Hát Xoan là biểu tượng cổ của dân tộc

25/11/2011 10:47 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - “Cảm ơn UNESCO đã vinh danh hát Xoan. Đó không chỉ là mong đợi của hôm nay mà mong đợi từ rất lâu rồi. Nhưng tôi không lấy làm ngạc nhiên vì điều đó...

Là một người được Tỉnh ủy Phú Thọ mời tham gia làm hồ sơ hát Xoan gửi UNESCO, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh tỏ ra hết sức bình thường khi PV TT&VH xin gặp và hỏi ông về hát Xoan nhân dịp loại hình nghệ thuật này được UNESCO vinh danh, trưa 24/11.

Hát Xoan là tầng văn hóa cổ

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh

* Tại sao ông lại chẳng hề ngạc nhiên khi hát Xoan được UNESCO công nhận?

- Với những giá trị của hát Xoan như chúng tôi biết thì ngay từ đầu chúng tôi đã tin tưởng chắc chắn hát Xoan sẽ được vinh danh, chỉ có điều không dám nói ra thôi, “nói trước bước không qua” mà (cười).

* Giá trị nổi bật của hát Xoan khiến ông “chắc như đinh đóng cột” rằng nó sẽ được vinh danh là gì?

- Hát Xoan là một tài sản rất quý của dân tộc ta, ra đời từ thời xa xưa, gắn bó với lịch sử dân tộc và có thể là một trong những nghi thức liên quan đến vua Hùng. Thậm chí không chỉ gắn với vua Hùng mà còn gắn với nhiều thứ. Ví dụ những bài ca của nó mang trong mình những chất liệu dân tộc, chất liệu văn hóa có chiều sâu từ rất xa xưa. Qua những bài ca, ngày nay, chúng ta có thể hiểu các cụ xưa gửi gắm “thông điệp” gì ở trong đó!

* Như vậy hát Xoan có gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng thờ vua Hùng, thưa ông?

- Tín ngưỡng thờ vua Hùng có gắn bó chặt chẽ với hát Xoan hay không thì quả thật tôi chưa có dịp nghiên cứu nên cũng không biết nói thế nào?! Tôi chỉ có thể khẳng định hát Xoan là một tầng văn hóa cổ của dân tộc!

* Vậy thì hẳn nó cũng chứa đựng biểu tượng cổ?

- Đúng vậy. Hát Xoan, hát Ghẹo, hát Dô... đều là tầng văn hóa cổ, chứa đựng những biểu tượng cổ và đó chính là điều đáng quý nhất. Vì vậy, nếu chúng ta nghe những biểu tượng cổ này “kể chuyện” về lịch sử, về văn hóa lâu đời của dân tộc bằng “tai nghe hiện đại”, bằng một thái độ hiện đại thì khó có thể hiểu được, mặc dù bản thân các biểu tượng cổ đó nó đã chứng minh được rằng hàng ngàn năm trước nước Việt đã có một nền nghệ thuật gắn với tín ngưỡng, với thời kỳ mở nước của chúng ta. Giá trị cao nhất của các biểu tượng cổ nó cũng nằm ở chỗ đó, cho chúng ta một niềm tự hào về lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam. Thế nên, ngày nay chúng ta phải hiểu nó như là nó từng có trong lịch sử chứ không thể bắt nó phải “nhảy nhót” giống với hiện đại!

Giữ hát Xoan trong hình thái sống động của nó

* Nếu giữ hát Xoan như nó từng có trong lịch sử, chắc khó là rất khó?

- Khó khăn lớn nhất để giữ các di sản văn hóa, nhất lại là văn hóa phi vật thể như hát Xoan chính là vấn đề phục dựng nó làm sao cho đúng như ngày xưa. Bởi lẽ UNESCO không công nhận cái đã bị cải biên, cải tiến. Bởi nếu dùng con mắt ngày nay để xử lý hiện vật lịch sử thì nó không còn là nó nữa.

Với hát Xoan, chúng tôi có được hình tượng của nó từ những năm 60 của thế kỷ trước nên khi phục dựng lại nó gần như rất ít có “dấu vết” của việc sân khấu hóa. Làm được như thế, nghĩa là chúng ta đã tiếp cận được lịch sử của chính chúng ta...

* Để hát Xoan được như xưa, hẳn vai trò của các nghệ nhân là vô cùng to lớn. Hiện nay, nghệ nhân hát Xoan ở Phú Thọ còn nhiều không, thưa ông?

- Những người độ tuổi 80 còn khoảng dăm vị. Những người độ tuổi 60, sức khỏe còn tốt thì còn khoảng mười vị nữa. Nhưng cái may bây giờ là các em gái trẻ vì nhận thức được tầm quan trọng của di sản nên đã tỏ ra hết sức có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của hát Xoan. Phải ghi nhận là các em học rất nhanh, được chính các cụ cao niên khen lắm.

Dự kiến vào cuối năm 2012, UNESCO sẽ xét duyệt 2 đề cử của Việt Nam cho danh sách Di sản văn hóa phi vật thể là đờn ca tài tử Nam Bộ và tín ngưỡng thờ Hùng Vương.

Thế nên, cả Phú Thọ có 4 làng Xoan thì cả 4 đều có đội hát Xoan. Điều đó kích thích cho toàn dân, ít nhất là ở những khu vực có hát Xoan vào cuộc để bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan. Lớp trẻ đã giữ thì yên tâm là con cháu của chúng sau này cũng sẽ giữ. Và thế là chúng ta vẫn giữ được hát Xoan trong hình thái sống động của nó.

Sau đờn ca tài tử nên đề cử sử thi Tây Nguyên

* Hát Xoan đã được vinh danh, như vậy, trên bàn của UNESCO hiện nay còn một bộ hồ sơ di sản nữa của Việt Nam là đờn ca tài tử. Theo ông, bộ hồ sơ này rồi đây có được vinh danh không?

- Tôi hoàn toàn tin tưởng đờn ca tài tử sẽ được UNESCO vinh danh vì đó là một di sản, tài sản vô giá thể hiện tài năng sáng tạo về âm nhạc không chỉ của người nghệ sĩ mà là của toàn dân. Khi còn là của cộng đồng thì đó chính là thế mạnh của di sản giúp chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm đờn ca tài tử rồi sẽ được công nhận và trường tồn với thời gian.

* Thế giả dụ sau khi đờn ca tài tử được công nhận, theo ông, nên đề cử di sản nào tiếp theo lên UNESCO?

- Đã đến lúc chúng ta nên tăng cường giới thiệu di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong “bảng vàng” của UNESCO đến nay Việt Nam mới chỉ có cồng chiêng Tây Nguyên. Và nhắc đến Tây Nguyên, tôi có ý đề cử sử thi Tây Nguyên. Nhiều nước, khu vực chỉ có dăm ba sử thi, nhưng chúng ta thì thật không thể tưởng tượng được: 801 sử thi. Mà đó chỉ là số liệu sưu tầm đợt đầu và tôi chắc còn chưa dừng lại ở con số đó. Nó vĩ đại đến như thế thì sao ta không làm hồ sơ đưa nó đến với thế giới nhỉ?

Đừng vì vui với “sân khấu hoá” mà bỏ hát Xoan cổ

Cần phải bảo tồn nguyên trạng hát Xoan ở cửa đình vào ngày lễ, Tết để đời sau thấy được vóc dáng, giá trị lịch sử của nó. Nếu chúng ta không giữ như thế, chỉ một, hai thế hệ nữa thì người ta sẽ hết kính trọng hát Xoan. Chúng ta chỉ có thể “sân khấu hóa hát Xoan” được một vài bài thôi chứ toàn bộ hát Xoan không thể mang lên sân khấu được vì bản thân nó sinh ra không phải vì sân khấu mà sinh ra vì dân, vì xóm. Cho nên, bên cạnh việc sân khấu hóa cho nó vui thì cũng đừng vì vui mà bỏ hát Xoan cổ. Bởi vì hát Xoan cổ mới là nền tảng văn hóa, còn cái việc sân khấu hóa chỉ là tham gia vào sinh hoạt văn hóa mà thôi. (GS-TSKH Tô Ngọc Thanh)

Huy Thông (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm