“Nguy cơ” từ độc quyền phát sóng

16/10/2012 13:19 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Bộ phim Bìm bịp kêu chiều của Trung Dân đang phát sóng trên kênh THVL1 theo hình thức độc quyền khai thác, nghĩa là cơ hội để phim này được lên sóng các đài khác khá mong manh, vì rất có thể THVL1 muốn có những sản phẩm “độc” cho riêng mình. Bởi với sức mạnh quảng cáo như hiện nay, THVL1 chỉ cần phát sóng một lần thôi là họ đã có lãi, không cần chia sẻ với đài khác. Nếu điều này mà phổ biến ở các đài mạnh, thì tình trạng vi phạm Luật Điện ảnh và chỉ đạo của Chính phủ về chỉ tiêu phát sóng ít nhất 30% thời lượng phim Việt sẽ nghiêm trọng hơn.

Cũng xin nhắc lại, kể từ ngày 28/5/2009, trong dự thảo Luật Điện ảnh trình Quốc hội, sau đó đã đưa vào luật với tỷ lệ bắt buộc của phim Việt Nam tối thiểu là 30%, kể cả ở rạp và trên truyền hình. Thế nhưng từ đó đến nay, chỉ có một, hai kênh của đài VTV, HTV và THVL1 là thực hiện đúng, những kênh khác của chính các đài này và hơn 60 đài cấp tỉnh, thành thì vẫn chịu tình trạng vi phạm luật liên miên. Bởi mỗi ngày có đến mấy “múi giờ” phát sóng phim, nên số tập phim cần cho mỗi năm là rất nhiều, sức sản xuất của phim Việt còn quá hạn chế, chưa thể đáp ứng nổi 10% cho cả nước.

Vì sao độc quyền?

Theo thông tin từ giới làm quảng cáo thì THVL1 hiện xếp thứ 3 về sức hút quảng cáo, chỉ sau một kênh của VTV và một kênh của HTV. Sự thành công bất ngờ này đã làm cho các đài có xuất phát điểm tốt hơn như Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai… phải ngạc nhiên. Một hai, năm gần đây, họ đã có nhiều bộ phim có chỉ số người xem rất cao, thậm chí cao nhất nước. Đây là cơ sở để họ tự tin đưa ra hợp đồng độc quyền phát sóng, bởi chỉ cần kênh THVL1 thôi thì cả nhà đài và nhà sản xuất phim đã có lợi nhuận.

Phim Bìm bịp kêu chiều đang phát sóng độc quyền trên THVL1

“Tất nhiên lý luận của họ hoàn toàn đúng, vì đài mạnh thì phải có các phim riêng của mình, chứ 3-4 kênh cùng phát một phim, dù hay cỡ nào, cũng trở thành nhàm chán. Thế nhưng, với các đạo diễn hoặc nhà sản xuất mới xuất hiện như chúng tôi, sự độc quyền này khá phiêu lưu, vì thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào một nơi, mà công việc của mình cũng khó được quảng bá. Những phim tiếp theo tôi không làm theo kiểu độc quyền này nữa, mà sẽ tìm cách bán cho nhiều đài, vì vẫn muốn thông điệp của mình được truyền đi rộng rãi”, Trung Dân nói.

Hiện nay THVL1 có mức phát sóng 24/24, thông qua hệ thống cáp, đã đi đến nhiều địa phương và tỉnh thành trong cả nước. Được biết, từ hai năm trước, đài này đã lập đề án xin phép phát sóng trên vệ tinh, vì họ đã đảm bảo 5 yêu cầu đề ra tại Thông tư số 15 của Bộ TT&TT về “điều kiện phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình địa phương trên vệ tinh”. Cũng năm 2010, bố cáo về điều này, ông Lê Quang Nguyên, giám đốc đài Vĩnh Long cho biết: “Đài PT-TH Vĩnh Long sở dĩ bảo đảm được những tỷ lệ này vì từ nhiều năm qua đã tự chủ được về tài chính với lực lượng hơn 120 PV, BTV chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ các chương trình thời sự, chuyên đề để phát sóng nên khung chương trình đã chạy ổn định theo quy định 40% chương trình tự sản xuất. Từ hơn một năm trước, để chuẩn bị cho kế hoạch phát qua vệ tinh, đài đã liên kết sản xuất được 350-400 tập phim Việt mỗi năm để phát trong giờ vàng”. Khi đài Vĩnh Long lên sóng vệ tinh, sức mạnh của họ sẽ gia tăng hơn nữa, tham vọng muốn sản xuất chương trình độc quyền và phim độc quyền đương nhiên cũng nhiều hơn.

Phần lớn nhà đài bế tắc

Lâu nay VTV và HTV vẫn giữ phương thức hợp tác sản xuất phim theo kiểu đặt hàng cùng với thỏa thuật doanh số quảng cáo. Thế nhưng, sau khi THVL1 thực hiện độc quyền phát sóng và SCTV trả tác quyền theo rating, VTV và HTV cũng đang có sự chuyển hướng, mà đầu tiên là chuyện mua bản quyền phát sóng vài bộ phim mà họ không đặt hàng trước. Điều này làm các hãng phim “trẻ” (tạm gọi những đơn vị mới ra lò, ít kinh nghiệm) lo lắng, vì sức cạnh tranh còn yếu, họ càng khó chen chân vào VTV, HTV hay THVL1.

Phim Lâu đài tình ái cùng lúc “chế ngự” 4 đài nhỏ, sau đó còn phát hành đĩa DVD

“Chỗ này có mâu thuẫn, dù khá sòng phẳng, vì phim đang được nhìn như hàng hóa trong siêu thị, mà người đi mua là nhà đài, họ chỉ tin vào các nhãn hiệu có uy tín, điều đó đương nhiên. Thành ra các “tân binh” sẽ có nguy cơ trôi dạt ra các đài nhỏ để tìm cơ hội, mà các đài này thì ít quảng cáo, họ cũng chẳng có kinh phí để mua phim giá cao. Tôi cho rằng khi các đại gia xốc lại cách làm ăn, nắm chắc phần cán, việc khủng hoảng phim truyền hình Việt sẽ diễn ra. Vì không sản xuất thì thiếu phim chiếu, mà sản xuất thì chẳng biết bán đâu, trong khi các hãng phim lớn chẳng kham nổi nhu cầu thị trường”, đạo diễn Lê Hữu Lương phân tích.

Mà chen chân đài nhỏ cũng không phải dễ, khi mà nhiều nhà sản xuất có kinh nghiệm và táo bạo như Phước Sang đang “chế ngự” ở đó. Bộ phim Lâu đài tình ái (30 tập) của hãng này cùng lúc được phát trên 4 kênh BTV1 (Bình Dương), 10VHF (Kiên Giang), HGTV (Hậu Giang) và LTV (Lâm Đồng), mỗi đài gánh một ít kinh phí nhằm có phim mới để chiếu, vẹn cả đôi đường. Hãng phim Phước Sang cũng giúp mở ra “giờ vàng phim Việt” cho Đài PT-TH Đồng Nai, và sắp tới là một số tỉnh, thành khác.

Phần lớn đài nhỏ chỉ đủ nhân lực và tiềm lực sản xuất khoảng 20-30 phút chương trình mỗi ngày, nhiều lắm cũng chỉ 3-4 giờ thời lượng, nên phim truyền hình buộc phải “dùng ké”, thậm chí vi phạm Luật Điện ảnh về phát sóng (dùng nhiều phim ngoại) hay vi phạm bản quyền phim cũng đành chịu. “Chẳng lẽ để đài mình đắp chiếu nằm ngủ, trong khi các đài bạn vẫn sáng trưng”, một lãnh đạo đài truyền hình ở miền Trung nói. Mới đây, việc Đài PT-TH Hải Dương vi phạm bản quyền phát sóng phim Bao Thanh Thiên; hay Đài PT-TH Ninh Bình bị khiếu nại bản quyền đối với phim Đế quốc đại Tần là những ví dụ cụ thể.

Cho nên, để đảm bảo được tỷ lệ 30% phim nội trên sóng truyền hình theo Luật Điện ảnh và Nghị định 54/2010/NĐ-CP đưa ra, thật là khó. Trong bối cảnh đó, việc THVL1 độc quyền phát sóng phim truyền hình, càng làm cho các đài nhỏ gặp khó khăn hơn.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm