Bản quyền sản phẩm truyền hình: 'Không có gì là miễn phí'

21/04/2015 11:05 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - “Không có gì là miễn phí cả”, một đại diện của Hàn Quốc chia sẻ trong Hội thảo Bản quyền tác giả Việt Nam - Hàn Quốc 2015. Đó là điều hiển nhiên, nhưng ở một thị trường còn “tự do” như Việt Nam người dùng đa phần chỉ thích miễn phí và rất hồn nhiên vi phạm bản quyền.

Google từ khóa "miễn phí" tại Việt Nam cho ra 48.900.000 kết quả (một con số "khủng"). Điều này cho thấy người Việt Nam quan tâm đến những thứ miễn phí như thế nào. Với sự phổ cập của Internet, người dùng có nhiều cơ hội xài "chùa" hơn. Nói riêng ở lĩnh vực truyền hình và điện ảnh, việc quản lý bản quyền trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi có Internet.

Vi phạm bản quyền, câu chuyện dài và mệt mỏi

Gần đây nhất bộ phim điện ảnh Siêu nhân X đã bị phát tán trên mạng gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất. Nhưng nhà sản xuất cũng chỉ can thiệp được tới mức yêu cầu các website gỡ bỏ, nhờ cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm phát tán và sau đó giống như các vụ vi phạm bản quyền khác, vụ việc đi vào quên lãng.

Trong lĩnh vực truyền hình, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều. Từ năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam đã thúc đẩy việc bảo vệ bản quyền sản phẩm truyền hình của mình, có lập kênh riêng trên YouTube để chủ động cung cấp nội dung... nhưng vẫn thường xuyên bị vi phạm bản quyền.


Táo quân 2014, một chương trình truyền hình từng bị vi phạm bản quyền

Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ của VTV lấy ví dụ: "Những chương trình phải mua bản quyền rất đắt như The Voice, The Voice Kid đã từng bị một trang web lấy về đạt tới 16,6 triệu và 32,3 triệu lượt xem. Những vi phạm này gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho VTV. Hoặc như website của chương trình Thay đổi cuộc sống (Change Life) gần đây bị rất nhiều trang web giả mạo, rồi dẫn đường link đến các cơ sở thẩm mỹ của Hàn Quốc. Khi chúng tôi sờ đến thì họ chuyển địa chỉ web sang Hàn Quốc, chúng tôi đã nhờ bên Hàn Quốc xử lý nhưng vẫn không ăn thua, câu chuyện này còn chưa dừng lại".

Theo ông Vân, động cơ vi phạm bản quyền về cơ bản là vì lợi nhuận, các trang web lấy về để thu hút lượng người xem cao, có thể thu hút thêm quảng cáo. Ngoài ra, nguyên nhân vi phạm bản quyền còn do sự thiếu hiểu biết dẫn đến các vụ kiện tụng khá mệt mỏi.   

Hiện nay phần lớn các vụ vi phạm bản quyền tác giả tại Việt Nam đều chỉ bị xử lý hành chính, chứ chưa có một vụ nào được xử hình sự. Hiện trạng này cho thấy vấn đề bản quyền ở Việt Nam còn rất sơ khai. Tại hội thảo, trong khi một số công ty lớn ở Hàn Quốc cho biết họ phải đầu tư hàng triệu USD cho những phần mềm tầm soát vi phạm bản quyền, thì Việt Nam, đơn cử như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết họ chỉ có thể cử hai nhân viên ngồi xem các chương trình truyền hình để rà soát xem chương trình nào vi phạm. Một sự khác biệt quá lớn.

Thúc đẩy từ bên ngoài

Với doanh thu ấn tượng từ điện ảnh trong vài năm trở lại đây, không còn nghi ngờ gì, Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Đơn cử ví dụ gần đây nhất, bộ phim Fast & Furious 7 đã thu về 5 triệu USD tại Việt Nam sau 12 ngày chiếu.

Những tập đoàn nước ngoài đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam, và họ chắc chắn không muốn miếng bánh lợi nhuận bị nhỏ đi vì nạn xâm phạm bản quyền. Từ năm 2013 đã manh nha có những hội thảo về bản quyền do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tổ chức, năm nay tới lượt CJ E&M... phối hợp với Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam tổ chức.

Những cuộc hội thảo này mang tính chất trao đổi kinh nghiệm, hay thực chất là nâng cao nhận thức cho Việt Nam về lĩnh vực bản quyền, thậm chí cũng là một động thái "đốc thúc" Chính phủ Việt Nam phải quan tâm hơn đến vấn đề bản quyền. Hầu hết những đơn vị nước ngoài đều khuyên, công tác về bản quyền chỉ "chạy tốt" khi được Chính phủ hỗ trợ. Vì vấn đề bản quyền chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong một thế giới phẳng nhờ Internet như hiện nay.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm