Nhà biên kịch Marine Bachelot Nguyen: 'Tôi ngạc nhiên trước phong trào chống kỳ thị giới tính tại Việt Nam'

08/03/2018 07:36 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà biên kịch Marine Bachelot Nguyen (người Pháp gốc Việt) đã làm “bầu” cho đoàn hát Lumiere D’aout từ năm 2004, lúc vừa tròn 26 tuổi. Năm 2016, vở kịch Bóng và ô môi do Marine dàn dựng đã được công chúng Pháp hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vở diễn này mô tả về cuộc sống của những người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) tại Việt Nam.

Bộ phim quay toàn bộ vở Bóng và ô môi vừa được trình chiếu tại TP.HCM vào tối 6/3/2018. Từ cảm hứng của vở kịch và cũng nhân dịp 8/3, báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Marine Bachelot Nguyen về vấn đề giới và bình đẳng giới.

Giữ họ Nguyễn để giữ gốc rễ

* Nhìn thấy trong tên của chị có chữ Nguyễn - một họ rất phổ biến tại Việt Nam, phải chăng đây là họ cha của chị?

- Ồ không, cha tôi là người Pháp, còn mẹ mới là người Việt Nam, bà họ Nguyễn. Mẹ đến Pháp vào năm 1957, lúc mới 11 tuổi, nên cũng dễ hòa nhập vào nền văn hóa mới.

Vào thập niên 1970, phong trào nữ quyền lớn mạnh tại Pháp, mẹ tôi là một trong số nữ sinh viên tham gia phong trào này rất hăng hái. Cha tôi cũng là người tôn trọng quyền bình đẳng giới và quyền con người. Hai người gặp nhau trong một chuyến du lịch tại châu Phi, cảm thấy tư tưởng phù hợp và tâm hồn đồng điệu, nên đã kết hôn. Tôi được sinh ra tại Pháp, mẹ tôi muốn giữ lại gốc rễ Việt Nam nên đã thêm họ Nguyen (Nguyễn) vào tên của tôi.

Chú thích ảnh
Marine Bachelot Nguyen rất thích đứng cạnh bụi tre

* Chắc hẳn mẹ đã dạy cho chị nói tiếng Việt?

- Ngày nhỏ mẹ thường nói với tôi bằng tiếng Việt và nấu cho tôi những món Việt như phở, bánh xèo, chả giò... Tiếng Việt và ẩm thực Việt cho tôi những khái niệm ban đầu về quê mẹ. Nhưng khi tôi vào tuổi trưởng thành, tôi không sống cùng cha mẹ. Môi trường tiếp xúc phần đông là người nói tiếng Pháp và tiếng Anh. Theo thời gian, tôi quên dần tiếng Việt, nên rất tiếc về điều này.

* Vậy thì điều gì khiến chị quyết định đến Việt Nam tìm cảm hứng làm kịch?

- Dù ra ngoài sống, nhưng thi thoảng tôi vẫn về thăm cha mẹ. Tôi nghe mẹ kể lại những kỷ niệm xa xưa ở Việt Nam. Điều này khiến tôi tò mò về cuộc sống nơi đây.

Năm 1998, lúc 20 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân về đất mẹ. Tôi đi khắp Bắc, Trung, Nam. Tôi làm quen và trò chuyện với tất cả những người có dịp gặp. Sự chia sẻ của họ cho thấy cuộc sống người Việt thật phong phú và nhiều màu sắc. Từ đó, tôi đã lên kế hoạch về Việt Nam cho những lần kế tiếp.

Việt Nam đang khá cởi mở về giới

* Vở kịch “Bóng và ô môi” đề cập đến cộng đồng LGBT Việt Nam. Làm sao chị có thể hiểu hết những thực tế đang diễn ra với họ ở đây để khái quát?

- Tôi là một người đồng tính nữ công khai, nên rất quan tâm đến bình đẳng giới. Vào năm 2014, tôi về Việt Nam và dành thời gian tìm hiểu cộng đồng LGBT tại đây. Tôi thực sự ngạc nhiên vì các bạn trẻ có hoạt động sôi nổi, thông minh để kêu gọi toàn xã hội tôn trọng giới. Họ tổ chức nhiều buổi tuần hành, họ chia sẻ với truyền thông. Họ xây dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật về chủ đề giới tính.

Tôi ngạc nhiên trước phong trào đấu tranh chống kỳ thị giới tính tại Việt Nam. Ở đây đã giảm khá nhiều sự kỳ thị với cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, sự kỳ thị âm ỉ vẫn còn, nên nhiều bạn đồng tính, song tính vẫn sống khép mình, che giấu thân phận. Tất cả những quan sát thực tế này, tôi đã mang vào vở diễn. Khi công diễn tại Pháp, công chúng đã đón nhận nồng nhiệt.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở “Bóng và ô môi”. Ảnh: Tam Anh

* Việc công chúng Pháp phản hồi tích cực trước một vở kịch về đề tài giới tính có đồng nghĩa với việc thái độ kỳ thị giới tính chiếm một phần rất nhỏ trong xã hội Pháp không?

- Tôi nghĩ điều này phải được nhìn nhận cẩn thận và sâu sắc hơn. Tại Pháp, quyền giới tính được thể hiện trên giấy tờ pháp lý rất sớm. Nhưng sự thật thì nạn kỳ thị giới tính tại Pháp diễn ra gay gắt lắm.

Thật may mắn trong giới nghệ thuật Pháp đã có nhiều người đồng tính. Họ là những người dám sống, đủ bản lĩnh vượt qua dư luận bất lợi để tồn tại. Tôi cảm thấy mình không lẻ loi nên công khai giới tính thật. Tôi thấy đây là điều nên làm bởi vì nó giúp cho cuộc sống dễ chịu hơn, thay vì che giấu.

Ở Việt Nam pháp luật thừa nhận quyền bình đẳng giới tính với LGBT có lẽ chậm hơn so với Pháp, nhưng thực tế nhận thức lại thay đổi rất nhanh. Thái độ kỳ thị không còn như trước, phần lớn khá cởi mở với LGBT. Cho nên ngày càng nhiều người công khai giới tính thật. Rất nhiều bộ phim, vở kịch về người đồng tính đã thu hút lượng người xem rất đông.

* Chúng ta đang trò chuyện với nhau trong không khí của ngày 8/3, chị có một nhận xét chung nhất về phụ nữ ra sao?

- Người phụ nữ đầu tiên mà tôi ấn tượng nhất chính là mẹ, một người Việt thẩm thấu văn hóa Tây phương. Bà là người có tấm lòng bao dung, mạnh mẽ. Tôi có cảm giác phụ nữ Pháp và Tây phương độc lập và tự tin hơn phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay đã có một tầng lớp phụ nữ Việt tỏ ra rất mạnh mẽ, họ đã chứng tỏ mình có đủ năng lực để làm những việc quan trọng không kém nam giới. Nói chung, phụ nữ trong mắt tôi rất đẹp.

Showbiz và câu chuyện bình đẳng giới

Showbiz và câu chuyện bình đẳng giới

Một điều tra viên của tổ chức bình đẳng giới và quyền phụ nữ đã có một báo cáo rất nghiêm túc và nhiều phát hiện bất ngờ về...Showbiz Việt.

Tam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm