Với hợp xướng "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ", nhạc sĩ Nga Vladimir Fere đã khai thác chất trữ tình để dựng lên chân dung Bác. Hai câu lục bát mở đầu: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” mà ông đã lấy câu 8 làm đề từ hợp xướng - là nét nhạc mở ra mênh mang, dịu dàng...

Nhạc sĩ Nga Vladimir Fere: 'Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ'

(Thethaovanhoa.vn) - Với hợp xướng Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, nhạc sĩ Nga Vladimir Fere đã khai thác chất trữ tình để dựng lên chân dung Bác. Hai câu lục bát mở đầu: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” mà ông đã lấy câu 8 làm đề từ hợp xướng - là nét nhạc mở ra mênh mang, dịu dàng... Tác phẩm cũng có thể hát thành một đồng ca cho thật giản dị thì do sự cuốn hút của giai điệu, nó vẫn hay vô cùng.

1. Năm 1965, Mỹ vừa đổ quân vào miền Nam chuyển sang chiến tranh cục bộ, vừa mở rộng đánh phá miền Bắc. Không khí chiến tranh hừng hực cả nước.

Trường cấp 3 Thái Phiên của tôi ở Hải Phòng đào giao thông hào quanh trường và học ban đêm. Các lớp đều thành một trung đội tự vệ, thay nhau đi tuần đêm. Tốp này hết ca lại đến tốp khác. Tốp vừa bàn giao tìm vào lớp ngủ lăn lóc trên bàn học sinh, 2 cái ghế kê làm 1. Mặt bàn nghiêng khiến giấc ngủ chập chờn.

Chú thích ảnh
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh: Lâm Hồng Long – TTXVN

Nhưng chính những lúc ấy, phong trào văn nghệ lại được phát động rất cao. Liên tục các cuộc thi hát trong các dịp kỷ niệm và thường kỳ. Nhưng bề thế nhất vẫn là dàn hợp xướng của trường. Ngay từ đầu Xuân, dàn hợp xướng đã biểu diễn Ca ngợi tổ quốc của Hồ Bắc, Tiếng hát biên thùy của Tô Hải, Bạch Đằng Giang (ca khúc soạn cho hợp xướng) của Lưu Hữu Phước.

Năm ấy cũng là dịp sinh nhật lần thứ 75 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một hôm, hợp xướng được tập hợp. Người dựng hợp xướng lần này là một thầy giáo dạy toán - thầy Lê Diễm. Ông nói với chúng tôi đây là bản hợp xướng của một nhạc sĩ Nga viết nhân kỷ niệm ngày sinh Bác mà ông vừa sưu tầm được bản nhạc in trên báo Văn nghệ. Và thế là các bè trưởng được ngồi cùng thầy tập các bè trước. Các thành viên hợp xướng thì chép bài hát. Sau đó, chúng tôi chia các bè vào các lớp tập riêng cho thuần thục.

Chỉ sau vài buổi là có thể khớp bè. Dàn nhạc do Kiếm Minh chơi accordion là trưởng nhóm cũng bàn với nhau cách đệm mà bây giờ gọi là phối khí. Nhưng hồi ấy phối khí là phối khí của cả nhóm. Ai chơi nhạc khí nào thì tự ngẫu hứng phần đệm cho mình, miễn là tuân thủ luật hòa thanh. Và cuối cùng hợp xướng đã được trang trọng trình bày trước toàn trường trong một chương trình biểu diễn những bài ca ngợi Bác. Đó là bản hợp xướng Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ do nhạc sĩ người Nga Vladimir Fere sáng tác trong dịp sang thăm và làm việc ở Hà Nội.

Lúc ấy, chúng tôi trình diễn hợp xướng rất say sưa và được mọi người vô cùng tán thưởng. Đấy cũng là lần đầu tiên chúng tôi hát một hợp xướng của một nhạc sĩ người Nga. Nếu ai trong số chúng tôi có tham gia hợp xướng Hải âu của thành phố thì có trình diễn bản Sóng Hắc Long giang của Kilaiut trước đây. Nhưng đối với chúng tôi, đó là niềm vinh dự không thể đong đếm được. Đấy cũng là lần trình diễn cuối cùng của năm học.

Sang năm học sau, không biết có bao nhiêu thành viên trong dàn hợp xướng đã tham gia nhập ngũ. Và có người đã mãi mãi nằm lại chiến trường không bao giờ trở về nữa. Họ ra đi mang theo ký ức đẹp đẽ đầu thanh xuân là được tham gia trình diễn một bản hợp xướng về Bác mà do một nhạc sĩ Nga sáng tác.

Bản hợp xướng này khi ấy cũng được dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam trình diễn và phát trên làn sóng nhiều lần. Nhưng từ sau ngày thống nhất, không thấy phát lại nữa. Có thể là vì những bài hát viết về Bác quá nhiều. Hoặc là khi nói về các nhạc sĩ nước ngoài sáng tác về Bác, người ta hay nhắc đến bản The Ballad Of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) của nhạc sĩ Ewan Maccoll (1915-1989) người Scotland và đã từng đoạt giải Grammy ca khúc của năm 1972. Đó là một ca khúc hay, sôi động. Nhưng mỗi tác phẩm đều có một vẻ đẹp riêng của nó.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nga Vladimir Fere (1902-1971)

2. Nhạc sĩ Nga Vladimir Fere (1902-1971) là thầy dạy của nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại Nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng. Ông chuyên viết opera, tác phẩm chính của ông là: On The Banks Of Issyk-kula (opera). The White Wings (opera), The History Of Happiness, Lenin’s Motherland… Ông rất yêu quý học sinh Việt Nam như các thầy giáo Nga khác. Nhưng có lẽ đặc biệt yêu quý Đỗ Nhuận vì đã từng là tác giả ca khúc Chiến thắng Điện Biên - một chiến thắng “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”. Cũng còn do tính tình chất phác và giản dị của Đỗ Nhuận nữa. Thiện cảm thầy và trò đã dẫn tới tiệc ông sang thăm và công tác ở Việt Nam vào mùa Hè 1965.

Ở Hà Nội, nhưng Đỗ Nhuận đưa ông đi cả vào tuyến lửa Khu 4 để thấy tinh thần chiến đấu ngoan cường của Việt Nam chống Mỹ.

Bài hát đầu tiên mà ông viết là bài hát Người chiến thắng là anh bằng ấn tượng về sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường mà “phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần”. Đấy là một bản hành khúc nóng bỏng và truyền cảm: “Một người ngã/ Triệu người đã đứng lên/ Gương anh Nguyễn Văn Trỗi/ Tuổi đấu tranh như anh còn đó/ Hoa trên cành này gieo xuống đất/ Chỗ đất này đầy rẫy mầm xanh/ Sống quang vinh/ Chết hy sinh/ Người chiến thắng là anh”. Bản hành khúc của V.Fere với phần lời nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được cặp song ca Trần Khánh - Trần Thụ hát vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với thầy Vladimir Fere năm 1968. Ảnh do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cung cấp

Còn với hợp xướng Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ thì V.Fere lại khai thác chất trữ tình để dựng lên chân dung Bác. Bởi thế sau 2 câu lục bát mở đầu: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” mà ông đã lấy câu 8 làm đề từ hợp xướng - là nét nhạc mở ra mênh mang, dịu dàng rồi mới dẫn tới rắn rỏi, khẳng định:

“Việt Nam có một con đường thênh thang trong nắng mùa Thu

Hồ Chí Minh hướng nhân dân giành lấy tự do

Từ lúc tay không chống quân thù

Nay Việt Nam đang lớn mạnh

Hồ Chí Minh đưa cách mạng lên

Cờ hồng đường Mác - Lê Nin đi”

Giai điệu trải dài rất hợp cho hợp xướng nữ mở đầu. Sang đoạn sau, ông dùng thủ pháp lắng xuống một bát độ để dựng hình tượng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”.

“Người chỉ huy đất nước chung một bài ca

“Đoàn kết ta bền vững

Kiến thiết xã hội chủ nghĩa

Vì tổ quốc thống nhất chống đế quốc Mỹ

Người là tượng trưng cho nước Việt Nam anh hùng

Hồ Chí Minh muôn năm”

Dàn hợp xướng nam bắt vào từ “Người chỉ huy … chủ nghĩa”. Sau đó là hợp xướng hùng hồn cao trào đi tới kết bài.

Thực ra, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ cũng có thể hát thành một đồng ca cho thật giản dị thì do sự cuốn hút của giai điệu, nó vẫn hay vô cùng. Lời là do Đỗ Nhuận và V.Fere cùng đặt. Có lẽ là V.Fere đưa ý tưởng, còn lời là Đỗ Nhuận triển khai. Lời thứ 2 có bóng dáng việc đi thực tế chiến tranh ở Khu 4, nhưng vẫn đúc kết được những phẩm chất tạo ra chân dung Hồ Chí Minh.

“Việt Nam đứng trên tuyến đầu đi lên tranh đấu sục sôi

Hồ Chí Minh hướng nhân dân giành lấy ngày mai

Là tấm gương soi sáng đất trời

Đây miền Nam đang thắng mạnh

Hồ Chí Minh hơn sóng biển Đông

Một lòng vì thống nhất non sông”

Sau đó, lại vào điệp khúc như lần đầu.

Thú thực, tôi rất băn khoăn không hiểu vì sao một bài ca ngợi Bác của một nhạc sĩ Nga tầm cỡ lại bị chìm vào lãng quên nhiều năm qua. Có lẽ là do truyền thông chúng ta làm chưa trọn nhiệm vụ của mình? Tuy trình bày như hợp xướng, nhưng Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ vẫn có thể hát đơn ca cho phù hợp với xu thế thẩm mỹ hôm nay, hoặc có thể đơn ca cùng một tốp nam nữ đệm theo cùng vocalise, chắc chắn Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ sẽ được “tái xuất” trở lại giữa rất nhiều bài ca ngợi Bác hôm nay. Có lẽ đó cũng là tâm nguyện của V.Fere và Đỗ Nhuận.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha