Vĩnh biệt nghệ sĩ Mộng Điệp, cây đại thụ của ca kịch Huế,

06/05/2014 20:11 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - 12g30 trưa 6/5, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Mộng Điệp, người nghệ sĩ lớn của nghệ thuật ca kịch Huế đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian lâm bệnh, hưởng thọ 96 tuổi.

NSƯT Mộng Điệp sinh ra ở làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình có truyền thống hát tuồng. Bà bén duyên với nghề ca kịch từ lúc hơn 10 tuổi, đến năm16 tuổi, bà đã trở thành một diễn viên tuồng đầy năng khiếu. Năm 19 tuổi, bà vào thử vai ở gánh hát kịch Kim Sanh, tại đây bà phát huy năng khiếu của mình trong lĩnh vực sân khấu ca kịch Huế.

Nghệ sĩ Mộng Điệp có biệt tài chuyên đóng kép nam, đã để lại những vai diễn trở thành khuôn mẫu cho tất cả các thế hệ sau này, như vai Châu Tuấn trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình và rất nhiều vai diễn để đời khác...

Trong những năm của thập niên 1940, nghệ sĩ Mộng Điệp đã đi biểu diễn khắp ba miền và qua tận Lào. Bà cũng từng biểu trong Đại Nội Huế vào dịp lễ tứ tuần của Đoan Huy Hoàng Thái hậu (mẹ vua Bảo Đại). Trong những năm chiến tranh, nghệ sĩ Mộng Điệp đã vinh dự ba lần biểu diễn cho Bác Hồ xem những vở diễn điển hình của ca kịch Huế. Nghệ sĩ Mộng Điệp cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Đoàn ca kịch Huế vào năm 1957.

Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Mộng Điệp tiếp tục biểu diễn và tham gia giảng dạy bộ môn sân khấu ca kịch Huế và làm Phó trưởng đoàn ca kịch Huế. Năm 1984, bà là nghệ sĩ đầu tiên ở Thừa Thiên Huế được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Nghệ sĩ Mộng Điệp được xem là cây đại thụ trong làng ca kịch Huế.

Với tài danh, đức độ và tâm huyết dạy dỗ, nghệ sĩ Mộng Điệp là người thầy lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ ca kịch Huế và là tấm gương sáng về  sự hăng say sáng tạo, cống hiến, lao động nghệ thuật cho các thế hệ mai sau.

Trần Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm