Giovanni – một thương hiệu quốc tế do người Việt sở hữu và cũng do chính người Việt gây dựng và phát triển – đang mở ra một thời kỳ mới cho thời trang Việt khi có những tham gia và đóng góp trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu!

(Thethaovanhoa.vn) - Giovanni – một thương hiệu quốc tế do người Việt sở hữu và cũng do chính người Việt gây dựng và phát triển – đang mở ra một thời kỳ mới cho thời trang Việt khi có những tham gia và đóng góp trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu!

Lấy chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi trọng tâm, trong hơn một thập kỷ qua, Giovanni từng bước khẳng định vị trí trong lĩnh vực thời trang công sở cao cấp tại Việt Nam. 13 năm không phải là một hành trình dài nhưng lại chứa đựng ký ức những tháng ngày rong ruổi khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu và sản xuất, sự vun đắp của ông chủ Nguyễn Trọng Phi cùng đồng nghiệp. Đó là sự hội tụ của những trải nghiệm độc đáo để làm nên một thương hiệu đậm chất Ý dành cho người Việt.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Tập đoàn Giovanni

 CƠ DUYÊN THỜI TRANG CỦA ÔNG CHỦ GIOVANNI

Thị trường thời trang công sở Việt Nam chia thành phân khúc rõ ràng từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Phân khúc đại trà phát triển với mức giá 50.000 -300.000 đồng cho một chiếc áo sơ mi, cao cấp hơn là mua nhượng quyền nước ngoài nhưng sản xuất ở Việt Nam. Song song với đó là một thị trường ngách nhỏ với mức giá gấp 3 đến 10 lần, phục vụ nhóm công chức cao cấp, những người có nhu cầu chỉn chu về ngoại hình, chủ yếu hoạt động kinh doanh, giới đầu tư hay chứng khoán, cần thể hiện sự chuyên nghiệp. Thị trường này được cung cấp bởi các thương hiệu đến từ các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong, sản xuất hàng hóa với chất lượng cao hơn đại trà và tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Theo ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Tập đoàn Giovanni, thị trường xa xỉ ở Việt Nam đầu những năm 2000 chưa thực sự phát triển vì mức giá bán quá cao so với thu nhập và tài sản của người Việt, chỉ phục vụ chưa tới 0,5% dân số. Ngoài ra, việc sử dụng những nhãn hiệu quốc tế này cũng giới hạn, nhất là với những ngành nghề có công việc nhạy cảm, vì có thể bị gắn mác là khoe khoang. Do đó, thị trường ngách trung cao cấp càng tiềm năng hơn cho các nhãn hàng chất lượng tốt, phong cách châu Âu và tập trung vào dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán và trải nghiệm khách hàng tại cửa hàng bán lẻ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Tập đoàn Giovanni trực tiếp kiểm tra chất lượng nguyên liệu

 Năm tháng qua đi, thị trường bán lẻ cao cấp của Hà Nội phát triển nhanh khi Tràng Tiền Plaza và Vincom Bà Triệu xuất hiện. Đây được coi là những trung tâm thương mại mua sắm uy tín và đẳng cấp. Những thương hiệu được phân phối và bán hàng tại đây đều trải qua quá trình kiểm duyệt kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giá thuê tại các trung tâm thương mại này đều rất cao, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nguồn lực của các thương hiệu cao cấp đến từ châu Á cho việc phân phối và bán hàng, do đó, giá bán sản phẩm tới người tiêu dùng thường cao hơn nhiều so với các thương hiệu đại trà, thậm chí chỉ thua kém các thương hiệu xa xỉ quốc tế lâu đời một chút. Điều này mở ra một thị trường lớn hơn với nhu cầu về thời trang công sở chất lượng cao cấp gần tương đương với các nhãn hàng xa xỉ nhưng mức giá chỉ bằng 30-40%.

Ông Nguyễn Trọng Phi nhận thấy, thời điểm này, thị trường thời trang công sở cao cấp rơi hoàn toàn vào tay các thương hiệu đến từ Trung Quốc, một phần nhỏ từ Malaysia và không có thương hiệu nào từ Việt Nam. Các thương hiệu này đều có một thông điệp chung đó là phong cách Ý và sự lịch lãm, chỉn chu. Họ theo đuổi phong cách của các thương hiệu đình đám quốc tế của Italy nhưng phù hợp với địa phương.

Nhu cầu về một thương hiệu có chất lượng phải cao cấp hơn các thương hiệu tới từ châu Á nhưng giá phải rẻ hơn trong khi dịch vụ và trải nghiệm khách hàng cũng cần chuyên nghiệp hơn khiến ông Nguyễn Trọng Phi nhanh chóng nhận ra tiềm năng cũng như thách thức to lớn từ thị trường ngách này. Ông từng bước giúp vun đắp, tích lũy và chuyên nghiệp hóa mạng lưới nhà cung cấp, sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu: "Tái hiện nét thanh lịch tự nhiên phong cách Ý tại Việt Nam bằng những sản phẩm thời trang chất lượng".

Đây cũng là giai đoạn đặt nền móng cho sự ra đời của Giovanni.

200 CÔNG ĐOẠN CHO MỘT CHIẾC ÁO SƠ MI

Cuối năm 2005, có một người bạn giới thiệu tới ông Nguyễn Trọng Phi một vị luật sư trẻ đam mê thời trang. Nguyễn Trọng Phi đề xuất với vị luật sư trẻ đam mê thời trang rằng: Tôi muốn xây dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình, nhưng cái tên đó phải gắn với Italy, mang đậm phong cách Italy. Sau một đêm tìm tòi, ngay ngày hôm sau, vị luật sư đưa cho ông Phi tờ A4 chằng chịt hàng trăm cái tên và bảo ông chọn.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trọng Phi muốn xây dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình, nhưng cái tên đó phải gắn với Italy, mang đậm phong cách Italy

Rốt cuộc, "Giovanni" lọt vào mắt xanh của ông. "Tôi thích Italy, mê bóng đá, văn hóa Italy nên khi đọc cái tên đó, tôi đã ưng ngay", ông Phi chia sẻ.

"Thời kỳ 2001-2008 là thời gian huy hoàng của hàng thời trang Trung Quốc ở các phân khúc. Đa số các hãng thời trang đều đặt nguồn sản xuất của mình tại đây để giảm giá thành sản xuất và tập trung nguồn lực cho các lợi thế cạnh tranh khác. Tuy nhiên, Giovanni lại đi theo một khởi đầu khác biệt", CEO Giovanni nói.

Dựa vào kinh nghiệm phân phối hàng hóa Thái Lan trước đó, Giovanni thừa hưởng nhiều nhà cung cấp của xứ sở chùa vàng, phục vụ những dòng hàng trọng yếu như áo sơ mi, cà vạt. Đây là kết quả của mối lương duyên giữa ông Nguyễn Trọng Phi và ông chủ Tập đoàn may mặc Thái Lan - người sở hữu nhiều nhà xưởng sản xuất và quyền sản xuất cho nhãn hiệu quốc tế như Lacoste, Nike, Carven, Charles & Jourdan, Ungaro... Việc sở hữu được nhiều bản quyền sản xuất của các hãng lớn khiến cho các nhà máy sản xuất áo sơ mi của ông chủ người Thái tạo ra các sản phẩm ấn tượng thông qua hơn 200 công đoạn, đạt đẳng cấp ở phân khúc cận xa xỉ (các thương hiệu cận xa xỉ thường có mức giá bán bằng 70% xa xỉ).

Chú thích ảnh
Cắt may sơ mi Giovanni

Chiếc áo sơ mi cao cấp đầu tiên của Giovanni được sản xuất tại Tập đoàn dệt may lớn của Thái Lan - Boonsiri. Vải 100% cotton supima của hãng vải Luthai - một trong những nhà cung cấp vải sơ mi lớn nhất châu Á. Vải may áo có chỉ số sợi 120/2 (đây là một trong những chất liệu mà rất nhiều thương hiệu đang sử dụng). Áo được gia công tại nhà máy may hàng cao cấp của Tập đoàn Boonsiri - một trong những nhà máy may sơ mi đẹp nhất châu Á. Sản phẩm sơ mi tinh xảo trải qua tối thiểu 145 công đoạn từ cắt, may, hoàn thiện đến đóng gói.

Không chỉ vậy, sản xuất ở Thái Lan mang lại lợi thế tuyệt vời cho Giovanni hơn sản xuất ở Trung Quốc. Đó là sự phù hợp về điều kiện khí hậu nóng quanh năm và size số vừa vặn hơn. Đây là hai đặc điểm quyết định trực tiếp tới việc trải nghiệm của khách hàng về mức độ thoải mái và nó chính là mấu chốt về việc khách hàng có quay trở lại với thương hiệu hay không. Ông Nguyễn Trọng Phi nhận định, trong cơn khát hàng chất lượng cao, giá cạnh tranh so với các thương hiệu đồng hạng; Giovanni sẽ chiếm được sự chú ý và ưu ái của khách hàng. "Mức độ quay trở lại mua hàng và truyền miệng giới thiệu cho người thân tới mua hàng là rất cao vào giai đoạn này", ông nói.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trọng Phi đã âm thầm làm một cuộc đổi mới sau sự thành công của chiếc áo sơ mi Giovanni

Nhận thấy sự ảnh hưởng của Giovanni, một số nhãn hiệu khu vực khác nhanh chóng học hỏi và chuyển mình sang khía cạnh chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên điều đó không khiến ông chủ Giovanni quá bận tâm. Bởi, thời trang không phải là sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng vật lý mà là sự cạnh tranh về mức độ sáng tạo, đổi mới và trải nghiệm.

Và để tiến trước một bước, ông Nguyễn Trọng Phi đã âm thầm làm một cuộc đổi mới sau sự thành công của chiếc áo sơ mi Giovanni.

HÀNH TRÌNH HỘI NHẬP VỚI THỜI TRANG THẾ GIỚI

Khi thế giới trở nên kết nối mạnh mẽ và sâu sắc hơn với nhau thông qua các hiệp định giao thương, mạng lưới Internet và di chuyển, giao vận - đó cũng là lúc Việt Nam cần hội nhập sâu hơn với các nước Tây Âu trong ngành thời trang chứ không chỉ gói gọn trong khu vực với Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi các thương hiệu khu vực bám trụ chắc với các nhà sản xuất châu Á và lảng tránh nhà máy ở châu Âu với lý do thuế cao cũng như chi phí tìm kiếm lớn; Giovanni lại từng bước ghi tên trong danh sách các đối tác mua hàng của những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu và thành phẩm Italy.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trọng Phi kiểm tra một sản phẩm túi xách Giovanni

Thông qua các hội chợ triển lãm quốc tế thế giới như Premier Vision (Paris, Pháp); Milano Unica (Milano, Italy); Micam/Mipel (Milano, Italy); Intertextile Shanghai (Thượng Hải, Trung Quốc); Shoes Expo (Tokyo, Nhật Bản); GDS Dussendorf (Đức); Pitti Uomo (Florence, Italy)...; các đại lý tư vấn và tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu, thông qua hệ thống các nhà thiết kế tự do; công ty tư vấn chiến lược ngành thời trang; Giovanni nhanh chóng tiếp cận với nền văn minh sản xuất hàng hóa ngành thời trang phân khúc cận xa xỉ.

Italy là nơi ông Nguyễn Trọng Phi tìm kiếm, làm việc với các đối tác đầu ngành thời trang thế giới.

Một sáng mùa thu năm 2014, ông Phi tình cờ gặp chủ nhân công ty phân phối dòng vải Filo Di Scozia chuyên về polos ở phân khúc xa xỉ tại khu vực canteen của Hội chợ Milano Unica. 5 năm sau, ông Nguyễn Trọng Phi trở thành đối tác lớn của hãng vải tại khu vực châu Á khi tiêu thụ trung bình trên 10.000 mét vải xa xỉ mỗi năm.

Chú thích ảnh

Chữ "duyên" tiếp tục với Giovanni và ông chủ của mình trong một chuyến thăm định kỳ đến Hội chợ Premier Vision Paris 2015. Trong tâm thế thất vọng và mỏi mệt vì không tìm kiếm được nhà cung cấp như kỳ vọng, ông tình cờ ngồi nghỉ ngay trước gian hàng của Thomas Mason, Albini Group và Milior. Đây là 3 hãng vải quần chuyên cung cấp cho các nhãn xa xỉ như Hugo Boss, Gucci, Emergildo Zegna... Kết quả của giây phút định mệnh đó là sự xuất hiện của những bộ sưu tập quần âu, kaki của Giovanni.

Nếu kể những câu chuyện tại Itlay của Giovanni, sẽ thật là thiếu xót nếu không nhắc tới các nhà máy sản xuất giày da và túi xách nữ ở vùng Montegranaro, Marche. Không chỉ sành về rượu vang, ẩm thực và cà phê, gia đình nhà Romit và Franceschetti còn nổi tiếng vì kỹ nghệ làm giày hiếm truyền, chỉ truyền lại cho con cái trong nhà. Trải qua những đơn hàng trong nhiều năm, Giovanni trở thành một thành viên mới trong gia đình của họ. Ông chủ nhà túi nữ Gironacci từng mời chủ tịch của Giovanni tham dự những sự kiện quan trọng của con cái họ, bên cạnh việc thăm và làm việc với họ ít nhất hai lần một năm tại Italy.

Giờ đây, Giovanni hội tụ gần 300 nhà cung cấp từ nguyên liệu chính (vải, da...) cho tới phụ liệu (chỉ, keo, sơn, máy móc...) tới các nhà sản xuất và cung cấp thành phẩm. Mỗi nhà cung ứng là một câu chuyện đầy ắp những cảm hứng từ mọi miền trên thế giới, trong đó, phần lớn là những câu chuyện về hơn 2.500 ngày với nước Ý.

Chú thích ảnh

KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO

Năm 2017, Zara gia nhập thị trường Việt Nam, tiếp đó là Massimo Dutti, H&M... đưa đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Trọng Phi hiểu, đây là lúc phải sáng tạo, đổi mới, của thương hiệu thời trang Việt cao cấp Giovanni.

CEO Giovanni cho rằng, thời trang không chỉ là quần áo phục vụ cho ăn mặc và có độ bền cao. Thời kỳ "ăn chắc, mặc bền" của người Việt ở phân khúc cao cấp đã qua. Thời trang phải được hòa quện với hơi thở và mang màu sắc của chính trị, văn hóa, xã hội, xu hướng, đổi mới và điều quan trọng nhất - đó là sự sáng tạo. Thời trang công sở đã từ lâu được định hình bởi suy nghĩ là luôn không thay đổi, lặp đi lặp lại qua nhiều năm. Đó là tư duy cũ kỹ mà sẽ bị đào thải sớm trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Chú thích ảnh

Trong quá trình hội nhập, Giovanni không chỉ mang tới cho khách hàng sản phẩm chất lượng, mà còn phải là những bộ sưu tập (gồm cả trang phục lẫn phụ kiện) mang hàm lượng chất xám cao. Đó là lý do, ông mời Giám đốc sáng tạo Tim Voegele Downing - người đã dành hơn 20 năm làm việc cho các thương hiệu quốc tế như Hermès, Louis Vuitton, Gucci, Dior, Ralph Lauren, Sonia Rykiel và gần đây nhất là Burberry Black Label tại Nhật Bản về cùng hợp tác, làm việc.

"Khó khăn và thách thức cản trở sự hợp tác này không chỉ là rào cản chi phí lớn cho doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; mà vào thời điểm 2014-2015, không giám đốc sáng tạo tầm cỡ quốc tế nào muốn tới và dành thời gian quý giá của mình cho một thị trường nhỏ bé như Việt Nam. Nhưng đam mê, tình yêu và tinh thần chinh phục đã giúp chúng tôi gắn kết" ông Phi bộc bạch.

Chú thích ảnh

Ngay sau khi bắt tay hợp tác, Giovanni chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới mang tầm vóc quốc tế, hệ thống các cửa hàng được nâng cấp theo concept cửa hàng mới của Tim Voegele-Downing nhằm truyền tải tốt hơn thông điệp của các bộ sưu tập theo mùa do chính ông thiết kế và dẫn dắt đội ngũ triển khai. Cũng vào năm 2017, thương hiệu GioGio dành riêng cho phái đẹp ra đời.

Một năm sau, Giovanni Group ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Studio Francesco Turchi, người từng thành công trong việc thiết kế và sáng tạo cho các bộ sưu tập của Gucci thập kỷ trước, và đang tư vấn, phát triển sản phẩm Brioni, Roberto Cavalli, Valentino... Theo đó, toàn bộ ý tưởng sáng tạo và phát triển các bộ sưu tập GioGio được nhà tạo mẫu này thiết kế bởi chính đội ngũ của ông nằm ở văn phòng sáng tạo ở Florence, Italy.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Trọng Phi cho rằng, mấu chốt để tạo dựng một thương hiệu sở hữu bởi người Việt mang hàm lượng sáng tạo cao đó là sáng tạo từ nội bộ và tích lũy giá trị truyền thống để phát triển bền vững và lâu dài. Đây cũng là điểm sáng trong các bản hợp đồng ký kết với các nhà sáng tạo, thiết kế quốc tế của Giovanni Group - chuyển giao công nghệ sáng tạo theo chuẩn quốc tế, đào tạo đội ngũ và dẫn dắt đội ngũ thiết kế, sáng tạo, phát triển sản phẩm và sản xuất của Giovanni. Điều kiện cần thiết để đạt được điểm mấu chốt này là Giovanni Group phải sở hữu được bí kíp và kỹ nghệ sản xuất độc nhất mà không phải dựa vào hệ thống các nhà sản xuất đối tác. Đó là một chuỗi các quy trình xuyên suốt kết nối chằng chịt lẫn nhau để tạo ra giá trị cho khách hàng.

Trước đó, năm 2016, Giovanni Group liên kết với đối tác nước ngoài để mở xưởng sản xuất Eurolink - nơi tập trung nghiên cứu và phát triển để tạo ra các thiết kế và bộ sản phẩm mẫu chuẩn, từ đó mang đi đặt hàng ở nước ngoài. "Vào thời điểm đó, các chiến lược gia và chuyên gia đều cho đó là ý tưởng điên rồ bởi công ty chỉ có năng lực tổ chức phân phối và bán hàng, chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất trước đó", ông Phi chia sẻ.

Chú thích ảnh

  Giovanni Group cũng bắt tay với Principe 1955. Theo đó, tập đoàn sở hữu quyền sản xuất cho thương hiệu Cerruti 1881, Blauer, Ungaro, phụ kiện đồ da Lamborgini, cử chuyên gia để khởi tạo, lắp đặt, bố trí và chuyển giao công nghệ sản xuất đồ da cao cấp theo tiêu chuẩn của Italy dành riêng cho các thương hiệu xa xỉ.

Các thương hiệu cũng yêu cầu cao về tay nghề của công nhân cũng như máy móc, do đó, Giovanni Group phải bỏ ra ngân sách gấp đôi so với mặt bằng chung để tuyển đủ lượng nhân sự theo yêu cầu của đối tác. Sau 3 năm, Giovanni Group không chỉ sản xuất mẫu phục vụ cho việc đặt hàng gia công OEM ở nước ngoài, mà nhà máy mini của tập đoàn còn có thể đáp ứng 20% nhu cầu hàng hóa phục vụ cho việc bán lẻ.

Chú thích ảnh

 Tập đoàn cũng chính thức nhận được lời mời sản xuất và gia công một phần đồ da cho hệ thống hơn 123 cửa hàng của Cerruti 1881 trên toàn cầu ở chất lượng xa xỉ, đòi hỏi mức độ phức tạp và tỉ mỉ trong sản xuất. Đây được xem là bước chuyển mình rõ rệt của một công ty Việt Nam từ chiếc áo sơ mi cao cấp đến tập đoàn truyền nguồn cảm hứng thời trang Italy, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Cũng từ đây, Giovanni Group không chỉ bán lẻ, sản xuất bán buôn mà còn có thể xuất khẩu và gia công cho chính các thương hiệu xa xỉ đã từng đầu tư và chuyển giao công nghệ cho nhà máy.

Tuệ Nguyễn