Phim Việt và nghịch lý của những con số

17/09/2011 08:05 GMT+7 | Phim

Khán giả đừng vội “choáng” khi nghe các nhà sản xuất phim Việt công bố doanh thu, 10 tỷ đồng, 20 tỷ đồng, thậm chí 40 tỷ đồng… Những con số lên đến hàng chục tỷ ấy không hề “đáng sợ” như vẻ bề ngoài của nó.

Vẻ bề ngoài “đáng sợ” của những con số doanh thu

Nghe những con số doanh thu của phim Việt ra rạp những năm gần đây, ai cũng nghĩ, phim Việt đang được mùa. Gần nhất, bộ phim Long “ruồi” ra rạp, tính đến thời điểm này, con số doanh thu nhà sản xuất tiết lộ với phóng viên Dân trí là 37 tỉ đồng. Con số ấy sẽ còn tăng lên, có thể sẽ là 40 tỷ đồng, 50 tỷ đồng. Những con số có thể khiến khán giả sốc.

Bất kỳ bộ phim giải trí nào ra rạp gần đây, nhà sản xuất cũng “tung” ra trước báo giới những con số chóng mặt như thế. Bộ phim nào cũng có doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đơn cử như công ty BHD, sau khi “tung” ra doanh thu hơn chục tỷ của bộ phim Đẹp từng centimet, họ bắt tay vào sản xuất dự án Cánh đồng bất tận. Bà Bích Hạnh- Giám đốc công ty BHD chia sẻ “Khi bắt tay vào sản xuất Cánh đồng bất tận, chúng tôi xác định đó là một dự án phim nghệ thuật, chúng tôi không tính đến lời lãi khi làm bộ phim này”. Tuy nhiên, doanh thu có được của Cánh đồng bất tận là gần 20 tỷ. Nhưng, “khủng khiếp” nhất là doanh thu phim chiếu Tết, một bộ phim được xếp vào dạng “nhợt nhạt” điển hình như Công chúa Teen và ngũ hổ tướng cũng mang về cho hãng phim Phước Sang gần 40 tỷ đồng.

Chẳng lẽ, thị trường phim Việt Nam lại dễ “làm ăn” đến thế?

Chẳng lẽ, phim giải trí Việt Nam lại dễ bán vé đến thế?
 


Long "ruồi" gây sốc khi thu được 9,5 tỷ sau 3 ngày công chiếu đầu tiên.

Trước những câu hỏi đặt ra, nhà sản xuất Phước Sang chia sẻ: “Những con số 30 tỷ đồng, 40 tỷ đồng sẽ “khủng khiếp” với những ai không biết những chuyện phía sau nó, còn sẽ rất… buồn với những ai hiểu chuyện”. Theo nhà sản xuất Phước Sang, khi Công chúa teen và ngữ hổ tướng thu được gần 40 tỷ, họ đã phải chia 50% doanh thu cho các rạp chiếu phim, nghĩa là, hãng phim Phước Sang được cầm trong tay chỉ gần 20 tỷ. Với 20 tỷ, Phước Sang còn phải trừ đi chi phí sản xuất, chi phí cho những chiến dịch PR, quảng cáo… Số tiền còn lại sau mỗi phép trừ mới được tính là lãi. Số lãi ấy không còn nhiều. Như cách nói của Phước Sang “Dù sao, tôi cũng thấy may mắn vì phim đã có lãi. Kinh doanh trên thị trường phim Việt Nam không hề đơn giản, bởi nắm bắt được thị hiếu khán giả là một điều khó. Vốn bỏ ra sản xuất lại nhiều. Khả năng thu hồi vốn là không thể tính trước”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, “Một bộ phim đưa ra con số doanh thu là 20 tỷ đồng nghĩa là đã lỗ. Sau khi chia cho nhà phát hành 1 nửa, phim chỉ còn lại 10 tỷ đồng. Theo tôi được biết, kinh phí trung bình cho một bộ phim bây giờ cũng phải lên tới 6-7 tỷ đồng, một phim đầu tư kỹ lưỡng trung bình lên tới 10- 12 tỷ đồng. Nếu chỉ thu được 10 tỷ đồng sau khi "chia chác" với nhà phát hành, rất có thể nhà sản xuất đã bị lỗ vốn”.

Trở lại bộ phim Long “ruồi” của hãng phim Thiên Ngân, bộ phim được đánh giá là “cú sốc” về doanh thu với một phim Việt Nam hiện tại. Nếu làm phép tính, 37 tỷ đồng thu được, Thiên Ngân chỉ cầm về 18 tỷ, sau khi trừ đi những chi phía sản xuất, chi phí cho những chiến dịch PR, quảng cáo, số còn lại rõ ràng không còn “đáng sợ” như con số mà khán giả đã được nghe ban đầu.
 
Doanh thu gần 20 tỷ những thực lãi của Cánh đồng bất tận là "rất ít".

Bà Bích Hạnh - Giám đốc hãng phim BHD khi được hỏi về con số lãi thực của bộ phim Cánh đồng bất tận, bà chỉ trả lời “Rất ít! Tuy nhiên, chúng tôi thấy vui khi một bộ phim thuộc dòng phim nghệ thuật như Cánh đồng bất tận vẫn thu được lãi, lãi bao nhiêu cũng không thành vấn đề”.

Nghịch lý của những con số

Điều còn lại phía sau những con số bạc tỷ sẽ là chất lượng phim. Cánh đồng bất tận với doanh thu gần 20 tỷ đồng nhưng lãi “rất ít” đã khiến BHD quay sang đầu tư cho Giữa hai thế giới, một bộ phim giải trí phát hành vào giữa năm 2011. Phim giải trí vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất. Phim giải trí đảm bảo an toàn cho quá trình thu hồi vốn và phát sinh lãi. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang khẳng định “Sản xuất và phát hành phim nghệ thuật ở Việt Nam là cả một sự mạo hiểm”.

Bởi thế, dù báo chí ca thán về phim giải trí, dù giới chuyên môn “phát sợ” mỗi khi ra rạp, dù giới làm nghề chia sẻ thẳng thừng rằng, “Đấy đâu phải là những bộ phim? Đấy là một mớ tạp kỹ lằng nhằng, nhảm nhí”, phim giải trí vẫn ra rạp và trở thành gương mặt đại diện cho điện ảnh Việt Nam hiện thời.
 

Một bộ phim như Công chúa teen cũng có thể mang về
cho hãng phim Phước Sang 37 tỷ doanh thu.

Mặc cho báo chí “kêu trời” về chất lượng, Long “ruồi” vẫn có được 37 tỷ đồng doanh thu với 20 suất chiếu mỗi ngày trên tất cả các rạp trên toàn quốc. Nhà sản xuất lý giải cho “nghịch lý” này rằng: “Tôi không nghĩ phim bán được vé là vì thị hiếu khán giả tầm thường, tôi chỉ nghĩ đơn giản, khán giả họ đến rạp không phải để nhìn bộ phim dưới góc độ chuyên môn. Khán giả không đến rạp để phân tích, mổ xẻ tính nghệ thuật của điện ảnh. Họ đến rạp đơn thuần chỉ để giải trí. Và Long “ruồi” đáp ứng được tính giải trí ấy cho khán giả”.

Đã có đạo diễn chia sẻ rằng, “Nếu các nhà sản xuất chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, chỉ chăm chăm sản xuất phim giải trí, họ có thể sẽ làm… “hỏng” khán giả”.

Bàn về chất lượng của dòng phim giải trí, nhà sản xuất Phước Sang kết lại “Chúng tôi tự thân bỏ tiền ra sản xuất phim, chúng tôi cũng như bao người làm kinh doanh khác, phải tính đến chi phí sản xuất và lợi nhuận thu được. Tôi xin hỏi, nếu nhà sản xuất phá sản, ai sẽ thương các nhà sản xuất? Điều quan trọng, mỗi nhà sản xuất phải biết tự cân bằng, sẽ có bộ phim này, bộ phim kia. Chúng tôi làm Công chúa teen, và chúng tôi cũng có Áo lụa Hà Đông. Nhưng để làm một phim như Áo lụa Hà Đông, chúng tôi cần thêm nhiều năm nữa…!”.

Theo Dân Trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm