Tranh luận sôi nổi quanh chuyện dạy con về lòng yêu nước trong 'Giai điệu tự hào'

31/05/2014 21:13 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 5 phát sóng tối nay 31/5 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, người xem không chỉ được nghe lại những bài hát hào hùng về một thời gian khó của thế hệ măng non mà còn nhớ lại những kỷ niệm về chương trình Những bông hoa nhỏ một thời với sự dẫn dắt của chị Ngọc Bích, phát thanh viên đầu tiên.

Đây một chương trình đặc biệt dành cho thiếu nhi nhân dịp 1/6, mang chủ đề Bé bé bằng bông, gồm 7 ca khúc: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Lỳ và Sáo, Bé bé bằng bông, Chi đội em làm kế hoạch nhỏ, Đi học, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Mùa hoa phượng nở với sự thể hiện của Hợp xướng Sol Art, ca sĩ nhí Vũ Song Vũ - Tiến Quang, bé Kim Anh, Hải Bột, ca sĩ Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh, Nhóm 5 dòng kẻ và Thiếu nhi Nhà văn hóa Ba Đình. Tuy nhiên, chương trình còn mang tới những cuộc tranh luận sôi nổi quanh việc nuôi dạy trẻ từ những điều nhỏ bé như: Dạy 5 điều Bác Hồ dạy, làm kế hoạch nhỏ, và đặc biệt là dạy trẻ về lòng yêu nước, về ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước, về những mất mát, đổ máu của chiến tranh, dạy trẻ em về sự hận thù...

Đỉnh điểm tranh luận được thể hiện ngay sau ca khúc Lỳ và Sáo (do nhạc sỹ Văn Chung sáng tác năm 1947) qua băng ghi hình ngày xưa của NSƯT Trần Thụ, rồi đến sự thể hiện của 2 ca sĩ nhí Vũ Song Vũ - Tiến Quang:

Clip ca khúc Lỳ và Sáo:

1. Nghe xong ca khúc này, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, một thành viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, người từng được nhà văn Xuân Sách đưa vào trang sách, kể rằng: Thực dân Pháp chiếm đóng Đình Bảng quê hương ông từ năm 1949 đến 1954. Ngày ấy ở trong vùng bị tạm chiến, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng được thành lập. Chính trong những ngày ấy, khi được nghe anh du kích hát cho nghe bài Lỳ và Sáo, thế hệ ông luôn tự hào vì thiếu niên cũng có thể đánh kẻ thù xâm lược để giải phóng quê hương. Còn hôm nay Lỳ và Sáo đến với thiếu nhi Việt Nam là tinh thần ham học, có lòng nhân để đất nước mình, người người thương quý nhau... Bây giờ là thời kỳ hòa bình chúng tôi cũng muốn Lỳ và Sáo đến với thiếu nhi Việt Nam là tinh thần ham học, có lòng nhân ái, để đất nước mình người người thương quý nhau.

Theo ông Thìn, nếu ai đó quên lịch sử dân tộc mình thì sẽ đánh mất chính mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng phải nhắc liên tục đến truyền thống, mà nó thấm trong tình cảm, để thành tình yêu và trách nhiệm đối với những người đã hi sinh cho Tổ quốc, để chúng ta có cuộc sống hôm nay.

Bạn trẻ Đinh Tuấn Vũ kể lại câu chuyện ngày bé, trước mỗi giấc ngủ, thường được bố hát cho nghe ca khúc này như kể một câu chuyện, mỗi hôm một đoạn khiến anh rất hồi hộp, luôn chờ mong đến hôm tiếp theo và dần dần, yêu thích câu chuyện của Lỳ và Sáo, đồng thời tự hào về lòng dũng cảm của thiếu niên Việt Nam một thời. “Tuy nhiên, ngày nay, quá nhiều phương tiện thông tin hiện đại, quá nhiều dòng nhạc nước ngoài lấn át, làm cho chúng ta quên mất là chúng ta đã từng yêu những ca khúc đẹp như thế!”.

Nhiếp ảnh gia Na Sơn kể tiếp rằng: Năm nào thầy Hiệu phó cũng hát bài này cho cả trường nghe khiến anh cảm thấy “nhàm”. Theo Na Sơn, câu chuyện này đúng và hay ở giai đoạn lịch sử của nó, còn hôm nay “phải biểu diễn và đặt trong một số chương trình đặc biệt chứ không phổ biến rộng vì lớp trẻ, nhất là các em thiếu niên nhi đồng, mà nghe những câu chuyện về bạo lực, về giết người như thế này thì không hay!”

Đồng quan điểm với Na Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cũng cho rằng: “Bài hát này được xây dựng gần như vở nhạc kịch thu gọn, kể một câu chuyện về hai nhân vật, khắc họa tính cách rất khác nhau. Từ thời nhỏ chúng tôi luôn luôn tranh cãi xem ai giống Lỳ và ai giống Sáo. Lớn lên, tôi thấy là hình như trong mỗi con người chúng ta đều có cả Lỳ cả Sáo trong đó. Nhưng trong thế giới hòa bình, bài hát dù chính nghĩa đến mấy nhưng để con trẻ sống trong một một tâm thế bạo lực thì không phải lắm”.

2. Tuy nhiên, diễn Xuân Bắc không đồng tình với các ý kiến này. Xuân Bắc cho rằng mình “đang dạy con tôi theo quan điểm của tôi và gia đình đồng ý: Tức là khi cần chiến đấu, bảo vệ một điều gì đó mà mình cho là đúng, là lẽ phái thì phải “oánh” cho quân địch không kịp trở tay, thay quần áo”.


Diễn viên Xuân Bắc và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến sau tranh luận về ca khúc Lỳ và Sáo

Theo Xuân Bắc, “chúng ta không thể nhầm giữa khái niệm tương thân tương ái, giúp đỡ người yêu người với việc đấu tranh. Hơn bao giờ hết chúng ta cần phải dạy cho trẻ em được hiểu chúng ta cần phải đổ máu cho những điều được cho là thiêng liêng và cao cả”

Diễn viên Xuân Bắc cũng khẳng định thêm: “Lỳ và Sáo không phải là bài hát cho thiếu nhi mà viết về thiếu nhi. Vì thực chất là quá khó hát và bố hát cho con, là thầy hát cho trò và 90% người Việt Nam hát “phô”. Bài bài này là ca ngợi thiếu nhi, lòng quả cảm, dũng cảm, cần nêu cao tinh thần này, ca ngợi ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước”.

Nhà văn Trần Thị Trường cũng đồng tình với ý kiến của Xuân Bắc. Theo bà, “chúng ta cần chiến đấu bảo vệ lẽ phải. Nhưng nghĩ sâu xa hơn, tôi thấy đau khổ cho đất nước chúng ta và cho cả thế giới. Nếu trẻ em phải tham gia chiến tranh, phải quên đi cái hồn nhiên, quên đi câu hát, trò chơi... thì đôi khi giảng hòa, lùi một bước có lẽ an toàn hơn...”. Nhà văn nhấn mạnh: “Cũng có cách khác để chiến thăng chứ không phải cứ phải xông tới. Phát động cho trẻ em phải cầm súng, phải trả thù là vết nhơ của nhân loại chứ không phải chuyện đơn giản”.

Còn nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích lý giải: “Thực ra, ta chẳng bắt con trẻ cầm súng làm gì mà do kẻ thù ấn súng vào tay tay và khi cần thì những hi sinh như vậy trong việc dạy con trẻ trong ý kiến của Xuân Bắc tôi rất thích thú, tôi cho rằng chúng ta phải làm như vậy. Còn bàn quá rộng về những vấn đề lịch sử và bài ca ấy đến hôm nay còn đáng "sống" hay không là chuyện dài...”.

Ngoài Lỳ và Sáo, các ca khúc khác như Bé bé bằng bông (sáng tác Phạm Đức Lộc, bé Kim Anh biểu diễn) được đánh giá là ca khúc thể hiện niềm tin, niềm lạc quan vô bờ bến giữa những nguy hiểm trong chiến tranh của hai mẹ con khi chia tay nhau đi sơ tán, và niềm tin vào vào chiến thắng của dân tộc mình.

Hay bài Em đưa cơm cho mẹ đi cày (sáng tác Hàn Ngọc Bích, do ca sĩ Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh thể hiện) kể về những kỷ niệm của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích khi là giáo viên ở Thường Tín (Hà Nội) về một cô bé con, “đi đưa cơm cho mẹ vui đi cày” ở cánh đồng bên trong con đường cái rộng lớn, để “mai đây chiến thắng bố về”, nhưng chẳng biết bố "có về được không?, để nghe mẹ kể chuyện con, "rằng con bé lon ton, khi con đi đưa cơm cho mẹ vui đi cày"!

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm