Ca khúc 'Always On My Mind': Anh đã có thể yêu em nhiều hơn thế

14/08/2022 19:22 GMT+7 | Giải trí

Trong cuốn sách Nashville Songwriters: The Inside Stories Behind Country Music’s Greatest Hits, tác giả tiểu sử âm nhạc Jack Brown đã phỏng vấn những nhạc sĩ đồng quê ưu tú nhất để tìm hiểu “câu chuyện thật sự phía sau những hit nhạc đồng quê vĩ đại và trường tồn nhất” - như ông nói - “Những gì tiếp theo là một trong những cuộc phiêu lưu viết lách ly kỳ nhất đời tôi, và là một cuốn thánh kinh cho người hâm mộ nhạc đồng quê nhiều thế hệ đang hi vọng được biết thêm về nơi những nhạc phim đời họ bước ra”.

Ca khúc 'Love Will Tear Us Apart' của Joy Division: Tình yêu xé nát hôn nhân

Ca khúc 'Love Will Tear Us Apart' của Joy Division: Tình yêu xé nát hôn nhân

Tình yêu mang hai con người xa lạ gắn kết với nhau, đó là điều kỳ diệu không còn xa lạ. Nhưng lại có thứ tình yêu khiến người ta phải xa nhau, đến cách biệt âm dương như trong "Love Will Tear Us Apart".

Trong cuốn sách này không thể thiếu được Always On My Mind của 3 tác giả Wayne Carson, Johnny Christopher và Mark James. Phiên bản của Willie Nelson là hit thắng giải Ca khúc của năm của Hiệp hội Âm nhạc Đồng quê 1982 cũng như loạt giải Màn biểu diễn hát nam đồng quê hay nhất, Ca khúc đồng quê hay nhất và Ca khúc của năm tại Grammy 1983.

Ngã ba sáng tạo

Câu chuyện dài kỳ về Always On My Mind bắt đầu vào năm năm 1972 với tác giả đầu tiên: Wayne Carson. Khi đó, ông đang phải đi công tác ở Memphis, Mỹ. Carson đã phải kéo dài chuyến đi thêm 10 ngày so với dự kiến. Những chuyến đi triền miên thế này rõ ràng khiến vợ ông vô cùng khó chịu. “Cô ấy khá tức giận về chuyện này” - Carson nhớ lại - “Thế nên, tôi phải cố trấn tĩnh cô ấy”.

Cuộc điện thoại đã trở thành một phần lịch sử rock ‘n’ roll khi Carson dỗ dành vợ: “Anh biết là anh đã đi quá nhiều nhưng em lúc nào cũng ở trong tâm trí anh”. Ngay khi nói ra câu này, ông “cảm giác như ai đó lấy búa đập vào đầu tôi”. Carson liến thoắng tạm biệt vợ, dập máy nhanh nhất có thể bởi khi đó, ông phải viết ngay ra một ca khúc - ca khúc rằng đáng lẽ anh phải đối xử với em tốt hơn, bên em nhiều hơn nhưng thật sự là em luôn ở trong tâm trí anh và anh vô cùng hạnh phúc khi em là của anh.

Chú thích ảnh
Nhiều người đã tưởng Elvis Presley sáng tác “Always On My Mind” cho vợ là Priscilla

Hài lòng với ca khúc, Carson mang nó tới phòng thu để thu thử. Tại đây, nhà sản xuất - bạn thân thiết lâu năm Tips Smallman khăng khăng nói rằng ca khúc này cần phải có một đoạn chuyển - đoạn nhạc thường khác biệt cả về ca từ và giai điệu so với các phần còn lại của ca khúc, dùng để nối các phần chính lại. Đó là một ý tưởng hoàn toàn xa lạ với Carson vì ông không bao giờ nghĩ Always On My Mind lại cần một đoạn chuyển. Cấu trúc khi đó rất đơn giản là phiên khúc - tiền điệp khúc - điệp khúc rồi trở lại từ đầu. Smallman đẩy Carson lên lầu. Trên đó có một cây guitar và một cây dương cầm để Carson thử xem có gì mới lóe lên trong đầu không.

Đúng lúc này, tác giả thứ hai của Always On My Mind Johnny Christopher lững thững bước vào hỏi: “Cậu có cần giúp đỡ không?” Đúng là sự giúp đỡ cần thiết. Thế nhưng, cả hai lại ngồi nghiền ngẫm mãi mà không được gì!

May mắn, ngay lúc đó, Mark James vừa đi lấy thư ở công ty xuất bản sát cạnh phòng thu về. Thấy hai người ngồi nhăn nhó, James liền hỏi: “Các cậu đang làm gì thế?” James tới lúc này chưa hề biết tới sự tồn tại của Always On My Mind nhưng ông đã nhập cuộc rất nhanh. Ba người cuối cùng đã viết được đoạn chuyển cả về giai điệu và ca từ: “Xin hãy nói với anh rằng tình yêu ngọt ngào của em không chết/ Hãy cho anh một cơ hội nữa để làm em hài lòng”. Đoạn chuyển này được Carson ca ngợi như là “hit của hit”.

“Tất cả chúng tôi thêm vào chút đặc biệt cho ca khúc. Ca khúc có thể không bao giờ thành hình nếu thiếu ba chúng tôi” – James nhận định.

Vừa hoàn thành xong, bộ ba liền mang Always On My Mind xuống cho ban nhạc nghe và được công nhận là hit. Tips Smallman cũng hoàn toàn hài lòng với phiên bản hoàn thiện này và tin ca khúc sẽ thành No.1. Tràn trề lòng hứng khởi như những cậu nhóc học trò vừa phát minh ra món đồ mới, Smallman cùng Carson bay tới Nashville để gặp nhà sản xuất Fred Foster, quyết tâm cho Always On My Mind những cơ hội tốt nhất.

Thế nhưng, ở đây, họ bị Foster dội cho một gáo nước lạnh: “Tôi không nghĩ thế giới đã sẵn sàng với nó”. Tức điên lên, họ lại bay về Memphis và Smallman đã gào lên rằng: “Hắn ta rồi sẽ nguyền rủa cái ngày mình từ chối ca khúc này, tôi có thể nói vậy ngay bây giờ. Ca khúc này sẽ là vĩ đại”.

Sự thật đúng là như vậy!

“Always On My Mind” của Willie Nelson là Ca khúc của năm tại Grammy 1983:

Thành hit toàn cầu nhờ ông hoàng rock ‘n’ roll

Always On My Mind lần đầu được thu âm bởi Brenda Lee - danh ca có nhiều hit chỉ kém Elvis Presley, The Beatles và Ray Charles vào thập niên 1960. Tuy nhiên, bản của Gwen McCrae lại phát hành trước của Lee - đứng thứ 45 trên BXH đồng quê - ba tháng, vào tháng 3/1972. Nhưng người đầu tiên đưa ca khúc lên thành hit toàn cầu là Elvis Presley.

Giữa Presley và Mark James đã có quan hệ rất tốt trước đó khi ca khúc Suspicious Minds của James đã giúp vực lại sự nghiệp của ông hoàng rock ‘n’ roll. Thời điểm Always On My Mind mới ra đời, Red West là người đang xử lý xuất bản cho Presley. West đã gọi điện cho James để hỏi: “Elvis đang cần vài ca khúc. Anh có ca khúc nào hợp không?” James lập tức đáp: “Tôi đang có một ca khúc cực kỳ tuyệt vời đây!”

Giống như với Suspicious Minds, Presley mê Always On My Mind ngay. Ông ghi âm nó vào ngày 29/3/1972 nhưng phải tới tháng 11 mới phát hành. Sự chậm trễ này hóa ra lại là một may mắn lớn cho Always On My Mind. Phiên bản của Presley vốn đã da diết nhưng ca khúc chiếm sóng mọi đài phát thanh một phần bởi mọi người đều nghĩ đó là về hôn nhân đang trục trặc giữa Presley với Princilla.

Chú thích ảnh
“Always On My Mind” thành công lớn nhất trong phiên bản của Willie Nelson

Always On My Mind nằm ở mặt B của Separate Ways, leo lên No.20 trên Hot 100 và ở lại BXH 12 tuần. Ca khúc còn trở lại mạnh mẽ hơn trong album tổng hợp Elvis: 2nd To None - lên tới No.3 Billboard 200 và ở trong BXH 16 tuần. Phiên bản của Presley thậm chí còn nổi tiếng hơn ở Anh. Năm 1977, ca khúc đạt tới No.9 ở Anh và giữ trên BXH 22 tuần. Năm 1985, ca khúc quay lại ở No.59 và ở lại trong năm tuần. Trong khi đó, Elvis: 2nd To None đạt No.4, ở lại 12 tuần. Always On My Mind là một trong những hit nổi tiếng nhất của Elvis Presley ở giai đoạn cuối sự nghiệp.

Nhưng đây mới là người đưa ca khúc lên đỉnh

Một ca khúc kinh điển đã thành danh nhờ một ông hoàng không khiến các nghệ sĩ khác nản lòng. Một thập kỷ sau bản thu của Presley, Always On My Mind mới chính thức lên tới đỉnh cao nhất của mình nhờ Willie Nelson. Lần này, Johnny Christopher là cầu nối.

Năm 1982, Christopher đang làm album Pancho And Lefty cho Nelson và Merle Haggard. Vào đêm chuẩn bị hoàn tất album, Christopher chợt nảy ra ý tưởng rằng họ có thể thu âm Always On My Mind: “Tôi hỏi Nelson: Tôi có ca khúc này và hồi xưa Elvis từng thu âm”.

Ông cầm cây guitar lên tự chơi và hát. Nelson và vợ Connie lắng nghe và dường như thích thú nên đã nói Christopher ghi âm lại rồi mang về nhà. Sáng hôm sau, Christopher nhận được điện thoại nói rằng Haggard không hứng thú nên đã rời đi và album đã xong. Tuy nhiên, Nelson muốn đưa Always On My Mind vào album mới của mình. Christopher liền phi tới gặp Nelson và hai người, cùng cây đàn guitar, đã dạy và học trực tiếp Always On My Mind. Ông đã vô cùng sốc khi biết Nelson dùng Always On My Mind làm chính tên album và là đĩa đơn mở đường. Phiên bản của Nelson sau đó đã thành công hơn bao giờ hết khi đứng đầu BXH Đĩa đơn nhạc đồng quê của Billboard trong 21 tuần và đứng No.5 trên Hot 100 cùng loạt giải thưởng danh giá nhất như đã nói ở đầu bài.

Như Christopher nói, theo thời gian, Always On My Mind bắt đầu mang một tính cách và tỏa hào quang riêng vô cùng đặc biệt. Nó tình cờ mang cả hương vị pop, đồng quê, R&B. Nó có mọi thứ và dễ dàng chạm vào tất cả mọi người trong một cảm xúc nguyên bản nhất. Một phép màu giản dị lập tức được cảm nhận như khi gặp tri kỷ của đời!

300 bản ghi âm

Từ khi được sáng tác tới nay, năm nào cũng có nghệ sĩ ghi âm lại Always On My Mind. Tính tới nay, có ít nhất 300 bản ghi âm, tới từ nghệ sĩ của nhiều dòng nhạc như Chris de Burgh, B.J. Thomas, Anne Murray, Julio Iglesias, Michael Bublé và The Pet Shop Boys. Có bốn lần ca khúc lọt top 20 của Mỹ với những phiên bản khác nhau là: Presley năm 1972, John Wesley Ryles năm 1979, Nelson năm 1982 và Pet Shop Boys năm 1987. Trong cuộc thăm dò của BBC Music năm 2014, phiên bản của Pet Shop Boys được bình chọn là ca khúc cover hàng đầu mọi thời đại.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm