“Người hát nhạc Trịnh” Giang Trang: Cuộc chơi không bến bờ

19/02/2012 10:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 73 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Giang Trang - Người hát nhạc Trịnh 10 năm thầm lặng - chính thức phát hành đĩa nhạc đầu tiên Lênh đênh nhớ phố gồm 9 tình khúc Trịnh và sẽ biểu diễn 15 nhạc phẩm tại L’Espace (24 Tràng Tiền, HN) vào hai đêm 28, 29/2 tới. 

Giang Trang không chỉ là ca sĩ Việt hát nhạc cover đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Pháp mời biểu diễn, mà vé của hai đêm nhạc này đã bán hết ngay sau ba ngày, kể từ khi ra thông báo.


Giang Trang. Nhiếp ảnh: Trần Vũ Hải (Hải Tròn)

Giọng ca lạ đến… ngẩn ngơ

Để cảm nhận trọn vẹn màu sắc cung bậc cảm xúc tâm sự gửi gắm từ 9 tình khúc Trịnh trong CD Lênh đênh nhớ phố, bạn nên ngồi một mình trong không gian vắng. Thiền ca khi chưa nhập cõi định tâm, sẽ khó lòng rung động được nơi ồn ào náo nhiệt.

Giang Trang - giọng ca miệt mài trả nợ tình xa với một nhạc sĩ chưa từng chạm mặt. Đúng ngày Trịnh Công Sơn ra đi khỏi kiếp đời này, Giang Trang lặng lẽ đến quán Nhạc Tranh - khoảng lặng thấm ký ức một thời của muôn khuôn mặt trẻ Hà Nội - cầm đàn guitar và lần đầu tiên buông từng ca từ của Diễm xưa: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” để rồi “Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau”.

Một giọng ca hát Trịnh thật lạ. Lạ đến ngẩn ngơ, đến thẫn thờ với mỗi người từng nghe qua. Sự trong trẻo, hồn nhiên, thơ thới đến bình thản ấy, đưa nhạc Trịnh từ cõi mộng mơ cháy khát đến vô cùng tin yêu. Đưa tâm hồn người chênh vênh miệng vực quay trở về chốn thăng bằng bình lặng.

10 năm của day dứt lựa chọn đường đời để đi của Giang Trang chỉ là sợi nắng mong manh bày hờ hững trong cuộc chơi không có bến bờ, không biết đâu ngày kết. Giang Trang đến, về mang theo nỗi lòng Như tiếng thở dài. Đi qua ngày hôm nay, không muốn nhớ tới ngày hôm qua, không hi vọng vào ngày mai, thành người hát Trịnh lặng thầm để nhạc Trịnh không “tối rỗng”, không “hoang phế”, không “trĩu nặng thương đau” như ai đó tưởng về.

Bỏ tất cả chỉ để “chơi” hát

Gần ba năm ngừng lại các công việc của cơm áo gạo tiền, Giang Trang ôm nặng mối nợ duyên thầm nhạc Trịnh, mải mê khẩn khai từng ca từ Trịnh trên cánh đồng tưởng như cũ hóa rồi, dẫu chân người bước qua tưởng thành vệt mòn rồi. Một lần cho năm dài không thành hình hài đĩa nhạc, thêm một lần khác cho thêm năm dài cũng chưa thành, nhưng Giang Trang không nản lòng.

Giang Trang bắt đầu “chơi” nhạc Trịnh một cách nghiêm túc, cẩn trọng sau đêm nhạc ở Malaideli (*), khi lỗi hẹn với nhiều người yêu giọng hát của cô đến rồi chỉ để về hoặc phải dừng chân ở tầng dưới xem, nghe qua màn hình ti vi (ghi trực tiếp) nhỏ xíu, vì không gian quán quá hẹp, và cũng bởi trong đêm nhạc đó, bởi tập làm quen với việc không nhìn vào bản nhạc khi hát (hình ảnh quen thuộc thường thấy), cô bị vấp lời để phải cười trừ… xí xóa.

Mỗi lần theo Giang Trang, nhìn cô phiêu lãng cùng nhạc Trịnh trên những sân khấu ca nhạc, hát chỉ vì được hát, chưa từng nhận về một đồng nào, tim tôi nghẹn lại khi nhớ về trước đó, hơn ba lần, Giang Trang gọi điện thoại cho tôi vào giữa đêm, chỉ để hỏi: “Làm Relationship Manager (Giám đốc quan hệ mảng tín dụng) cho ngân hàng (…) nước ngoài, họ vẫn để cần người cho vị trí đó và tiếp tục mời, hay bỏ hết để hát…?”. Tôi trả lời gọn lỏn: “Hát!” Rồi tắt máy ngay. Bởi nếu vì sự day dứt thương quá bạn mình, tôi chắc hẳn sẽ khuyên Giang Trang lời thực tế với hoàn cảnh sống hơn: Bỏ đi đam mê Nghệ sĩ, cần phải kiếm tiền cho Sống, trước đã.

“Ừ, hát!”. Với lựa chọn như thể nhẹ tênh, Giang Trang ngừng lại các công việc kinh doanh, mối quan tâm đến thị trường chứng khoán, cổ phiếu… nơi cô đã thuộc về và ghi dấu ấn thành công, chỉ để chơi… hát. Xếp lại những váy áo đồ dùng hàng hiệu, thu vén lại chi tiêu từng xa xỉ cho quán xá, tiệc tùng, spa…, bước ra khỏi ô tô tài xế riêng hay taxi chở đi về mỗi khi ra khỏi nhà để thung thăng cái xe máy Zoomer kỳ quái. Giang Trang mặc áo hoa đơn giản, vận quần bó bụi, tóc thả buông không sấy, mặt mộc chẳng buồn thoa chút son môi, ngồi thư thả ngoài hàng quán vỉa hè, nhìn người người vội vã với muôn khuôn mặt căng thẳng lại qua với đôi mắt mỗi ngày thêm hồn nhiên thơ trẻ.

 Sau rảnh rang hiếm hoi ấy, Giang Trang lại tất bật nghiêm túc nghiền ngẫm về âm nhạc, viết báo, thu âm chương trình Bài ca Hà Nội (Radio Việt) cùng nhà văn/BTV Trương Quý, và đầu tư vào làm đĩa nhạc với các khoản tiền tự thân.

Duyên mở rộng khi Giang Trang tình cờ gặp violist Anh Tú cùng guitarist Anh Hoàng. Ba người bạn đi cùng nhau qua những chiều đông buốt gió, đến bên nhau khi lòng tràn khó khăn. CD Lênh đênh nhớ phố ra đời, vừa để Giang Trang đổi tiếng thở dài da diết thành tiếng thở dài nhẹ nhõm. Khuôn mặt cô sáng lên, ánh mắt cô hiền hơn, nụ cười vương trên môi thường khi bởi đã trả được một phần nợ với Người.

Từ giọng hát Giang Trang, nhạc Trịnh bỗng sáng trắng tinh khôi như đóa sen ngậm sương mai, nào Lời thiên thu gọi, nào Mưa hồng, nào Góp lá mùa xuân… thành tiếng kinh cầu nguyện đưa loài người đi qua sông mê, về nơi an lành của hoa thơm lòng người.

Thảnh thơi nhạc Trịnh

Tôi đang viết trong tiếng violin da diết của người bạn đàn, thầm lặng từ thủa Nhạc Tranh - violist Tuấn Anh. Và tiếng đàn bay thoát, nền nã tinh tế, đậm đầy hương Trịnh của guitarist trẻ, người chưa từng thích ca khúc Trịnh trước đó, guitarist Anh Hoàng. Cùng giọng hát của Giang Trang bay lơ lửng trên tầng hai của tòa biệt thự cũ trên đường Cao Bá Quát, xây từ những năm 30 thế kỷ trước. Cái lạnh vẫn còn vương thật nhẹ, gió thoảng hương phố, mưa lây rây trên nền gạch hoa nâu vàng.

Ba người bạn đang cùng nhau “đến gần cuộc vui chung” cho hai đêm biểu diễn tới. Cuộc đời có nhiều hạnh ngộ kỳ lạ. Đủ để trong khi mỏi mệt bởi nhịp sống trôi qua quá vội, được giây phút thảnh thơi chìm trong nhạc Trịnh và giọng hát Giang Trang, mà biết đời này nhiều điều đẹp lắm thay. (Thầm tiếc sao violist Anh Tú, người chơi cùng với Giang Trang trong CD Lênh đênh nhớ phố, chưa hẳn đã có mặt trong đêm nhạc. Âu cũng là cái duyên đi cùng nhau cũng chỉ chừng ấy thôi).

Mỗi khi hát, ở ngay tiếng ca đầu tiên, Giang Trang đã nhập thế vào dòng chảy trôi nhạc Trịnh. Giọng hát phiêu lãng, dù đã nhuốm màu phai tàn từ đắng cay đời, cũng chỉ nhằm tăng thêm độ đằm thắm, tăng thêm nhịp thong dong.

Trang hát Trịnh từ hơi thở mình, thủ thỉ với đáy hồn mình, để đưa bao hỗn mang vũng lầy tù đọng trong tâm can trở về trạng thái tĩnh lặng sơ khai, để giúp mình yêu đời hơn, dù đời còn quá nhiều lòng bạc.

Khi hát, Giang Trang để con người bên trong mình chảy trôi theo sóng lòng Trịnh. Cô lặng lẽ ẩn phía sau từng ca từ để chia sẻ cùng ông con đường tâm cảm mà Trịnh đã đi qua. Thế nên, với Giang Trang, nhạc Trịnh “như người bạn thân”, và Trịnh Công Sơn, là người cha tạo thành ra “bạn thân” ấy. Nửa chiều, khi đang tập, Giang Trang bỗng nhiên quay về phía tôi, thở nhẹ: “Không hiểu sao, khi hát, hình ảnh Trịnh Công Sơn ngồi trên ghế mây thả khói thuốc cứ hiển hiện trong đầu…”

Chiều chiều, những tuần vừa qua, cùng ban nhạc của mình, Giang Trang tập và khẩn khai giai điệu Trịnh, sao cho hòa điệu với bản nhạc lòng riêng. Bạn đàn, bạn hát, bạn ký ức… từ thuở nào bỗng dưng hẹn hò tìm đến, cùng nhau chia sẻ cảm nhận về ca khúc Trịnh, và giúp Giang Trang thể hiện được tinh thần của cô, hòa với tinh thần Trịnh, trong đêm nhạc.

Trước ngày diễn, khi ngồi cùng nhau trong quán quen trước Nhà hát Lớn, Giang Trang rơm rớm nước mắt. Lần đầu tiên, tôi thấy nước mắt chảy từ má bạn mình. - một người luôn biết giấu cảm xúc vào vẻ bình thản đến lạnh rồi chỉ khi hát nhạc Trịnh mới có thể làm phai đi. Giang Trang nói, khẽ khàng như gió thoảng ngoài nẻo phố: “Đến lúc này, vì mối nợ với nhạc Trịnh, để đi đến tận cùng của những khốn khổ đời, mới hay, mình thực sự đang sống…”

(*): Bài đã in trong Giang Trang - Người hát nhạc Trịnh thầm lặng (TT&VH CT, số 13 - tuần 27/3-2/4/09)

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm