Đặng Thái Sơn - Cái tình của một lần trở về

06/02/2014 12:39 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - 2013 là năm đặc biệt với những ai yêu mến Đặng Thái Sơn, trong đó chắc không ít người giống tôi, thầm ước năm nào cũng được nghe Sơn diễn Tân niên. Sự khác thường còn ở chỗ người tưởng như bị mặc định “chỉ chơi nhạc Chopin” lại không hề chơi Chopin, kể cả bài “bis”.

1. Chopin vẫn là “tác giả suốt cả cuộc đời” của Sơn. Song không phải lúc nào cũng dựa vào thế mạnh nhất, anh chẳng ngại vượt khỏi không gian âm nhạc Lãng mạn vốn là sở trường của mình để liên tiếp chinh phục người nghe bằng tác phẩm của các thời đại khác nhau. Một cách bất ngờ và ngoạn mục, năm nay anh đã thực hiện mong muốn từ lâu là mang đến cho công chúng Việt Nam sự mới mẻ qua những hình tượng âm nhạc khác, màu sắc khác, vẻ đẹp khác.

Một trong những vẻ đẹp trong chương trình lần này là âm nhạc Debussy. Với những phá cách táo bạo trong ngôn ngữ biểu hiện, Debussy đã vẽ những bức tranh phong cảnh sống động qua con mắt thời đại, chất chứa những trăn trở ngày càng phức tạp của con người đương đại. Trong bảng màu lung linh tươi mới đặc trưng của ông, nổi bật hơn cả là màu sắc phương Đông.

Theo các nhà sử nhạc phương Tây, Debussy thời trẻ đã rất ấn tượng với chất liệu nhạc cổ Việt Nam, khi nghe dàn nhạc đại nội triều đình Huế trình tấu tại Hội chợ quốc tế ở Paris. Có thể bị nhạc Á Đông mê hoặc từ đấy, để rồi nhà soạn nhạc lại mê hoặc người nghe bởi vẻ đẹp quyến rũ mang nhiều nét phương Đông trong tác phẩm của ông. Giờ tới lượt Sơn - niềm tự hào của phương Đông, mê hoặc công chúng bằng âm nhạc Debussy qua tiếng đàn quyến rũ của mình.

Cảm giác về không gian và thời gian vừa thực vừa mơ hồ. Sự chuyển động khúc xạ ánh sáng qua nhiều tầng âm thanh tương phản, mới đó còn trong vắt thanh thoát đã thoắt hư ảo chập chờn. Những gì có thể cảm nhận từ cách diễn giải Debussy của Sơn không chỉ là thiên nhiên đa sắc và biến động, mà là cả một thế giới nội tâm đầy éo le, mâu thuẫn, xung đột và siêu thực. Sơn như cá gặp nước tự do bơi lội vẫy vùng trong dòng chảy Debussy, không khác gì Những chú cá vàng trong tiểu phẩm cùng tên trích từ Images mà anh đã chơi trong đêm diễn. Chẳng biết có từ “Debussist” không, nhưng tôi chợt nghĩ: nếu từng quen gọi Sơn là Chopinist, thì cũng có thể đưa Sơn vào danh sách Debussist lắm chứ!


Đặng Thái Sơn (bìa trái) biểu diễn trong Festival Piano tại TP HCM. Ảnh Nguyễn Á.

2. Để tôn vinh cái đẹp nhân loại trong sự sáng tạo không ngừng của riêng mình, ngoài tài năng, khổ luyện và bản lĩnh nghề nghiệp người nghệ sĩ còn cần lòng can đảm, sự trải nghiệm cuộc sống và đương nhiên cả những cảm xúc chân tình được bắt nguồn từ tấm lòng yêu đời, yêu người.

Ân tình trong lần trở về này còn được thấy rõ ở những “yếu tố Việt” trong chương trình biểu diễn. Việc Sơn trình tấu tác phẩm của hai người bạn cũ: Đặng Hữu Phúc và Đỗ Hồng Quân - hai nhà soạn nhạc có uy tín, cũng là hai tay đàn lâu năm trong “làng” pianist - chắc chắn không những làm họ thêm hào hứng tiếp tục viết cho piano, mà còn khích lệ các tác giả khác vươn cao hơn, bởi được một nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế như Sơn biểu diễn và quảng bá tác phẩm ra thế giới là điều may mắn không phải bất kì ai cũng có.

Có trước có sau, bên cạnh nghĩa tình với quá khứ còn có sự chăm chút cho tương lai. Sơn là thế, cho nên anh không chỉ chơi nhạc của thế hệ trước, mà còn chơi nhạc cùng thế hệ sau. Song tấu với tay đàn trẻ Lưu Hồng Quang là một cách truyền cảm hứng tuyệt vời cho đồng nghiệp tương lai. Chắc hẳn không ít pianist đệ tử xuất sắc ở Việt Nam hoặc đang gắng khẳng định mình trên nhạc trường quốc tế, từ nay bắt đầu nuôi hi vọng có dịp được song tấu với sư phụ Đặng Thái Sơn.

3. Kín đáo và dè dặt trong cuộc sống, Sơn luôn bộc lộ hết con người mình với cây đàn, như thể rút ruột! Nghe Sơn đàn có thể hiểu con người Sơn. Nghe anh dạy đàn cũng thế: cũng rút ruột nhả tơ, sẵn lòng trao cho trò những gì có thể từ vốn hiểu biết và kinh nghiệm phong phú của mình. Người có nhiều master-class trên khắp thế giới mỗi lần trở về, dù bận mấy cũng cố dành thời gian “đứng lớp”. Nhân Liên hoan piano lần này, Khoa Piano Nhạc viện TP Hồ Chí Minh may mắn giành được trọn buổi sáng của Sơn trước khi anh bay ra Hà Nội chuẩn bị cho buổi diễn hôm sau tại Nhà hát Lớn.

Rất dịu dàng và ân cần, sắc sảo và dí dỏm, vừa bằng lời nói vừa qua tiếng đàn, thầy Sơn truyền lại những bài học quý giá cho sinh viên về cách chơi đàn và cho giảng viên về phương pháp dạy đàn. Cách đàn đôi khi biểu lộ cả kỹ năng sống. Trong đời có bao nhiêu lần vì quá săm soi vào những điều nhỏ nhặt mà bạn quên mất cái lớn hơn? Và bạn dễ dàng lạc lối, đâm quàng đâm xiên nếu chỉ cắm cúi nhìn xuống chân mà quên quan sát hướng đi phía trước. Chơi đàn cũng thế, làm sao có thể làm chủ được mình nếu không có được tầm nhìn bao quát và chỉ biết chăm chắm vào tiểu tiết. Thể hiện tốt từng chi tiết đơn lẻ mà không liên kết được chúng lại với nhau một cách hợp lý trong dòng chảy âm nhạc, người biểu diễn chắc gì đã thoát khỏi cái ngưỡng của kỹ thuật để chủ động chuyển tải ý đồ nghệ thuật của tác phẩm. Đó là sự khác nhau giữa nhạc công bình thường với một nghệ sĩ thực thụ.

Trong vài giờ ngắn ngủi mà thầy kịp nhắc nhở những lỗi thường mắc đó ở các trò Việt Nam và khéo léo giảng giải từ bao quát đến chi tiết: cái nhìn tổng thể toàn bộ tác phẩm, sự thấu hiểu cấu trúc đoạn nhạc để vận dụng đúng màu sắc hòa âm, cách tìm điểm nhấn trong câu nhạc gây cảm giác đợi chờ khát khao lời giải đáp, rồi kĩ xảo dùng cánh tay, đặt ngón tay sao cho có được âm thanh phù hợp nhất cho từng bản nhạc, từng tác giả và từng trường phái... Trao bí quyết tạo ra âm thanh đẹp, thầy còn dạy cách lấy hơi và thở theo câu nhạc, đặc biệt thầy nhấn mạnh phải biết nghe dấu lặng, bởi trong âm nhạc các dấu ngừng nghỉ không đơn thuần im hơi lặng tiếng, mà luôn phải là những “dấu lặng biết nói”.

4. Trong cuộc đời cũng có những dấu lặng như thế.

Đêm ấy đường Sài Gòn lắng xuống, cuối cùng thì cũng dứt hẳn cái không khí náo nhiệt kéo dài mãi sau buổi diễn của Sơn (2-12) mở màn cho tuần lễ Liên hoan piano tại Nhạc viện TP HCM. Nghe rõ mồn một tiếng bánh xe của chiếc vali đựng trang phục diễn mà Sơn kéo theo sau, nhưng âm thanh đều đều ngoan cố đó vẫn còn thua tiếng cười “xả láng” của anh, cứ chốc chốc lại rộ lên trong câu chuyện giữa mấy người bạn từ thuở hàn vi. Cười nói thoải mái, rủ rỉ chuyện nọ xọ chuyện kia, loay hoay xắn lại cái tay áo cứ thõng xuống sau mỗi lần vung tay “chém gió” hơi mạnh... Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên hình ảnh rất đời thường của bạn trong những khoảnh khắc này, những dấu lặng phía sau hoa, tiếng vỗ tay và ánh đèn sân khấu.

Đêm cuối cùng (4-12) ở Hà Nội cũng vậy. Những cái nắm tay ôm vai vội vàng có “đính kèm” thêm vài câu đùa bỡn kéo dài giọng cho ra vẻ đáo để, rồi cùng ha hả cười dấu bớt đi những bịn rịn phút chia tay. Thời gian tranh thủ ngồi cùng bạn cũ sau mỗi đêm diễn trôi qua thật mau, chưa kịp nói hết những gì muốn nói thì đã đến lúc Sơn lại một mình một bóng ra đi.

Ra đi nhưng cũng là trở về ngôi nhà riêng, nơi Sơn dừng chân “nạp năng lượng” giữa các chuyến lưu diễn. Không chỉ để nghỉ ngơi mà còn tập luyện - nói theo cách của anh là dành thời gian để “tự mình dạy mình”. Đã khép lại một năm đầy ắp các chương trình độc diễn (recital) và độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng ở nhiều quốc gia: Brazil, Canada, Mĩ, Nga, Ba Lan, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Nhật, vùng lãnh thổ Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc đại lục...

Còn năm 2014 thì sao? Sau khi “sạc điện” Sơn sẽ lại “tung chưởng” mới cho chương trình mùa Thu tới với hai tác giả khác xa nhau về phong cách: Scarlatti với vẻ đẹp chuẩn mực của thời Baroque và Schumann với những đam mê điên cuồng đến tuyệt vọng của kỷ nguyên Lãng mạn. Một Đặng Thái Sơn đương lúc chín và sung vẫn mỉm cười bí hiểm: ai dám bảo U60 không có quyền bồng bột, đắm say và nổi loạn trong cảm xúc mạnh nữa nhỉ?

Năm 2014 cũng là năm Sơn dự tính dành nhiều thời gian hơn cho giảng dạy. Chỉ đợi thầy về là học trò từ các châu lục Âu, Á, Úc tới tấp bay đến Canada xin thụ giáo. Bên cạnh các khóa dài hạn cho sinh viên cao học ở Montreal và khóa ngắn hạn chuyên sâu cho các tài năng trẻ chuẩn bị tham gia concours quốc tế, anh còn có không ít giờ lên lớp trong các liên hoan âm nhạc tại Canada, Pháp, Ba Lan, Nhật...

Mong Sơn sớm về đây

Trở lại điều ước của tôi với tư cách “fan” của Đặng Thái Sơn: mong sao Việt Nam lại giành được một chỗ ưu tiên trong lịch trình năm tới của anh, dù điều kiện phòng hòa nhạc ở ta vẫn thua xa chuẩn quốc tế. Tuy không một lời phàn nàn, nhưng mối quan tâm về điều này ở Sơn rất lớn nên vừa rồi anh cũng sắp xếp thời gian tham quan phòng hòa nhạc đang trong giai đoạn hoàn thiện của Học viện Âm nhạc quốc gia. Sẽ thật may mắn nếu có Đặng Thái Sơn khai trương cho phòng hòa nhạc đang được kỳ vọng đạt chất lượng âm thanh tốt nhất khu vực. Sẽ thật hoàn hảo nếu có Đặng Thái Sơn trình diễn ở một sự kiện lớn nữa trong đời sống âm nhạc chuyên nghiệp: lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Liên hoan Âm nhạc Á - Âu do Hội Nhạc sĩ tổ chức vào mùa Thu năm 2014.

Tiếp tục độc hành trên con đường sáng tạo nghệ thuật ở xứ người, Sơn sẽ sớm lại trở về đây, nơi có má của Sơn và những người thân trong gia đình Sơn, nơi có những người bạn “ruột” của Sơn và rất-rất nhiều người hâm mộ Sơn.


Nguyễn Thị Minh Châu

Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm