'Sao' Hàn cạo trọc đầu, khóc thảm thiết vì... qua đêm với bạn trai

29/01/2016 06:30 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều ngôi sao pop châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn được coi là “thần tượng” và công việc của họ là “gieo ước mơ” cho fan. Song đằng sau ánh hào quang ấy, nền nhạc pop sinh lãi lớn của châu Á nằm trong “quả đấm thép” của các công ty quản lý tài năng.

Cả J-pop và K-pop đều là những nền công nghiệp sinh lãi nhiều triệu USD. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi sao trong nền công nghiệp này đều chỉ được trả thù lao theo kiểu “làm công ăn lương”, chứ không được hưởng lợi nhuận theo đúng công sức họ bỏ ra.

Không được yêu & kết hôn nếu không được phép

Đáng nói là các nghệ sĩ đều phải thực hiện đúng các quy định nghiêm ngặt mà các công ty quản lý đặt ra cho các “thần tượng”. Chẳng hạn, họ không được hẹn hò hay kết hôn nếu như chưa được phép.

Khi ký hợp đồng làm việc, các nghệ sĩ đều phải chấp nhận mọi điều khoản trong hợp đồng. Nếu như nghệ sĩ nào phá lệ, họ sẽ bị kiện với cáo buộc làm tổn hại danh tiếng của mình.

Cách đây 2 năm, Minami Minegishi, thành viên nhóm nhạc nữ AKB48 đã cạo trọc đầu và khóc thảm thiết trong lúc xin lỗi công chúng, vì đã vi phạm các quy định của công ty khi qua đêm với bạn trai.


Ban nhạc nữ K-pop Girls Generation

Thực ra, các nhóm nhạc được tạo nên một cách máy móc như vậy chẳng có gì mới lạ ở châu Á, song Rob Schwartz, Trưởng đại diện văn phòng của tạp chí Billboard ở châu Á (đặt văn phòng ở Nhật Bản), cho biết ở phương Tây không hề có chuyện các công ty quản lý kiểm soát cuộc sống cá nhân của các nghệ sĩ.

“Thậm chí trong những năm 1940, thời các hãng phim Mỹ nắm quyền kiểm soát lớn các ngôi sao của mình, họ cũng không khuyến khích các ngôi sao yêu đương hay kết hôn, song không ép buộc” -  Schwartz cho biết.

Còn theo Mark Russell, chuyên gia về nền âm nhạc K-pop, nói: “Ở Hàn Quốc, các ngôi sao có thể hẹn hò và kết hôn thoải mái hơn so với Nhật Bản, song các công ty quản lý vẫn “nhúng tay” vào cuộc sống thường nhật của các nghệ sĩ, sau khi xảy ra nhiều vụ bê bối “khét tiếng” trong những năm 1990. Nếu bạn tới thăm một công ty quản lý, bất cứ nghệ sĩ trẻ nào cũng cúi đầu chào bạn rất lịch thiệp, trong khi trên tường của công ty dán những quy định nhắc nhở họ nên có cách xử sự như thế nào”.

Không dám trái lệnh “ông chủ”

Cách đây 1 tuần, 5 thành viên của ban nhạc nổi tiếng Nhật Bản SMAP đã cúi gập người xin lỗi công chúng qua truyền hình sau khi quyết định không giải tán ban nhạc. Trước đó, ban nhạc này đã khiến người hâm mộ sốc khi thông báo giải thể.


Các thành viên ban nhạc SMAP cúi đầu xin lỗi công chúng qua truyền hình

Tuy nhiên, lời xin lỗi của ban nhạc không chỉ hướng tới công chúng, mà còn thể hiện sự ăn năn với Johnny Kitagawa, người sáng lập Johnny & Associates, công ty quản lý ban nhạc. Nguyên do là, trước đó, khi nhà quản lý ban nhạc là Michi Iijima (58 tuổi), quyết định rời khỏi công ty Johnny's để lập công ty riêng, đã lôi kéo 4 thành viên đi theo mình, dẫn tới nguy cơ giải thể ban nhạc. Tuy nhiên, thành viên trụ cột Takuya Kimura đã thuyết phục được 4 thành viên đó ở lại và tiếp tục sát cánh bên nhau).

Ông Kitagawa, người sáng lập Johnny & Associates, là một trong những nhân vật quyền lực và gây tranh cãi nhất trong nền giải trí Nhật Bản. Ông đã 3 lần được ghi tên vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới, trong đó có danh hiệu người sản xuất nhiều đĩa đơn nhất. Ông là người đứng sau 232 đĩa đơn chiếm quán quân bảng xếp hạng từ năm 1974 đến năm 2010.

Qua sự việc này, nhiều người nhận thấy các thành viên của SMAP cũng chẳng khác gì những viên chức “cổ cồn”, không dám trái lệnh các ông chủ của mình.

Song thật đáng ngạc nhiên là báo giới xứ Phù Tang đã tránh xa việc tranh cãi về chuyện này mà chỉ đưa ra tin ban nhạc vẫn sát cánh bên nhau nhằm làm khuây khỏa người hâm mộ.

Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, các hãng truyền thông ở Nhật Bản “ngại” chỉ trích công ty Johnny & Associates quyền thế khi công ty này đại diện cho rất nhiều tài năng nổi tiếng khác.

Việt Lâm (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm