Mơ về một cuộc hát xoan đủ đầy

01/02/2012 11:06 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - LTS: Những ngày đầu Xuân mới Nhâm Thìn, cùng với quan họ, ca trù, người ta lại náo nức hướng về hát xoan, loại hình ca hát vừa được vinh danh là “Di sản thế giới”. Những màn trình diễn trích đoạn hát xoan trong chương trình vui xuân tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hay ở đâu đó dường như vẫn chưa “đủ đô”, vẫn khiến công chúng thòm thèm, muốn thưởng thức một cuộc hát xoan đầy đủ trọn vẹn như từ xa xưa.

Tuy nhiên, hơi khác với sinh hoạt quan họ, để khôi phục một chương trình hát xoan đầy đủ tại không gian gốc gác của nó không phải dễ. Trong những ngày giỗ Tổ đền Hùng năm nay sẽ có Liên hoan hát xoan, hay gần hơn, ngày 27 tháng Giêng sẽ có lễ đón bằng công nhận Di sản thế giới của hát xoan tại đền Hùng. Đó là những dịp có thể thưởng thức một phần các chương trình hát xoan. Ngoài ra, ở 4 phường xoan An Thái, Phù Đức, Kim Đới và phường Thét cũng có thể có biểu diễn hát xoan.

Để hiểu rõ hơn về không gian văn hóa hát xoan TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên (đầu bài và các tít phụ do TT&VH đặt).

Những dấu ấn từ thời Hùng Vương

Năm 1979 ông Nguyễn Khắc Xương xuất bản cuốn Hát xoan và hát ghẹo Vĩnh Phú, công bố một vài bản hát xoan (cũng còn các dị bản khác nữa). Riêng tôi đi theo hướng nghiên cứu lịch sử, phát hiện được một số vấn đề cơ bản. Đó là hát xoan có từ thời Hùng Vương, với 3 tư liệu làm căn cứ. Thứ nhất là có truyền thuyết dân gian nói rằng công chúa Nguyệt Cư con vua Hùng thứ 17 thuở sơ sinh chỉ thích nghe hát xoan, không được nghe thì khóc. Lại còn nói bà mẹ đau đẻ, phải gọi phường xoan hát cho nghe quên đau. Thứ hai là trong hát xoan có bóng dáng của thời vừa hái lượm vừa sản xuất.

Cày cấy ban trưa, mà thả trâu bò

Hái củi ban trưa, mà bỏ quên rìu

Đặc biệt, có yếu tố phồn thực trong tín ngưỡng ở nơi phường xoan đến hát, như làm hèm Nõ Nường trước khi vào cuộc hát.

Ở Phú Thọ trước tháng 8/1945 có 4 phường xoan là Phù Đức, Thét, Kim Đơi và An Thái (Nay Phù Đức, Thét, Kim Đơi thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu, đều trong thành phố Việt Trì). Các phường xoan này phục vụ từ đầu tháng giêng ở 16 cửa đình, đến mùng 10 tháng 3 thì đền Hùng hát hầu vua.

Mỗi phường xoan có một ông trùm quản lý 6 kép và 12 đào, nữ khoảng 16- 17 tuổi, nam khoảng 18-20 tuổi. Ngoài ra còn có 2 kép thiếu niên gọi là kép con, dùng diễn hai đoạn lề lối là giáo trống và giáo pháo. Sở dĩ kép ít hơn đào là vì còn có nam thanh niên của làng sở tại tham gia đóng các vai phụ cho vui.

Biểu diễn điệu “Tử đưa xoan cách” trong hát xoan. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Một cuộc hát xoan đầy đủ phải thế nào?

Tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng, mà phường xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các vũ điệu và gần hai nghìn câu hát.

Theo nhận xét của chúng tôi, chương trình xoan biểu diễn ở làng Đức Bác là đầy đủ và hay nhất, vì ngoài 3 đêm diễn ra còn có một buổi chiều đón phường xoan Phù Đức qua đò sông Lô, dẫn nhau về đình nữa, mà chúng tôi chọn giới thiệu trong sách “Văn hiến làng xã vùng đất Tổ Hùng Vương” do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu và văn hoá Việt Nam xuất bản 1999. Toàn cảnh như sau:

Chiều mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng Đức Bác một mặt rước kiệu vật thờ ở miếu Thánh ông và miếu Thánh bà về đình hội đồng, một mặt cử tốp 12 thanh niên trẻ đẹp cùng mấy vị đứng tuổi ra đón phường xoan Phù Đức qua sông Lô sang. Khi thuyền cập bến, mấy vị đứng tuổi xuống tận thuyền chào hỏi mời mọc. Các thanh niên Đức Bác khoác vào cổ các cô đào xoan Phù Đức cái trống con trước ngực, rồi dắt nhau hát điệu trống quân xê dịch dần về đình.

Ông chủ tế đưa phường xoan vào đình hát 5 đoạn lề lối là: Hát chào vua (do ông trùm xoan thực hiện), rồi hai kép con hát giáo trống, giáo pháo, rồi các đào hát hai đoạn dâng hương và đóng đám. Hát xong nghỉ ăn cơm.

Tối thứ nhất hát 14 đoạn “quả cách”. Mỗi quả cách là một bài văn vần đọc ngâm giọng khác nhau, làn điệu bộ chân tay có trống phách đưa đệm.

Tối thứ hai hát hội gồm 7 giọng vặt là: bỏ bộ, bợm gái, ca vũ, hát lý, hát ru, xin hoa đố chữ và hát đúm. Trò tung đúm là tiết mục cuối cùng của đêm diễn rất vui nhộn. Các cô gái miệng hát tay tung quả đúm vào chàng trai nào mình thích. Chàng trai mở đúm ra được miếng trầu ăm, rồi bỏ vào khăn chiếc gương, chiếc lược hay đồng tiền buộc lại ném trả cô đào, rất vui nhộn. Có lần đúm của cô đào bay nhầm vào một ông hương lý, cả làng được một mẻ cười vỡ bụng và còn tếu đến mấy hôm sau nữa.

Đêm thứ 3 cũng là hát hội, trình diễn 2 giọng vặt là cài hoa (hay chúc hoa) và mó cá (hay giã cá). Hai tiết mục này là những điệu múa có tính chất biến tấu giữa ma thuật tín ngưỡng và tình yêu nam nữ. 3 chàng trai Đức Bác xếp làm nhị hoa, 5 đào xoan xếp làm cánh hoa, dùng điệu bộ chân tay và cả thân người uốn lượn làm chiếc hoa nở, chuyển đổi nhiều kiểu hoa và câu hát trữ tình.

Chuyển sang tiết mục mó cá thì ông trùm hát giáo đầu, xong thì 12 đào xoan dang tay thành vòng tròn làm lưới, 4 chàng trai Đức Bác ở giữa làm cá. Động tác của lưới là đưa tay rập rờn như sóng nước, người lả lướt. Động tác của cá là múa và hát. Các ả lưới đệm theo “La vông tầm vông tầm, vông tập tầm vông”. Cá hát xong mỗi đoạn lại lao vào lưới trổ ra. Diễn đến gần sáng thì một chàng cá hát phá lưới. Hát xong tất cả cá lao vào lưới, một chàng cá giả mắc lưới bị các đào vật ngửa khiêng lên bàn thờ Thánh. Kết thúc chương trình xoan.

Nên dựng hẳn một bộ phim

Hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Tôi mong muốn có một hội nghị khoa học (chứ không phải là hội thảo), để bàn luận giải quyết một số vấn đề chưa sáng rõ như:

- Phân định ranh giới giữa khôi phục vốn cổ, nhằm bảo tồn và quảng bá giá trị của hát xoan, với việc khai thác cải biên phục vụ phong trào văn nghệ.

- Chọn chương trình hát xoan tiêu biểu, diễn xướng một buổi chiều và 3 đêm để quảng bá, hay chỉ cần 1 đêm hoặc trích đoạn?

- Sử dụng đào kép xoan nên theo lệ cổ là nam 18-20 tuổi nữ 16-17 tuổi xê dịch, hay sử dụng người đứng tuổi và thiếu niên như truyền hình vẫn phát?

- Trang phục của đào kép theo đúng kiểu của người Việt Nam ở nông thôn thế kỷ 19 như được biết, hay cải tiến như ngày nay?

- Vũ điệu theo đúng bài bản cổ, hay bỏ bớt những động tác khó làm?

Bên cạnh đó, nên dựng hẳn một bộ phim lấy diễn xướng điển hình ở làng Đức Bác, đủ cả một buổi chiều và 3 đêm trọn bộ chương trình với hai nghìn câu hát, có hình ảnh con đò và dòng sông Lô thơ mộng đưa phường xoan Phù Đức sang Đức Bác như đã miêu tả, phát hành ra cả nước ngoài. Chứ chỉ là trích đoạn như thường thấy thì chưa nói hết được cái súc tích, cái hay cái đẹp cái hoành tráng của hát xoan.

Vũ Kim Biên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm