Không một giải đấu thể thao lớn nào được tổ chức trong suốt 2 năm qua do sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam nhận sứ mệnh tiên phong và đã tổ chức thành công rực rỡ Đại hội thể thao Đông Nam Á trên cả hai khía cạnh chuyên môn lẫn tinh thần.
Cẩm Phả tối 21/5, phủ khắp 4 khán đài là sắc đỏ của áo và cờ. Gần 20.000 khán giả đã có mặt ở đây, cùng nhau khoác lên mình chiếc áo màu cờ tổ quốc. Sắc đỏ lung linh quyện trong ánh đèn, đan xen với đèn flash từ hàng nghìn chiếc điện thoại của các CĐV. Nó tạo nên một bức tranh huyền ảo, diệu kì đến khó tả.
Fanpage ASEAN Football sau đó đã đăng tải hình ảnh về một rừng cờ đỏ sao vàng trên sân Cẩm Phả cùng dòng trạng thái: “Khoảnh khắc của hôm nay (21/05). Bầu không khí tuyệt vời ở sân Cẩm Phả hôm nay. Hơn 16 nghìn CĐV tới xem trận chung kết bóng đá nữ”. Đó là một sự thừa nhận của truyền thông khu vực. Đó cũng là lời khẳng định cho tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam. Sân Cẩm Phả chỉ là một minh chứng điển hình nhất cho sự cuồng nhiệt ấy.
Các CĐV Quảng Ninh nhuộm đỏ sân Cẩm Phả - Ảnh: Hoàng Linh
Những ngày trước đó, từ những khán đài của sân Thiên Trường, nơi diễn ra các trận đấu thuộc bảng B môn bóng đá nam, đến sân Việt Trì, nơi tổ chức các trận đấu thuộc bảng A. Một bầu không khí sôi sục như thế đã được tạo nên trong tất cả các trận đấu. Điều đáng nói, trong đó có cả những trận đấu mà không có sự hiện diện của các đội bóng Việt Nam.
Madam Pang, nữ trưởng đoàn bóng đá Thái Lan, đã không thể kìm lòng khi chứng kiến hàng vạn khán giả Việt Nam có mặt ở sân Thiên Trường để xem bóng đá. Trên trang facebook cá nhân của mình, cô post những hình ảnh CĐV đứng xếp hàng chật cứng chờ được vào sân bóng đá. Với nữ trưởng đoàn này, đó là một điều đặc biệt. Nó như một liều thuốc khích lệ tinh thần thi đấu của tất cả các VĐV.
Nhưng bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất. Ở nhà thi đấu Thanh Trì, nhiều CĐV đã có mặt từ sáng chỉ để giữ chỗ chờ đến chiều xem các trận đấu bóng rổ. Một giờ trước khi trận đấu diễn ra, khán đài đã không có chỗ trống. BTC đành phải đóng cửa, từ chối nhận thêm khán giả vì quá tải. Nhiều người đến muộn, ngậm ngùi đành phải ngồi ngoài theo dõi qua màn hình chiếu bên ngoài.
Điều tương tự cũng đã xảy ở nhà thi đấu Hà Đông, nơi diễn ra môn thi đấu Billard. Nhà thi đấu Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang hay Bắc Ninh… cũng đều phải đối mặt với tình trạng quá tải. Người hâm mộ đến sân không chỉ để cổ vũ riêng cho các VĐV Việt Nam. Với tình yêu thể thao cuồng nhiệt, họ coi đây là cơ hội để tận hưởng, được chứng kiến các trận đấu hay của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Năm 2019, ở Philippines, một anh bạn người bản địa đã nói với người viết rằng “người Philippines chúng tôi yêu thể thao, nhưng không thể cuồng nhiệt với người Việt Nam được. Xem người Việt tới sân cổ vũ mà tôi lại cứ tưởng như các bạn đang chơi trên sân nhà vậy”. Ở Malaysia năm 2017, rất nhiều nhà thi đấu chỉ lác đác vài khán giả… Những điều ấy trái ngược hoàn toàn với SEA Games 31 này, khi cờ đỏ sao vàng đã bay phấp phới ở tất cả những nhà thi đấu của 12 tỉnh thành tổ chức SEA Games 31. Những tiếng hô vang chiến thắng, những nụ cười hạnh phúc, những cái ôm đầu tiếc nuối… tất cả đều nói nên tinh thần thể thao tuyệt vời của người Việt Nam. Ta tự hào gọi đó là chiến thắng đến từ những khán đài.
Efren Reyes, huyền thoại billard Philippines, tham gia SEA Games 31 với tư cách là VĐV cao tuổi nhất. Ở tuổi 68, kinh qua rất nhiều giải đấu tầm cỡ thế giới, nhưng ông vẫn choáng ngợp trước tình yêu thể thao của người Việt Nam. "Tôi thấy rất nhiều người Việt Nam mong đợi trận đấu của tôi", Reyes nói. “Những người ở đây rất hâm mộ tôi. Ngay cả khi tôi thua, nhiều người vẫn hướng về tôi và tôi muốn cảm ơn các bạn rất nhiều".
Tay cơ Thanh Tự, người đánh bại chính Efren Reyes, đã chủ động lấy điện thoại để xin chụp ảnh cùng. Tay cơ Quyết Chiến thậm chí còn cúi mình bắt tay ông sau khi anh đánh bại được người mà mình luôn thần tượng. Mỗi khi Efren Reyes thực hiện thành công một đường cơ khó, các khán đài hô vang tên ông đầy khích lệ. Hoặc khi ông thực hiện hỏng một đường cơ, đâu đó xuất hiện những tiếng ồ đầy tiếc nuối. Tất cả những điều đó khiến Efren Reyes cảm nhận được tình yêu, sự tôn trọng của nước chủ nhà.
Felisberto De Deus giành HCB điền kinh. Đó là tấm huy chương đầu tiên của đoàn thể thao Timor Leste ở đấu trường SEA Games. Đứng ở vạch đích chờ gần 10 phút, anh hụt hẫng khi chưa thể cầm trên tay lá cờ Tổ quốc. Lúc này, một nữ tình nguyện viên Việt Nam chạy ra từ khán đài A, đưa lá cờ Timor Leste cho Felisberto để anh quàng vai tự tin sải bước quanh sân vận động Mỹ Đình trong tiếng hò reo, cổ vũ của cổ động viên Việt Nam. Sau đó, hai VĐV của Việt Nam chạy đến nắm tay Felisberto và cùng nhau ăn mừng. Họ tạo ra một hình ảnh đẹp, ý nghĩa và thiêng liêng trong ngày hội thể thao Đông Nam Á.
Felisberto khoác lên mình lá cờ Timor Leste, anh cầm trên tay quốc kỳ Việt Nam. Anh muốn lưu giữ tất cả những điều này, muốn trân trọng từng khoảnh khắc tại Mỹ Đình. Sau chiến công của chàng trai 23 tuổi với vóc người nhỏ thó là một chiến công vĩ đại chưa từng có trong lịch sử điền kinh đất nước chỉ hơn 1,3 triệu dân.
Cũng sau hôm ấy 2 ngày, Felisberto tìm đến nữ tình nguyện viên đã giúp anh có lá cờ Tổ quốc để ăn mừng. Anh muốn nói lời cảm ơn và gửi tặng cô một chiếc khăn truyền thống của người Timor Leste. Felisberto cũng nói rằng chính sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Việt Nam đã giúp anh lập những chiến công lịch sử này. “Tôi rất vui, hạnh phúc khi mang về thành tích cho Timor Leste tại Hà Nội lần này. Thật hạnh phúc khi được thi đấu trên sân vận động sôi động vì sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả như thế này", Felisberto trả lời truyền thông.
Felisberto còn tiết lộ, đã có một số CĐV Việt Nam đã đến tận khách sạn, tặng anh món quà là tất cả những đặc sản từ các tỉnh thành của Việt Nam. Với anh, đó không đơn thuần chỉ là một món quà nữa. Nó là tình yêu, là sự hiếu khách của những người Việt Nam thân thiện và đáng yêu.
Những câu chuyện của Efren Reyes hay Felisberto chỉ là điển hình. Ở nhà thi đấu Ninh Bình, các em học sinh đã mang đặc sản quê mình tới tận sân để tặng cho các đoàn thi đấu. Ở sân Việt Trì, hàng trăm CĐV đã nén lại sau các trận đấu để thu dọn rác. Có cả những em nhỏ, những cụ già… Tất cả những điều đó tạo nên một hình ảnh đẹp. Nó như một thông điệp mạnh mẽ truyền tải đến cả khu vực về tình yêu thể thao, về sự thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam.
SEA Games 31 cũng chỉ là một kì Đại hội thể thao khu vực. Nó có kẻ thắng, có người thua. Có niềm hân hoan, có nỗi tiếc nuối… Nhưng suy cho cùng, sau những cảm xúc ấy qua đi, thứ còn đọng lại nhiều nhất sẽ không phải là thành tích.
Efren Reyes trở về Philippines để có thể tự hào kể với bạn bè, người thân những trải nghiệm đẹp nhất mà ông vừa có trên đất Việt Nam. Felisberto cũng sẽ không muốn những khoảnh khắc ngọt ngào của anh bị lãng quên một cách chóng vánh. Anh muốn lưu giữ nó như một kí ức đẹp trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình… Những điều đó chính là những thành công lớn nhất mà SEA Games 31 tại Việt Nam có thể mang lại.
8 tháng trước, khi cả nước gồng mình lên để chống dịch, rất nhiều người đã ái ngại khi nghĩ về SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam. Nhưng như người ta thường nói, trong “nguy” luôn có “cơ”. Chúng ta đã vượt qua “nguy” để giành lấy “cơ” và làm tốt nhất có thể, khẳng định sự xuất sắc khi tổ chức một Đại hội thể thao khu vực thời hậu Covid-19.
Tất cả đánh dấu cho sự trở lại của một “Việt Nam cất cánh” thời kì mới…
Trần Giáp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất