TTVH Online

Cao Xuân Hạo - chàng Đôn Kihôtê xứ... Việt Nam

15/08/2008 21:21 GMT+7

Entry này như một nén hương muộn thắp cho ông, người tôi kính trọng.

Tôi biết đến tên Cao Xuân Hạo từ khi còn bé lắm, nằm ôm những quyển sách truyện của Liên Xô do ông dịch như Truyện núi đồi và thảo nguyên, Người con gái viên đại úy… Có những quyển giấy đen kình kịt, cũng có những quyển của nhà xuất bản Cầu Vồng in giấy trắng dầy đẹp đến nghi ngờ cái nghèo của nước Việt Nam thời ấy.

Cao Xuân Hạo, ông chính là nguyên nhân khi giờ đây, tôi khó tính khi lựa chọn những tác phẩm văn học dịch.

Khi học đại học, tôi mới biết đến ông với tư cách nhà ngôn ngữ học.

Cao Xuân Hạo, đó là cái tên mà khi ra hiệu sách, tôi không bao giờ ngại ngần đặt câu hỏi có mua hay không, nhìn thấy tên ông trên trang bìa là cầm lên. Những quyển viết về tiếng Việt của ông thực sự xứng đáng là sách gối đầu giường cho những người cầm bút, những người yêu sự trong sáng của tiếng Việt, tha thiết cái linh hồn của ngôn ngữ Việt.

Câu chuyện tôi vẫn hay kể vui với mọi người, về một người hồi chiến tranh nghe báo động có máy bay nhất định không chịu chui xuống hầm trú ẩn bởi trên cửa hầm ghi “hầm chú ẩn” chính là một trong những truyền thuyết về ông, ghi nhận tình yêu và thái độ quyết liệt bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Có người đã ví ông như chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê, với ngọn bút là cây thương, đơn độc một mình một ngựa đi trong nhập nhoạng ráng chiều, với niềm tin ngày mai sẽ là cuộc hoan ca của những con chữ Việt chào đón ông, người giải phóng.

Nhưng người giải phóng đã dừng lại. Mà chưa được hưởng niềm vui. Vì tuổi tác và bệnh tật. Ai sẽ thay ông đi tiếp con đường?

Vẫn còn nhớ những âu lo của ông, những âu lo đầy cơ sở mà giờ đây, bạn có thể bắt gặp hàng ngày trên mặt báo, trên tivi. Khi nghe quảng cáo: “Chương trình này được tài trợ bởi PS”, Ông viết: Một câu văn tây đến như thế mà có người coi là tiếng Việt trong sáng thì ngày suy vi của tiếng Việt không còn xa nữa!

Nghe cái thứ “tiếng Việt bồi” này như bị đấm vào lỗ tai.

Hôm nay là 20 tháng 10, tôi sẽ tỏ tình với một cô gái: “Em được yêu bởi anh”.

Tôi nói thế, vì “tôi không được dạy bởi thầy Cao Xuân Hạo”.

Thầy, đúng thế. Đã từ lâu, tôi vẫn coi ông như người thầy từ xa của mình, trông vào mà uốn nắn bản thân. Blog tôi viết, những lời bình cho phim, lời viết cho phóng sự, tôi bao giờ cũng cố gắng dùng những từ ngữ giản dị nhất, dễ hiểu nhất, khoảng 200 từ thôi. Tôi là một người làm báo, không phải nghệ sĩ làm văn, tha hồ tung hứng, đẽo gọt, sáng tạo các con chữ. Thi thoảng, lục tư liệu đọc lại những bài viết của thầy, tôi lại thấy mình cũng đang góp phần đẩy con tàu tiếng Việt ra khỏi đường ray bản sắc.

Không phải ngẫu nhiên, ngay từ khi lập blog, tôi đã để blast mỗi ngày một câu ca dao. Theo thầy, ca dao tục ngữ chính là những câu tiếng Việt mẫu mực nhất, kết tinh những phẩm chất đáng tự hào nhất của tinh thần dân tộc. Vậy mà giờ đây, những cách hành văn đó được coi là lạc hậu, lỗi thời, không chuẩn chỉ bởi vì đó là cách hành văn thuần túy Việt Nam.

Tôi vẫn đau đáu muốn làm phim về thầy. Tên Cao Xuân Hạo nằm trong số 12 người tôi ưu tiên chọn làm phim tài liệu gấp trong năm 2008. Trong năm nay, Trần Bạch Đằng và Cao Xuân Hạo đã ra đi. Trong đời làm nghề, tôi biết mình sẽ còn phải gặp nhiều nỗi buồn như thế này nữa. Nỗi buồn của một người chậm chân, có lỗi với thầy, có lỗi với nghề, có lỗi với cả những thế hệ sau yêu cái linh hồn nguyên sơ của tiếng Việt.

Có thể đọc thêm:

- Tiểu sử Cao Xuân Hạo

- TIẾNG VIỆT SOS – đọc để thấy những lỗi chúng ta vẫn gặp thường ngày

- Giới trẻ đang học cái thứ gần 100% không phải tiếng Việt – Bài phỏng vấn Cao Xuân Hạo
 
 
Trương Công Tú
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN