Truyền hình thực tế: Kịch bản 'nội' tăng đột biến

18/11/2014 12:31 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi kịch bản truyền hình thực tế (THTT) nước ngoài liên tục được nhập về thì trong nước đã bắt đầu tung ra những kịch bản “thuần Việt”. Nửa cuối năm 2014, với chương trình THTT, tỷ lệ kịch bản nội địa tăng gần ngang ngửa với kịch bản ngoại.

Cuối năm 2013, Thể thao & Văn hóa đặt câu hỏi phải chăng THTT đã tới giai đoạn bão hòa, Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Tạ Bích Loan cho biết: “THTT sẽ còn tồn tại khá lâu, những kịch bản lớn sẽ vẫn còn đất sống”. Dự đoán của chuyên gia này cho đến nay vẫn rất chính xác.

THTT “nội” phát triển về số lượng

Thực tế, THTT vẫn tăng trưởng rất mạnh và chưa có dấu hiệu chững lại. Năm nay có khoảng 20 chương trình THTT kịch bản nước ngoài lên sóng. Ngoài ra có tới 9 chương trình THTT "thuần Việt" mới toanh ra mắt, như: Điều ước thứ 7, Những bài hát còn xanh, Cha con hợp sức, Gương mặt kế tiếp, Cùng xây tương lai, Tuổi 20 hát, Hoa khôi áo dài, Vợ chồng mình hát, Solo cùng bolero. Cộng với 9 chương trình cũ đang phát sóng, lần đầu tiên số lượng chương trình kịch bản nội và ngoại đang phát sóng gần ngang nhau. Đây quả thực là một con số ấn tượng, vì từ năm 2013 trở về trước Việt Nam chỉ có khoảng hơn 10 kịch bản THTT trong nước tự sản xuất. Trong 2 năm trước, mỗi năm chỉ có 2 đến 3 chương trình mới xuất hiện.   


Chương trình THTT Sống khác (VTV6) hấp dẫn giới trẻ nhờ ý tưởng khác biệt

THTT đang là một xu hướng khó cưỡng lại, nhiều chương trình truyền hình đã buộc phải “thực tế hóa” để tồn tại. Đơn cử như Đồ Rê Mí đã được phát triển thành chương trình THTT để tăng sức cạnh tranh, hay Những bài hát còn xanh 18 năm trước đây chỉ là chương trình trong studio, nay đã được nhà sản xuất BHD biến thành chương trình THTT.

Về cơ bản, các kịch bản chương trình giải trí được sản xuất trong nước hiện nay vẫn bị lệ thuộc cả về kỹ thuật, lẫn ý tưởng từ các kịch bản nước ngoài. Nhiều chương trình chỉ là bản sao có chút "biến báo", sáng tạo.

Tuy nhiên, vẫn có những chương trình tìm được lối đi riêng như Điều ước thứ 7, Ngược chiều, Sống khác, Sinh ra từ làng... Thay vì chạy theo hướng giải trí, các chương trình này đã chọn làm các đề tài về xã hội, kết hợp các yếu tố thực tế, tài liệu. Những nhân vật, câu chuyện trong các chương trình này đều rất gần gũi, khán giả có thể nhìn thấy mình trong đó. Đạo diễn chương trình Điều ước thứ 7, Lại Bắc Hải Đăng cho biết tính thực tế chỉ là một cách thức để thực hiện nhằm tăng sự hấp dẫn, tương tác với khán giả, chương trình vẫn cố gắng giữ tính giải trí cao, nhưng để tạo bản sắc lại phải tìm ra những câu chuyện, những nhân vật thật sự gần gũi với khán giả Việt Nam.

Sáng tạo tới đâu?

Các nhà sản xuất Việt Nam khi tung ra sản phẩm nội địa đều quảng bá đây là chương trình có kịch bản "thuần Việt". Tuy nhiên, để khẳng định là "thuần Việt" thì không chính xác. Vì về cơ bản, các kịch bản nội địa hiện nay vẫn sử dụng “công nghệ” làm THTT ở nước ngoài, có chăng là khác biệt về nội dung. Nhưng phần lớn kịch bản nội địa hiện nay có nội dung na ná các chương trình nước ngoài.

Xem Những bài hát còn xanh, Tuổi 20 hát, Vợ chồng mình hát, Solo cùng bolero sẽ thấy kết cấu chương trình, thể thức thi không có gì khác so với các cuộc thi THTT ca hát hiện nay. Có chăng những người tạo ra các kịch bản này đã khôn ngoan chọn "phân khúc" hẹp. Đối với Những bài hát còn xanh, Tuổi 20 hát chọn đối tượng thi là người trẻ, cho họ thử sức với các ca khúc “vượt thòi gian” của nhạc Việt. Còn Solo cùng bolero thì nhắm vào cộng đồng yêu nhạc "sến" khá đông đảo ở Việt Nam. Đây là sự lựa chọn khá nhanh nhạy khi những giọng ca bolero bắt đầu gây được chú ý ở các cuộc thi lớn như Giọng hát Việt, X-Factor. Còn kịch bản Cha con hợp sức gần như sao chép ý tưởng của kịch bản nổi tiếng của Hàn Quốc Bố ơi, mình đi đâu thế?

Trong số này, kịch bản Hoa khôi áo dài Việt Nam hiện đang được chú ý nhất. Ý tưởng của chương trình này không lạ, nhưng mới vì lần đầu tiên khán giả Việt được theo dõi một chương trình THTT về nhan sắc. Tuy nhiên, kịch bản này được xem là sự chọn lọc, tổng hợp từ nhiều kịch bản ngoại khác. Xem Hoa khôi áo dài Việt Nam thấy có bóng dáng của Vietnam's Next Top Model, Big Brother... Ngoài ra, nhà sản xuất còn tận dụng tối đa các mối quan hệ trong các chương trình họ đã từng sản xuất để đưa vào nội dung. Họ mời giám khảo Master Chef Tuấn Hải đến nấu ăn, giảng về ẩm thực cho thí sinh, thậm chí mời cả nữ diễn viên đóng vai bà nội trong phim Vừa đi vừa khóc đến trò chuyện với thí sinh.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm