Đi tù, tử tự và truyền hình thực tế

02/11/2014 06:23 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà sản xuất luôn lấy tính “thực tế” để bào chữa cho những nội dung gây tranh cãi, nhưng đã đến lúc phải đặt câu hỏi: có cần loại bỏ khỏi màn ảnh những thứ "thực tế" phản nhân văn?

Gần đây, ngôi sao truyền hình Teresa Giudice và người chồng Giuseppe “Joe” bị bỏ tù 15 tháng vì tội lừa đảo. Cả hai vẫn là nhân vật trong chương trình truyền hình The Real Housewives of New Jersey (Những bà nội trợ đích thực của New Jersey) nên máy quay của kênh Bravo TV đã theo sát họ tại các phiên tòa, để quay các tình tiết kịch tính cho mùa thứ sáu.

Khi nhân vật là tội phạm

Teresa Giudice là một trong 6 nhân vật chính của chương trình kể về sự nghiệp và hôn nhân của phụ nữ này. Chi tiết cô bị kết tội và bỏ tù được đưa vào các tập của mùa thứ 6, bắt đầu lên sóng từ tháng 10.

Trên sóng truyền hình, có cả hình ảnh những nạn nhân của Giudice khóc lóc. Hai vợ chồng Giudice là tội phạm bị kết án và phải chịu trừng phạt, nhưng chương trình lại phản ánh vụ việc như một chuyện chia ly cảm động, giữa đôi vợ chồng và 4 đứa con gái. Truyền hình còn phát cảnh bữa tiệc Giáng sinh của gia đình như thể một dịp đoàn tụ cuối cùng.

Truyền hình đã khiến khán giả phân vân. Họ không hiểu thông điệp mà kênh Bravo muốn chuyển đến khán giả là gì. Thủ thuật bi kịch hóa của truyền hình thực tế trong trường hợp của The Real Housewives đã phản tác dụng, vì nhân vật được phản ánh một cách đáng thương là lại tội phạm.

Trang Atlantic bình luận: “Các kênh truyền hình đưa mọi thứ lên màn ảnh, không thèm quan tâm đến ảnh hưởng của chúng, cho đến khi người xem tức giận, chỉ trích trên mạng xã hội hoặc dọa ngừng xem chương trình”.

Hai đôi vợ chồng Teresa - Giuseppe và Taylor - Russell trong The Real Housewives of New Jersey

Một vụ tự tử vì truyền hình thực tế

Các nhà sản xuất ít khi đặt giới hạn với những nội dung không dính dáng đến luật pháp, kiện tụng hay gây ra hậu quả khó lường cho các nhân vật tham gia chương trình. Nhưng họ vẫn không tránh khỏi dính “phốt”.

Chương trình Jersey Shore của MTV từng dính một vụ như vậy khi ngôi sao Nicole “Snooki” Polizzi bị người lạ đấm vào mặt tại một quán bar. Chương trình vẫn phát cảnh này, nhưng sau đó phải gỡ do khán giả phản đối, cho đó là hành động bạo hành phụ nữ. Các nhà sản xuất nghĩ rằng họ đưa những cảnh như thế vào để thu hút khán giả. Nhưng khán giả lại cảm thấy họ và cả nhân vật đều bị xúc phạm.

Tuy nhiên không phải lúc nào khán giả cũng phản ứng đúng lúc, ví dụ điển hình là chương trình The Real Housewives vừa nêu ở trên. Thậm chí, chương trình này từng dẫn đến một cái chết có thật.

Đó là trong mùa đầu tiên và thứ hai của The Real Housewives. Taylor Armstrong, người từng là nhân vật trong chương trình, tranh cãi với người chồng Russell về việc anh ta bạo hành cô và đứa con gái 5 tuổi. Cảnh này được phát trên truyền hình và kết quả là Russell tự tử 3 tuần trước khi mùa thứ hai lên sóng.

Trước diễn biến bất ngờ, Bravo vẫn đưa cảnh cãi cọ của đôi vợ chồng lên sóng mùa thứ hai và bị khán giả kết tội gây ra cái chết của Russell. Các nhà bình luận truyền hình cho rằng kênh này đã bóp méo hình ảnh của Russell trên màn ảnh khiến anh uất ức tự tử.

Để xoa dịu dư luận, Bravo cắt bỏ vài cảnh, như Armstrong đi mua đồ lót gợi cảm để chiều chồng. Tuy nhiên, đài vẫn giữ cảnh cô đi dự tiệc với một bên mắt thâm tím. Ở đây ta thấy cách giải quyết của kênh Bravo vẫn nửa vời và không thay đổi được gì nhiều thực tế. Điều trớ trêu là mùa thứ hai lại có tỷ lệ xem cao nhất trong toàn bộ chương trình.

Những chương trình như thế vẫn có khán giả, bất chấp việc chúng gây ra những cái chết và làm tan vỡ vài gia đình. Vì thế, chúng vẫn tiếp tục được sản xuất. Về phía mình, khán giả muốn xem bi kịch, tranh cãi, va chạm… như một khoái cảm tội lỗi mà họ khó có thể từ bỏ.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm