Xem các bức ảnh kinh điển về chiến tranh Việt Nam của hãng AP

12/06/2015 16:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phản ánh cuộc chiến tranh tại Việt Nam một cách khách quan, trung thực, chính những bức ảnh này đã giúp dư luận thế giới hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của cuộc chiến, đồng thời sớm có sự chia sẻ và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Dưới đây là một số bức ảnh được lấy từ triển lãm Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến do hãng Thông tấn AP tổ chức tại Hà Nội từ 12 - 22/6  tại 45 Tràng Tiền.

Trong giai đoạn diễn ra chiến tranh Việt Nam, hãng AP đã cử rất nhiều phóng viên ảnh xuất sắc tới văn phòng tại Sài Gòn để đưa tin. 58 bức ảnh trưng bày tại triển lãm là những tác phẩm được biết tới nhiều nhất từ đội ngũ này. 

Phản ánh cuộc chiến tranh tại Việt Nam một cách khách quan, trung thực và dũng cảm, chính những bức ảnh này đã đóng góp một phần quan trọng vào việc giúp dư luận thế giới hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của cuộc chiến, đồng thời sớm có sự chia sẻ và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Sau cuộc triển lãm, 58 bức ảnh này sẽ được Hãng AP tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.


Tháng 8/1962, lính Việt Nam Cộng hòa kiệt sức, ngủ mê mệt trên một chiếc xe của Hải quân Mỹ đưa họ trở lại thủ phủ của tỉnh Cà Mau. Trước đó, trong một chiến dịch kéo dài bốn ngày, đơn vị bộ binh này đã chống lại quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở vùng đầm lầy ở điểm cực Nam của Việt Nam. Ảnh: Horst Faas

Ngày 11/6/1963, tại một đường phố Sài Gòn, nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bức ảnh này đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Với bức ảnh này trên bàn trong phòng Bầu Dục, Tổng thống Kennedy nói với đại sứ của ông “Chúng ta sẽ phải làm gì đó với chính quyền này”. Ảnh: Malcolm Browne


Ngày 19/3/1964, một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Tấm ảnh này của Horst Faas nhận được giải Pulitzer cho ảnh năm 1965.

Ngày 25/4/1965, dưới làn đạn bắn tỉa, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi an toàn trong khi Thủy quân lục chiến Mỹ đang tấn công làng Mỹ Sơn, gần Đà Nẵng, để tìm quân quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ánh sáng rọi qua tán lá dày gần thị trấn Bình Giã trong khi lính Việt Nam Cộng hòa cùng các cố vấn Mỹ nghỉ ngơi sau một đêm chờ phục kích quân giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 1/1965).  Ảnh: Horst Faas



Lính cứu thương Thomas Cole, người từ thành phố Richmond bang Virginia, ngước nhìn lên với một mắt không bị băng khi anh này tiếp tục chữa trị cho Thượng sỹ Harrison Pell, người từ thành phố Hazleton, bang Pennsylvania trong một trận giao tranh ngày 30/1/1966.

Bức ảnh này được đăng trang bìa tạp chí Life ngày 11/2/1966 và những bức ảnh của Henry Huet về trận đánh ở An Thi giành được giải Vàng Robert Capa từ Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài.

Một người lính của Sư đoàn Kỵ binh Đệ nhất ném chiếc nia sàng thóc vào đám cháy sau khi đơn vị này quét qua một ngôi làng gần Tam Kỳ, cách Sài Gòn 350 dặm về phía đông bắc ngày 27/10/1967. Một phụ nữ đã cố gắng để cứu lấy chiếc nia từ đám cháy nhưng quân đội Mỹ đã có ý định hủy tất cả những gì có giá trị đối với quân đội Việt Nam. Ảnh: Đang Van Phuoc

Với xác lính Mỹ phía trước, quân cảnh trú sau bức tường tại cửa vào của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trong ngày thứ hai của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân ngày 31/1/1968. Sáng sớm hôm đó, một tiểu đội 15 người của quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bom tạo một lỗ hổng của bức tường cao bao quanh khuôn viên tòa nhà và vào được phía trong. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sau đó bị đánh lui sau vài giờ đồng hồ, nhưng chỉ với sự thật là họ đã đột nhập tới đó đã tạo cho họ thắng lợi về tuyên truyền trong con mắt của công chúng Mỹ . Ảnh Hong Seong-Chan

Viên tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng trưởng Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng lục bắn vào đầu của Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên một đường phố Sài Gòn vào đầu cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân ngày 1/1/1968. Bức ảnh này của Eddie Adams giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1969.

Bị bỏng nặng trong cuộc tấn công bằng bom Napalm, trẻ em chạy gào thét kêu cứu dọc đường 1 gần Trảng Bàng, phía sau là lính của Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa ngày 8/6/1972. Bức ảnh này của Nick Út đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973.


Có mặt tại triển lãm, Nick Út cùng chia sẻ với người xem về tác phẩm của mình

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm