TTVH Online

Đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em': Cuộc đua 'nghẹt thở' vì lòng nhân ái

02/06/2022 06:30 GMT+7

Chiếm một phần thời lượng của chương trình nhưng cũng chính là điểm nhấn của Lễ trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức diễn ra tối 31/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia là màn đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em”.

Chiếm một phần thời lượng của chương trình nhưng cũng chính là điểm nhấn của Lễ trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức diễn ra tối 31/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia là màn đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em”.

Giải Thiếu nhi Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em: Trở về tuổi thơ

Giải Thiếu nhi Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em: Trở về tuổi thơ

Từ chiều tối 31/5, khán phòng tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã sớm đầy kín khán giả trong Lễ trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 – 2022 và đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em” của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Tuy đây là mùa trao giải thứ 3 của Dế Mèn nhưng lại là mùa đấu giá đầu tiên cho dự án dài hơi “Vì mái trường cho em”. Vì thế, chương trình đã diễn ra vừa hồi hộp nhưng cũng rất hào hứng, sôi nổi và có cả những bất ngờ đem lại thành công cho cuộc đấu giá đầy ý nghĩa.

Những vật phẩm kết nối những tấm lòng

Tại phiên đấu giá trực tiếp diễn ra trên sân khấu trao giải của Dế Mèn, chương trình đã đem đến 6 vật phẩm, gồm: Chiếc áo có đủ chữ ký của Đội tuyển Việt Nam 2018, vô địch AFF Cup năm 2018, do hai nhà sưu tập Cao Minh Tuấn và Nguyễn Văn Sỹ tặng; Tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, khổ 130cm x 50cm, mực acrylic trên lụa, 2022; Tranh sơn dầu trên toan, 50cm x 40cm, 2021 của họa sĩ Phạm An Hải; Tranh sơn dầu 160cm x 110cm, 2021, của Phạm Duy Quỳnh; Đồng hồ nam Ernest Borel GS8380C-221 do hệ thống bán lẻ đồng hồ chính hãng Galle Watch tặng và cuối cùng là chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên.

Chú thích ảnh
MC Văn Bảy và chiếc xe Vespa được đấu thành công với mức giá 300 triệu đồng. Ảnh: Hòa Nguyễn

MC của cuộc đấu giá, không ai khác chính là nhà báo Văn Bảy của TT&VH, người đồng hành cùng chương trình trong suốt hành trình này. Cho nên, tuy không phải là một người cầm trịch chuyên nghiệp trong các sự kiện về đấu giá nhưng với khả năng hiểu biết về nghệ thuật, về các vật phẩm được đấu giá - nhà báo Văn Bảy đã cùng với những nhà sưu tập nghệ thuật có mặt tại sự kiện tạo nên một sàn đấu giá vô cùng hấp dẫn và kịch tính.

“Tôi và các cộng sự của mình không phải chuyên viên đấu giá chuyên nghiệp nên trong quá trình thực hiện, nếu có gì sai sót, xin vì trẻ em hãy lượng thứ cho” - nhà báo Hà Văn Bảy chào sân khấu trước khi chính thức mở màn cuộc đấu giá.

Theo luật đấu giá được công bố, người trả giá cao nhất sau 3 tiếng đếm sẽ sở hữu vật phẩm mình trả giá. Những vật phẩm còn lại, sẽ được tái triển lãm trong những năm tới.

Mở đầu phiên đấu giá là chiếc áo có đủ chữ ký của Đội tuyển Việt Nam 2018, vô địch AFF Cup năm 2018 với giá khởi điểm là 50 triệu đồng. Nhưng có lẽ vì là vật phẩm đầu tiên nên các nhà sưu tập vẫn còn ... dè chừng nên phiên đấu giá lại chuyển sang các bức tranh tiếp theo. Nhưng, sau cuộc đấu giá bức tranh thứ 2, chiếc áo đã trở nên một vật phẩm đấu giá hấp dẫn khi ca sĩ Tùng Dương đưa ra mức trả giá 55 triệu và nhận được sự hưởng ứng từ phía gia đình ca sĩ Bảo Trâm.

Con số 55 triệu của chiếc áo đã rất nhanh chóng được đẩy lên 70 triệu chỉ sau vài lượt trả giá giữa ca sĩ Tùng Dương và vợ chồng ca sĩ Bảo Trâm. Đặc biệt khi có thêm sự trả giá của ca sĩ Thanh Lam với con số 78 triệu và cũng ngay sau lượt trả giá này, “liên danh” ca sĩ Thanh Lam - Tùng Dương có màn rượt đuổi cùng gia đình ca sĩ Bảo Trâm về mức giá.

Trước đó, nhà báo Văn Bảy gợi ý con số 88 triệu là mức giá tuyệt vời nhất dành cho chiếc áo này và khiến các nhà sưu tập trở nên bối rối khi thúc giục: “trời tối rồi, các em bé cần ngủ nên chúng ta hãy đấu nhanh lên” khi chiếc áo đang dừng ở con số 83 triệu.

Và khi gia đình ca sĩ Bảo Trâm quyết định trả giá 88 triệu thì phiên đã được chốt với con số 83 triệu dành cho hai ca sĩ Thanh Lam - Tùng Dương.

Chú thích ảnh
Thanh Lam và Tùng Dương với chiếc áo vừa sở hữu sau phiên đấu giá. Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhiệt tình hơn cả, sau buổi đấu giá, ca sĩ Tùng Dương còn ủng hộ chương trình khi mua bức tranh Từ vũng bùn tiến thẳng tới vinh quang do nhà sưu tập Bùi Việt Bằng tặng chương trình. Tác phẩm được sáng tạo trên chất liệu acrylic, khổ 100cm x 76cm, 2018.

Càng về cuối phiên, các lượt giá được đưa ra cho các vật phẩm càng trở nên kịch tính và cuốn hút. Đặc biệt, phải kể tới chiếc đồng hồ Thụy Sĩ Ernest Borel GS8380C-221 do hệ thống bán lẻ đồng hồ chính hãng Galle Watch tặng. Giá trị của chiếc đồng hồ đời 1856 có chế tác tinh xảo bên trong, thanh lịch bên ngoài đã được đề xuất với giá khởi điểm rất hấp dẫn, chỉ 20 triệu đồng và nhanh chóng được họa sĩ Thành Chương sở hữu với mức giá 25 triệu.

Chiếc xe Vespa là vật phẩm có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá cũng nhanh chóng tìm ra được người sở hữu. Đó chính là nhà sưu tập Lê ở Nha Trang. Anh chính là người ra giá đầu tiên 210 triệu đồng và cũng là người chốt giá cho chiếc xe do họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên ở mức 300 triệu đồng.

Những bức tranh tại cuộc đấu giá đặc biệt này cũng có những giây phút “rượt đuổi” bằng con số được các nhà đấu giá trả giá từ tốn.

Đó là bức tranh lụa khổ 130cm x 50cm, mực acrylic trên lụa, 2022 của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn được chào giá 55 triệu. 4 nhà đấu giá qua điện thoại và một nhà đấu giá trực tiếp tại khán phòng đẩy con số 55 lên từ 58 - 60 - 62 đến 71 triệu trong phiên đấu. Chốt phiên, nhà sưu tập Thanh Trần đã sở hữu tác phẩm với giá 71 triệu.

Bức tranh đấu giá tiếp theo là tác phẩm Phố đêm trăng được vẽ trên chất liệu tranh sơn dầu trên toan, 50 x 40cm, 2021 của Phạm An Hải có giá khởi điểm là 30 triệu. Tác phẩm có đến 5 nhà đấu giá từ nước ngoài (Anh quốc), hay trong nước (từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) tham gia. Chốt phiên, người sở hữu bức tranh thuộc thể loại trừu tượng này là Võ Thanh Cúc với giá 55 triệu đồng.

Một bức tranh khác được đấu giá tại buổi lễ trao giải Dế Mèn cũng rất đáng được chú ý. Đó là tác phẩm nằm trong bộ sưu tập Bình An của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh. Tác phẩm được nhà đấu giá Hoàng Thu Thủy sở hữu với giá 30 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Tùng Dương (trái) và ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo TT&VH, sau khi mua thêm bức tranh “Từ vũng bùn tiến thẳng tới vinh quang”. Ảnh: Hòa Nguyễn

Đấu giá thành công hàng trăm triệu đồng

Chăm lo đời sống vật chất hay chăm lo đời sống tinh thần cho các em thiếu nhi, với chúng ta, đều quan trọng như nhau. Từ nhiều năm nay đã có rất nhiều các hoạt động thiện nguyện hướng về trẻ em vùng cao, nhưng dù có nhiều hơn nữa cũng vẫn chưa thể coi là đủ.

Và bởi thế, trong khả năng của mình, ban tổ chức chương trình “Vì mái trường cho em” muốn thực hiện một cách quyên góp mới: vận động các văn nghệ sĩ, Mạnh thường quân, ủng hộ các tác phẩm nghệ thuật hay các vật phẩm giàu ý nghĩa văn hóa, để tiến hành đấu giá.

Thật may mắn, sau hơn 1 tháng phát động, chương trình đã nhận được gần 60 tác phẩm, vật phẩm cùng hơn 50 bức tranh quý từ các họa sĩ, nhà sưu tập nghệ thuật.

Do số lượng vật phẩm khá lớn nên BTC phải tiến hành trước 3 phiên đấu giá trên mạng, bán được hơn 50% số tranh ủng hộ, thu được gần 300 triệu đồng. Sau buổi đấu giá trực tiếp, số tiền thu về 645 triệu đồng.

Như chia sẻ, khởi đầu chương trình thiện nguyện “Đấu giá nghệ thuật vì Mái trường cho em”, báo Thể thao và Văn hóa đặt ra nhiệm vụ trước tiên là hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số điểm trường tại Sơn La và Lai Châu, với khoản kinh phí là 150 - 200 triệu đồng/điểm trường, cộng thêm các quà tặng hiện vật khác trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 - 15/8/2022.

Theo đó, số tiền thu được từ phiên đấu giá đầu tiên “Vì mái trường cho em” sẽ được BTC sử dụng trước tiên để hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm trường Huổi Khoang thuộc Trường Mầm non Sao Mai, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều nơi khác.

Họ đã nói gì?

Chia sẻ tại sự kiện, ca sĩ Thanh Lam cho rằng giải thưởng Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em” rất thú vị. “Đây là việc làm ý nghĩa cho cộng đồng, nhất là khi tạo ra một môi trường để nuôi dưỡng sự trong trắng, lãng mạn trong tâm hồn của trẻ thơ. Đó chính là những gì chúng ta nên quan tâm khi hướng đến chính là những tài năng, những công dân mới và trẻ của Việt Nam trong tương lai” - nữ ca sĩ bày tỏ.

Trong khi đó, ca sĩ Tùng Dương cho rằng đấu giá nghệ thuật là một hoạt động thiện nguyện rất ý nghĩa của TT&VH.

“Là một nghệ sĩ đã rất nhiều năm đồng hành cùng với tờ báo cũng như Thông tấn xã Việt Nam, tôi thấy quý báo có rất nhiều giải thưởng ý nghĩa giá trị, có nhiều đóng góp cho xã hội mà Dế Mèn là một trong số đó” - anh nói - “Năm nay, trong khuôn khổ của giải thưởng lại còn có cuộc đấu giá vừa hấp dẫn, vừa nhân văn. Tôi nghĩ, chúng ta nên duy trì hằng năm các hoạt động để khích lệ động viên các cháu thiếu nhi, tạo cho các cháu có môi trường tốt để phát triển năng lực bản thân. Và báo Thể thao & Văn hóa sẽ trở thành cầu nối cũng như là nơi ghi danh và chắp cánh cho các cháu.

“Cùng chung tinh thần thiện nguyện với Thể thao & Văn hóa, bản thân tôi và nhóm bạn của mình cũng vừa quyên góp cho các cháu mẫu giáo và trung học ở Điện Biên mỗi trường 550 triệu đồng” - ca sĩ Tùng Dương cho biết thêm.

Lam Anh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN