Dang dở giấc mộng phim Hè

06/06/2012 14:44 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Khi Gia sư nữ quái công rạp (1/6) thì cũng là lúc Dành cho tháng Sáu hết chiếu vòng 1, nên có thể nói phim Việt cho mùa Hè 2012 chỉ là chuyện “một mình ra rạp”, chẳng thể cạnh tranh, chẳng thể so đo. Thế nhưng, thật éo le và thật buồn, bởi tính từ điện ảnh “mì ăn liền”, gần 20 năm qua, đây mới là thời điểm để chúng ta lại nói về một khái niệm cũ, vốn bình thường ở nhiều nước, nhưng còn hơi xa xỉ tại Việt Nam: phim Hè.

Nhân nhắc lại điện ảnh “mì ăn liền” (cuối thập niên 80 đầu 90), trong khoảng 140 phim được sản xuất thời kỳ này, đã có nhiều phim lấy cảm hứng từ lứa tuổi sinh viên học sinh và được chiếu trong mùa Hè. Vì lúc đó, phổ biến nhất là các đội chiếu bóng lưu động, nên Hè trở thành mùa lý tưởng để phim ra sân bãi, không sợ bị mưa gió. Chính vì vậy, có thể nói không ngoa, kể từ 1975, khi nói đến phim Việt mùa Hè thì phải nhắc lại thời “mì ăn liền” như một đỉnh cao, chủ yếu là cao về số lượng phim.


Phim Dành cho tháng Sáu - lá đơn xin việc được bảo chứng

Chưa tới lúc để phân loại

Đáng lý giữa năm nay có ba phim Việt ra rạp, cùng xoáy vào đề tài học sinh - tuổi mới lớn, nhưng Bẫy cấp 3 (ĐD: Lê Văn Kiệt) bị cấm chiếu vì nó “quá mãn teen”. Còn lại là cuộc “nối đuôi” giữa “cựu binh” (Lê Bảo Trung) và “tân binh” (Nguyễn Hữu Tuấn).

Đầu tiên, phải khẳng định ngay rằng, việc ba phim này cùng lấy đề tài tuổi teen làm trung tâm là do trùng hợp ngẫu nhiên, chứ chẳng phải điện ảnh Việt đã đến lúc định hướng đúng hay tự phân loại. Bởi Bẫy cấp 3 được sản xuất từ trước Ngôi nhà trong hẻm (cũng của Lê Văn Kiệt) nhưng chưa phát hành vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố bạo lực và sex khiến nhà sản xuất muốn thăm dò, chứ không phải để đợi mùa Hè mới chiếu. Ngay cả Dành cho tháng Sáu cũng vậy, loay hoay rất lâu mới tìm được nhà phát hành, nếu BHD không gật đầu như mấy nơi khác, thì đâu có chuyện phim Hè hay không Hè.

Ngoài chuyện lấy chủ đề tuổi teen, đặc điểm chung của ba phim này là phía đạo diễn tự bỏ tiền ra sản xuất, Lê Văn Kiệt và Lê Bảo Trung còn có đối tác thực hiện theo lối góp vốn, chứ Nguyễn Hữu Tuấn thì gần như độc lập hoàn toàn. Cách làm độc lập thường có ưu thế là đạo diễn được tự tung tự tác, có thể phiêu hết cỡ. Nhưng thách thức lớn nhất là khó được phía phát hành chia sẻ, bởi họ thấy không mấy khả thi trong việc bán vé; họ không được đồng hành từ đầu, khó chen hình ảnh quảng cáo và làm truyền thông.

Không biết Bẫy cấp 3 thế nào, riêng hai phim còn lại thì chẳng có gì là phiêu, khi Lê Bảo Trung đã chọn hướng an toàn để đi, còn Nguyễn Hữu Tuấn thì cố gắng kể một câu chuyện tròn trịa và bình dị. Dấu ấn đạo diễn và mô hình phim tự sản xuất, phim độc lập còn khá mờ nhạt, chẳng khác gì phim “không độc lập” hay phim đặt hàng thương mại. Bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phải là những đạo diễn rất cá tính mới đủ tự tin và năng lực để làm phim độc lập; đạo diễn bình thường thì nên tìm cách đi con đường bình thường.

Dành cho tháng Sáu “lấy lòng” được người xem bằng một câu chuyện tự nhiên, góc quay kì công và đẹp, đặc biệt là sự dũng cảm của đạo diễn khi muốn tự khẳng định mình bằng một phim dài. Trong khi Gia sư nữ quái chỉ là câu chuyện hài đơn giản… Nếu phải so sánh, thì Dành cho tháng Sáu đậm chất teen hơn, câu chuyện cũng teen trọn vẹn, còn Gia sư nữ quái chỉ teen một nửa, nhiều trường đoạn còn nghiêng về hướng “mãn teen” nhiều hơn.


 Cảnh trong phim Gia sư nữ quái - đạo diễn chưa tạo được dấu ấn cho mình

Giấc mộng xa vời

Không thể nói hai phim Hè năm nay sẽ mở ra triển vọng cho dòng phim teen, vì tự mỗi nhà sản xuất - cũng là đạo diễn, ngay từ đầu, đã không có suy nghĩ hay tham vọng đó.

Với Dành cho tháng Sáu, khi đa số báo giới đều khen về chất lượng của phim đầu tay, thì ngược lại, khán giả lại ít đi xem, vì phim nói 100% giọng miền Bắc, khán giả trẻ Sài Gòn (do thiếu sự từng trải) không nghe kịp thoại. Mà doanh thu và sức tác động chính của phim chiếu rạp vẫn luôn là chuyện của thị trường Sài Gòn. Điều mà đạo diễn này nhận được và cũng là kinh nghiệm cho nhiều đạo diễn trẻ khác, đó là, nếu đủ quyết tâm và tay nghề, bạn vẫn có thể làm được một phim dài vừa vặn cho riêng mình. Dù sao thì Dành cho tháng Sáu có lẽ là đơn xin việc khá dày dặn của Nguyễn Hữu Tuấn, bởi anh đã chứng minh được mình với giới làm nghề, dù phim chưa thật hấp dẫn với người xem.

Phim Gia sư nữ quái có một khởi đầu khá tốt, đến mức người xem tưởng mình sắp mục kích được một phiên bản đẹp của “Châu Tinh Trì” Việt Nam. Thế nhưng, càng về sau chất cường điệu hóa càng hạ nhiệt, nhường chỗ cho chất hài nhảm leo thang; nhiều trường đoạn bị mất trục chính, để vai phụ lấn lướt. Với dàn diễn viên nặng chất hài như Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn, Trấn Thành (tự thân họ đã có lượng người hâm mộ khá lớn, đặc biệt Hoài Linh và Bảo Thy), phim có thể bán được nhiều vé, nhưng “đẳng” của đạo diễn thì không có gì đáng nói.

Nếu so với Chiến dịch trái tim bên phải (ĐD: Đào Duy Phúc) cách đây 5-6 năm, cũng dành cho teen, thì hai phim năm này chưa thể “qua mặt” được. Đặc biệt ở khía cạnh kịch bản và thông điệp hướng đến teen, hai phim nói trên mới chỉ dừng lại ở mức “mượn cớ làm phim”, chưa có tính phát hiện câu chuyện độc đáo. Còn nếu so với hai phim dịp Hè 2010 là Để Mai tính (ĐD: Charlie Nguyễn) và Giao lộ định mệnh (ĐD: Victor Vũ) thì rõ ràng phim tự sản xuất hoàn toàn lép vế.

Vì ít nên e dè

Cắt nghĩa sự dở dang này, có nhiều lý do, mà tiên quyết nhất vẫn là chuyện phim Việt còn quá nghèo nàn, ngay về số lượng. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 10 phim, chia cho 12 tháng là rất ít, nên còn quá sớm để nói phim theo mùa, phim theo thể loại.

Phim đã ít mà số rạp cũng ít, nếu tính theo tỷ lệ đầu người, cả nước hiện nay có gần 300 phòng chiếu, trong đó chỉ có khoảng 120 phòng chiếu đạt chất lượng, có thể cạnh tranh bán vé. Số phòng chiếu này còn ít hơn ở nội thành Bangkok, nơi có khoảng 500 phòng chiếu. Trừ một hai thành phố lớn, dân Việt một hai thập niên gần đây vẫn chưa lấy lại được thói quen đi xem rạp, trong khi đó đĩa lậu thì bán đến tận nhà bếp, nên nhiều người đã chọn giải pháp ở nhà xem, vừa rẻ vừa được việc. Ngay ở TP.HCM cũng vậy, chỉ dân ở một vài quận trung tâm mới đi xem phim rạp, chứ các quận xa xa, hoặc vùng ven thì năm khi mười họa mới ra rạp một lần, lạI chỉ yếu vào dịp Tết.

Chính bối cảnh như vậy nên nhà sản xuất nào cũng muốn chen chân vào Tết, với hi vọng bớt hoặc không bị lổ vốn. Mấy năm trước còn dễ thở, năm vừa rồi có đến 6-7 phim ra rạp dịp cuối năm, thị phần bị chia nhỏ, rạp lại ít, nên phần lớn bị lỗ nặng. Cũng chính bối cảnh như vậy, mà một vài phim như Để Mai tính, Long Ruồi… không ra rạp dịp Tết mà doanh thu vẫn cao, đã trở thành sự kiện được bàn tán rất nhiều, xem như mở ra tiền lệ, đúng hơn là đã vượt qua định mệnh “làm phim một mùa”. Thế nhưng kinh nghiệm này vẫn không học được, vì tại Việt Nam ít có đoàn phim nào đồng bộ. Để kiếm một ê-kíp như nhóm của Charlie Nguyễn hay Victor Vũ là nhức con mắt.

Cũng vì một lý do nữa, do việc thu hồi vốn quá mong manh, nên các nhà sản xuất cũng không dám đầu tư nhiều tiền để làm một cái gì đó lơn lớn hoặc thực sự “trưởng thành”. Và như vậy, giấc mộng phim Hè hay bất kì phim mùa nào, thể loại nào… vẫn là chuyện tương lai và của tương lai mà thôi.

Văn Bảy
-   
-  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm