Sao Hong Kong bị hỏi khó

24/03/2013 07:01 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần lễ phim Hong Kong (Trung Quốc) lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM đã khai mạc tối 22/3 tại cụm rạp BHD Bitexco. Đây là một hoạt động điện ảnh rất được chờ đón bởi trước đây, khi phim Hàn Quốc chưa có cuộc xâm lấn sâu rộng thì phim Hong Kong, gồm cả điện ảnh và truyền hình, có vị trí khá lớn ở Việt Nam.

Đơn vị tổ chức hoạt động này là Phòng Thương mại và Kinh tế Hong Kong, với sự cộng tác của cụm rạp BHD (cung cấp 2 phòng chiếu) và công ty Le Bros (chịu trách nhiệm truyền thông). Sự kiện được tổ chức như một bước thăm dò để các Tuần lễ phim Hong Kong tiếp tục được diễn ra trong tương lai bởi nó nằm trong chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá giữa Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam.

* Khán giả quan tâm vượt dự kiến

Chính vì thế, đơn vị tổ chức đã tỏ ra rất thận trọng với những sản phẩm được mang đến Việt Nam. Không chỉ tuyển chọn những bộ phim thành công về cả thương mại lẫn nghệ thuật tại thị trường Hong Kong và Trung Quốc đại lục, họ còn mang đến đây một bộ phim vừa “ra lò” còn chưa được ra mắt tại Hong Kong về ông tổ của môn phái võ Vịnh Xuân, một nhân vật khá quen thuộc với người Việt Nam: Diệp Vấn – Trận chiến cuối cùng (tên tiếng Anh là Ip Man: The Final Fight). Đồng thời, đạo diễn và diễn viên chính của phim cũng được mời đến tham dự sự kiện này.



Đạo diễn Khâu Lễ Đào (tóc dài) và diễn viên Hoàng Thu Sinh (đeo kính đen) cùng ban tổ chức trong lễ khai mạc Tuần phim Hong Kong tại Việt Nam (Ảnh: Anh Đức)

Sau lễ ra mắt, ngày chiếu phim hôm sau, 23/3, ngay trong buổi sáng đại diện đơn vị truyền thông cho sự kiện đã phải kêu gọi báo chí không tiếp tục đưa thông tin “phát vé miễn phí” nữa vì lượng khán giả đã vượt quá số lượng vé phát ra cho các buổi chiếu phim. Người đại diện này cho biết các khán giả có giao lưu với sự kiện trên mạng xã hội đã không thể có được những tấm vé như thể lệ đã thông báo với họ. Và thay vì vé được phát trước các suất chiếu 2 tiếng đồng hồ, ban tổ chức quyết định chỉ phát vé một lần duy nhất từ 13h30 ngày 23/3 cho tất cả các suất chiếu. Người đại diện của đơn vị truyền thông cho biết thêm rằng ban tổ chức không thể lường được số lượng khán giả quan tâm đến sự kiện này lại nhiều đến như vậy và 2 phòng chiếu với số lượng khoảng hơn 200 chỗ ngồi không thể đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

Nối lại đoạn đứt cho điện ảnh Hong Kong

Trước buổi lễ ra mắt, đạo diễn Khâu Lễ Đào (Herman Yau) và diễn viên Hoàng Thu Sinh (Anthony Wong) đã được ban tổ chức sắp xếp để gặp gỡ, giao lưu với sinh viên TP.HCM và trả lời phỏng vấn của báo giới.

Những câu hỏi của sinh viên và một số nhà báo đặt ra với 2 nhân vật này cho thấy điện ảnh Hong Kong vừa trải qua một thời kỳ đứt đoạn khá dài ở thị trường Việt Nam. Đa số các bạn sinh viên (sinh trong khoảng cuối những năm 1990) không hề biết đến 2 nhân vật này. Các nhà báo, nếu không hỏi những câu xã giao nhưng rất khó trả lời như “ông cảm thấy Việt Nam thế nào?”, “ông biết gì về điện ảnh Việt Nam?”, thậm chí “hóc búa” như “ông hy vọng điều gì khi đến Việt Nam?”… thì là đưa ra những thông tin rất cũ về họ.

Khi nhận được câu hỏi: “Ông có áp lực gì khi vào vai chính diện trong khi ông toàn đóng vai phản diện, cụ thể là vai diễn đã đưa ông đến với giải thưởng điện ảnh vào năm 1993 trong bộ phim Bánh bao nhân thịt người?”, diễn viên Hoàng Thu Sinh đã thẳng thắn: “Nhà báo hỏi thế chắc là do xem rất ít phim tôi đóng. Đối với tôi, Bánh bao nhân thịt người đã như là kiếp trước rồi. Tôi đóng rất nhiều phim với nhiều loại vai chứ không phải chỉ vai phản diện.”

Chọn bộ phim Diệp Vấn – Trận chiến cuối cùng để chiếu trong sự kiện này, chứng tỏ ban tổ chức đã rất chú trọng đến sự hợp tác lâu dài với Việt Nam về mặt văn hoá. Tuy nhiên, Diệp Vấn – Trận chiến cuối cùng đã vô hình trung rơi vào thế bị so sánh với The Grand Master (đạo diễn Vương Gia Vệ, diễn viên chính: Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di), một bộ phim cũng nói về Diệp Vấn và môn phái Vịnh Xuân quyền cũng vừa mới được chiếu, còn nóng hổi tại Việt Nam. Và không may, trong thế bị so sánh, Diệp Vấn – Trận chiến cuối cùng hoàn toàn lép vế dù điều đó là đương nhiên, khi The Grand Master có quy mô khác và hướng đến thị trường rộng lớn hơn.  Nhưng cũng chính vì thế mà một phần, dù rất nhỏ, của điện ảnh Hong Kong đương đại cũng được “phơi bày” với khán giả Việt qua tác phẩm này. Không xét đến nội dung câu chuyện, những gì hiện ra trên màn ảnh, từ bối cảnh, hoá trang, đạo cụ, diễn xuất của diễn viên… cho thấy một sự chững lại so với tốc độ phát triển như vũ bão của các nền điện ảnh tiên tiến.

Tuần lễ Phim Hong Kong đã thêm vào danh mục các tuần lễ phim nước ngoài cho khán giả Việt, bên cạnh các tuần phim khác đã có lệ như Tuần phim Pháp, Tuần phim châu Âu…

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm