Trò chuyện với Đặng Thái Sơn (Kỳ 1): "Không chơi đàn tôi không biết làm gì"

14/07/2010 16:23 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Khoảng thời gian để chúng tôi gặp gỡ với NSND Đặng Thái Sơn tại Hà Nội chừng hơn một giờ đồng hồ, trước khi ông ra sân bay lên đường sang Hàn Quốc. Cuộc trò chuyện này để phục vụ cho chương trình Người Hà Nội (đang phát sóng trên VTV1) và do đó chúng tôi hỏi ông nhiều về tuổi thơ cũng như những dấu ấn trong cuộc đời mình.

* Ông có thể kể về nơi mình đã sinh ra?

- Tôi sinh năm 1958, tại Bệnh viện C, Hà Nội. Nhà tôi ở số 28 Tống Duy Tân, trước đây còn gọi là phố Kỳ Đồng. Đây là một villa của Pháp ngày xưa, sau đó thuộc về một tư nhân. Gia đình tôi thuê lại một căn gồm 2 phòng trên tầng 3. Villa gồm 6 hộ trong đó có 3 hộ người Hoa. Diện tích hai phòng chỉ khoảng 20m2, có lần khi quay lại thăm ngôi nhà này, tôi giật mình vì không thể tin được rằng sao nơi sinh sống của 5 con người lại nhỏ bé đến thế.

Hồi ấy, tôi có một sở thích là nuôi gà. Vì những năm đi sơ tán, hằng ngày tôi được trồng cây, nuôi gà và thế là tôi trở nên mê gà từ lúc nào không hay. Năm 1970, lúc 12 tuổi, từ nơi sơ tán trở về, tôi đã làm một cái chuồng gà trong nhà mình. Vì ở nhà chẳng có gì chơi nên việc tôi nuôi gà ngoài hành lang trở thành một “sự kiện” đến nỗi bố mẹ tôi cãi nhau. Bố tôi sợ cho tôi chơi ở ngoài lan can sẽ rất nguy hiểm, nhất là những ngày mưa trơn. Hơn thế nữa, mình không chỉ thích cho gà ăn mà còn muốn chơi với nó, mà nhiều khi thả nó ra, nó đi trên lan can rồi còn bay xuống dưới. Nghĩ lại, nếu lúc ấy mình mà chạy theo vồ bắt nó chắc cũng đi tong. Chuyện cho gà ăn với tôi cũng thú vị vì ở dưới nhà tôi lại là nơi bán gạo và nhiều lần tôi ôm gà xuống dưới đó, “lới lơ” với mấy bà bán gạo để gà được ăn miễn phí mà không phải lo lắng gì cho nó.

Cũng như nhiều nhà thời đó, nhà tôi nấu bếp ngoài hành lang, khu vệ sinh chia đôi với láng giềng, điện nước thiếu thốn. Nước phải xách từ dưới nhà lên để dùng.

Nhờ có những năm đi sơ tán nên 7 tuổi tôi đã biết nấu cơm khi mẹ đi làm. Nấu cơm thời đó cũng không được tiện nghi với bếp ga, bếp điện như bây giờ. Hồi ấy dùng lá tre, lá sắn với rạ. Mỗi lần nấu là dùng tay đẩy vào bếp để cháy. Rồi đến khi cơm cạn nước, còn phải biết cách ghế để cơm không bị cháy, bị khê.

* Cuộc sống của ông ở nơi sơ tán đã diễn ra như thế nào?

- Lúc sơ tán trên Hà Bắc từ 1965 - 1969, tôi sống đúng như một cậu bé nông thôn, toàn ra ngoài ruộng lao động chứ có được chơi đàn là mấy. Mà hồi đó, điều kiện cũng chỉ có một cây đàn nên mọi người phải chia nhau tập. Mỗi người chỉ được 40 phút/ngày bởi đàn thì ít học sinh thì nhiều. Thời gian còn lại là để học văn hóa.

Gia đình tôi có gen với khoa học tự nhiên hơn là xã hội (chú ruột tôi là GS toán học Đặng Đình Áng). Hồi bé tôi cũng rất thích môn toán. Cuối cấp 1 năm lớp 4 tôi đi thi toán được giải nhất xã, rồi đến nhất huyện Yên Dũng, sau đó là nhất tỉnh Hà Bắc. Lúc ấy cũng cơm đùm cơm nắm đi thi.

* Dường như những người bạn học từ thuở sơ tán của ông vẫn chơi với nhau đến tận bây giờ?

- Đúng vậy. Nhưng phải hơn 40 năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Nhận ra nhau cũng bùi ngùi. Giờ thì gặp nhau thường xuyên hơn, mỗi năm mấy lần.

Người thầy Liên Xô và bản Concerto số 2 của Rachmaninov

* Cảm giác của ông khi lần đầu tiên chạm tay lên phím dương cầm? Lúc đó cây đàn đã hấp dẫn với ông chưa? Khi nào thì ông thực sự cảm thấy yêu thích bộ môn này?

- Lúc đó cây đàn như một thứ đồ chơi có âm thanh đối với tôi. Hồi đó, trò chơi của trẻ con chỉ là đánh bi, đánh xèng. Khi tiếp xúc với đàn piano, tôi tò mò khi thấy nó phát ra âm thanh, lại còn có nốt cao, nốt thấp. Rồi sau đó tôi cũng chơi được những giai điệu đơn giản và thấy chiếc đàn dần dần cuốn hút mình. Giờ đây nghĩ lại tôi thấy mình may mắn khi chọn đúng nghề sở trưởng. Bởi nếu không chơi đàn nữa thì tôi cũng không biết làm gì.

Trong nhà, tôi là người nhỏ nhất. Gia đình ai cũng chơi đàn nên đến lượt tôi, mọi người bảo nhà mình ầm ĩ quá nên không muốn cho tôi học đàn nữa. Nhưng trẻ con thì thường thích làm ngược lại với điều bố mẹ nói. Nên khi bố mẹ không thích cho tôi học đàn thì tôi lại thích và quan tâm đến cây đàn. Cuối cùng cả nhà quyết định cho tôi học đàn. Mới đầu, tôi học cũng rất tự do chứ cũng không theo bài vở gì. Chỉ đến khi đủ tuổi vào trường thì mới bắt đầu vào khuôn phép.

Sống trong môi trường âm nhạc từ khi lọt lòng như vậy nên âm nhạc thấm vào người, vào tâm trí tôi một cách rất tự nhiên. Vì thế mà tôi yêu thích bộ môn này tự nguyện, không có một sức ép nào từ phía gia đình.


Đặng Thái Sơn học với thầy Issac Katz
* Việc ông được thầy Issac Katz phát hiện và sau đó được đào tạo chuyên nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời?

- Năm 1974, thầy Issac Katz, chuyên gia người Liên Xô sang giảng dạy cho giảng viên và sinh viên đại học của trường nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) trong vòng một năm, lúc đó tôi mới 16 tuổi, là học sinh trung cấp 2.

Khi sang đây, ông Katz đã đề nghị được nghe qua tất cả học sinh, sinh viên khoa piano chơi và ông ấy đã nhận dạy tôi là một trường hợp đặc biệt. Tôi được học với thầy trong vòng 6 tháng và 6 tháng đó đúng là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời.

Sau khi nghe tôi chơi những bài đơn giản của trẻ con, ông ấy đổi luôn chương trình học của tôi thành chương trình đại học. Lúc đó tôi thấy choáng. Tôi không hiểu sao ông lại cho mình học như vậy. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng thấy hăm hở, thích thú. Và sự nghiệp của tôi bắt đầu với bản Concerto số 2 của Rachmaninov (một sự tình cờ là tôi sẽ trình diễn lại tác phẩm này vào ngày 1/10/2010, nhân lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long).

Phải nói Concerto số 2 là một tác phẩm khó dành cho các sinh viên đại học. Tôi nhớ hồi đó trong trường còn thiếu sách học mà bố tôi thì đang phấn khởi vì việc học hành của con nên đã tìm cách xin ngay vào thư viện quốc gia để có được bản nhạc cho tôi tập. Tôi đã học thuộc bài trong vòng hai tháng, mặc dù lúc đó cũng rất bận vì còn phải học phổ thông.

Sau đấy lại có cuộc biểu diễn đặc biệt trong trường kỉ niệm về Rachmaninov. Chương trình gồm 3 bản concerto, 2 bản do các giảng viên chơi là anh Nguyễn Hữu Tuấn (cố trưởng khoa piano), Ngô Cảnh Trướng – người gốc Hoa (nay đang ở Canada) và Tôn Nữ Y Lăng (chị gái nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh). Các bản concerto đều có phần đệm của Issac Katz (phần piano 2). Có thể thấy tên tuổi của những nghệ sĩ tham gia trong chương trình này toàn là những người cự phách của thế hệ đó.

Riêng tôi chơi cả 3 chương bản Concerto số 2 và điều này trở thành một sự kiện gây sốc của trường, vì ở thời điểm đó chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Thầy Katz đã “bốc” tôi lên và chứng tỏ cho mọi người thấy tôi ở trình độ nào. Hồi ấy vui lắm, chấn động toàn trường. Mà cũng nhờ việc này mà năm 1975 tôi tốt nghiệp và được tạo một sức bẩy rất mạnh để tôi đi học ở nước ngoài.

Ai cũng biết bố tôi là nhà thơ Đặng Đình Hưng, một nhân vật “Nhân văn Giai phẩm” nên tôi cũng chẳng mơ mộng gì việc đi đâu hết. Nhưng nhờ có sức bẩy của ông Katz nên đã có một cuộc họp đặc biệt về việc này. Và kết quả tôi là trường hợp đầu tiên, “con của một Nhân văn Giai phẩm” được ra nước ngoài. Sau này, Nhà nước mở cửa, cho phép cũng như tạo rất nhiều điều kiện cho các văn nghệ sĩ đi nước ngoài. Đó là một niềm vui lớn đối với những người trong nghề.

Hồi đó, khó khăn không thể tưởng tượng được. Đi sang các nước tư bản rất khó khăn, cộng thêm việc nhiều kẻ biểu tình phản đối chống Việt Nam đã trở thành mối lo ngại lớn cho các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài biểu diễn. Riêng chuyện của tôi thì họ không có phản ứng gì. Điều đó khiến tôi cảm thấy xúc động, vì có lẽ giá trị nghệ thuật cuối cùng đã vượt qua được mọi trở ngại.

(Còn nữa)

Lưu Ngọc Minh - Trần Thế Vinh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm