Thư EURO: Nỗi niềm tri thức

15/06/2016 13:33 GMT+7 | Euro ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Đà Nẵng kiện “nhân tài”, truy thu hơn 10 tỷ từ các nhân tài không chịu về nước đóng góp cho thành phố bên sông Hàn như cam kết; cùng thực trạng nhiều địa phương rơi vào tình huống như Đà Nẵng, vẫn là câu chuyện không dễ giải quyết một sớm một chiều.

1. Hôm qua, chúng tôi đến thăm căn nhà số 9, ngõ Compoint, Quận 17, nơi Bác từng sinh sống và làm việc phục vụ cách mạng. Đứng trước khung cảnh này, lòng lại bồi hồi xúc động. Và, nhận thức thêm về sứ mệnh của nghề báo, về những chính sách chiêu hiền đãi sỹ, trong đó mời gọi các bậc thức giả Việt kiều về nước tham gia kiến thiết quê hương.

Tại Paris, chúng tôi cũng thử tìm hiểu xem, nỗi niềm trí thức ta ở Pháp hiện thế nào?

Từ lâu, nhiều người Việt đã chọn Pháp làm nơi du học lý tưởng bởi sự ưu việt của đất nước này, như có một nền giáo dục chất lượng cao, có mối liên hệ chặt chẽ với một nền nghiên cứu khoa học ở trình độ cao; có mối liên hệ chặt chẽ giữa các trường đại học với các doanh nghiệp; bằng cấp được cả thế giới công nhận; mức học phí hợp lý, được hưởng những ưu đãi như sinh viên Pháp… Trong giai đoạn hiện nay, nhiều thanh niên Việt Nam vẫn tiếp tục chọn Pháp làm điểm đến để học tập và nghiên cứu. Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, hiện có hơn 6.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Pháp. Trong đó, số học lên cao như tiến sĩ là rất nhiều.

2. Tuy thế, không thể phủ nhận sự thật, các trí thức, trong đó có các cán bộ trong diện “thu hút” như Đà Nẵng và nhiều địa phương, sau thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi tại Pháp, đã không còn muốn về nước. Họ chấp nhận phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí là chấp nhận đền bù đến vài tỷ đồng, để được ở lại. Phải chăng là họ không yêu quê hương, là đoạn tình? Theo hiểu biết của chúng tôi, vẫn còn đó những lý do khiến họ chưa trở về.

Đầu tiên là các cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nghiên cứu ở trong nước vẫn còn hạn chế, dù đã được cải thiện nhiều. Các trí thức ở lại Pháp, dĩ nhiên có cơ hội phát triển toàn diện hơn.

Kế đến, ngay cả khi về nước, có ý kiến cho rằng nếu trí thức có hoàn cảnh bình thường, nói nôm na không có thân thế, tìm được việc làm không phải là chuyện dễ dàng. Trong khi đó, lương, chế độ đãi ngộ không tương xứng so với những gì họ đã đầu tư hoặc đang được hưởng tại Pháp.

Có lẽ đấy là hai lý do cơ bản nhất. Tất nhiên khi ở lại, dù các chính sách tại Pháp rất tốt, công bằng và tạo cơ hội cho mọi người nhưng nhiều khi các nghiên cứu sinh, người có học hàm tiến sỹ của ta không dễ thành công. Bởi lẽ, ngay cả tiến sỹ có việc làm tại Pháp, thu nhập cũng không phải là cao.

Chỉ khác biệt, họ được cơ chế xã hội Pháp đảm bảo cho cuộc sống. Họ được hưởng tất cả các điều kiện thuận lợi từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp xã hội khác, nếu thu nhập thấp. Cho nên, ví dụ hai vợ chồng, một người tiến sỹ, một người công việc bình thường, cũng có thể sống tốt. Cũng cần phải nói thêm, đa số các tiến sỹ, giáo sư ở Pháp đều chủ yếu chú trọng vào công việc chuyên môn, nghiên cứu, thay vì giấc mơ quản lý, làm “ông này, bà nọ”.

3. Chúng tôi cũng được biết, không ít người đạt học vị tiến sỹ bên này, cũng khó tìm được công việc phù hợp, bởi các công ty, doanh nghiệp thường không tuyển tiến sỹ làm các công việc của các chuyên viên bình thường.

Nỗi niềm thì nhiều, nhưng trong khuôn khổ một bài báo chúng tôi khó có thể nêu ra hết được. Và suy cho cùng, ở đâu mà trong sâu thẳm vẫn yêu nước, vẫn đau đáu một ngày nào đó được trở về tham gia kiến thiết quê hương, thì cũng phải chia sẻ cho các trí thức. Như lời của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đã nói trong cuộc nói chuyện với cán bộ các cơ quan đại diện và đại diện trí thức, kiều bào Pháp tại Pháp ngày 5/6/2016: “Người Việt mình ở Pháp cứ ổn định và hạnh phúc đã là đóng góp cho đất nước rồi!”.

Hữu Quý - Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm