Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2011: Tiếp cận công chúng “nội”

18/04/2011 11:35 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2011 (tối 15-16/4) đã giữ chân khán giả tới nửa đêm với những màn trình diễn hấp dẫn cả tai và mắt. Và một tín hiệu đáng mừng là, số khách “nội” đã dần đông lên, trong khi những kỳ trước, liên hoan này hầu như chỉ thu hút sự quan tâm của người nước ngoài.

Đúng như chia sẻ ban đầu của nhạc sĩ - DJ Trí Minh, thành viên BTC, Liên hoan Âm thanh Hà Nội năm nay đã hướng tới thị hiếu của công chúng.

Dễ nghe

Chương trình mở đầu với phần trình diễn của hai nghệ sỹ người Đức trong nhóm Olaf Zueman Ensemble theo phong cách âm nhạc Technotối giản. Tiếp theo là những phần trình diễn nghệ thuật thể nghiệm của Giang Noise và nhóm Time Art Ensemble đến từ thành phố Cologne (Đức) với sự hợp tác rất thành công của nghệ sỹ nhạc thể nghiệm Việt Nam Vũ Nhật Tân. Tiết mục này là một sự thể nghiệm về âm thanh và hình ảnh tương tác với người xem.

Ca sĩ Thanh Lam (thứ hai, bên phải sang) và nhóm bạn khá hào hứng với chương trình

Phần trình diễn của nhóm nhạc điện tử Silvouplay (Pháp) đã đem đến một phong cách trình diễn nhạc điện tử - một trong những thể loại âm nhạc sành điệu nhất trên thế giới - sôi động nhất có thể. Khi các nghệ sĩ trên sân khấu say sưa thể hiện những âm thanh hay, lạ từ chiếc kèn trombone đã được “cải biên” cùng với chiếc máy tính điện tử, đồng thời phía trên màn hình là những hình ảnh với những biểu tượng và màu sắc chuyển động liên tục cùng với âm thanh thì phía dưới, khán giả chăm chú lắng nghe, vỗ tay hưởng ứng.

“Festival năm nay là một bước tiến lớn trong công tác tổ chức và phát triển khán giả. Năm nay chúng tôi đã tiếp cận tới một số lượng lớn công chúng Việt Nam - đối tượng chính của chúng tôi” (Nhà tổ chức - DJ Trí Minh).

Đúng như tiết lộ ban đầu của nhạc sĩ - DJ Trí Minh khi anh giới thiệu về liên hoan năm nay, chương trình sẽ có phần biểu diễn đặc biệt là hightlight, hội tụ những ngôi sao nổi tiếng. Trong đó ngày 15/4 có sự tham gia của nhóm Coma (Đức), gồm 2 thanh niên trẻ, nổi tiếng, kết hợp với Hà Okio (Việt Nam), ngày 16/4 nhóm Silvouplay (Pháp). Đây là hai nhóm nhạc điện tử có âm nhạc mang tính thị trường nên rất dễ nghe, nghe là thấy hay luôn. Chính vì thế, trong đêm 16/4, khi nhóm Silvouplay xuất hiện, khán giả không chỉ đông dần lên mà không khí trình diễn và thưởng thức cũng trở nên sôi động hơn. Khán giả không chỉ đáp lại bằng những tràng vỗ tay sau mỗi phần trình diễn nữa. Họ bắt đầu hưởng ứng bằng việc hô: “Yes, yes” khi được các nghệ sĩ yêu cầu, họ cũng nhún nhảy khi âm nhạc có chút nhịp điệu. Và khi âm nhạc trở nên cuốn hút hơn, họ nhảy cũng “bốc” hơn, hô to cùng những cánh tay giơ lên. Âm nhạc của Silvouplay hướng cho khán giả một không gian của “nhạc sàn” như người Việt Nam vẫn gọi. Và điều đó đã làm hiệu quả hơn phần trình diễn. Nhưng thực tế Silvouplay đã chơi theo phong cách nhạc điện tử sôi động (electro) nhưng khác với các DJ thông thường. Đó chính là đẳng cấp của DJ khi chơi nhạc sống (live) ở thể loại nhạc dance.

Khán giả Việt - sự thành công của chương trình

Sự sắp đặt thể loại dance với phong cách nhạc điện tử sôi động cùng phần DJ đặc biệt gần cuối chương trình đã khiến cho không gian của buổi biểu diễn như chưa về đêm, mặc dù đồng hồ đã chạy đến 23h. Những người yêu thích nhạc dance vẫn nhảy theo tiếng nhạc không biết mệt. Âm nhạc sôi động và hấp dẫn không chỉ đối với thanh niên, những người trẻ mà ngay đến cả những em bé mới 2 tuổi cũng nhún nhảy, xoay tròn, còn những U40 cũng lắc nhẹ cái hông, đu đưa cái chân. Đấy chính là sức mạnh của âm nhạc - nó đã khơi gợi cảm xúc trong mỗi con người.

Rất đông khán giả đã ở lại tới lúc 23h

Nếu như 3 kỳ liên hoan trước, số lượng khán giả nước ngoài chiếm phần lớn thì năm nay, tỉ lệ đã là 50-50. Đó là một phản ánh tích cực từ phía khán giả Việt Nam đối với thể loại âm nhạc còn chưa phổ biến này. Khi được hỏi về cảm nhận của đêm diễn, hầu hết, từ những bạn trẻ đến những người lớn tuổi, đều có nhận xét chung là âm nhạc điện tử rất hay. Hay trước hết bởi nó lạ. Một trong nhóm học sinh lớp 10 Trường Amsterdam Hà Nội đến dự, em Quang Ngọc nói: “Chúng em nghe nhạc điện tử trên mạng cũng lâu rồi nhưng năm nay mới đi xem được. Chúng em rất thích vì thấy hay. Thích hơn nữa là vừa được nghe nhạc điện tử vừa được xem hình ảnh minh họa”.

Một lý do khiến nhạc điện tử được nhận xét là “hay” bởi nó được trình diễn ở thể loại nhạc dance (electronic dance). Khán giả cảm thấy lạ tai với những hiệu ứng về âm thanh do các nghệ sĩ tạo nên từ phương tiện trình diễn của mình như các nhạc cụ, máy tính... Âm nhạc trở nên gần gũi hơn với những tiết tấu mang tính chất nhún nhảy, có nhịp điệu (nhạc điện tử sôi động). Nó đã có một hiệu ứng mạnh mẽ hơn đối với người nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng sự chuyển động của cả cơ thể họ.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm