Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Dù ở đâu tôi cũng ăn cơm Việt

17/09/2012 14:15 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Trở lại Việt Nam từ 2009, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã hoạt động rất tích cực với các dàn nhạc trong nước từ Nam ra Bắc như Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP.HCM, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội. Mỗi chương trình mà Lê Phi Phi tham gia đã làm tăng thêm những cảm xúc của anh về đất nước, văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam.

Chỉ huy phần lớn những tác phẩm cổ điển trong các chương trình hòa nhạc nhưng những âm hưởng của Kinh Bắc - quan họ lại chính là thứ âm nhạc làm cho “người Hà Nội” Lê Phi Phi rung động nhiều nhất khi nghe.

Chọn “món ăn” cổ điển hợp khẩu vị cho khán giả

* Mấy năm nay, anh thấy cuộc sống của mình đã, đang và chưa làm được những gì khi vẫn đi đi về về như con thoi?

- Đi về như con thoi à? (cười) Tôi thích câu ví von này đấy! Những điều mà mình mong muốn mà tôi đã làm được nó đang tăng dần theo từng năm. Đó là cộng tác làm việc chặt chẽ với các dàn nhạc trong nước cùng các nghệ sỹ của Việt Nam như: Bùi Công Duy, Bích Trà, Trọng Tấn, Thăng Long... và các Diva nhạc nhẹ như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương...

Còn việc duy nhất tôi muốn mà chưa thực hiện được là chưa đóng góp được vào sự nghiệp giảng dạy, đào tạo cho đất nước những chỉ huy trẻ... Nhưng điều đó lại không phụ thuộc vào cá nhân tôi, mà còn do các đơn vị đào tạo âm nhạc trong nước, có thấy cần tôi hay không... Có lẽ phải chờ mình lên lão theo câu ngạn ngữ "thầy già, con hát trẻ" chăng? (cười)


Chỉ huy Lê Phi Phi - Ảnh: Trần Việt Đức

* Gần đây, khi được hỏi về trình độ thưởng thức của khán giả Việt Nam hiện nay, tôi thấy các nghệ sĩ (trong đó có anh) thường khen rằng, khán giả đã đến với nhạc cổ điển đông hơn, trình độ nghe cũng tiến bộ hơn. Anh dựa vào những dấu hiệu nào để trả lời như vậy?

- Bằng chứng là những đêm diễn của tôi tại Hà Nội cũng như TP.HCM đã bán được vé, khán giả đông và không khí khán phòng trong thời gian biểu diễn luôn luôn là sự giao cảm, đồng cảm giữa khán giả, dàn nhạc và nhạc trưởng. Điều này chứng tỏ trình độ thưởng thức của phần lớn khán giả đã tiến bộ rất nhiều, quan trọng nhất để nhận ra là họ đã hiểu, và cảm thấy thích thú, cảm động khi các tác phẩm âm nhạc được vang lên.

* Là một chỉ huy, liệu có phải mối quan tâm duy nhất của anh chỉ là tổng phổ và các cộng sự? Có khi nào anh quan tâm đến giá vé của mỗi đêm diễn để biết việc bán vé cổ điển cho đến nay vẫn là một bài toán khó?

- Tất nhiên tôi có quan tâm đến giá vé. Tôi quan niệm, người lãnh đạo của dàn nhạc, người tổ chức các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển phải rất chuyên nghiệp, rất kinh nghiệm trong vấn đề quyết định giá vé của một đêm diễn, phù thuộc vào chương trình, người độc tấu...

Không phải cứ dàn nhạc ngoại, nghệ sỹ ngoại thì giá cao mà không quan tâm tới tính chất của chương trình có phù hợp với trình độ của khán giả hay không. Hay ngược lại, không phải cứ dàn nhạc trong nước thì giá rẻ hơn...

Gần đây, tôi được biết có những đêm biểu diễn của dàn nhạc ngoại quốc ở Hà Nội có giá vé rất cao, người làm chương trình cũng cố gắng chọn các tác phẩm có tính chất "dễ nghe" để phục vụ đại chúng, nhưng nếu nghe nhũng ý kiến của giới yêu âm nhạc cổ điển ở Việt Nam thì họ vẫn mong đợi được nghe một cái gì đó nghiêm túc hơn, khó hơn mà dàn nhạc ở Việt Nam có thể chưa làm được... Vé bán ra cũng không như sự mong đợi của các nhà tổ chức chương trình, thật là tiếc.

Có lẽ tiếp thị, quảng cáo cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nhưng điều quan trọng hơn là phải làm ra “món ăn” hợp khẩu vị cho khán giả... thì vé có đắt một chút họ vẫn chấp nhận. Đời sống đang đi lên theo chiều hướng tốt, số người nghe và hiểu âm nhạc cổ điển ngày một tăng, chúng ta, những người làm âm nhạc và tổ chức biểu diễn, hãy tự chào hàng mình qua những tác phẩm dàn dựng thật chuyên nghiệp. Có cung, có cầu... đấy là qui luật chung.

* Anh đánh giá thế nào về những nghệ sĩ phải lo toan “cơm áo gạo tiền” đằng sau cánh gà sân khấu?

- Tôi thấy người làm nghệ thuật cổ điển ở Việt Nam rất đáng kính phục, bởi mặc dù phải lo toan cuộc sống trăm bề, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người vẫn luôn có một tình yêu, cảm xúc lớn lao cho công việc mình đang làm. Khi đó, người nhạc trưởng phải là người biết đánh thức những cảm xúc tưởng chừng đã bị chai sạn, xói mòn, hoặc mất đi bởi cuộc sống thường nhật của những nhạc công. Và sau mỗi chương trình, tôi vô cùng cảm động vì thấy mình đã hòa nhập, đánh thức được tình cảm, rung động... trong họ.

Học cái tôi trong âm nhạc từ bố

* Ngoài công việc chính là chỉ huy, anh có sáng tác không?

- Hiện tại, tôi chỉ tham gia giảng dạy về chỉ huy dàn nhạc, về biểu diễn dàn nhạc ở Trung tâm Âm nhạc và Múa quốc gia Macedonia. Sáng tác là công việc phải ngồi một chỗ, mà tôi thì luôn luôn đi diễn ở một nơi nào đó nhưng có lẽ đến một ngày nào đó, khi công việc chỉ huy giảm cường độ, tôi sẽ sáng tác chăng?!

* Là con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân, anh chịu ảnh hưởng của bố như thế nào trong cuộc sống đời thường cũng như trong sự nghiệp?

- Bố là nhạc sỹ còn tôi là nhạc trưởng, hai nghề hoàn toàn khác nhau về tính chất công việc. Nhưng tôi được thừa hưởng tinh thần lãng mạn trong âm nhạc của ông, sự nghiêm túc nhưng đầy sáng tạo khi làm việc... Tôi học được từ bố mình một điều rất rõ, đó là làm thế nào để khẳng định được "cái tôi" trong đời sống âm nhạc, cái mà tất cả các nghệ sỹ trẻ theo tôi cần phải biết một cách đúng đắn, chuyên nghiệp nhất.

* Năm 2009, từng trả lời trên TT&VH rằng vài năm nữa, anh sẽ tính tới kế hoạch định cư và Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên anh nghĩ đến. Kế hoạch đó cho đến nay anh đã quyết xong chưa?

- Đã 3 năm trôi qua rồi cơ à? (cười). Hãy đi về nhiều hơn, để tiến tới định cư hoàn toàn trong tương lai gần - đó là tiêu chí của tôi trong 5 năm tới.

Thực ra, tôi mà quyết được một mình (cười) thì tôi đã về định cư từ lâu rồi. Ở Việt Nam tôi có bố mẹ, họ hàng, bạn bè, khán giả... những người luôn theo dõi, ủng hộ mình; đó cũng là một tình yêu và trách nhiệm lớn lao mà tôi thấy mình phải đáp lại những tình cảm đó. Nhưng còn gia đình nhỏ bé của tôi ở Macedonia, còn Trung tâm Âm nhạc và Múa quốc gia Macedonia, nơi đã trân trọng trình độ chuyên môn của tôi, nơi đã mời tôi cộng tác từ những ngày đầu mới ra trường cho đến ngày hôm nay, nơi mà cậu con trai duy nhất 16 tuổi đang học trung học năm thứ nhất, nơi mà người bạn đời - người đồng nghiệp vẫn luôn luôn theo dõi, ủng hộ và giúp đỡ tôi trong cuộc sống cũng như các công việc anh đang làm...

Mọi thứ không thể nào dễ dàng dứt áo ra đi. Nhưng nhất định, một ngày, tôi sẽ trở về!

* Vậy làm thế nào để mình sống ở đâu thì cũng vẫn là người Việt Nam?

- Ăn cơm Việt, ăn cơm Việt và ăn cơm Việt! (cười)

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lam Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm