Những thanh âm vọng mãi từ thanh niên xung phong
Trong nhịp thở thành phố này, không thể thiếu dấu ấn thanh niên xung phong (TNXP) như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong bài thơ Thành phố tình yêu và nỗi nhớ nổi tiếng của anh. (Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành bài hát cùng tên, được xem là một trong những ca khúc hay nhất về TP.HCM).
"Em ơi lắng tai
Nghe thành phố thở
Bằng tiếng sóng vỗ
Dưới những thân tàu
Bằng hương rừng già
Trên vai bộ đội
Bằng hương đồng nội
Thanh niên xung phong..."
Và trong đời sống văn học nghệ thuật của TP.HCM 50 năm qua, không hề ngẫu nhiên khi có một lớp văn nghệ sĩ trưởng thành từ TNXP để thành danh như Nguyễn Nhật Ánh, Thế Hiển, Nguyễn Đức Trung... Họ đã sáng tác không chỉ bằng tài năng, bằng sự học hỏi mà bằng chính cả những trải nghiệm mồ hôi, nước mắt, bằng cả máu xương của đồng đội mình trong thời tuổi trẻ mang nhiều khát khao xây dựng và bảo vệ TP.HCM nói riêng, Tổ quốc nói chung.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung: Cảm hứng có từ cuộc sống TNXP theo tôi suốt đời
Ngày 28 tháng 3 năm 1976, tôi đi TNXP. Chúng tôi ra quân đợt đầu tiên ở sân vận động Thống Nhất.
Lúc đó tôi 21 tuổi. Ở địa phương, tôi đã tham gia hoạt động phong trào thanh niên rồi nên khi đi TNXP thì rất quen sinh hoạt trong môi trường này. Vào những ngày đầu TNXP, chúng tôi cũng ra hiện trường tham gia lao động sản xuất như đào kênh tiêu, kênh tưới ở khu vực Củ Chi để đồng bào có nước làm ruộng. Gần 1 năm sau đó, tôi được triệu tập về làm công tác phong trào văn hóa văn nghệ, tham gia đội văn công phục vụ trong TNXP.
Chính vì tham gia công việc này mà tôi có thể đi nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm. Nơi nào có TNXP thì nơi đó đội văn công TNXP TP.HCM có mặt, từ những hiện trường như Lê Minh Xuân, Dương Minh Châu, Phạm Văn Hai,... đến các vùng duyên hải như Đỗ Hòa, Cần Giờ, Trị An... Trước đó là Minh Hải, Kiên Giang. Cho tới cả những vùng biên giới phía Tây Nam. Sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, TNXP đi về các nông trường tham gia trồng mía, trồng cây phủ xanh rừng...
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung
TNXP hoạt động ở nhiều môi trường, địa phương khác nhau nhưng ở đâu cũng đầy sức sống nhiệt tình, cống hiến, không ngại gian lao, hy sinh. Bởi ở tuổi trẻ, ai cũng có hoài bão, ai cũng mong muốn được đóng góp một phần sức lực thanh xuân của mình cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình và cả công cuộc bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.
Đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm ở giai đoạn thanh xuân đặc biệt này, và luôn có cảm giác kể ra không thể hết được. Trong đó có cả những niềm vui, những khát vọng tuổi trẻ, có cả tình đồng đội, cả những mất mát, đau thương của anh em đồng đội của mình trên chiến trường bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Ai đã từng tham gia TNXP thì thấy những điều ấy vô cùng thấm thía và sâu sắc.
Chúng tôi đi TNXP ở giai đoạn tuổi mới lớn, tuổi thanh xuân của mình, trải qua nhiều thay đổi trong cuộc sống, nhìn thấy những va chạm trong cuộc sống, từ việc lao động trong cuộc sống đến việc phục vụ chiến đấu sát cánh bên cạnh bộ đội ở biên giới Tây Nam,... Với những trải nghiệm cuộc sống với bao hy sinh, vất vả, giữa cái sống và cái chết. Đó là những trải nghiệm vô cùng xứng đáng, đáng tự hào của một thế hệ thanh niên.
Từ trải nghiệm TNXP, tôi đi biên giới và có bài Tiếng hát em như một dòng sông, đi về duyên hải như Đỗ Hòa, Cần Giờ thì có Tình yêu con tàu và dòng sông, đi ở vùng Lê Minh Xuân viết ca khúc Hạt mưa long lanh, hay Đêm rừng Đăkmin khi đến cao nguyên... Trong khi đó, nhạc sĩ Thế Hiển viết Nông trường cao nguyên; nhạc sĩ Trương Quang Lục viết về Một thời đẹp nhất;... Cũng từ những ngày tháng cháy hết mình với TNXP mà sau này có những bài hát được nhiều người biết đến như Nguyễn Ngọc Thiện viết Như khúc tình ca; tôi viết Em như tia nắng mặt trời... Những bài hát ấy phản ánh lên được màu sắc tình yêu con người và cuộc sống, tình đồng đội của TNXP trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng.
Tối 28/3/2025, Lực lượng TNXP TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 49 năm xây dựng và phát triển (28/3/1976 - 28/3/2025), đánh dấu gần nửa thế kỷ cống hiến không ngừng nghỉ cho Thành phố. Ảnh: htv.com.vn
Và với tôi, về sau, cũng nhờ từ môi trường TNXP mà tôi có chất liệu, có môi trường sáng tạo rộng hơn như tham gia viết bài hát cho những bộ phim như "Giã từ dĩ vãng", bài Thiên đường mong manh trong phim "Đồng tiền xương máu"... Nếu không có những chất liệu từ đời sống TNXP, tôi tin rằng không chỉ đối với riêng tôi mà còn khuyết thiếu nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay trong đời sống văn hóa của TP.HCM sau này.
TNXP chính là một phần không thể thiếu trong sức trẻ của thành phố, đem lại sức sống mới, tốt đẹp hơn, trẻ trung hơn, đem lại những niềm tin vào cuộc sống, tương lai, vào khát vọng sẻ chia qua màu áo xanh của mình. Lực lượng TNXP hiện nay tiếp tục có những sự đóng góp, cống hiến cho Thành phố.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Bằng hương đồng nội/ Thanh niên xung phong"
Trong số hàng vạn thanh niên thư sinh tham gia TNXP ngày ấy còn có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lúc bấy giờ, hẳn không chỉ riêng anh mà không ai có thể nghĩ anh lại là nhà văn best seller sáng tác cho tuổi mới lớn sau này với hơn 100 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm có số lượng in hơn trăm ngàn bản. Anh cũng đã đoạt nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của anh được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN. Năm 2020, anh đoạt giải Hiệp sĩ Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng tạo nhiều dấu ấn với thơ ca, anh có nhiều bài thơ đi vào lòng công chúng, được phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn), Đầu xuân ra sông giặt áo (nhạc sĩ Lã Văn Cường).
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ:
"Tôi viết bài thơ Đầu xuân ra sông giặt áo vào năm 1979, lúc đang thi công công trình thuỷ lợi Ba Gia ở nông trường Phạm Văn Cội, Củ Chi. Đơn vị TNXP của tôi lúc đó đóng cạnh sông Sài Gòn.
Tết năm đó, tôi ở lại đơn vị, sáng đầu năm cùng vài anh em ra sông tắm và giặt giũ quần áo bên bến sông. Nhìn dưới tay mình "chiếc áo bữa nay đứt cúc/ ngày mai lại toạc trên lưng", bùi ngùi thấy cuộc sống sao mà vất vả quá, nhưng rồi nghĩ lại thời hậu chiến cả nước còn khó khăn, chúng tôi đi TNXP là chấp nhận cực khổ để thực hiện hoài bão của tuổi trẻ với sứ mệnh "xây dựng lại đất nước sau chiến tranh", lòng bất giác rưng rưng "ra sông giặt áo đầu xuân/ thấy lòng tự dưng xúc động/ dòm sông thấy nước vẫn đầy/ ngó áo biết tình còn nặng". Chính cảm xúc thiêng liêng và cao đẹp này đã dẫn đến câu kết của bài thơ: "đất nước còn nhiều gian khổ/ mai ta lại mặc áo này".
Tuổi trẻ TNXP Thành phố xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Ảnh: tnxp.hochiminhcity.gov.vn
Cùng năm đó, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nổ ra. Rất nhiều thanh niên thành phố lên đường ra biên giới tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc, trong đó các đơn vị TNXP luôn sát cánh với bộ đội để bắc cầu, cáng thương, tải đạn… Bài thơ Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ của tôi ra đời trong hoàn cảnh đó: Mai chiến trường xa/ Dẫu nhiều gian khổ/ Trái tim thành phố/ Vẫn đập trong người/ Như là cuộc sống/ Như là tình yêu/ Như là nỗi nhớ/ Suốt đời mang theo…
Nói chung, cảm hứng sáng tác của thế hệ cầm bút chúng tôi lúc đó chủ yếu là cảm hứng công dân, gắn liền với biến động của thời cuộc, với lòng yêu nước cháy bỏng. Các cây bút trẻ ngoài niềm đam mê với văn chương đều cùng chung lý tưởng sống. Những sáng tác lúc đó nhằm bộc bạch tâm tình, nói lên khát vọng của tuổi trẻ từ các công trường, nông trường, từ chiến trường Tây Nam khắc nghiệt, từ các nhà máy, từ bục giảng ở các vùng sâu, vùng xa…
Ngày 28/3/1976, hơn 1 vạn TNXP đã ra quân đến những vùng ngoại thành TP.HCM, nơi rừng núi gian khổ để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới làm giàu đẹp quê hương đất nước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất