08/05/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
"Lập thân tối hạ thị văn chương" - người xưa nói vậy, nhưng vẫn có người bước vào nghề văn ở tuổi 25, khi đã tốt nghiệp một ngành nghề khác, cầm chắc tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Đi những bước có vẻ chậm, nhưng chắc. Không chiêu trò, ồn ào, cũng không giỏi về truyền thông, Đoàn Văn Mật xác lập vị trí của riêng mình bằng chất thơ hiền lành, tử tế, yêu con chữ.
Đoàn Văn Mật là tác giả của 2 tác phẩm Tháng Năm và Chớm Thu trong Tiếng Việt 5 (tập 1 và 2), bộ Chân trời sáng tạo.
"Văn chương đã làm cho tôi tốt lên"
* Làm việc trong môi trường quân đội với nhiều kỷ luật có ảnh hưởng đến sáng tạo hay không khi làm thơ vốn cần một khoảng trời tự do sáng tạo?
- Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến hồi mới ra trường, một số bạn bè cảm thấy lo khi tôi về đầu quân cho tạp chí Văn nghệ quân đội, vì họ nghĩ môi trường quân đội sẽ làm đời sống lao động sáng tạo bị bó hẹp đi.
Nhưng tôi đã không hề lo lắng. Môi trường quân đội nhiều kỷ luật. Điều đó là đúng. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cần phải phân tách giữa công việc và sáng tạo. Kỷ luật là kỷ luật trong đời sống, trong công việc. Đã là môi trường công việc thì ở đâu cũng cần phải thực hiện nghiêm túc những quy định nơi làm việc đặt ra. Còn ở môi trường sáng tạo, trước tiên chúng ta nên đặt mình trong vai trò là một công dân có tình yêu, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước. Khoảng trời tự do sáng tạo mà bạn hỏi, với tôi sẽ nằm tất cả trong đó.
* "Lập thân tối hạ thị văn chương", vì sao 2 vợ chồng anh (Đoàn Văn Mật và Lữ Mai) theo văn chương, lại còn khuyến khích con gái (Đoàn Lữ Thụy Phương) theo lĩnh vực này?
- Vợ chồng tôi yêu nhau, đến với nhau khi cả 2 đã bước vào con đường văn chương. "Lập thân tối hạ thị văn chương" là câu nói của tiền nhân, dẫu có hàm ý gì, thì văn chương từ xưa đến nay vẫn tồn tại, tạo nên vẻ đẹp và giá trị với đời sống. Tôi cho rằng, với một người lập thân, chỉ cần không chọn những việc có hại cho bản thân, có hại cho xã hội, có hại cho đất nước là được. Và bởi văn chương đã làm cho tôi tốt lên, đã làm cho gia đình tôi tốt lên (tốt lên theo nhiều nghĩa), thì tại sao mình lại không chọn, thì tại sao mình lại phải tránh, hoặc ruồng bỏ những điều tốt đẹp đã mang lại cho mình.
Vợ chồng tôi vốn không khuyến khích con gái theo văn chương, mà chỉ khuyến khích con yêu thích nghệ thuật, trong đó có văn chương.
Ở con, tôi thấy có nhiều niềm đam mê với nghệ thuật, trong đó có văn chương. Gần đây văn chương được cháu chú tâm hơn những môn nghệ thuật khác. Đó là sự chọn lựa mang tính tự nhiên ở một đứa trẻ.
Nhớ những ngày dịch bệnh Covid-19, trẻ em phải ở nhà học trực tuyến. Máy tính, điện thoại đã trở nên vô cùng bất cập đối với con trẻ bởi có biết bao nhiêu dẫn dụ từ Internet mà người lớn chúng ta không thể nào kiểm soát hết được.
Trong quãng thời gian ấy, thấy cháu dành nhiều thời gian đọc sách, không mấy chú tâm vào máy tính, điện thoại, thì thật đáng mừng. Sách, chứ không phải thứ gì khác đã giúp cháu vượt qua nỗi cô đơn, lủi thủi của một đứa trẻ, ở nhà một mình trong những ngày bố mẹ đi làm. Sách đã giúp cho cháu thoát ra khỏi những cám dỗ từ mạng Internet. Và đặc biệt, sách giúp cho tâm hồn của một đứa trẻ trở nên khỏe khoắn hơn.
* Còn với anh, ở tuổi 25, đã tốt nghiệp ra trường, sao lại bắt đầu đi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du?
- Đúng thế, trước tuổi 25, tôi đã học một trường khác, tốt nghiệp và đi làm nhưng mong muốn theo học ngành viết văn chưa bao giờ ngừng lại, vì đó là niềm mơ ước của tôi từ hồi bé. Nhớ năm 1992, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu về Trường Viết văn Nguyễn Du và đề cập đến việc chiêu sinh khóa 5, đã có một mơ ước nảy nở trong tôi. Hồi khóa 6 đến kỳ tuyển sinh, tôi đã mua một bộ hồ sơ và để sẵn đấy. Lúc đó tôi biết mình chưa đủ điều kiện nên mua và để "ngắm" cho thỏa thôi. Đến khóa 7, tôi cũng làm sẵn một bộ hồ sơ, nhưng khi mọi thông tin cần thiết đến với mình thì thời gian đã trượt đi quá xa. Bấy giờ, trường đã tổ chức tuyển sinh xong, sinh viên đã nhập học. Mãi tới khóa 8 thì tôi mới hoàn thành mơ ước của mình. Dẫu thời điểm đó với tôi là rất muộn mằn.
* Khi "chọn vợ" anh có nhắm tới tiêu chí là bạn bè văn chương không?
- Không. Hoàn toàn không. Tôi không "chọn vợ", mà lấy được người vợ cùng làm văn chương là điều may mắn (cười).
"Tôi nghĩ người làm thơ trước hết là làm cho mình, viết những điều mà mình đang trăn trở với đời sống. Khi ta nản lòng với thơ ca thì cũng có nghĩa là thơ ca đã và sẽ bỏ ta đi" - Đoàn Văn Mật.
Viết thơ thiếu nhi khi còn học cấp 2
* Đã tạo được dấu ấn với mảng thơ người lớn, vì sao anh lại chọn viết cho thiếu nhi?
- Thật ra, tôi viết thơ thiếu nhi từ những năm đầu học cấp 2. Lúc đó tôi đã viết cả thơ người lớn, nhưng thơ người lớn của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi âm hưởng thơ ca lãng mạn (1930 - 1945), đặc biệt là ảnh hưởng với nỗi buồn trong thơ Xuân Diệu. Với thơ thiếu nhi lúc đó thì tôi viết một cách hết sức tự nhiên, suy nghĩ, quan sát, chiêm nghiệm gì thì viết ra thế ấy. Viết xong cũng không chỉnh sửa gì.
Đến giờ tôi vẫn nhớ bài thơ thiếu nhi đầu tiên đó: "Ông trăng một sào/ ông sao một mẫu/ chắc cả bầu trời/ đồng lớn mênh mông// Lúa sẽ đầy đồng/ thóc nhiều như nắng/ nhà ông Thần Nông/ hẳn nhiều kho lắm// Nhà ông Thần Nông/ có nuôi đàn vịt/ ở giữa cánh đồng/ đẻ trứng hư không// Trứng to như núi/ ruột vịt như sông/ ăn cả kho thóc/ nhà ông Thần Nông".
* Sáng tác không nhiều cho thiếu nhi nhưng có 2 tác phẩm được chọn giảng dạy trong SGK tiểu học, anh chia sẻ đôi điều về niềm vui này nhé?
- Đó là niềm vui khá bất ngờ dành cho tôi. Vui như ngày đầu mình làm bài thơ thiếu nhi đầu tiên, chép vào trang vở rồi đọc đi đọc lại. Đều viết đã lâu, nhưng đến nay thơ thiếu nhi với tôi vẫn là "tay ngang", nên rất hiếm khi gửi in báo, tạp chí.
Cũng khá lâu rồi, việc xuất bản thơ của tôi luôn có sự trợ giúp từ Lữ Mai. Tôi viết thơ người lớn và thơ thiếu nhi rồi để đấy, lúc nào dự định in thì Mai sẽ tự chọn, tự xin giấy phép, nhờ họa sĩ trình bày và bỏ kinh phí ra in. Việc chúng tôi cùng nhau ra bộ sách 5 tập thơ thiếu nhi, với sự liên kết của nhà sách cũng thế.
Hai bài thơ của tôi được đưa vào sách giáo khoa, đều nằm trong mạch cảm xúc về vùng quê mang đậm dấu ấn tuổi thơ của mình. Những bài thơ này được hình thành từ những câu chuyện về tuổi thơ, tôi kể cho con nghe, từ những chuyến gia đình tôi về quê, đi thăm thú đồng đất. Mỗi lần vợ chồng tôi ngồi kể cho con gái nghe về thời thơ ấu thì cháu rất chăm chú. Đấy chính là động lực để tôi quay trở lại làm thơ thiếu nhi.
Cũng phải thú thật. Nếu trong "khoảng trời tự do sáng tạo" của người lớn có những tấm lưới vô hình, có những bức tường vô hình, chụp xuống, níu lại khiến ta phải suy nghĩ trước khi viết, thì khoảng trời tự do sáng tạo trong thơ thiếu nhi là vô cùng lành mạnh và trong sáng. Trên trời không có tấm lưới nào, mà chỉ có những đám mây vô cùng biến ảo. Dưới đất không có bức tường vô hình nào, mà chỉ có sự thênh thang, mênh mông và trong vắt. Cuối cùng chỉ còn lại những vẻ đẹp của hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng trong từng câu chữ.
* Anh sẽ viết thơ cho thiếu nhi nữa chứ?
- Tất nhiên, là tôi sẽ vẫn viết thơ thiếu nhi. Tôi sẽ ngừng viết khi nào mà không còn tìm thấy mơ ước, hoài niệm về sự hồn nhiên, ngây thơ trong mình nữa.
* Ở vai trò là biên tập viên nhiều năm, theo anh dấu ấn những nhà thơ, nhà văn 7X, 8X, 9X hiện nay là gì?
- Có thể nói văn chương 8X là khoảng giữa nối liền với văn chương 7X và 9X. Với văn chương 7X, ta có thể nhìn ra dấu ấn của họ ở bản sắc vùng miền, ở giọng điệu, ở bút pháp thực và ảo… Văn chương 8X tạo dấu ấn ở sự đa dạng phong phú nhưng trong sự đa dạng, phong phú ấy luôn thể hiện một cái tôi mạnh bạo muốn nhìn thấu mình, làm mới mình.
Còn văn chương 9X là trực tâm, trực diện đi thẳng vào những vấn đề của đời sống, đặc biệt là những vấn đề đời sống của giới trẻ hiện nay. 9X là một thế hệ tự tin và năng động trong việc tiếp cận văn chương đương đại của thế giới.
* Thơ hay hiện vẫn khó đến với công chúng và hầu như không ai có thể kiếm tiền bằng thơ. Điều này có làm nản lòng nhà thơ?
- Thơ hiện nay khó đến với công chúng là một thực tế. Nhưng ngay cả khi thơ đến được với công chúng thì cũng không ai có thể kiếm tiền bằng thơ cả. Ngàn xưa đã như thế và bây giờ càng như thế.
Tôi nghĩ người làm thơ trước hết là làm cho mình, viết những điều mà mình đang trăn trở với đời sống. Khi ta nản lòng với thơ ca thì cũng có nghĩa là thơ ca đã và sẽ bỏ ta đi. Một người làm thơ, không quan tâm đến công chúng là rất sai. Họ sẽ thật hạnh phúc khi có được công chúng và sẽ cảm thấy đơn độc khi bị bạn đọc xa lánh. Dù hạnh phúc hoặc đơn độc thì người làm thơ vẫn cứ viết. Viết, trước tiên là nhu cầu của bản thân cần phải viết. Sẽ không có ai cảm thấy nản lòng trước nhu cầu của mình cả.
* Cảm ơn anh.
Vài nét về Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật sinh năm 1980. Hiện là biên tập thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh là tác giả các tập thơ Giữa hai chiều thời gian, Bóng người trước mặt, Sóng trầm biển dựng, Ngoài mây trời đầy trống vắng... Anh và vợ là nhà thơ Lữ Mai cùng xuất bản Thơ cho bé tập nói (5 tập). Con gái của vợ chồng anh là cháu Đoàn Lữ Thụy Phương giành Tặng thưởng Giải Dế Mèn 2023.
Các giải thưởng của Đoàn Văn Mật: Giải Ba cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 2008 - 2009; Giải thưởng Văn học nghệ thuật - báo chí 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng cho tập trường ca Sóng trầm biển dựng; Giải thưởng văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2020…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất