Ca khúc 'Seven Nation Army' của The White Stripes: Đoạn riff vĩ đại của lịch sử

19/06/2022 19:21 GMT+7 | Giải trí

Có thể khẳng khẳng định rằng Jack White là một trong những tay guitar cải cách nhất thế hệ mình. Tiếng rền rĩ xé tai như của một vị thần rock không chút ăn năn luôn tuyệt vọng tìm đường thoát khỏi amply trong hầu hết những phần guitar của anh ở cả The White Stripes lẫn dự án solo.

Ca khúc 'Gimme Shelter' của The Rolling Stones: Những nỗi đau không thể khỏa lấp

Ca khúc 'Gimme Shelter' của The Rolling Stones: Những nỗi đau không thể khỏa lấp

Ca khúc "Gimme Shelter" (Cho tôi nơi trú ẩn) được viết cho album "Let It Bleed", với sự hỗ trợ của giọng hát đệm vĩ đại nhất mọi thời đại Merry Clayton.

Dù vậy, ngay cả anh cũng phải thừa nhận rằng đôi khi sự đơn giản là chìa khóa bước vào vĩnh cửu. Đoạn riff (là một đoạn nhạc hoặc một chùm hợp âm được lặp đi lặp lại trong một nhạc phẩm) có lẽ là vĩ đại nhất của anh đã ra đời không thể đơn giản hơn. Tất nhiên, đó là trong “thánh ca” Seven Nation Army của The White Stripes.

Vị trí khó chạm tới

Ở Anh, không có nhiều cách để thể hiện sự đánh giá cao dành cho một ca khúc hơn là hát nó ở những trận bóng đá. Từ lâu, những sân vận động ở Anh đã được coi như thước đo cho tình cảm mà công chúng dành cho âm nhạc, và Seven Nation Army thì nằm ở vị trí trang trọng trong từ điển bóng đá xứ Sương mù.

Hơn cả thế, người hâm mộ bóng đá Italy - một đất nước cũng không thiếu những ca khúc kinh điển để hát ở sân bóng - lại cũng yêu thích Seven Nation Army đến mức luôn hát ca khúc khi đội tuyển nước nhà tiến sâu vào World Cup 2006. Năm đó, Italy vô địch thế giới, sau khi đánh bại 7 quốc gia khác, và Francesco Totti đã dẫn đầu 500.000 cổ động viên hát Seven Nation Army để ăn mừng chiến thắng. Seven Nation Army cũng lập tức trở lại BXH Italy, leo lên tới vị trí No.3.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn “Seven Nation Army”

Nhưng sự đặc biệt của Seven Nation Army vẫn chưa dừng ở đó. Khi một ca khúc được đám đông hát, dễ thấy là họ sẽ chọn hát điệp khúc hoặc những đoạn có ca từ đặc thù. Thế nhưng, với Seven Nation Army, đám đông không chỉ hát mà còn ngâm nga đủ nốt trong đoạn guitar riff! Dù mọi người nghĩ gì, đây là trường hợp cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử. Arctic Monkeys đôi khi cũng được hưởng vinh quang hiếm có này ở những buổi lưu diễn nhưng là từ những người hâm mộ kỳ cựu nhằm phân biệt họ với những người hâm mộ mới.

Thế nên, có thể nói, với Seven Nation Army, hay chính xác hơn là đoạn guitar riff của ca khúc, The White Stripes đã đặt mình ở vị trí gần như không thể chạm tới. Thật khó tưởng tượng ra vinh hạnh nào lớn hơn cho một tay guitar. “Không gì đẹp hơn trong âm nhạc bằng khi mọi người đón nhận giai điệu và cho nó đi sâu vào đền Pantheon của âm nhạc dân gian” - Jack White tự hào nói.

Chuyện ngồi lê đôi mách

Vậy mà, đoạn riff huyền thoại này lại ra đời trong một hoàn cảnh khó có thể bình thường hơn. Khi đó, Jack White đang ngồi ngẩn ngơ bên cây đàn guitar trong buổi kiểm tra âm thanh trước đêm diễn tại khách sạn Corner ở Melbourne, Australia vào năm 2002.

White thích thú nhớ lại rằng khi nghĩ ra đoạn riff, anh thấy nó rất thú vị nên liền chơi thử cho bạn cùng nhóm/ vợ cũ Meg White và Ben Swank - một giám đốc điều hành của hãng đĩa Third Man đang đi theo The White Stripes. “Swank, nghe thử đoạn riff này này” - White gọi.

Swank không chút ấn tượng với giai điệu, nghĩ rằng White có thể “làm tốt hơn”.

White, ngược lại, yêu thích đoạn riff tới mức “Tôi nghĩ nếu được yêu cầu viết ca khúc cho phim James Bond tiếp theo, đây sẽ là đoạn riff cho ca khúc đó”. (Tuy nhiên, White khi đó không nghĩ mình có cơ hội đó. Nhưng thú vị là năm năm sau, White thực sự làm ca khúc Another Way to Die cũng Alicia Key cho phim Bond năm 2008 Quantum of Solace).

Phần ca từ thì mãi sau White mới nghĩ ra và lúc đó anh đơn giản gọi nó là “Seven Nation Army”. Đây là cách hồi nhỏ White dùng để gọi Cứu thế quân - một tổ chức xã hội của Tin lành với các hoạt động từ thiện được tổ chức giống mô hình quân đội với mục tiêu “đánh bật cái xấu khỏi thế gian”, chinh phục thế giới cho Chúa Jesus.

Ban đầu, đây chỉ là kiểu đặt tên vu vơ, để nhắc White nhớ anh đang nói tới đoạn riff nào. Khi hoàn thiện ca từ, nó mang một ý nghĩa khác: “Tôi sẽ chiến đấu chống lại tất cả/ Cả Cứu thế quân cũng không thể cản được tôi”. Nhưng thay vì cuộc chiến chống lại cả thế giới như James Bond, White đã chọn một cuộc chiến nội bộ hơn nhưng không kém phần cam go: Chống lại những người bạn xấu.

Chú thích ảnh
“Seven Nation Army” là quốc ca không chính thức của binh đoàn thiên thanh, đặc biệt được lan truyền nhờ Francesco Totti

Nhân vật trong Seven Nation Army vật lộn ngày đêm với suy nghĩ bạn bè đang đâm sau lưng anh. Tình cảnh thảm hại tới mức anh phải rời đi để rồi lại phải trở lại khi quá cô đơn.

Seven Nation Army bắt đầu bằng hai người thật tôi biết ở Detroit. Nó là về những chuyện ngồi lê đôi mách, sự lan truyền những lời dối trá và phản ứng của mọi người về nó. Nó xuất phát từ sự thất vọng khi chứng kiến những người bạn tôi làm vậy với nhau” - White có lần giải mã trên Rolling Stone.

Dù ban đầu hoàn toàn không có ý định phơi bày bản thân, cuối cùng, ca khúc lại thành phép ẩn dụ cho chính những trải nghiệm tồi tệ của White. Cụ thể là về White, vợ cũ của anh và những người họ hẹn hò.

Thời điểm đó, The White Stripes mới thành lập được vài năm nhưng đã có những bước tiến xa không ngờ. Chỉ trong ba năm chóng vánh, họ đã từ một bộ đôi ở Detroit chuyên khuấy động những hộp đêm nhỏ thành nghệ sĩ biểu diễn trước 100.000 khán giả ở lễ hội Glastonbury. Dù chống cự thế nào, mọi thứ cũng thay đổi. White và vợ cũng chia tay nhau dù vẫn hoạt động chung. Seven Nation Army chính là giãi bày trải nghiệm hủy diệt đó của White.

Tất nhiên, ca từ Seven Nation Army có ý nghĩa lớn về mặt cá nhân của White và tạo ra những tác động vào thời điểm đó. Nhưng theo thời gian, nó không còn quá quan trọng khi so với sự hùng vĩ không lời mà White trưng ra khi cắm dây guitar vào amply và chơi đoạn riff.

Seven Nation Army nằm trong album phòng thu thứ tư của The White Stripes, Elephant. Bất ngờ là cả hãng đĩa ở Anh lẫn Mỹ đều không muốn đưa nó thành đĩa đơn. Các hãng thích ca khúc There’s No Home For You Here hơn. Thế nhưng chính Seven Nation Army mới là hit đầu tiên của nhóm trên Hot 100 Mỹ và lọt Top 10 ở Anh. Tại Grammy 2004, ca khúc thắng giải Ca khúc rock hay nhất dù theo White, nó là “điệu blues của thế kỷ XXI với phiên khúc thứ ba là cái gì đó từ hàng trăm năm trước”. Anh thích thú nói: “Đáng lẽ nó nên thắng giải Ca khúc blues hoang tưởng nhất”.

Nhưng trên cả những giải thưởng, thành tựu lớn nhất của Seven Nation Army nằm ở sức thâm nhập không thể cản phá của nó vào văn hóa đại chúng. Nhiều thập kỷ trôi qua, đây vẫn là ca khúc được ưa chuộng cả ở những phòng nhạc tại gia lẫn những sân vận động lớn và được Rolling Stone xếp thứ 36 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại, thứ 3 trong 100 Ca khúc vĩ đại nhất thế kỷ 21, thứ 21 trong 100 Ca khúc guitar vĩ đại nhất mọi thời đại, riêng đoạn riff được miêu tả là vĩ đại nhất thế kỷ 21.

Rất ít nghệ sĩ guitar nào có thể tự hào về đoạn riff của mình hơn Jack White tự hào về đoạn riff trong Seven Nation Army.

Phiên thu âm giải độc

Vì The White Stripes không có người chơi bass, đoạn riff nổi tiếng thật ra được chơi bằng guitar với hiệu ứng hạ quãng tám để có âm trầm như tiếng bass. Đặc biệt, với Elephant, toàn bộ phần viết, thu âm, mix hay master đều không sử dụng máy tính. Seven Nation Army cũng như phần còn lại của album đều được thu bằng thiết bị analog có tuổi đời đã hơn 50 năm ở phòng thu Toe Rag. Toe Rag thành lập ở Hackney, Đông London năm 1991 với quy trình nghiêm ngặt chỉ sử dụng các thiết bị phòng thu có từ trước thập niên 1960. Thành công của Elephant tại Toe Rag đã được hoan nghênh như liều thuốc giải độc cho xu hướng làm nhạc điện tử khi đó.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm