NHỮNG CƠN GIẬN DỮ VÀ MÁU ĂN THUA ĐÃ TẠO NÊN ALEX FERGUSON VĨ ĐẠI
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn giận của mọi cơn giận, như nhà báo của Guardian là Daniel Taylor đã gọi, xuất hiện khi Sir Alex Ferguson đối mặt báo chí vào tháng 12/2004, 2 ngày sau vụ đụng độ trong ngày Lễ tặng quà với Bolton khi Wayne Rooney tát vào mặt Tal Ben Haim.
Rooney thoát tội, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ nhận một án phạt từ FA, và căng thẳng lên cao ở Carrington khi vấn đề đó được nêu ra với Ferguson. Ông bùng nổ trong cơn giận, đập bàn, quát tháo, và cáo buộc báo chí đang mở cuộc săn phù thủy với Rooney. “Thật ấn tượng khi thấy cảnh ông ấy nổi giận”, Taylor viết. “Chồm người ra khỏi ghế, cơ cổ căng lên, mắt lồi ra, chửi bới tục tằn”. Trong cơn thịnh nộ, Ferguson vung tay qua bàn và ném một chiếc máy ghi âm vào tường. “Cút”, ông nói. “Cuộc họp báo kết thúc. Các người đã khiến tôi nổi điên. Hay lắm!”
Trong tác phẩm của mình, Taylor còn kể lại vài câu chuyện nữa mà Ferguson làm cánh phóng viên phát khiếp. Hầu hết các nhà báo đều xếp “máy sấy tóc” ở rất cao trong danh sách những người phải đối phó thận trọng. Chỉ có vài người là ngoại lệ, những tay đã biết ông từ thời ở Scotland, cả thời thơ ấu tại Glasgow và sự nghiệp của ông ở East Stirlingshire, rồi St Mirren, và Aberdeen. Những nhà báo đó tin rằng Ferguson đã dễ chịu hơn nhiều. Hồi còn ở Scotland, ông tệ hơn hẳn.
Các cầu thủ ở Aberdeen cũng chia sẻ điều đó. “Lúc ông ấy 36, 37 tuổi thì không phải là máy sấy tóc”, Stuart Kennedy nói với Michael Grant trong cuốn Fergie Rises. “Đó là máy cắt cỏ. Tàn bạo. Giẫm đạp lên mọi cảm xúc, đó là Alex Ferguson. Những năm sau này ông mới giảm tông xuống thành máy sấy tóc”.
Các cầu thủ gọi ông là “Chúa tể bóng tối” và “Fergie cuồng nộ”. Khi họ vào phòng thay đồ, Ferguson đã đứng sẵn ở cửa và nhìn thẳng vào mắt từng người. Trong phòng thay đồ, ông khiêu khích, dọa dẫm và nạt nộ họ. Đấm tay vào tường, quăng chai nước, ném máy nghe nhạc, thậm chí ném quần một cầu thủ lên đầu anh ta. Trong một dịp khác, Ferguson đạp một chiếc bàn uống cà-phê, khiến một cốc nước nóng rơi xuống và làm chính ông bị bỏng. “Ngay cả tôi cũng thấy sợ bởi cơn giận đến nhanh và rất dữ dội của mình”, ông nói.
Đó cũng chính là yếu tố then chốt khiến Ferguson khác biệt. Trong phim tài liệu Scotsport làm năm 1985, lúc mà vinh quang ở Aberdeen đã giúp Ferguson tới Anh, ông nói suy nghĩ của ông về người chiến thắng: “Tôi không phải là người giành danh hiệu khi còn là cầu thủ, không có danh hiệu lớn nào, nhưng tôi có khát khao chiến thắng… và tôi nghĩ tôi đã mang theo điều đó vào nghề HLV”.
Gordon Strachan nói ông chưa từng thấy một lòng quyết tâm như thế. Dù Ferguson làm gì, ông luôn phải chiến thắng. Khi ông còn mở quán rượu ở Glasgow, ông thách những ông già trong quán chơi domino. Ở East Stirlingshire, ông xỏ giày để tham gia tập với các cầu thủ, và sẽ bắt họ tập tới khi trời tối hẳn nếu thấy cần. “Ông ấy nóng tính, luôn la hét, chửi bới và không ngại động chân động tay”, tiền đạo Bobby McCulley nhớ lại. Ở Aberdeen, ông trở nên cáu bẳn tới mức các cầu thủ phải giả vờ thua ông khi chơi bi-a. “Đội bóng phản ánh HLV của họ và những gì họ tin tưởng”, Strachan kể nhiều thập niên sau. “St Mirren là một đội như thế, trẻ trung, cáu bẳn, phấn khích, và nguy hiểm”.
Ferguson lớn lên ở Govan, một quận của dân lao động nằm bên sông Clyde, ở Glasgow. Đó là một vùng nhộn nhịp, nơi tàu thuyền và cần cẩu tấp nập bên cạnh những căn nhà gạch, với những công nhân làm việc chăm chỉ tới tận hoàng hôn và sau đó giải trí trong những quán rượu khắp thị trấn. Nhà Ferguson sống ở một vùng như thế. Họ không có xe hơi, điện thoại, hay ti-vi, nhưng làm việc chăm chỉ. Mẹ ông, Elizabeth, làm trong một nhà máy kéo sợi kim loại. Cha ông, Alex, là thợ đóng tàu, làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, 60 tiếng mỗi tuần. Alex nghiêm khắc, thiếu kiên nhẫn, đòi hỏi, và nóng tính. Từ 6 giờ sáng, ông đánh thức con trai dậy và điều đó cực kỳ quan trọng: Ngay từ đầu, Ferguson đơn giản tin rằng cách duy nhất để tiến xa trong cuộc đời là làm việc cật lực.
Lớn tuổi hơn, Ferguson trở nên tinh quái hơn và dần học được sự khôn ngoan của đường phố. Ông không bao giờ nhượng bộ những kẻ bắt nạt, thà bị tẩn mềm người chứ không xin xỏ. Những trận đánh nhau từng khiến ông nhập viện, nhưng dần đám trẻ trong khu biết là đừng nên gây sự với ông. Trong cuốn tự truyện đầu tiên của ông, Managing My Life, ông nhớ lại có lần đi tới một khu chơi bi-a, năm ông 10-11 tuổi gì đó, rồi được một đám nhóc khác mời uống nước chanh. Hóa ra đó là nước tiểu. Ông suýt nôn ở đó. Một cậu bé bình thường sẽ phải nhịn mà về nhà, nhưng Ferguson đã thủ hai quả bi-a và một thanh gỗ, đợi khi đám trẻ kia không để ý, ném những quả bóng về phía họ “với tất cả sức lực”. Ferguson sau đó bỏ chạy, dùng thanh gỗ cài chặt cửa sau lưng.
Những lúc không đánh nhau, Ferguson chơi bóng đá ở các giải địa phương, thứ bóng đá còn nguyên chất bạo lực sơ khai của miền bắc đảo Anh. Đầu tiên ông chơi cho Harmony Row, nơi những vụ ẩu đả trên sân diễn ra như cơm bữa. 14 tuổi, ông chuyển sang Drumchapel Amateurs; rồi Queens Park, đội nghiệp dư hay nhất ở Scotland. Rất ương bướng, ông thường xuyên cãi cọ với HLV về chiến thuật và phương pháp huấn luyện. Ông rất bực khi phải chơi sai vị trí ở Queens Park trong trận ra mắt đội 1, tại Stanraer. Trận đấu trở thành một cơn ác mộng. Ông đá tiền đạo lùi, nhưng bắt đầu bên cánh phải, nơi ông đánh nhau với một hậu vệ trái tên là McNight. Ngay sau vài pha bóng mở màn, McNight cắn ông, ông choảng lại ngay. Ngày nay, đó là điều tồi tệ kinh khủng không thể chấp nhận. Nhưng đấy là bóng đá ở Scotland nhưng năm 1950, và vào giở nghỉ, Ferguson bị HLV Jackie Gardiner thay ra vì “không đủ quyết liệt”!
Một chiều thứ Bảy sau đó, Ferguson và bạn bè đi qua một đám cưới. Chỉ vì tình cờ, chú rể là McNight. Sau khi Ferguson kể lại mọi chuyện, họ quây McNight và đánh hội đồng ở ngay cửa vào nhà thờ. Một phụ nữ lớn tuổi sau đó xua họ đi, nhưng Ferguson và bạn bè vẫn kịp đứng lại hỏi: “Thằng chó, ai lại muốn cưới mày thế?”
Ở trường, Ferguson bỏ học, học kém, và nghỉ học hẳn năm 16 tuổi. Ông làm tập sự 5 năm trong một xưởng công nghiệp ở khu Hillington Industrial Estate, đi làm trên những chuyến xe buýt chật kín và ngợp trong khói thuốc lá. Khi các đồng nghiệp của ông dành thời gian rỗi trong quán rượu, ông chơi cho CLB mới St Johnstone, rời chỗ làm tới chỗ tập lúc 4 giờ chiều, về nhà lúc 1 giờ sáng và dậy lúc 6 giờ sáng. “Chỉ viết ra lịch trình đó thôi đã khiến tôi mệt nhoài rồi”, ông sau này nói.
St Johnstone khiến ông thấy hấp dẫn với đề nghị về một chỗ trong đội 1, nhưng Ferguson chỉ đá 10 phút trong mùa ra mắt. Tới năm thứ 4, ông đã chơi 50 trận. Rồi trong một trận cho đội dự bị, ông bị gãy mũi, vỡ xương má và rách lông mày. Ông phải đeo mặt nạ 6 tuần và khi trở lại, đội dự bị thua Celtic 1-10 và Kilmarnock 2-11. Tuyệt vọng và tan vỡ, ông làm giấy tờ di cư sang Canada, nơi gia đình cha ông đã sang sống và nơi những tay thợ có nghề như ông kiếm được khá hơn. Ông muốn một lối thoát.
Trận tiếp theo họ gặp đội dự bị Rangers. Ferguson không muốn đá và nói với bạn gái gọi cho HLV của ông, Bobby Brown, giả làm mẹ ông và nói ông bị ốm. Nhưng cha mẹ ông phát hiện ra. Cha ông nổi trận lôi đình vì ông nghĩ tới bỏ cuộc, và cả mẹ ông cũng la rầy. Brown cũng quát tháo qua điện thoại, bởi nhiều thành viên đội 1 quả thực bị ốm, lúc đấy vào tháng 12, và lệnh cho ông lên tập trung vào ngày hôm sau. Hôm đó, St Johnstone gặp Rangers ở Ibrox, nơi họ chưa bao giờ thắng, và Ferguson chơi trận đấu của cuộc đời. Ông lập một hat-trick mang về chiến thắng. Viết vào năm 1999, Ferguson vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích hợp lý cho “phép màu” đó, và thực sự tin rằng đấy là ơn trên: “Do tôi chưa bao giờ nghi ngờ về ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài mà chúng ta không biết được. Cuộc đời tôi đã thay đổi từ ngày hôm đó”.
***
Khi còn là cầu thủ, Ferguson nổi tiếng bởi năng lượng, sự can đảm, và dữ tợn của ông. Một người quan sát, theo lời Patrick Barclay trong cuốn tự truyện về Ferguson, Football - Bloody Hell!, mô tả ông là “kiểu tiền đạo truyền thống không tôn trọng một ai”. Ferguson chỉ trích đối thủ, trọng tài, và cả đồng đội. Một lần, ông đi từ đầu sân về cuối sân để quát tháo một đồng đội vì anh này chuyền sai, trong một trận giao hữu! Nhưng cơn thịnh nộ ghê gớm nhất là với các trung vệ đối phương. Ông bị đuổi khỏi sân 6 lần và nhận hàng loạt án treo giò vì các lỗi trả đũa. Ông tích cực thúc cùi chỏ vào đối phương, dù ông luôn nói đó là tai nạn. “Đó là một kẻ đáng sợ”, John Greig nói với Barclay. “Người ông ấy toàn da bọc xương, và những cú thúc cùi chỏ của ông ấy như lưỡi dao đâm vào người bạn”.
Hat-trick ở Ibrox giúp Ferguson kiếm được một hợp đồng ở Dunfermline với mức lương 28 bảng/tuần, đủ để ông bỏ việc công nhân và chơi bóng toàn thời gian. Ông cũng bắt đầu thấy đó có thể là một nghề nghiệp lâu dài. Ông nhanh chóng đăng ký lớp HLV đầu tiên, và tham gia hỗ trợ các vấn đề chiến thuật, thông tin, và thống kê trong đội. “Ông ấy học hỏi tích cực hơn rất nhiều người trong chúng tôi”, HLV Willie Cunningham nói với Barclay.
Dunfermline lẽ ra đã vô địch Scotland trong mùa đầu của ông, nhưng bỏ lỡ cơ hội khi để Kilmarnock và Hearts qua mặt. Nhiều người cho rằng Ferguson có trách nhiệm lớn. Khi họ gặp Celtic ở Cúp QG Scotland, Cunningham loại Ferguson. “Đồ khốn!” - Ferguson quát tháo với HLV trưởng, khi các đồng đội ngăn ông lại. Lúc đó bóng đá còn chưa có luật cho thay người, nên Ferguson ngồi ngoài chứng kiến đội nhà thua 2-3, trước khi nộp đơn xin được chuyển nhượng.
Kiểu tính khí đó rất điển hình với Ferguson. Ngay cả trong ngày đám cưới, ông cũng không giữ được bình tĩnh. Ngày 12/3/1966, ông kết hôn với Cathy Holding, và khi họ sắp chụp ảnh cưới, có người định đậu xe vào chỗ họ đã đặt. Ferguson la hét và đuổi theo gã đó. “Cathy giận tôi”, ông viết. “Ngày đầu mới cưới hay ho nhỉ, Alex”. Sau buổi chụp ảnh, Ferguson tới thẳng sân đá cho Hamilton Academical. Họ cũng chẳng có kỳ trăng mật: Ngày hôm sau, ông đã ở trong một khách sạn tại Dunblade chuẩn bị cho trận tứ kết Fairs Cup (được xem là tiền thân của Cúp C3) gặp Zaragoza.
Sau khi Cunningham từ chối để ông ra đi, Ferguson từ chối đá, và rốt cuộc ông chuyển sang Rangers. Jock Stein vừa đưa Celtic tới 2 danh hiệu liên tiếp, nên Rangers đang rất bực dọc, nhưng mùa đó Rangers tiến gần tới danh hiệu tới mức Stein đã (giả vờ) buông xuôi. Những tuyên bố của ông thật ra chỉ gây ra áp lực cho Rangers và Celtic lại qua mặt họ vào phút chót. Các CĐV Rangers nổi giận và vây lấy phòng thay đồ, đập cửa sổ và khiến các cầu thủ không dám ra ngoài nhiều tiếng liền. Khi Ferguson thoát vào trong một chiếc xe đợi bên ngoài, một CĐV đá vào bắp chân ông. “Tôi sẽ không bao giờ quên những dòng tít Jock đã tạo ra”, Ferguson viết. “Đó là một mẹo mà tôi sẽ nhớ mãi khi làm HLV”.
Mùa tiếp theo, HLV David White muốn đổi Ferguson lấy một tiền đạo khác, Colin Stein. Khi Ferguson từ chối ra đi, ông bị đẩy xuống đội dự bị. Sau này, trong một trận hiếm hoi được đá chính, ông để lọt người ông được phân công kèm dẫn tới bàn thắng của Celtic khiến Rangers thua trận chung kết Cúp QG. White thậm chí đẩy ông xuống đội trẻ. Ông không bao giờ quên cách mà Rangers đối xử với ông. “Hy vọng của tôi đã bị chôn sống ở đó”, ông viết.
Tháng 11/1969, Ferguson đành xuống chơi ở đội hạng Nhì Falkirk. Họ nhanh chóng thăng hạng. Ferguson tạo thành một cặp đôi lợi hại với Andy Roxburgh. Vài năm sau, ông muốn chuyển sang Hibs, nhưng HLV, lúc bấy giờ là Cunningham, cản trở bản hợp đồng đó. Lần này Ferguson không nhịn nữa, và họ đã choảng nhau trước khi mấy tay bác sĩ của đội kịp can thiệp.
Đến lúc đó, Ferguson đã xây dựng cho ông được lối tư duy chiến lược. Lớn tiếng và quả quyết, ông thường xuyên nghi ngờ Cunningham, người gọi ông là “sự phiền toái chó chết”. Nhưng mối quan hệ căng thẳng đó cũng ẩn giấu sự tôn trọng lẫn nhau, và Cunningham hẳn phải thấy gì đó khi mời Ferguson tham gia BHL của ông ngay từ khi ông còn là cầu thủ. Nhưng Ferguson không vì cương vị mới mà thay đổi trên sân: 1 tháng sau, ông bị đuổi khỏi sân ở trận gặp Aberdeen vì một phá đá nguội thô thiển. Đã mệt mỏi với những màn đấu võ đài của ông, LĐBĐ Scotland lần này treo giò ông 2 tháng. Khi Falkirk sa thải Cunningham, HLV mới của đội này John Prentice bán Ferguson cho Ayr.
Trước vụ chuyển nhượng đó, Ferguson đã định xin việc ở Falkirk. Ở Ayr, ông hiếm khi ra sân, và khi một đề nghị làm HLV tới từ East Stirlingshire ở hạng Nhì, ông nhận lời và giải nghệ nghề cầu thủ ở tuổi 32.
***
East Stirlingshire chỉ đủ tiền trả cho Ferguson làm bán thời gian, đồng nghĩa ông phải làm một việc khác. Nên ông mở một quán rượu ở Govan. Dựa vào chút danh tiếng trong nghiệp cầu thủ, ông đặt tên quán rượu là “Fergie’s” và gọi phòng chính là “phòng cùi chỏ”. Quán rượu thu hút đủ hạng người: “sử gia, nhà thơ, bác sĩ, những kẻ lang thang, những kẻ sẽ thành triệu phú, những kẻ thích đánh nhau, những người yêu đương, những người nhiều mộng tưởng”. “Bạn nhiều khả năng không gặp Sylvester Stallone, Bruce Willis và Arnold Schwarzenegger trong quán của tôi”, ông viết. “Nhưng thỉnh thoảng sẽ gặp một gã có thể hạ cả ba tay đó cùng lúc”.
Đó là một cuộc đời sôi động và không phải lúc nào cũng an toàn. Xuất hiện những tin tức nói quán ông liên quan tới một vụ trộm số rượu whisky trị giá 40.000 bảng. Một ngày khi đang trên sân tập, người trợ lý bán quán của Ferguson, George Hope, gọi tới và nói có người đến quán mang theo một khẩu súng. Khi cảnh sát đến thì kẻ đó đã đi. Hope tả lại gã đó cho cảnh sát, và họ nhanh chóng nhận ra đó là tay tội phạm khét tiếng nhất ở đông Glasgow. Hóa ra trước đó gã đã bắn chết một người và đang trên đường trốn chạy. Hope nhận ra ông là nhân chứng duy nhất của vụ việc, và bỏ xứ đi ngay lập tức. “Tôi nghĩ ông ấy đã chạy sang xứ Wales”, Ferguson viết. “Tôi mà là ông ấy, tôi đã chạy tới tận Tristan da Cunha (một hòn đảo chỉ có không tới 300 người ở), vùng lãnh thổ thuộc Anh ở Nam Đại Tây Dương)”.
Trong lần ấn bản thứ hai cuốn tự truyện (2013), Ferguson kể quán rượu giúp ông hiểu con người hơn, những ước mơ và nỗi thất vọng của họ. Những điều đó tỏ ra có ích ở East Stirlingshire. Đội hình của ông là vài chục cầu thủ cũng chỉ chơi bán thời gian, và không có thủ môn đích thực nào. Sân bóng có sức chứa 25.000, nhưng mỗi trận chỉ có khoảng 3.000 người tới. Ngân sách chuyển nhượng là 2.000 bảng. Không hề có kinh nghiệm hay bằng cấp HLV, Ferguson đã bắt đầu bằng cách dốc túi khoản ngân quỹ chuyển nhượng cho một tiền đạo tên là Billy Hulston.
Theo United We Stand, Hulston đã chuẩn bị gia nhập Stenhousemuir, nhưng Ferguson gửi điện tín cho anh và đòi gặp mặt, thuyết phục anh gia nhập East Stirlingshire. Khi Hulston nói muốn gọi một cuộc cuối cho Stenhousemuir, Ferguson nói: “Nếu cậu muốn thêm tiền, tôi sẽ trả cậu 50 bảng nữa tiền túi của mình”, và móc tiền ra đặt trên bàn. Hulston ký hợp đồng ngay lập tức.
Ferguson đã làm việc cật lực để đưa đội bóng tiến lên. McCulley nói ông thậm chí không đeo đồng hồ, mà chỉ làm cho xong việc. Báo trước lòng nhiệt huyết của ông trong đào tạo trẻ, ở CLB, Ferguson sử dụng toàn những người trẻ. Ông cũng chi ra 40 bảng để trả tiền xe buýt cho một nhóm học trò từ Glasgow tới chơi thử, và sau đó đóng sầm cửa phòng họp của ban quản trị khi bị vặn vẹo về khoản tiền đó. Các cầu thủ phải có mặt đúng giờ và sẵn sàng, nếu không thì họ chết với ông. “Ai cũng sợ ông ấy”, McCulley nói. “Tôi chưa từng sợ ai trước kia, nhưng ngay từ đầu ông ấy đã làm tôi phát khiếp”.
Ferguson không ngần ngại một phương tiện nào. Ông nói với các cầu thủ rằng báo chí địa phương thích đội Falkirk hơn, dù tờ duy nhất trong thị trấn là Falkirk Herald, với lượng phát hành khoảng 4.000 tờ. Trong một trận ở Cowdenbeath, ông quên kiểm tra thời tiết và tới đó mới thấy sân cứng như đá. Đáp lại, ông chạy xuống thị trấn mua 11 đôi giày chơi bóng chày. (Cũng trong trận đó, theo lời Ferguson, HLV đối thủ Frank Connor phản ứng với quyết định của trọng tài bằng cách ném băng ghế dự bị xuống sân). Những đôi giày bóng chày không giúp được gì, nhưng Ferguson gặp may hơn khi gặp đội bóng cũ của ông Falkirk. “Tôi nói với các cầu thủ của mình rằng họ thật vô dụng”, ông kể. Ông còn chuẩn bị cho trận đấu bằng cách nhốt cả đội trong khách sạn, rồi nói với đầu bếp chỉ phục vụ hai miếng cá, bánh mì, và mật ong cho mỗi người. Đầu bếp nói họ sẽ chết đói mất. “Tốt”, Ferguson đáp. Họ đánh bại Falkirk 2-0.
***
Vào tháng 10, Ferguson được St Mirren mời. Họ xếp thấp hơn East Stirlingshire trên bảng xếp hạng, nhưng nhiều triển vọng hơn, và dù ông rất yêu đội bóng khiêm tốn nhưng trung thành của mình, ông đã chấp nhận đề nghị đó. Khi ông nói với các cầu thủ ông sẽ ra đi, đầu tiên họ ngồi im lặng, tới khi tiền vệ cánh Tom Donnelly đứng lên quát: “Đồ khốn!”.
Vụ việc đó có liên quan tới Cunningham, người đã tiến cử Ferguson khi rời St Mirren. Hầu hết các cầu thủ là những người chơi bán thời gian, nhưng đòi hỏi của Ferguson thậm chí còn cao hơn. Khi ông tới, tờ báo địa phương Paisley Daily Express sắp xếp một buổi chụp hình cả đội. Khi tấm hình lên báo, Ferguson thấy đội trưởng của ông, Ian Reid, làm tai thỏ đằng sau ông. Ông gọi Reid lên và nói anh sẽ phải cuốn gói. “Tôi cần một đội trưởng chín chắn”, Ferguson nói. “Đó là một trò trẻ con. Cậu phải đi thôi”.
Tiêu chuẩn đã được thiết lập. Ferguson đòi hỏi kỷ luật và sự cam kết, và những kẻ chống đối sẽ phải ra đi lập tức. Một cầu thủ khác bị bán đi vì lái xe tới một trận sân khách khi mọi người khác đều đi trên xe buýt chở đội. Một người nữa vì khăng khăng nói anh ta không tới được buổi tập do cô bạn gái có hai tấm vé tới xem một buổi hòa nhạc. “Ông ấy chú ý vào từng chi tiết nhỏ nhất”, tiền vệ Billy Stark nói với Barclay. Ferguson cực ghét những kẻ lười biếng và say xỉn. Khi ông bắt gặp có người uống rượu bia trong phòng thay đồ, ông sẽ đập cái chai vào tường sao cho những vụn thủy tinh rơi lên đầu họ. Một lần, khi Stark tỏ ra lười nhác trong hiệp đầu, Ferguson đã ném giày vào anh ta trong giờ nghỉ. Một lần khác, Stark bị thay ra chỉ sau 7 phút.
“Tôi rất nóng tính, rất đam mê công việc của mình, và không chấp nhận để kẻ nào biến tôi thành một gã ngốc”, ông viết trong cuốn sách thứ 4 của ông, Leading. Có lẽ ông đã hơi tinh tướng vì thực ra trong năm đầu của ông, St Mirren có chuỗi 8 trận thắng liên tiếp và đang xếp thứ nhì khi ông nói với báo chí rằng họ sẽ không thua thêm một trận nào nữa mùa đó. Nhưng rốt cuộc, họ chỉ thắng 1/5 trận còn lại, thua 2, và chung cuộc đứng thứ 6. Dẫu vậy, vị trí này vẫn là đủ tốt với St Mirren, do giải hạng Nhì khi đó chia làm 2, 6 đội dẫn đầu ở lại hạng Nhì và 6 đội xếp cuối xuống chơi ở một hạng thấp hơn. Mùa tiếp theo, St Mirren lại về thứ 6.
Mùa Hè sau đấy, Ferguson dẫn đội bóng của ông tới Caribbe cho một chuyến du đấu 3 tuần, nơi họ gặp Barbados, Trinidad, Guyana và Surinam. Trong các trận đấu, ông mặc đồ của cầu thủ dự bị, chỉ cho vui. Nhưng mọi chuyện trở nên nghiêm túc khi họ gặp Guayana, đội đang đá rất quyết tâm để chuẩn bị cho vòng loại World Cup. Trung vệ của đội này liên tục đá xấu Robert Torrance, Ferguson kêu với trọng tài, nhưng vô ích. Khi Torrance lại bị đá nguội, Ferguson không còn bình tĩnh nữa. “Quá đủ rồi, tôi vào sân”, ông nói. “Gã khốn to con đó sẽ phải lãnh đủ”. Trong pha va chạm tiếp theo, ông trả đũa tay trung vệ khiến anh ta lăn xuống sân kêu la váng trời. Không lâu sau, Ferguson lại thúc một cú cùi chỏ nữa, và lần này thì trọng tài không còn cách nào khác ngoài việc rút thẻ đỏ. Sau trận đấu, Ferguson cảnh cáo các cầu thủ không được kể lại chuyện đấy. Và đã không ai dám kể.
Trở lại St Mirren, Ferguson lên một lịch làm việc cực kỳ khắc nghiệt. Mỗi ngày ông sẽ ở sân nhà Love Street tới 11 giờ sáng, rồi sang coi sóc quán rượu tới 2g30 chiều, trở lại Love Street để chỉ đạo việc luyện tập, rồi quán rượu, rồi về nhà. Cũng cần nhắc rằng lúc đó ông chẳng hề có một đội ngũ giúp việc như ở Man United. Ở Love Street, ông phải tự mình làm mọi chuyện từ mua dụng cụ lau dọn tới đặt thức ăn cho những ngày diễn ra trận đấu. Khi ông thấy có CĐV nhảy qua hàng rào, ông đã phải gọi người sửa lại hàng rào, tất cả những chuyện lặt vặt như thế đều tới tay ông. “Ông ấy hiện diện ở khắp nơi”, Stark nói với Barclay. “Luôn có cảm giác bị ông ấy theo dõi, ở mọi chỗ trong CLB”.
Một điều đặc biệt làm Ferguson khó chịu là số lượng CĐV quá ít ỏi, “chỉ lớn hơn dàn đồng ca nhà thờ chút xíu”. St Mirren đóng quân ở Paisley, một thị trấn nghèo bị Glasgow phủ bóng, và mỗi cuối tuần người ta lại đổ xô đi xem Celtic hay Rangers. Ferguson cảm thấy nơi đấy như mắc chứng phức cảm kẻ yếu thế. Vì thế vào một cuối tuần, một tay thợ điện đã lắp một bộ loa công suất lớn lên nóc xe tải, và trong chiếc xe đó, Ferguson lái khắp Paisley, micro trong tay, nói về đội bóng của ông và kêu gọi mọi người tới Love Street. Vậy mà hiệu quả. Đám đông đã tăng từ gần 1.000 lên 20.000 và với tinh thần lên cao, St Mirren thăng hạng vào năm 1977.
Đó là chiến tích lớn đầu tiên của Ferguson trong nghề HLV. Ông giờ nói tới việc xây dựng một đội bóng sẽ vượt qua Celtic và Rangers. Nhưng ở hạng đấu cao nhất, sự căng thẳng của việc làm hai việc một lúc là rất lớn. Trong trận gặp Clydebank, ông đã đuổi theo tay trọng tài biên dọc theo đường biên dọc, và chỉ HLV đối thủ mới cản được ông lại. Khi gặp Motherwell, ông chửi trọng tài thậm tệ tới mức LĐBĐ Scotland đã ban hành một án phạt kỳ lạ: cấm ông nói chuyện với các trọng tài khi trận đấu diễn ra trong 2 năm. Ông cũng cáu bẳn với những người ở Love Street, bao gồm Chủ tịch Willie Todd, và dù giúp đội bóng trụ hạng, ông bị sa thải vì vi phạm hợp đồng.
***
Aberdeen thực sự là chiếc ghế nóng. Họ về nhì ở giải VĐQG các năm 1971 và 1972, nhưng suýt rớt hạng năm 1976, điều khiến họ bổ nhiệm Ally MacLeod. Ông giúp đội bóng về hạng 3 và giành League Cup, thành tích đủ để ông được trao quyền dẫn dắt ĐT Scotland trong nỗ lực giành quyền dự World Cup 1978. Aberdeen thuê Billy McNeill để thay thế. Billy là đội trưởng đội hình “Những chú sư tử Lisbon” từng giúp Celtic giành Cúp C1 năm 1967 trước Inter vĩ đại của Helenio Herrera, và ông giúp Aberdeen về nhì, cũng như vào chung kết Cúp QG. Những gì diễn ra sau đó là một vụ domino các HLV sẽ ảnh hưởng tới bóng đá Scotland trong nhiều thập niên.
Đầu tiên ĐT Scotland sa thải MacLeod, rồi chiêu mộ Stein. Celtic tới lượt họ có McNeill, khiến Aberdeen giờ không có HLV. Thời điểm đó là lý tưởng cho Ferguson. Nhiều người vẫn còn e dè về ông: ông mới 36 tuổi, và nổi tiếng là khó chịu, nóng tính, và bạo lực, ông từng bị đuổi khỏi sân khi còn chơi cho Dunfermline trong chính trận gặp Aberdeen. Người ta cũng nhớ những rắc rối của ông ở St Mirren, đội bóng đã bị ông kiện ra tòa trong một vụ liên quan tới cắt hợp đồng. Nhưng ban lãnh đạo Aberdeen thích cách ông đào tạo các cầu thủ trẻ. Đổi lại, Ferguson thấy đội bóng có một đội hình triển vọng, những ông chủ khôn ngoan, và thành phố Aberdeen không tệ chút nào. “Tôi có linh cảm rằng tôi sẽ làm tốt ở đó”, ông viết.
Tới lúc này dự án quán rượu của Ferguson đã chuyển sang một quán khác tên là Shaw, nhưng việc làm ăn không thuận lợi. Quá mệt mỏi với việc ngày nào cũng về nhà trong tình trạng kiệt sức, ông bán quán rượu. Điều đó mở đường cho những ngày làm việc 14 tiếng ở sân Pittodrie, mà sau đó khi đã về nhà Ferguson vẫn tiếp tục gọi cho các tay tuyển mộ và cầu thủ. Từ căn hộ tạm bợ của ông ở trung tâm thành phố, ông đã làm nên một chiến tích kỳ vĩ, ngay cả với tiêu chuẩn ngày nay: phá vỡ thế thống trị của Celtic và Rangers với bóng đá Scotland.
Đó gần như là điều không tưởng. Hai đội đó giành 13 danh hiệu VĐQG gần nhất, tất cả những gì các đội khác có thể hy vọng là thỉnh thoảng giành một chiếc cúp quốc nội. Tất cả những đội còn lại đều mắc chứng phức cảm kẻ yếu thế mà Aberdeen trải nghiệm vài tháng sau đó, khi họ đối mặt Rangers ở chung kết Cúp QG. Ferguson biết ông trước tiên phải phá bỏ rào cản tâm lý, và đã tập trung trước hết vào việc nâng cao tinh thần cho cầu thủ. “Điều khiến tôi đã bực dọc cả đời là việc tất cả đều chấp nhận để Rangers và Celtic chiến thắng, rằng họ không hề muốn nỗ lực, rằng chẳng ai muốn đánh bại họ”, ông viết. “Tôi nhìn quanh mình và có thể thấy thành công ở khắp nơi. Điều duy nhất quan trọng là trong tâm trí các cầu thủ phải có lòng tin”.
Dẫu vậy, trước khi thuyết phục được CĐV, ông phải thuyết phục được cầu thủ đã. Nhiều người vẫn còn nhớ MacLeod và McNeill, và họ không thích cách Ferguson cư xử ở St Mirren. Các hậu vệ có phần chậm chạp như Kennedy và Willie Miller không thích phong cách đẩy cao đội hình của ông. Tệ hơn, một số người công khai nghi ngờ chiến thuật của ông. Một trong số đó là tiền đạo ngôi sao Joe Harper, một người lười tập mà Ferguson tuyên bố đã không qua nổi một bài trắc nghiệm chạy vào đầu mùa. Harper lúc đầu sống sót, nhưng những kẻ nổi loạn khác bị đẩy xuống đội dự bị, nơi họ chơi những trận vào giữa tuần trên sân bóng không người. Một cầu thủ như thế, Dom Sullivan, có quyền thấy rằng anh bị đối xử bất công vì chuyện cá nhân: nhiều năm trước, anh từng mất hai cái răng vì một pha thúc cùi chỏ của Ferguson!
Dần dần, các cầu thủ nhận ra họ không thể kiếm chuyện với Ferguson. Hầu hết các cầu thủ không bao giờ thấy cảm mến ông, nhưng ông thuyết phục được những người nhiều ảnh hưởng nhất, như Kennedy, Miller và thủ thành dày dạn kinh nghiệm Bobby Clark. Dẫu vậy, tâm lý cần thời gian mới thay đổi. Tới tháng 9, sau trận hòa 1-1 ở Rangers, Ferguson công khai nói ông hài lòng, nhưng đã lại điên tiết trong phòng thay đồ vì Aberdeen lùi quá sâu, để lãng phí thời gian và không dứt điểm được trận đấu. Dù là ở Ibrox, ông vẫn muốn tấn công và muốn chiến thắng.
Những sự xao nhãng như thế từ cầu thủ chắc chắn khiến họ khốn khổ hơn nhiều nếu như Ferguson không quá bị phân tâm trong năm đầu. Gia đình ông vẫn sống gần Glasgow, và chuỗi ngày ở St Mirren cộng với phiên tòa phần nào làm ông mệt mỏi. Tệ hơn, cha ông ốm nặng. Khi Ferguson thua kiện trong năm đó - “một đòn đau” - tình trạng của cha ông cũng trở nên tệ hơn. (Trong những cuốn sách của mình, Ferguson có vẻ đã liên hệ hai điều đó với nhau). Vào tháng 2, Aberdeen tới làm khách ở Love Street, và đang dẫn 2-0 khi trọng tài đuổi Miller và tiền vệ cánh Ian Scanlon, khiến Aberdeen chỉ còn 9 người, tạo cơ hội cho St Mirren gỡ 2-2. Vốn đã rất căng thẳng, Ferguson lại chửi trọng tài, và ông này đã báo cáo anh với LĐBĐ Scotland. Không lâu sau đó, tay thợ điện ở St Mirren, người Ferguson biết rõ, gọi ông vào một phòng riêng và báo với ông rằng cha ông vừa qua đời. “Tôi hoàn toàn sụp đổ”, Ferguson viết. Đám tang diễn ra ở Glasgow thứ Tư tới, buổi chiều hôm đó, và trên đường lái xe về từ Aberdeen, Ferguson đã dừng lại giữa đường để khóc cho hết nước mắt.
Mùa giải đầu tiên quá khó khăn, tới mức Ferguson chỉ muốn nó qua cho nhanh. Aberdeen về đích hạng 4, dù chơi khá hứa hẹn ở các giải cúp. Tại Cúp QG, họ đánh bại Celtic ở tứ kết sau hai lượt, và Ferguson đặc biệt hài lòng về thái độ của các cầu thủ ở Parkhead, nơi họ không hề chùn chân trước bầu không khí thù địch. Chai nước nằm khắp sân, ẩu đả diễn ra trong đường hầm, nên với Ferguson, chiến thắng 2-1 đó cho thấy các cầu thủ của ông đã sẵn sàng cho những điều lớn lao.
Aberdeen sau đó thua trận bán kết dưới tay Hibs, nhưng vào chung kết League Cup, nơi họ có cơ hội phục thù trước Rangers. Họ dẫn 1-0 khi chỉ còn lại ít phút và Ferguson làm một chuyện khác thường: ông cầu nguyện. “Không phải cầu nguyện đâu, anh bạn, chúng ta sẽ thắng”, trợ lý của ông nói với ông. Nhưng rồi Rangers gỡ hòa. Kịch tính thật sự diễn ra trong hiệp phụ. Hậu vệ khổng lồ của Aberdeen Doug Rougvie bị đuổi khỏi sân vì một sự cố không có bóng với Derek Johnstone, và Rangers đã thắng. Rougvie và cả đội Aberdeen phản đối trọng tài, trong khi Rangers bảo vệ ông. Vụ cãi cọ sau đó rất căng, và Ferguson đã chỉ trích dữ dội Johnstone trên báo, nhưng thời đó chưa có máy quay khắp nơi như bây giờ và tới tận ngày nay những gì diễn ra vẫn là một bí ẩn.
Dẫu thế nào, Ferguson đã kết thúc mùa giải đầu tiên trắng tay. Báo chí nghi ngờ ông. Một số cầu thủ không thích ông. Không lâu sau đó, ngài chủ tịch CLB gọi ông lên văn phòng.
Sau thất bại ở mùa ra mắt Aberdeen, Alex Ferguson chịu rất nhiều sức ép ở mùa thứ hai, nhưng ông không ngã lòng, và cuối cùng đã tạo nên cuộc lội ngược dòng để đăng quang trong sự cay đắng của gã khổng lồ Celtic.
Dick Donald đã sở hữu Aberdeen được 8 năm và luôn góp mặt ở CLB kể từ khi ông còn chơi bóng vào những năm 1920. Lúc bấy giờ đã gần 70 tuổi, ông điều hành các rạp phim, máy đánh bạc, và sàn nhảy trong vùng. Ông là kiểu người của những giá trị cũ. Theo Ferguson, Donald luôn đeo cùng chiếc cà-vạt, và đi giày cho tới khi mòn vẹt mới thay. Khi vào phòng, ông sẽ hỏi ngay tại sao đèn vẫn bật. Nhưng ông cũng là kiểu ông chủ tốt nhất mà Ferguson có thể hy vọng. Ở nơi riêng tư, Donald sẽ chỉ trích Fergie về những lựa chọn đội hình và chiến thuật của ông, nhưng công khai thì ngài chủ tịch luôn ủng hộ HLV. “Ông ấy không bao giờ nói xấu sau lưng tôi, điều đó còn có ích hơn ngàn lời ca ngợi”, Ferguson viết. Sau thất bại dưới tay Rangers, Donald nói với ông: “Tôi thuê anh vì anh có thể làm được việc này. Tôi không quan tâm báo chí nói gì. Anh cứ làm việc của mình. Đừng kêu ca, hãy là một người đàn ông!”.
Ferguson quả đã làm thế, tận dụng tối đa những gì ông có ở Aberdeen. Toàn bộ hồ sơ chuẩn bị cho trận đấu của họ chỉ là những cuốn băng VHS cũ, chất lượng thấp. Ban huấn luyện quá tải tới mức người giữ quần áo đấu của đội, Teddy Scott, đảm nhiệm luôn việc của HLV đội dự bị; những khi ông lỡ mất chuyến buýt cuối cùng về nhà, ông sẽ phải ngủ lại ở trên một bàn bi-a. Sân nhà của họ thì không có phòng họp báo. CLB thậm chí thiếu một sân tập cho tử tế, và Ferguson phải chuyển đi chuyển lại giữa một sân của thành phố, một sân của quân đội, khu đậu xe Pittodrie, và bãi biển Aberdeen, nơi gió lạnh từ biển Bắc thổi suốt ngày đêm. Huấn luyện thể lực thì chỉ giới hạn ở những cuộc chạy tới kiệt sức lên đồi và quanh các sân golf. “Hoàn toàn kiểu cũ”, Ferguson viết. “Nhưng tôi chẳng biết cách nào hay hơn thế”.
Về mặt chiến thuật, Ferguson tiếp tục tham vọng của ông với lối chơi tấn công. Trong mùa giải thứ 2 của ông, Aberdeen đá pressing, chuyền bóng tốc độ và đẩy cao đội hình. Vào giờ nghỉ, họ được yêu cầu ngay khi vào trận là phải chạy cật lực để đối thủ thấy rằng họ không hề mệt. Trong tháng 12, Ferguson đã nhìn thấy chiếc cúp đầu tiên. League Cup diễn ra trong nửa đầu mùa giải, và Aberdeen đã đánh bại Celtic cùng Rangers trong 4 trận trên đường vào chung kết - một tuyên bố tham vọng thật hùng hồn. Đối thủ của họ, Dundee United của Jim McLean, chưa gặp một đội nào thực sự mạnh. Nhưng trong trận hòa 0-0 đó, Aberdeen sút bóng trúng cột dọc và một cú đánh đầu bị vũng bùn ngay trước cầu môn cản lại. Họ xuống tinh thần và trong trận đá lại, Dundee thắng 3-0.
Đó là một đòn đau và là trận chung kết thất bại thứ 3 liên tiếp của họ. Các CĐV Aberdeen thất vọng và bắt đầu đánh nhau trên khán đài, khiến trận đấu phải tạm dựng, và khi Dundee lên nhận cúp, họ bị ném chai lọ. Trở lại Pittodrie, các CĐV giăng một tấm băng-rôn lớn: “Chúng tôi đã quá thất vọng”. Tối hôm đó, Ferguson không ngủ. Có lúc tưởng như ông đã bỏ cuộc, nhưng rồi ông không để nỗi thất vọng đánh bại. Sáng hôm sau, ông lại đi làm sớm và cố gắng úy lạo cầu thủ của mình. “Tôi nói đã tới lúc tiếp tục, tới lúc nhìn về phía trước”, ông viết trong cuốn A Light in the North. “Và tôi nghĩ thời kỳ đó là một phần khiến chúng tôi trở nên như ngày nay. Nếu kiểm tra lại thành tích, thì kể từ đó, Aberdeen rất hiếm khi thua 2 trận liên tiếp”.
Tuần lễ đó tiếp tục chứng kiến thêm những nỗi thất vọng, khi St Mirren tới làm khách ở Pittodrie hôm thứ Bảy, chỉ 5.000 CĐV tới sân. Sân bóng trầm lắng, và Ferguson đã định nói Donald hoãn trận đấu lại. “Nghe này con trai, bước ra đó đi”, Donald nói. “Anh không được bỏ cuộc”. Ferguson đã làm thế và đưa Aberdeen tới một chiến thắng 2-0. Dần dần, mây đen tan đi. Một chấn thương với Harper đã khiến Ferguson có thể sử dụng chữ ký mùa Hè Mark McGee cho vị trí tiền đạo cắm cùng với Steve Archibald, và một Aberdeen hồi sinh mạnh mẽ lại lao vào cuộc đua vô địch. Trong một trận sân nhà gặp Morton, thời tiết khiến trận đấu tưởng như phải hoãn lại, nhưng Ferguson và các cộng sự của ông đã dậy sớm, dọn dẹp lớp tuyết dày hàng mét bên ngoài sân. Cả Donald cũng cầm xẻng. Trận đấu vẫn diễn ra và Aberdeen thắng 1-0 để tiếp tục gây áp lực lên Celtic.
Một tháng Tư đáng mong đợi ở phía trước. Aberdeen kém Celtic 7 điểm - một khoảng cách lớn vào thời mỗi trận thắng chỉ có 2 điểm - và còn 2 trận làm khách ở Parkhead, sân bóng mà mới chỉ có 1 đội khách giành chiến thắng mùa đó: Aberdeen ở League Cup. Lạc quan và tự tin, Ferguson nói với các cầu thủ nếu họ thắng trận chưa đá và cả 2 trận ở Celtic, khoảng cách sẽ chỉ còn 1 điểm. Họ thắng trận đầu 2-1 và khi trở lại cho trận thứ nhì, báo chí gọi đó là cuộc đọ sức định đoạt danh hiệu.
Gần 60.000 người đã chen chúc trên những khán đài nghẹt thở, với khu The Jungle khét tiếng của những CĐV quá khích nhất. Nhiều đội bóng đã không chịu nổi sức ép ở đó, nhưng đây là đội bóng mang hình ảnh Ferguson. Khi Aberdeen khởi động, Rougvie tách ra khỏi nhóm cầu thủ đội khách, chạy nước rút và làm động tác đánh đầu ngay trước The Jungle. Đó là sự thách thức trắng trợn. Các CĐV chửi bới và la ó dữ dội. Rougvie đáp lại: “Ngon thì xuống đây, lũ khốn”.
Thông điệp là Aberdeen sẽ không dễ bắt nạt. Thay vì tìm cách khiến tình hình dịu lại, Ferguson lệnh cho tất cả các cầu thủ của ông gia nhập với Rougvie. Aberdeen thắng trận 3-1, với Archibald và Strachan ghi bàn và ăn mừng ngay trước phần khán đài The Jungle, cũng theo một kế hoạch từ trước của HLV. “Để Celtic biết rằng chúng tôi tới đó để chiến thắng”, Ferguson viết. Trận đấu đã làm thay đổi cục diện cuộc đua vô địch. Trong trận áp chót, Aberdeen biết họ về cơ bản sẽ vô địch nếu thắng Hibs và Celtic mất điểm ở St Mirren. Đó sẽ là chức VĐQG đầu tiên của họ từ năm 1955, và lần đầu tiên 2 đội Glasgow không đăng quang kể từ khi Kilmarnock vô địch vào năm 1965. Một số cầu thủ hồi hộp trước trận, nhất là Strachan, người vào nhà vệ sinh nhiều tới mức người ta nghĩ ông bị ốm.
Ngày hôm đó, Aberdeen thắng Hibs 5-0 và Celtic hòa 0-0. Khi hồi còi chung cuộc vang lên, các CĐV vỡ òa trong sung sướng, và Ferguson chạy ra sân, áo vét phần phật phía sau, cánh tay mở rộng, ôm tất cả những ai mà ông nhìn thấy. Bữa tiệc kéo dài nhiều ngày liền. Có lúc Ferguson mời tất cả mọi người về nhà ông, sau đó 2 CĐV tới bấm chuông cửa vào lúc 3 giờ sáng. Một tối khác, điện thoại của ông reo lúc 2 giờ sáng. Đấy là các cầu thủ, đang ca vang những bài ca say xỉn sau một bữa tiệc ở chỗ Miller.
***
Cầu thủ đầu tiên mà Ferguson thật sự để mất ở Aberdeen là Archibald. Ông ngưỡng mộ cầu thủ này vì tài năng, lòng quyết tâm, và sự cứng đầu, ngay cả khi quan hệ của họ rất căng thẳng. Từng có lúc, khi Archibald lập một hat-trick ở League Cup vào lưới Celtic, anh đã mang quả bóng của trận đấu về nhà mình, một việc làm khác thường thời bấy giờ.
Ferguson đã gọi anh lên văn phòng của ông và bắt anh trả lại quả bóng. Cái ghế anh ngồi sau này được các cầu thủ Aberdeen gọi là “Ghế Archibald”. Khoảng 24 tiếng sau đó, khi Ferguson đang uống trà với các cộng sự, Archibald lao qua cửa văn phòng ông và ném quả bóng hết sức vào phòng, khiến nó đập vào tường, làm vỡ tan đống tách chén và ấm trà. “Này thì bóng”, anh hét lên và bỏ ra ngoài.
Mùa Hè đó, Tottenham đưa ra một đề nghị mà cả CLB và cầu thủ không thể từ chối. Khá trùng hợp, khi Ferguson tới London thương lượng vụ chuyển nhượng, ông đã tạt qua xem ĐT Argentina tập ở sân White Hart Lane trước một trận giao hữu với Anh. Ông đã để ý một cầu thủ tập sút bóng như điên loạn. Đó là Diego Maradona. Bấy giờ anh vẫn còn chơi cho Argentinos Juniors, nhưng Osvaldo Ardiles đã nói với Ferguson rằng anh sẽ trở thành cầu thủ vĩ đại nhất thế giới. Viết vào năm 1985, khi mà Maradona đã gia nhập Napoli, Ferguson công nhận là Maradona giỏi, nhưng nhận xét “thật ra chưa thể nói anh ta là cầu thủ vĩ đại nhất - tính khí của anh ta còn quá thất thường”.
Trước khi mùa giải bắt đầu, Aberdeen có chuyến du đấu đầu mùa ở… Đảo Faroe. Chuyến bay của họ hạ cánh lập bập, khiến mọi người nghi ngờ năng lực của viên phi công, và điều đó rõ ràng khi nhiều cầu thủ bắt gặp người lái máy bay chở họ uống như hũ chìm vào buổi tối ngay trước khi cả đoàn trở về Scotland. Bản thân chuyến đi cho thấy năng lực tài chính nghèo nàn của CLB: Faroe là một quần đảo nằm ngay phía bắc Scotland và thật ra không có một đội bóng đúng nghĩa. “Chúng tôi chắc chắn đã mất chức vô địch nếu chuyến đi này là một phần thưởng cho việc giành được danh hiệu”, một cầu thủ đùa.
Nhưng về phần ông, Ferguson rất háo hức, nhất là sau khi đã đăng quang và bịt miệng mọi chỉ trích. Các cầu thủ thích ông và bầu không khí gia đình đã được thiết lập. Ông cũng thuê một trợ lý tên là Archie Knox, người ông sẽ đi cùng xe tới sân tập trong khi nghe băng ghi âm các bài giảng của Bill Shankly. Họ sẽ hình thành một mối quan hệ lâu bền, dù Knox than phiền ông không có việc gì để làm, do Ferguson kiểm soát mọi thứ. Một cách miễn cưỡng, Ferguson để Knox đảm nhận các buổi tập trong khi ông quan sát, và ông nhận ra mình có thể hiểu được đội bóng tốt hơn bằng cách đó. Đấy là một bài học sẽ theo ông tới những ngày cuối cùng của sự nghiệp HLV.
Như mọi khi, Ferguson đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực đào tạo trẻ. Ông chiêu mộ những tuyển trạch viên mới, xây dựng các mạng lưới liên lạc địa phương và nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để có những cầu thủ triển vọng trước Celtic và Rangers. Một nhân vật then chốt là tay tuyển trạch viên dày dạn Bobby Calder. Trong bộ vét và chiếc mũ mềm, ông sẽ đi khắp Glasgow săn lùng các ngôi sao trẻ và thuyết phục họ. Một thách thức là làm sao để cha mẹ để đứa trẻ gia nhập một đội bóng cách thành phố gần 250 km về phía bắc. Calder xuất hiện ở cửa nhà với sô-cô-la và hoa cho các bà mẹ và xì-gà cho các ông bố. “Đến với Aberdeen cũng là đến với ĐT Scotland”, ông quảng cáo.
Khi những cầu thủ trẻ tới Aberdeen, Grant viết, Ferguson đưa họ tới những căn nhà nhận nuôi và theo dõi kỹ cả sự trưởng thành chuyên môn lẫn cách cư xử. Ở những trận của đội trẻ, ông tìm hiểu các bậc phụ huynh để biết xuất thân từng cầu thủ, tính cách, và tình trạng thể lực của họ. Ferguson sau này nói ngay khi một cầu thủ trẻ bước vào văn phòng của ông, ông có thể đánh giá người đó khá chính xác chỉ qua ngôn ngữ cơ thể. “Tôi có thể phát hiện một người chiến thắng cách một dặm”, ông tự hào.
Cách làm tỉ mỉ nhanh chóng mang lại kết quả: Jim Leighton, John Hewitt, Neale Cooper, Alex McLeish tạo thành một đội Aberdeen nhiều ngôi sao. Nhưng mùa giải thứ ba tỏ ra đáng thất vọng. Vào mùa Đông, những chấn thương nghiêm trọng cản trở phong độ của họ, họ cũng thua Liverpool của Shankly 0-4 trong một trận đấu rất được chờ đợi ở Cúp C1 tại Anfield. Aberdeen khó nhọc về đích ở hạng nhì, kém Celtic 7 điểm, và bị loại khỏi các giải cúp dưới tay Morton và Dundee.
Ferguson từ đó trở đi sẽ không bao giờ chấp nhận 2 mùa giải liên tiếp trắng tay. Dù Aberdeen thua 2 trận đầu tiên, rõ ràng là ông đã đưa vào đội bóng một lối chơi quyết liệt, gần như là dữ tợn. Một đội đã nhận ra điều đó là Ipswich của Sir Bobby Robson, trong trận vòng 1 Cúp C3. Lúc đó Ipswich là một trong những đội mạnh nhất ở Anh và họ không lo lắng nhiều về kết quả bốc thăm. Nhưng Aberdeen gây bất ngờ với trận hòa 1-1 trên sân khách, rồi thắng 3-1 trên sân nhà. “Họ rất khó chơi”, Terry Butcher nói với Grant. “Những gã khốn đó đá rất rắn”.
Vòng 2, Aberdeen hạ Arges Pitesti 3-0 trên sân nhà, nhưng chơi rất tệ ở Romania và bị dẫn 2-0 sau hiệp 1. Strachan đặc biệt không chịu nghe các chỉ đạo, và Ferguson đã mắng tiền đạo này té tát trong phòng thay đồ. Strachan đã phạm sai lầm chết người là cãi lại những lời đó, khiến Ferguson đập tay vào một chiếc bình trong phòng “suýt nữa thì làm ông gẫy tay”. Trong cơn cuồng nộ, ông chụp một khay tách trà và ném về phía Strachan, mấy món đồ gốm rơi lả tả trên bức tường sau lưng ông. Trong hiệp 2, Aberdeen gỡ 2-2 và thắng 5-2 chung cuộc.
Ở giải VĐQG, Aberdeen đá chật vật từ tháng 11 tới tháng 1, tới khi họ gặp Celtic ở Cúp QG Scotland vào tháng 2. Trận đấu diễn ra ở Pittodrie, nhưng Ferguson, hoang tưởng đòi hỏi chiến thắng, đã lệnh cho các cầu thủ rời thành phố vì ông cảm thấy McNeill “biết quá nhiều người ở vùng Aberdeen này”. Ông biết điều gì đang chờ đợi đội bóng của mình. Những trận đấu với Celtic đều đã biến thành chiến tranh từ khi ông tới đây. Khi Celtic gặp Rangers, ít ra còn có sự tôn trọng lẫn nhau. Aberdeen đơn giản là một nơi tàn bạo đến cùng cực. Phần lớn thái độ đó xuất phát từ Ferguson, người muốn các cầu thủ rũ bỏ hoàn toàn thái độ rụt rè của vùng đông bắc. Ông kích thích các cầu thủ bằng cách lặp đi lặp lại mọi người đều chống lại họ ra sao - trọng tài, đối thủ, báo chí - và họ tin ông. Nếu có người đá xấu họ, họ sẽ đá xấu lại.
Aberdeen hạ Celtic 1-0, khởi đầu cho chuỗi 16 trận thắng trong 18 trận ở giải VĐQG. Như thế không đủ để vô địch, nhưng họ vẫn còn trận chung kết Cúp QG Scotland với Rangers. Cả đội này nữa cũng đã trở nên căm ghét Aberdeen, và các trận đấu thường xuyên diễn ra trong ẩu đả, những pha vào bóng kinh hoàng và những chiếc thẻ đỏ. Rốt cuộc, Aberdeen thắng 4-1 sau hiệp phụ. Kết trận, nhà báo của BBC Archie Macpherson nhận xét rằng Ferguson đã “mang những trận đánh nhau trên đường phố Glasgow” tới Aberdeen. “Tôi nhớ là chúng tôi luôn sẵn sàng, tổ chức tốt, và có động lực, nhưng không chỉ thế”, Strachan nói với Grant. “Đó là một đội bóng có thể chơi bất cứ trận nào, ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào. Chúng tôi như một chiếc Ranger Rover, có thể xử lý bất cứ chuyện gì”.
Mùa giải đó là một trải nghiệm cay đắng với Aberdeen. Họ về đích kém Dundee United một điểm. Nhưng ở giải cúp thì sự phấn khích rất lớn, khi họ tranh tài ở Cúp C2, với các đối thủ bao gồm Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich và Inter Milan. Ít người nghĩ họ có thể vô địch. Aberdeen đánh bại Sion, Dinamo Tirana và Lech Poznán để giành quyền vào chơi trận tứ kết gặp Bayern.
Gã khổng lồ Bavaria có những ngôi sao như Paul Breitner và Karl-Heinz Rummenigge, nhưng Aberdeen đã có kinh nghiệm ở châu Âu. Họ kiếm được trận hòa 0-0 tại Bavaria, một trong những màn trình diễn hay nhất của hàng thủ dưới thời Ferguson. Theo Barclay, thủ thành Jean-Marie Pfaff nói Bayern biết họ sẽ phải chơi với một đội đá phòng ngự tiêu cực ngay từ trước khi trận đấu bắt đầu. Dẫu vậy, trở lại Pittodrie, có vẻ như Aberdeen vẫn sẽ bị loại khi bị dẫn 2-1 vào lúc trận đấu còn lại có 15 phút. Có lúc, Strachan và John McMaster thậm chí còn cãi nhau xem ai sẽ thực hiện một quả đá phạt bên ngoài vòng cấm. Strachan chuẩn bị đá, nhưng rồi chạy qua quả bóng và dừng lại. Mọi chuyện tưởng như một trò đùa với các cầu thủ Bayern đang kèm người trong vòng cấm, nhưng bỗng nhiên Strachan quay lại và tạt bóng vào khu cấm địa cho McLeish đánh đầu ghi bàn. Toàn bộ đã là một màn kịch. Một phút sau, Hewitt ấn định tỉ số 3-2, hoàn tất cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.
Buổi tối hôm đó khiến Aberdeen tin rằng họ có thể vô địch. Trong trận bán kết, chiến thắng chung cuộc 5-2 trước Waterschei mở ra trận chung kết gặp Madrid. Đội bóng hoàng gia chỉ về hạng 3 ở La Liga năm trước, nhưng rõ ràng ở đẳng cấp hoàn toàn khác so với Aberdeen. Tuy nhiên khi Ferguson bay sang Tây Ban Nha tìm hiểu đối thủ, ông không thấy ấn tượng. Ông nói với Knox: “Đừng nói ai, nhưng chúng ta có cơ hội lớn đấy!”
Bầu không khí náo nức trước trận đấu lớn tràn ngập thành phố Aberdeen. Cuộc đọ sức sẽ diễn ra ở Gothenburg, và hơn 12.000 CĐV đã lên máy bay tới đó. Thêm 500 người nữa đi bằng đường biển. Những người khác đơn giản là nhảy lên xe máy và bỏ làm. Theo Grant, cửa hàng miễn thuế ở sân bay Aberdeen đã bán được lượng rượu trong 3 ngày bằng với doanh số một tháng!
Ferguson đã chuẩn bị rất tỉ mỉ. Ông đặt một khách sạn ven sông bên ngoài thành phố, và chỉ đạo cho cả vợ các cầu thủ phải làm gì. Ông cũng nhận lời khuyên từ Stein, người đề nghị ông tặng cho HLV Madrid Alfredo Di Stéfano một chai whisky Scotland trước trận, để tạo ấn tượng là Aberdeen bị ngợp. Tối trước trận chung kết, các cầu thủ tổ chức một tối chơi đố vui để giảm bớt áp lực tâm lý về trận đấu. Cuộc chơi thú vị tới mức tới tận sáng hôm sau, họ vẫn còn tranh luận về câu trả lời. Ban huấn luyện nhớ đã cấm Ferguson tham gia cuộc thi vì đội nào có ông sẽ quá mạnh.
Vào ngày diễn ra trận chung kết, mưa liên tục làm ngập sân. Điều đó chẳng khiến Aberdeen phiền lòng, họ ở trong tình trạng thể lực tốt nhất, và đã vượt lên dẫn trước nhờ Eric Black. Nhưng vài phút sau, một pha chuyền về của McLeish mắt lại ở một vũng nước trên sân dẫn tới tình huống Madrid được hưởng phạt đền và Juanito đã thực hiện thành công. Khi hiệp phụ tới, Ferguson đã tung Hewitt vào sân. Anh lạnh tới mức phải mặc hai áo đấu. Gần như ngay lập tức, Ferguson la hét nói anh lùi lại quá sâu và quay sang Knox: “Phải thay anh ta ra thôi”. Đúng lúc đó, McGhee chạy lên bên cánh trái và tạt vào cho Hewitt, người đã đánh đầu ghi bàn ấn định chiến thắng.
Đó là một chiến tích ấn tượng. Một đội bóng với tầm vóc và lịch sử như Aberdeen sẽ không bao giờ có thể giành một danh hiệu như thế, chứ đừng nói là đánh bại Bayern và Madrid. Khi hồi còi chung cuộc vang lên, Ferguson lao vào sân, trượt chân và ngã vào một vũng nước, trong khi BHL chạy ùa tới chỗ ông. Tiệc ăn mừng kéo dài tới 6 giờ sáng hôm sau. Trở lại Aberdeen, các cầu thủ đã có cuộc diễu hành chiến thắng qua hàng trăm nghìn CĐV, một cảnh tượng chưa từng thấy trong thành phố.
***
10 ngày sau đó, Aberdeen gặp Rangers ở chung kết Cúp QG Scotland. Kiệt sức, nhưng họ vẫn giành chiến thắng 1-0 và Ferguson có mọi lý do để hài lòng, nhưng ông vẫn tỏ ra khắc nghiệt thái quá. Ông nói các cầu thủ đã “chơi một trận đáng hổ thẹn” và vẫn lớn tiếng với phòng thay đồ. Những cầu thủ thấy khó chịu: họ vừa giành 2 chiếc cúp lớn. Màn ăn mừng sau đó khá nhạt nhẽo. Ferguson sau này thừa nhận ông đã cư xử quá lố và xin lỗi. Một số cầu thủ Aberdeen chấp nhận, nhưng những người khác không bao giờ tha thứ cho ông.
Vài tháng sau đó, khi mọi chuyện đã lắng xuống, Aberdeen bắt đầu tăng tốc cho một danh hiệu nữa. Ferguson đã đưa về Stark từ St Mirren và kiếm được chiến thắng 2-0 chung cuộc trước Hamburg ở Siêu Cúp châu Âu.
Dù ở giải VĐQG họ khởi đầu chậm chạp, một chiến thắng 3-1 trước Celtic đã khởi động cho chuỗi 14 chiến thắng trong 16 trận. Trong suốt hành trình đó, Ferguson tiếp tục phong cách dữ tợn của ông và buộc mọi cầu thủ phải ở trong tâm lý sợ hãi.
Một số hành động của ông quá khắc nghiệt và đôi khi bất công. “Tôi rất dữ tợn và ngờ rằng không ai thích cả, nhưng điều đó khiến cầu thủ đều phải ra vẻ đàn ông và làm tăng tính chiến đấu cho họ”, ông viết. Như mọi khi, điều khiến Ferguson giận dữ là cầu thủ rượu chè. Một tối thứ Sáu, Strachan thấy ông lái xe qua nhà anh để kiểm tra xem anh có nhà không. Ferguson thường khuyến khích cầu thủ kết hôn sớm, và trong khi hầu hết mọi người theo lời ông, những ai ngoại lệ rất dễ trở thành mục tiêu của ông. Một người như thế là Cooper, người từng có lần đang ngồi trong quán rượu chuẩn bị nâng ly thì Ferguson xuất hiện như từ dưới đất chui lên.
“Cậu đang uống gì đấy?” Ferguson hỏi anh.
Cooper bắt đầu vã mồ hôi.
“À, ờ, là Coca”.
Ferguson tới gần hơn. Ông ngửi ly chất lỏng và nhìn anh.
“Chẳng giống Coca tí nào cả”.
“Là Coca thật mà”, Cooper lắp bắp.
Ferguson uống một ngụm. Rồi ông tiến lại gần hơn nữa, nói giọng trầm:
“Cậu chết rồi”.
“Sao?”
“Cậu chết rồi. Sáng thứ Hai…”
Trong khi cuộc thánh chiến chống lại đồ uống có cồn là dễ hiểu, Ferguson cũng không tha thứ cho những chuyện lặt vặt. Ông từng phạt Hewitt 20 bảng vì lái xe vượt mặt ông trên đường đến sân tập. Trong một trận đấu ở Morton, trong điều kiện thời tiết tồi tệ, Ferguson hỏi có ai muốn mặc áo tay dài không. Khi Doug Considine nói có, Ferguson đã loại anh này khỏi đội hình thi đấu.
Ở Pittodrie, các cầu trẻ phạm luật sẽ bị phạt rửa xe hoặc phải chạy vào trong rừng. Khi chơi bi-a, Ferguson và Knox thậm chí mang theo gậy bóng chày. Đó không phải là sự đe dọa nghiêm túc, nhưng Knox từng có lần tắt đèn và vung gậy tứ tung. “Đôi khi phải dọa họ… Không đánh trúng họ. Nhưng cũng sướt qua”, Knox nói với Grant. “Thời đó có những chuyện mà nếu bây giờ chúng tôi làm thì sẽ bị bỏ tù”.
Trong những dịp khác, Ferguson sử dụng cơn giận của ông như một công cụ. Bất kỳ điều gì cũng có thể làm ông tức điên, nhưng ông cũng có thể biến đó thành một hành động chỉ để giữ kỷ luật trong đội bóng. Trong một lần nói chuyện với đội vào giờ nghỉ, ông suýt nữa thì đánh nhau, nhưng rồi lại bình tĩnh tiếp tục những phân tích của mình. Ông từng có lần chửi bới McGhee trong giờ nghỉ, rồi mời anh này và vợ tới ăn ở nhà hàng Trung Hoa sau trận đấu. Một lần khác, Ferguson bảo trước với Miller, McLeish và Leighton rằng ông sẽ phải quát tháo họ trước cả đội ngày hôm sau, và lệnh cho họ không được đáp lại. Theo Barclay, Strachan thậm chí từng thấy Ferguson quát tháo Rougvie trước mặt nhiều người, rồi nháy mắt với anh và nói: “Nếu cậu ấy đánh tôi, thì tôi chết chắc”.
Một sự kiện như thế có thể đã xảy ra trước trận chung kết Cúp QG Scotland, mà Aberdeen lần thứ 3 liên tiếp tham gia mùa đó. Họ đã thua Porto ở bán kết Cúp C2, nhưng đã giành thêm một chức VĐQG nữa. Giờ họ nhắm tới cú đúp. Ferguson thấy Rougvie xuất hiện trên trang bìa tờ Aberdeen Evening News ngồi chễm chệ trên xe mô-tô. Các cầu thủ thấy chuyện đó thật hay ho, nhưng Ferguson, sợ điều đó trở thành tiền lệ xấu, đã ra lệnh cho Rougvie vào văn phòng của ông, buộc cầu thủ này đổi xe mô-tô lấy xe máy thường, hoặc là anh ta sẽ bị bán đi. Rougvie tuân lệnh, nhưng rõ ràng là bất mãn. Vài ngày trước trận chung kết, một chiếc xe tải đâm vào xe máy thường của anh và khiến anh phải nhập viện.
Không rõ bằng cách nào, Rougvie vẫn ra sân ở trận chung kết. Anh không nói với cả Ferguson lẫn các bác sĩ của đội về sự cố đó. “Chẳng có gì lạ là anh ta chơi tệ hại và bị thay ra”, Ferguson viết. Dẫu sao, Aberdeen đã thắng 1-0 để lập cú đúp lịch sử, lần đầu tiên có một đội bóng bên ngoài Glasgow làm được điều đó.
Trên chuyến xe buýt trở về, sâm-panh chảy như suối. Ferguson đã đặt 8 thùng rượu chuẩn bị cho chiến thắng, nhưng thư ký của đội Ian Taggart rất lo chủ tịch Donald sẽ thấy sự hoang phí đó không thể chấp nhận. Khi Donald thấy các thùng rượu, Taggart đảm bảo với ông rằng sẽ chỉ 2 thùng được đưa lên xe buýt. Đó là một lời nói dối: Ferguson đã giấu 6 thùng nữa trong nhà vệ sinh trên xe buýt và trên đường về, Donald để ý thấy số chai rượu vượt quá 2 thùng, ông quay sang Ferguson và hỏi: “Anh Ferguson, hôm nay chúng ta giành được bao nhiêu chiếc cúp đấy?”.
Sau một năm chiến thắng nữa, Ferguson bắt đầu trở thành nạn nhân cho thành công của chính ông. Các CLB giàu hơn muốn cầu thủ của Aberdeen, và mùa Hè 1984, ông mất 3 trụ cột. Strachan gia nhập Manchester United, Rougvie tới Chelsea và McGhee chuyển sang Hamburg. Bù lại họ đưa về tiền đạo Frank McDougall, một chữ ký nữa từ St Mirren.
Bản thân Ferguson cũng nhận được nhiều đề nghị. Ông đã từ chối Tottenham và Rangers, những quyết định không dễ dàng. Trong chuyến du đấu đầu mùa ở Đức, Cooper và Peter Weir dính chấn thương dài hạn, trong khi McMaster trước đó đã được xác nhận sẽ vắng mặt cả mùa. Aberdeen sau đó bị loại ở vòng 2 League Cup dưới tay đội hạng thấp Airdrie, rồi vấp ngã ở vòng 1 Cúp C1 trước một đội Đông Đức ít tên tuổi Dinamo Berlin. Quá nhiều thứ lạc hướng tới mức Ferguson bắt đầu cảm thấy ông phải ra đi.
Ít nhất họ vẫn chơi tốt ở giải VĐQG. Họ thắng 15 trong 17 trận đầu tiên, và McDougall tỏ ra là một chữ ký thành công. Giống như Archibald, anh có quan hệ phức tạp với Ferguson. Trong một trận đấu, anh dính một chấn thương cơ và buộc phải rời sân. Ferguson nổi đóa với anh trong phòng thay đồ. Nhưng McDougall hóa ra là một nhà cựu vô địch quyền anh nghiệp dư ở Glasgow, anh tung một cú móc khiến Ferguson đổ gục xuống sàn. Ferguson đứng lên và nói anh coi như đã xong. Tuy nhiên không lâu sau đó, McDougall lại trở lại đội hình. Một phần bởi Ferguson thích những kẻ mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng bởi lý do thực dụng khi ông không thể để tiền đạo giỏi nhất của mình ngồi ngoài. McDougall ghi 22 bàn ở giải VĐQG Scotland mùa đó.
Vào cuối tháng 4, Aberdeen giành chức VĐQG thứ 2 liên tiếp sau trận hòa 1-1 trên sân nhà trước Celtic. Cuối cùng họ có 59 điểm và ghi 89 bàn trong 36 trận, cả hai đều là những kỷ lục của giải đấu. Bất chấp một khởi đầu có phần chệch choạc, chiến dịch diễn ra suôn sẻ tới mức Ferguson đánh giá đội bóng đó ngang với những người hùng của Gothenburg.
Giờ thì mọi đội bóng đều muốn có Ferguson. Vượt qua vị thế tỉnh lẻ và tinh thần nhận thua của Aberdeen, ông đã đập tan sự thống trị của Glasgow ở Scotland với thứ bóng đá tấn công hấp dẫn, khả năng quản trị nhân sự khôn ngoan, những chữ ký nhìn xa, và lòng quyết tâm không lay chuyển. Arsenal và Wolverhampton đã tiếp cận ông và bị từ chối, nhưng ông đã bắt đầu nhìn sang giải vô địch Anh.
Rồi một sự xao nhãng nữa xảy ra. Trong vài tháng, Ferguson đã hỗ trợ cho Stein ở ĐT Scotland, nhưng trong trận vòng loại World Cup quyết định trên sân Ninian Park, Stein đột quỵ ngay trên ghế chỉ đạo và qua đời. Sau tai họa đó, Ferguson được lựa chọn để đưa ĐTQG dự World Cup 1986. Điều đó ảnh hưởng tới công việc của ông ở Aberdeen, và mùa đó họ chỉ về hạng 4.
Còn những điều khác cản bước Ferguson. Khi Aberdeen thua Gothenburg ở tứ kết Cúp C1, ông đã tỏ ra thất vọng ở Pittodrie và nói mọi người không nên coi thành công là chuyện nghiễm nhiên. Ông cũng cảm thấy CLB được điều hành tốt tới mức ông không còn thử thách nào nữa. Sau chiến thắng 3-0 trước Hibs ở bán kết Cúp QG Scotland, ông nói với Donald rằng ông cân nhắc ra đi. Donald đáp lại rằng sẽ chỉ có 2 nơi đáng để ông cân nhắc nếu ông rời Aberdeen: Barcelona và Manchester United.
Aberdeen kết thúc mùa đó với Cúp QG Scotland và League Cup. Ferguson sau đó đưa ĐT Scotland tới Mexico, nơi họ về bét ở vòng bảng có mặt Đan Mạch, Tây Đức, và Uruguay. Dẫu vậy, đó vẫn là một cuộc phiêu lưu đáng nhớ, và một số cầu thủ Aberdeen không còn động lực khi phải chuyển từ sân chơi tầm cỡ thế giới ở Mexico sang những chuyến du đấu đầu mùa với một đội tỉnh lẻ của Scotland. Tình hình tệ hơn bởi McDougall dính một chấn thương lưng và tới đầu tháng 10, Aberdeen đã bị loại khỏi League Cup và Cúp C2. Thật đáng nói khi đội đánh bại họ ở châu Âu là Sion, cũng đối thủ đã bị Aberdeen đè bẹp 11-1 chung cuộc 4 năm trước.
Những diễn biến khác cho thấy các thế lực cũ của bóng đá Scotland đang trở lại. Vào mùa Hè, Rangers gây sốc với việc chiêu mộ được Graeme Souness trong vai trò cầu thủ kiêm HLV, đổ tiền vào đội hình và mua sắm lớn. Họ đánh bại Aberdeen 2-0 ở Ibrox vào tháng 9. Đội bóng của Ferguson vẫn chơi đầy kiêu hãnh, nhưng Rangers tỏ ra sung sức hơn, trong khi Aberdeen, như lời Ally McCoist, “không khác gì một tay võ sĩ đã đấu quá nhiều trận”.
Ferguson hẳn cũng cảm thấy điều đó. Không lâu sau đó, tin tức về việc Man United sa thải Ron Atkinson được loan báo và ngày 5/11, Ferguson nhận được một cuộc gọi từ chủ tịch Man United Martin Edwards. Họ nhất trí các thỏa thuận và ngày hôm sau, ông ra mắt trong vai trò tân HLV Man United. Ở Aberdeen chẳng ai ngạc nhiên. Các cầu thủ từ lâu đã nghĩ ông sẽ tới Man United và thật ra họ thấy lạ là ông ở lại CLB lâu như thế.
Phần còn lại thì đã là lịch sử.
Trần Trọng
Dịch từ Time on the ball
Link gốc: http://timeontheball.net/2017/06/16/furious-fergie/
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất