Định nghĩa lại một bài 'hit'

25/09/2013 18:50 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Có phải bên cạnh loại bài hit giúp mang lại danh tiếng và tiền bạc (mục đích cuối cùng) cho ca sĩ, còn có loại bài hit làm cảnh, thậm chí là hit ngốn tiền?

Nhân một nữ ca sĩ lên mạng phản đối gay gắt việc bị quy kết là chỉ có “hit ảo”, cho rằng bài của mình cả triệu người nghe ảo là ảo thế nào; và một nữ ca sĩ khác từng có bài hát được nghe khắp nơi, đặc biệt là siêu thị, quán cà phê, và tất nhiên trên mạng nữa, nhưng lại cũng lên báo kể rằng mình chẳng thu được lợi nhuận gì mà còn mất hết cả tiền để dành đầu tư cho sự nghiệp, suýt bỏ mộng Nam tiến… đã tới lúc phải đưa ra một định nghĩa mới về các bài hát thành “hit” chăng?

Hit làm cảnh

Theo cách hiểu thông thường, và thực tế đã thành quy luật cơ bản bao lâu nay của showbiz, khi một bài hát trở thành bài hit, tức là được nghe nhiều, được yêu thích cuồng nhiệt thì kéo theo đó là cuộc lên ngôi đổi đời của ca sĩ.

Thí dụ thì nhiều, không cần phải nêu lại nữa. Ca sĩ thường cho đó là cơ may bất ngờ mà “tổ đãi”. Người khôn khéo thì biết tận dụng cơ hội để thăng hạng và duy trì thành công của mình kéo dài. Người chưa khôn hay thậm chí vụng về thì thành một kiểu one-hit wonder, ầm ĩ vài tháng xong rồi lại trở về vạch xuất phát. Thí dụ cũng nhiều không kém. Nói chung, cái gì cơ may thì thường khó lặp lại, “tổ” cũng không dư giả gì mà “đãi” mãi, cho nên với ca sĩ có được bài hit thì quý cỡ nào cũng không cần phải nói thêm.



Các thí sinh đi thi thấy mình như những ngôi sao khi sau mỗi đêm thi xuất hiện nhưng khi cuộc thi kết thúc, số tin nhắn và số like trên mạng không biến thành người hâm mộ thực, hiện hữu, mà bỗng như bốc hơi đi đâu hết và thế là phải làm lại từ đầu

Nhưng trong một nền ca nhạc đại chúng còn rất nhỏ, lại có tính khép kín như ở Việt Nam, khi mà số lượng ca sĩ ngày càng nhiều lên, bài hát mới xuất hiện hàng ngày còn bài cũ bao nhiêu năm vẫn ngự trị, thì việc có bài hit ngày càng trở nên khó khăn. Vậy là nếu tổ không đãi nữa thì phải tìm cách tạo ra, dùng các chiêu thức nào đó biến bài hát thành một bài hit.

Công nghệ tạo hit cũng không phải là cái gì mới mẻ, và thực tế đã có bài hát thành hit nhờ đủ loại công nghệ thời Internet. Nhưng từ đây, một hình thức phái sinh ra đời: hit chỉ để làm cảnh, hit ảo, hit ngốn tiền.

Trên lý thuyết, và thực tế cũng chứng minh rằng lý thuyết ấy đúng, một bài hit phải đem lại danh tiếng ở độ phủ sóng rộng hơn nhiều cho ca sĩ, và quan trọng nhất là đem lại tiền bạc cho ca sĩ. Một ca sĩ khi có bài hát thành hit thì mặc nhiên phải đắt show, phải có lượng fan “thật” gia tăng đáng kể so với trước. Tóm lại, hit phải đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế. Mức độ chạy sô và thu nhập của ca sĩ sẽ là thước đo chính xác nhất hiệu quả một bài hit. Đây là điều không cần phải tranh cãi làm gì. Nếu ai đó bảo là không cần tiền bạc, chỉ cần hát thứ mình thích thì họ không phải đối tượng bài viết này đề cập, và họ cũng không cần, không nên quan tâm bài hát mình hát có thành hit hay không.

Vậy nên khi ca sĩ Đoàn Thúy Trang lên tiếng phản đối quan điểm cho rằng bài Tình yêu màu nắng của cô là hit ảo thì bên cạnh việc thấy rằng cô hoàn toàn có lý do chính đáng để bảo vệ bài hát của mình, cũng phải nhìn sang khía cạnh cơ bản nhất trong lý thuyết bài hit để thấy thực sự thế nào là ảo, thế nào là thật.

Bài Tình yêu màu nắng qua vài chia sẻ một số facebooker có tầm ảnh hưởng nhất định, nhanh chóng lan rộng, biến một câu đọc rap trong bài thành khẩu ngữ, và đa số nức nở khen video quay đẹp. Vô cùng hiếm hoi những lời khen dành cho các yếu tố cơ bản làm nên một bài hát được thích, được nghe nhiều, như là giọng hát, giai điệu, các tiểu xảo nhằm đem lại cảm giác bắt tai. Đến nay thì cơn sốt chia sẻ bài này đã qua, có thể coi là hit đã nguội, các fan cuồng đã có niềm say mê với những bài hát khác, cũng là lúc có thể bình tĩnh nhìn lại xem thực chất hit này ảo cỡ nào, thật bao nhiêu.

Việc thăng hạng trên thị trường thì chắc chắn đã không xảy ra rồi, trong thời gian bài này tung hoành trên mạng cũng không thấy có dấu hiệu chuyển động nào cho thấy thị trường ca nhạc sẵn sàng chào đón Đoàn Thúy Trang như một ngôi sao mới (dù cô hoàn toàn có cơ hội được như vậy, ít nhất là đã đăng quang ở Sao Mai). Vậy không phải hit làm cảnh thì là gì bây giờ?

Nuôi hit

Hồi trước, khi ca sĩ Nam Cường sau bao lận đận thì có được một bài hit giúp anh đắt show hơn hẳn, kiếm khá nhiều tiền trong thời gian bài hit còn tại vị, thì người quản lý của ca sĩ này đã than thở: “Ối giời ơi, mệt lắm ấy. Có được bài hit đúng là đổi đời thật nhưng mà nuôi cái hit ấy tốn không kém tiền thu về, mà mất ăn mất ngủ sợ hit bị nguội lại phải lo đi kiếm cái hit khác như bóng chim tăm cá. Nghĩ mà sợ!”.

“Nuôi bài hit” nghe có vẻ lạ tai, bởi quan niệm thông thường là hit phải nuôi ngược lại ca sĩ, nhưng ở thời mọi thứ có vẻ đến dễ dàng và đi dễ hơn thế này, thì việc sản xuất ra một bài hát, o bế nó, bằng mọi giá biến nó thành hit dù là hit ảo, rồi sau đó phải long đong lận đận lo mà “nuôi” nó đã trở thành một quy trình gần như bắt buộc, đặc biệt với những ca sĩ trẻ đang tìm cách thay đổi vị trí trong làng nhạc. Hit giờ không còn là con gà đẻ trứng vàng nữa, mà thành một con gà khó tính, khó nuôi. Không nuôi thì không có trứng mà ăn, nuôi thì đỏng đảnh nay đau mai ốm, có khi không may, mất sạch luôn.

Thí dụ có ngay, mới đây ca sĩ Bích Phương lên báo nói về việc mình biến mất một thời gian sau khi đã hết tiền trong cuộc Nam tiến lần đầu, đã làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi hơn một năm trước, giọng hát của cô vang lên khắp nơi, từ quán cà phê vỉa hè, siêu thị tới trung tâm mua sắm sang trọng và tràn ngập trên mạng qua một bài hát nghe tiếng hát như tiếng chim là Có khi nào rời xa. Bài ấy lan tỏa rộng tới mức nhiều người đinh ninh cô đã trở thành ngôi sao mới của dòng nhạc teen, ấy thế mà nay hóa ra cô đã chẳng đổi đời được thì chớ lại còn bị thiệt hại thêm. Vậy lý thuyết bài hit hóa ra là sai với trường hợp của cô chăng?

Từ hai thí dụ ấy, đã tới lúc chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng định nghĩa về các bài hit trên thị trường ca nhạc đã thay đổi, hoặc ít nhất xuất hiện thêm kiểu định nghĩa mới, và ai rơi vào trường hợp nào phải chấp nhận thôi. Việc này tương đương với hiệu ứng ở các cuộc thi hát kiểu truyền hình thực tế rất rầm rộ hiện nay. Các thí sinh đi thi thấy mình như những ngôi sao khi sau mỗi đêm thi xuất hiện tưng bừng trên báo mạng với vô vàn lời có cánh, có cả chục cái fanpage với mấy vạn người hâm mộ. Nhưng khi cuộc thi kết thúc, số tin nhắn và số like trên mạng không biến thành người hâm mộ thực, hiện hữu, mà bỗng như bốc hơi đi đâu hết. Thế là một số lớn các ngôi sao ti-vi kiểu ấy lại phải hì hục làm lại từ đầu, nói kiểu bông đùa là “về lại cái máng lợn”.

Với vụ bài hit theo định nghĩa mới này cũng vậy, phần lớn số lượt nghe trên mạng (miễn phí) đã không biến thành giá trị sử dụng thực sự: mua CD gốc, mua vé xem biểu diễn, đi phòng trà nghe hát… trong khi ca sĩ vẫn đinh ninh mình có cả triệu người hâm mộ đắm say tiếng hát và bài hát của mình. Chỉ tiếc là họ không có cách nào, không có cái máy GPS nào đủ hiện đại giúp họ định vị được hàng triệu người ấy đang ở đâu? Có bao nhiêu đến từ những cú click chủ động hoặc thụ động, có chừng nào được tạo nên bằng các dịch vụ hack lượt nghe được rao hàng ngày.

Trót tin vào thế giới ảo như vậy, cuối cùng hit chẳng sinh lời mà còn làm hao hụt tiền bạc, ca sĩ chẳng tự trách mình thì trách ai?

Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm