TTVH Online

Góc nhìn 365: Dòng chảy 'rằm tháng Bảy'

11/08/2022 07:15 GMT+7

“Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm/ Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Ngày mai, chúng ta sẽ đón cột mốc “Tháng Bảy ngày rằm” của năm 2022 này.

“Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm/ Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Ngày mai, chúng ta sẽ đón cột mốc “Tháng Bảy ngày rằm” của năm 2022 này.

Chào tuần mới: Đừng đổ lỗi cho 'cô hồn'

Chào tuần mới: Đừng đổ lỗi cho 'cô hồn'

Tháng Bảy âm lịch trong tín ngưỡng dân gian, nhiều nơi gọi là “tháng cô hồn”. Rất nhiều người Việt quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn, nên không thuận tiện cho các công việc lớn của đời người.

Nói “cột mốc”, bởi trong tâm thức người Việt Nam, lễ rằm tháng Bảy (âm lịch) luôn là một nghi thức văn hóa - tâm linh đặc biệt được chờ đợi và coi trọng. Chẳng vậy mà chúng ta có cả một chuỗi khái niệm được truyền lại theo dòng thời gian về “tháng cô hồn”, về một ngày rằm cúng xá tội vong nhân, và cả về cách các gia đình cùng “ăn rằm tháng Bảy”.

Chưa hết, trong vài chục năm gần đây, lễ Vu Lan báo hiếu vào rằm tháng Bảy cũng liên tục phát triển và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Sự cộng hưởng của những nghi thức, tập quán ấy hẳn từng khiến có nhiều người lúng túng khi muốn truy nguyên nguồn gốc và ý nghĩa của rằm tháng Bảy ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Mâm cúng ngày rằm tháng Bảy

Thực chất, như sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính từng viết, từ rất lâu trong quan niệm dân gian, rằm tháng Bảy đã tồn tại như dịp để người dương thực hành những nghi lễ cúng bái với linh hồn ở thế giới âm. Ở đó, xá tội vong nhân là lễ cúng để thí thực cho những vong linh không nơi nương tựa, với mục đích cầu may mắn, tránh khỏi tai ương vận hạn.

Dù có thể ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Đạo giáo của phương Bắc trong cách vận hành, quan niệm ấy vẫn cho thấy sự nhân văn đặc biệt của người Việt Nam. Bởi, đó là ngày chúng ta bày tỏ sự chia sẻ, nhân ái với một chủ thể rất rộng: một thế giới mênh mông của những vong linh “không quen biết”.

Ở góc độ khác, từ một điển tích của Phật giáo, lễ Vu Lan trong rằm tháng Bảy cũng du nhập vào Việt Nam, với câu chuyện về ngày con cháu báo hiếu, đền đáp ân nghĩa sâu dày của tổ tiên, cha mẹ, ông bà. Để rồi, nó cũng lập tức “bén rễ” rất bền chắc theo thời gian và được chúng ta hưởng ứng.

Chẳng lạ, khi với đặc trưng sẵn có về tính hỗn dung trong văn hóa, người Việt Nam vào rằm tháng Bảy vừa tha thiết với sự hiếu đễ, vừa không quên lễ cúng đặc biệt với sự mong mỏi xá tội vong nhân để hướng về một thế giới xa xăm. Bởi xét cho cùng, những gì diễn ra đều rất phù hợp với văn hóa ứng xử Việt Nam: Chúng ta luôn biết ơn những người đã có công sinh thành, dưỡng dục và cũng rất sẵn sàng trong câu chuyện cứu độ chúng sinh, chia sẻ với những cảnh đời cơ nhỡ không nơi nương tựa....

Tất nhiên, dòng chảy của “rằm tháng Bảy” theo thời gian cũng có lúc gắn kèm những ồn ào, vẩn đục của xã hội. Giống như vài năm qua, chúng ta đã nói nhiều về sự chạy theo hình thức một cách kệch cỡm với việc lạm dụng đồ vàng mã, lễ phóng sinh, hay cách một số người lập đàn cúng lễ thật lớn với mong muốn tránh xui xẻo cho người thân đã khuất của mình.

Rồi, những vẩn đục ấy - và cả tâm lý tránh “việc đại sự” trong tháng cô hồn - rồi cũng tới lúc tự lắng xuống, khi người Việt Nam về bản chất vẫn giữ được sự nhân văn của mình. Ngược lại, đây đó, nhiều tập quán gắn với rằm tháng Bảy vẫn cần được giữ lại, trong cuộc sống có nhịp điệu rất gấp của hôm nay.

Điển hình ở rất nhiều gia đình, mâm cỗ cúng rằm những ngày này cũng là duyên cớ để “ăn rằm tháng Bảy”. Tại đó, dù bận rộn xa nhà, các thành viên trong gia đình vẫn cố gắng thu xếp để cùng có mặt trong một bữa cơm. Không phải mâm cỗ cúng tổ tiên trong lễ giao thừa, nhưng ngày rằm của tháng cô hồn hóa ra cũng lại là cơ duyên để quây quần đoàn tụ.

Trí Uẩn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN