Uyên Linh - tài năng từng bị bỏ quên?

02/01/2011 07:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) -Vietnam Idol 2010 đã khép lại, thần tượng âm nhạc mới đã xuất hiện. Đúng như phần đông khán giả dự đoán (và mong muốn). Đó chính là Uyên Linh, cái tên đốt nóng rực các diễn đàn, các trang báo kể từ đêm 18/12 khi cô “bùng nổ” trên sân khấuVietnam Idol ở phim trường của hãng Phim Việt.

>> Chuyên đề: Vietnam Idol 2010 đầy kịch tính

Uyên Linh - thần tượng âm nhạc của Vietnam Idol 2010. (Nguồn: Internet)

Giới chuyên môn xoa tay hài lòng bởi người mà công chúng muốn cũng là người họ muốn. Đạt được sự đồng thuận lớn như vậy mới thấy Uyên Linh đã thể hiện khả năng của mình như thế nào, thuyết phục ra sao. Đó là năng khiếu thiên bẩm, thứ không thể thiếu với những người làm nghệ thuật và chỉ cần có chỗ là bộc lộ? Và khi nó đã bộc lộ, nó đủ sức đánh gục những khối óc cứng rắn nhất, khắt khe nhất? Xem Uyên Linh trong cả quá trình Vietnam Idol, nhất là nửa sau của chặng đường thì thấy điều đó có vẻ đúng. Vậy cô gái với cái tên Uyên Linh ở Vietnam Idol 2008 không vào nổi đến top 100 là ai? Uyên Linh của Sao mai - Điểm hẹn 2008 và chỉ dừng ở chung kết phía Bắc là cô gái nào? Rồi Uyên Linh trong năm 2009 ở Sao mai nữa (không biết có bao nhiêu người nhớ ra)?... Xin thưa, tất cả những cô Uyên Linh đó với cô Uyên Linh của Vietnam Idol 2010 là một. Vậy giám khảo của những cuộc thi trước đã bỏ quên một tài năng? Hay Uyên Linh không có sự thiên bẩm đủ mạnh để khẳng định bản thân ngay lập tức mà phải tôi luyện, dành dụm trong hai năm để đạt kết quả như hiện tại?

Nói tới năng khiếu âm nhạc, phải thừa nhận Uyên Linh có nó. Nó được bộc lộ từ 4-5 năm trước khi cô hát Chiếc lá đầu tiên (Tuấn Khanh) trong một chương trình không chuyên. Dù còn nhiều ngô nghê trong cách thể hiện nhưng cô hát rất chắc chắn, luyến láy vừa tới, không quá điệu nhưng vẫn làm mềm bài hát. Quan trọng ở chỗ chất giọng, khoảng vang không khác biệt lắm so với bây giờ. Nếu vẫn còn nghi ngờ về năng khiếu của Uyên Linh thì ta nên nghe What’s Up mà cô thể hiện trong không gian mộc mạc của một khán phòng và không có phụ trợ của micro, tăng âm, reverb… hay bất kỳ một thiết bị âm thanh nào khác (bạn có thể tìm thấy clip này trên Youtube). Một ca khúc có nhịp độ trung bình nhưng lượng bật âm trong mỗi ô nhịp dày, nốt trầm liên hoàn xen với vài nốt cao bất ngờ được cô thực hiện với sự lấy hơi hợp lý nên đảm bảo được cao độ, lời ca và thể hiện được luôn cả phần sắc thái, tình cảm. Một người không qua đào tạo chính quy mà hát như vậy thì còn dùng từ nào hợp lý hơn là năng khiếu!

Trở lại vấn đề thi cử. Nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc, tại sao một giọng ca thuyết phục như vậy mà những kỳ thi trước bị loại từ sớm và không để lại ấn tượng nhiều. Nếu bị loại từ top 4, top 5 hay vào tới chung kết toàn quốc của Sao mai - Điểm hẹn đã đành. Thời gian thì mới năm kia chứ mấy. Chính Siu Black cũng phải thốt lên trong đêm chung kết 18/12 rằng: “Sao tôi lại quên em ở mùa Idol trước nhỉ?…”. Vậy là Uyên Linh đã lột xác? Hai năm có đủ làm nên sự thay đổi lớn đến như vậy hay vấn đề vẫn lại ở BGK?


Đã có những câu hỏi này kia được đặt ra từ fan của Uyên Linh, những người biết cô và khả năng của cô từ lâu, những người đã từng thưởng thức giọng hát của cô mà chẳng cần thông qua cuộc thi nào. Với cách nhìn nhận đầy cảm tính của họ thì ta thấy rõ một vấn đề: Dị nghị! Còn nhìn nhận ở góc độ khách quan hơn, kỹ càng hơn thì hai năm là không nhiều với một người từng trải, nhưng với một cô gái ở độ tuổi đôi mươi, độ tuổi mà tâm lý, thể trạng, năng lượng thay đổi và phát triển liên tục thì hai năm cũng là một khoảng thời gian có giá trị. Quá trình đó không làm thay đổi quá nhiều giọng hát cũng như sự cảm thụ âm nhạc của Uyên Linh, nhưng kinh nghiệm xử lý bài hát, kinh nghiệm thi cử, sự tự tin chắc hẳn được tôi rèn đáng kể. Có được những đêm diễn đầy thành công ở mùa Idol năm nay, ngoài những yếu tố đó có một yếu tố không thể không đề cập: Sự khích lệ. Nó là chất xúc tác rất quan trọng trong các phần thể hiện của Uyên Linh. Vậy chất xúc tác đó đến từ đâu?

Trong đời sống âm nhạc thỉnh thoảng vẫn xuất hiện vài nhân vật khiến đồng nghiệp và những người đi trước “ngã ngửa” vì năng khiếu. Lúc ấy, giới thạo nghề thường nói với nhau: Cậu này, cô này… mà được học hành tử tế thì phải biết. Thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Nhiều sinh viên giờ chỉ còn là cái bóng của chính họ trước đây, khi mà họ chưa bước chân vào môi trường đào tạo bài bản. Họ cứng nhắc, thu mình, thụ động mỗi khi tiếp cận tác phẩm. Nguyên nhân được họ tâm sự là: Sống trong môi trường mà hệ thống đào tạo, cụ thể ở đây là các giáo viên luôn đề cao tính chính xác, tính nghiêm nghị và công thức đến từng ô nhịp, không có sự tưởng thưởng cho “phiêu”, cho ngẫu hứng…, nghĩa là rất hiếm lời khen dành cho họ, nhất là đối với những người có thiên hướng ngả sang trào lưu nhạc nhẹ. Điều đó khiến họ thui chột, sợ sai và vỡ mộng vì thấy năng khiếu của mình chả để làm gì. Ngược lại, một cái gật đầu tán thưởng của vị thầy giáo khó tính sẽ khiến họ như mở cờ trong bụng và dư âm có thể kéo dài cả tháng. Chất xúc tác chính là điểm đó.

Với Uyên Linh, chất xúc tác này đến rõ ràng nhất từ nhạc sĩ Quốc Trung, vị giám khảo khó tính của Vietnam Idol 2010. Mọi người đều thấy Uyên Linh là một trong số ít những thí sinh nhận được sự cảm tình của anh. Nhận xét về Uyên Linh, anh thường đề cập đến gu thẩm mỹ, sự cảm nhận, phong cách âm nhạc. Những thứ Uyên Linh có thừa. Vai trò quan trọng của Quốc Trung trong BGK không phải bàn cãi vì danh tiếng của anh cũng như cách sắp xếp của BTC khi luôn để anh lên tiếng trước ba vị giám khảo còn lại. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới các thí sinh và cả những vị giám khảo khác mỗi khi anh cất lời khen hoặc chê. Uyên Linh chắc chắn được lợi từ khía cạnh này. Trong một vòng thi, Quốc Trung từng thổ lộ: “tôi không đề cao lắm vấn đề đào tạo…”, câu nói này đánh tan sự mặc cảm (nếu có) của Uyên Linh về việc học hành trong ca hát, thúc đẩy vốn liếng sẵn có trong con người cô và bộc lộ nó không phải e dè. Có nghĩa là cô chỉ còn mỗi một việc phải làm: Phát huy. Trong hoàn cảnh như vậy, không thăng hoa mới là lạ!

Cao trào về sự bùng nổ của Uyên Linh phải kể tới đêm chung kết 18/12. Khi đã được sự ủng hộ tuyệt đối của BGK mà đầu tàu là nhạc sĩ Quốc Trung, một nhạc sĩ hàng đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam, lẽ dĩ nhiên người ta có đủ sự tự tin để biểu diễn. Biểu diễn thật sự chứ không còn thi nữa. Thông điệp qua cách diễn của Uyên Linh hôm đó dường như rất rõ ràng: Giám khảo tôi đã chinh phục được rồi, giờ là các bạn (công chúng). Chỉ có sự khát khao hát cho đông đảo khán giả thì Uyên Linh mới có thể “cháy” như vậy.

Giờ đây, khi Uyên Linh đã đạt vinh quang. Nhiều người đã nghĩ ngay tới quãng đường tiếp theo của cô. Đâu đó dấy lên câu hỏi sẽ thế nào khi cô đứng trên một sân khấu quy mô hơn, rộng rãi hơn. Liệu cô có bị lọt thỏm khi bên cạnh là vũ đoàn, đạo cụ và những thứ chưa chắc đã kém quan trọng hơn ca sĩ. Điều đó sẽ được kiểm chứng vào chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 23 sắp tới khi cô được mời tham gia. Có rất nhiều ca sĩ sau khi đoạt giải lặn mất tăm trên thị trường âm nhạc. Họ không được các nhà tổ chức mời? Phải chăng cách đăng quang của họ không gây được ấn tượng với các nhà tổ chức? Hay họ không thay đổi để thích ứng với các chương trình (để phục vụ cho thị hiếu số đông)? Về cách đăng quang, Uyên Linh không ngại vì hiệu ứng cô tạo nên đủ để các nhà tổ chức yên tâm. Còn về sự thay đổi bản thân? Đó là sự lựa chọn của cá nhân cô. Suy cho cùng, sự thay đổi hình ảnh trong sự nghiệp của một ca sĩ là điều chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng đó phải là sự thay đổi dựa trên quy luật vận động chứ không phải thay đổi để chiều lòng cá nhân hay tổ chức nào. Hi vọng Uyên Linh sẽ thay đổi để hướng công chúng thay đổi theo mình, giống như cô đã làm được ở Vietnam Idol 2010. Điều đó là vô cùng chông gai nhưng cần phải đặt ra với một Thần tượng âm nhạc Việt Nam. Với Uyên Linh, bây giờ cuộc thi mới thực sự bắt đầu.

Khanh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm