuộc sống dù không dư dả nhưng cũng chẳng hề thiếu thốn. “Làm hết mình, chơi tới bến” - Día nói vậy đấy.

Quầy xiên chiên nhỏ bên lề đường Día bán đến nay đã là 27 năm. Theo lời Día kể, trước trời thương, Día có đến tận 5 xe, một mình làm không hết, Día phải thuê người làm nhưng dần bị lỗ. Cuộc sống “khổ không biết nói sao”. Vậy nhưng, Día vẫn tin mình được trời thương:

“Ổng trời cũng muốn giúp đấy nhưng bàn tay không thể che hết được. Đến giờ Día vẫn biết ơn ông trời cho Día sức khỏe, trải qua được những giai đoạn khó khăn đó.”

Với Día, niềm vui mỗi ngày nào đâu phụ thuộc vào việc bán ít đi hay nhiều thêm vài xiên chiên:

“Mình bán ít đi mình vẫn vui thôi, buồn ai cho đâu, ông trời định mình vậy rồi. Hồi trước bán nhiều lắm rồi bị sập. Cũng buồn nhưng mình tự trang trải. Uống cà phê, ăn hủ tiếu là được rồi. Giờ ai kêu đi cứu trợ, đi chơi thì mừng lắm, đi hoài.”

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 12.

Dù cuộc sống có ra sao, dù biết đi cứu trợ là cực nhưng Día vẫn nhiệt tình, nhiệt tình đi từ Nha Trang đến Đà Nẵng rồi Phú Yên, nhiệt tình đi dù có đóng cửa quán “xả láng” vài ngày bởi:

“Giờ mình bán được đủ mỗi tháng đóng tiền nhà là được rồi, trời cho rồi. Mình thấy nhiêu đó là đủ rồi, không đòi hỏi cao nữa. Bước sau không biết như nào nhưng cũng không nghĩ nhiều. Chuyện vui làm sao mình biết trước mà chuyện buồn cũng vậy.

Mình đừng làm gì sai để đức cho con là được. Giờ sáng ăn uống thoải mái, đến giờ đi làm thì làm cho hết mình. Chơi là chơi tới bến” - Día cười thật lớn nói đùa.

Sài Gòn biết đủ là đủ - Ảnh 13.

Người ta nói, Sài Gòn là chốn phồn hoa xô bồ, là nơi mà ai cũng tìm cách vươn nhanh nhất để chạm tới giấc mộng giàu sang. Nằm đâu đó trong những con hẻm nhỏ, giữa một phiên chợ tấp nập người qua kẻ lại, vẫn có những con người lặng lẽ nằm ngoài cái guồng quay ấy. Vài ba câu trò chuyện thân tình với họ, lòng ta bỗng thấy Sài Gòn nhẹ bớt phần nào gánh nặng. Sài Gòn - biết đủ là đủ rồi.

 

Phạm Trang
Ở đâu cũng chụp
Minh Trang