Hầu Hiếu Hiền trở lại 'ngai vàng' Cannes

26/05/2015 14:13 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể coi LHP Cannes là sự kiện điện ảnh lớn nhất nhì trong năm. Cứ mỗi dịp tháng 5 đến là mọi giới truyền thông, các nhà phê bình, các nhà làm phim, ngôi sao nổi tiếng và khán giả mộ điệu lại tập trung tại nơi đây.

Không thể phủ nhận gần như năm nào, Cannes cũng giới thiệu nhiều gương mặt mới rất tài năng.

Hầu Hiếu Hiền, người muôn năm cũ

Nhưng nhìn vào danh sách hạng mục đề cử Cành cọ vàng gồm 19 phim tranh giải chính thức cho tới danh sách những người thắng cuộc, ta có thể dễ dàng nhận thấy, LHP Cannes 2015 tiếp tục là sân chơi của những gương mặt quen thuộc và có lịch sử gắn bó lâu đời với Cannes.

Từ Matteo Garrone, Nanni Moretti, Paolo Sorrentino (Italy), Gus Van Sant (Mỹ), Jacques Audiard (Pháp) đều đã quá “nhẵn mặt” qua các kỳ Liên hoan. Thậm chí những nhà làm phim đến từ Châu Á như Giả Chương Kha, Hirokazu Koreeda và Hầu Hiếu Hiền  ít nhất cũng được đề cử vài lần.

Trong nhóm VIP năm nay, cùng với Nanni Moretti, Hầu Hiếu Hiền có lẽ phải được xếp vào hàng trưởng lão. Ông đến với Cannes từ năm 1993 qua tác phẩm The Puppetmaster (Hỉ mộng nhân sinh) và đoạt luôn giải thưởng của Ban giam khảo.


Cảnh trong Assassin, bộ phim đã mang lại cho Hầu Hiếu Hiền giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Cannes

Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng không bao giờ có giới hạn. Trong suốt hơn một trăm năm qua, phim ảnh đã đi tới ngóc ngách của từng quốc gia trên thế giới.

Tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và tùy thuộc vào sự phát triển chung, mỗi quốc gia có nền điện ảnh mạnh đều có những dấu mốc quan trọng, làm thay đổi bộ mặt của đất nước đó trên trường quốc tế. Ví như ở Italy có dòng phim tân hiện thực, ở Pháp có làn sóng mới, tương tự như vậy ở Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc…

Với sự xuất hiện của hàng loạt tài năng nổi bật như Edward Yang, Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng, Lý An, điện ảnh vùng lãnh thổ Đài Loan đã hình thành nên hai làn sóng mới trong giai đoạn từ 1982 – 1990 và giai đoạn từ 1990 đến 2010.

So với các đồng nghiệp kể trên, Hầu Hiếu Hiền được liệt vào thế hệ đi trước. Ông bắt đầu sự nghiệp làm phim từ thập niên 80, tức thuộc Làn sóng mới thứ nhất tại Đài Loan. Hầu Hiếu Hiền vinh dự là đạo diễn thuộc cộng đồng Hoa ngữ đầu tiên đoạt giải Sử tử vàng tại LHP Venice với bộ phim A City of Sadness (Bi tình thành thị).

Đây là tác phẩm mở đầu cho bộ ba phim về Đài Loan rất nổi tiếng của ông.

Hai tác phẩm còn lại cũng gặt hài được vô số thành công gồm The Puppetmaster (Hỉ mộng nhân sinh) Good Men, Good Women (Hảo nam hảo nữ - đề cử Cành cọ vàng thứ 2 trong sự nghiệp).

Về sau này, Hầu Hiếu Hiền còn cho ra đời hàng loạt bộ phim đặc sắc khác, mang một phong cách rất riêng, tinh tế và chú trọng vào chủ nghĩa tối thiểu trên màn ảnh. Hầu hết trong số đó đều được đề cử giải Cành cọ vàng. Nổi bật nhất phải kể đến Flowers Of Shanghai, Millennium Mambo, Three Times…

Phần thưởng xứng đáng cho tài năng

Giải đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2015 không những đánh dấu sự trở lại rực rỡ sau 8 năm vắng bóng mà còn là phần thưởng xứng đáng cho tài năng cũng như đóng góp của vị đạo diễn họ Hầu này.

The Assassin tạo nên một số cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Hầu Hiếu Hiền. Đây là lần đầu tiên ông thực hiện một bộ phim võ thuật và cũng là lần thứ ba hợp tác với nữ diễn viên Thư Kỳ (sau Millennium Mambo, Three Times, nếu không tính phân đoạn La Belle Epoque trong 10 + 10). Ngoài ra kinh phí sản xuất The Assassin bị đội lên quá cao (tới 14,9 triệu USD) do thời gian thực hiện kéo dài qua 6, 7 năm. Phim lấy bối cảnh vào thời Đường, được quay chủ yếu tại nội Mông, tỉnh Hồ Bắc và vùng đông bắc Trung Quốc.

Một số đặc điểm nổi bật khác gây ấn tượng mạnh cho người xem trong The Assassin, đó là phần mở đầu phim được chuyển sang đen trắng, các nhân vật chủ yếu là nữ và phần bối cảnh cực kỳ đẹp mắt.

Đặc biệt, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền chủ ý sử dụng rất ít cảnh cận, tạo nên một khoảng cách nhất định giữa nhân vật và khán giả.

Giải đạo diễn xuất sắc nhất với The Assassin là giải thưởng chính thức thứ 2 mà đạo diễn Hầu Hiếu Hiền được trao tại LHP Cannes, sau giải của Ban giám khảo hồi năm 1993.

Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm