Đạo diễn Cường Ngô: Phụ nữ Việt quá bí ẩn, nên tôi làm phim

17/09/2010 12:45 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Trong một dịp trở lại TP.HCM mới đây, Cường Ngô tiết lộ với TT&VH rằng “động cơ chính” của việc làm bộ phim Ngọc viễn đông (dự kiến công chiếu vào Giáng sinh 2010) là vì phụ nữ Việt quá bí ẩn. Anh cũng tiết lộ về cách xử lý sự bí ẩn nói trên trong chuỗi liên hoàn 6 phim ngắn này.

* Đành rằng sự bí ẩn của người phụ nữ là một quyến rũ, nhưng trong đời sống thì có nhiều sự quyến rũ khác dễ bắt mắt người xem. Tại sao anh lại chọn chủ đề phụ nữ cho bộ phim liên hoàn đầu tay của mình?

- Người Việt mình vốn trọng gia đình, mà ở đó, người cha như thân thể, còn người mẹ như là con tim và linh hồn. Chính vì vậy, trong chuyến trở lại quê hương, tôi muốn làm một bộ phim về cái gốc bền vững này, nơi “tiếng mẹ đẻ” của mình véo von như chim hót - nên nhân vật nữ phải là trung tâm.


Đạo diễn Cường Ngô

Cường Ngô, tên đầy đủ là Ngô Quốc Cường, sinh năm 1978, từng thực hiện các phim ngắn: Kẻ nhờ đường (đoạt giải Accolade ở California, Mỹ), Cây trâm vàng (đồng tác giả kịch bản với Nguyễn Thị Minh Ngọc, đã tham dự khoảng 40 liên hoan phim quốc tế và đoạt một số giải thưởng).

Lý do tiếp theo, vì mê phim từ nhỏ, nên sau này đi xem phim đây đó, nhất là trong các liên hoan phim, ngoài những tác phẩm “kiểu bom tấn” mình chưa thể có cơ hội thực hiện, thì những phim có kinh phí thấp, làm về các chủ đề quê hương, con người, văn hóa, tâm linh... đâu có gì mà không thể?

Tôi làm Ngọc viễn đông cũng với ước mộng giới thiệu vẻ đẹp của người phụ nữ và phong cảnh sống của người Việt cho quốc tế xem; để thấy rằng, Việt Nam không chỉ có chiến tranh như họ vẫn hay tưởng tượng.

* Ước mong thì như vậy, nhưng khi bắt tay vào làm, những khó khăn mà anh gặp phải là gì?

- Xin được nói thật, là phụ nữ nói chung đã khó, là phụ nữ Việt (xét cả cộng đồng người Việt trên toàn thế giới) càng khó hơn - vì những giềng mối làm nên bản sắc của họ rất tinh tế, thâm trầm và có nhiều ràng buộc khó giãi bày.


Nguyễn Thị Minh Ngọc trong phim
Một cái khó khác là khi điện ảnh kết hợp với văn chương, làm sao phải có sự nhuần nhuyễn và thông hiểu lẫn nhau, không thể chỉ theo ý của riêng mình. Dù rất thích những tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc viết về phụ nữ, nhưng để hiểu được các ẩn ý mà tác giả đưa vào, chúng tôi phải làm việc qua điện thoại nhiều lần, bất kể ngày đêm, vì chị Ngọc ở Mỹ, còn tôi ở Canada.

Thêm một cái khó nữa, là vì người phụ nữ Việt quá bí ẩn, trong khi đó, phim của tôi vừa muốn giữ chất văn học, vừa muốn kiệm lời, vừa muốn diễn tả hết các cung bậc của họ, nên quả thật việc tìm một ngôn ngữ hình ảnh chung cho các việc này cũng là thách thức.

Bằng các hình ảnh nhẹ nhàng, nhiều ẩn dụ, tôi cũng muốn kể về những cảm xúc sâu kín, những tâm lý dồn nén và cả thế giới tính dục của người phụ nữ Việt. Với tôi, đây là điều khó khăn nhất.

* Dù phim chưa công chiếu, nhưng qua trailer và hình chụp phim trường, tôi thấy 6 nhân vật nữ chính trong phim của anh có hai điểm chung là ánh mắt thường xa xăm, như chứa một nỗi buồn; trong phim ai cũng soi gương và trầm ngâm?

- Vì phụ nữ quá khó hiểu, nên tôi chỉ có thể đề cập đến những khía cạnh rất nhỏ trong đời sống của họ, đó là những khoảnh khắc được nhìn thấy trong ánh mắt, nhất là khi họ ưu tư, hoặc buồn.

Riêng những tấm gương, tôi nghĩ khi người ta soi vào đó một mình, nhìn vào đó thật lâu, thì tất cả sẽ hiện ra, không gì có thể che giấu hay lừa phỉnh được, vì bóng cũng là hình, tuy bóng ở trong gương nhưng kể về hình hài ở bên ngoài. Thực tế cũng cho thấy, bản thân mình thường ngắm mình rất ít, nên khi trực diện với gương, mình sẽ được đối thoại với chính mình, qua đó, quá khứ và vị lai sẽ được kết nối.


Phương Quỳnh trong phim
* Trong phim của anh, NSND Như Quỳnh là đại diện cho phụ nữ Hà Nội, Trương Ngọc Ánh là Hội An và Chăm Pa, Ngô Thanh Vân là xứ biển miền Trung và Phan Thiết, Hồng Ánh là Đà Lạt với nét cổ điển phương Tây, Nguyễn Thị Minh Ngọc là đô thị Sài Gòn và Phương Quỳnh là cô gái trong trắng, chân chất của miền Tây Nam bộ. Được biết anh sẽ lấy Phương Quỳnh (10 tuổi) để làm cái kết cho chuỗi hành trình xuyên Việt này. Tại sao thế?

- Phim của tôi có một hành trình trải dài từ Sa Pa vào đến miền Tây, nhưng tất cả phong cảnh ấy chỉ để phục vụ cho hoàn cảnh nhân vật, cả hai cùng hòa quyện vào nhau. Nó cũng giống như hành trình của người Việt ngày xưa, đi từ miền Bắc vào miền Nam ấm áp khai hoang, lập nghiệp. Qua tâm trạng của mỗi nhân vật, người xem sẽ thấy một vùng miền văn hóa Việt Nam, trong cách nhìn của tôi. Nếu nhìn ở góc độ triết lý, thì nhân vật của Phương Quỳnh là đại diện của một kiếp sống mới, tươi trẻ và thẳng thắn; còn nhìn rộng hơn, sáu nhân vật này chính là sáu giai đoạn, sáu cung bậc của người phụ nữ Việt.

Ngọc viễn đông (khoảng 110 phút) gồm 6 phim ngắn (mỗi phim chừng 18-20 phút): Tặng phẩm (NSND Như Quỳnh), Thức (Nguyễn Thị Minh Ngọc), Thực/mộng (Hồng Ánh), Thuyền (Trương Ngọc Ánh), Trăng huyết (Ngô Thanh Vân), và Thơ (Phương Quỳnh).



Văn Bảy (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm