Tuyệt vời bóng đá Đức

23/10/2016 07:04 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Bundesliga - giải vô địch bóng đá nhà nghề của Đức - chỉ được thành lập vào năm 1963, quá "trẻ" so với giải Ligue 1 của Pháp (thành lập năm 1932) hoặc La Liga của TBN, Serie A của Italia (1929). Một so sánh khác: cho đến cách nay 8 năm thì bóng đá Đức chỉ có 36 CLB chuyên nghiệp, chia thành 2 hạng. Nước Anh có đến 92 CLB chuyên nghiệp trong 4 đẳng cấp. Nhưng, sức mạnh tổng thể của bóng đá Đức là như thế nào so với 4 giải đấu lớn xung quanh? Chẳng cần phải nói quá nhiều.

Giải đấu cân bằng và hấp dẫn nhất?

Dĩ nhiên, "hấp dẫn nhất" là chỉ là chi tiết mơ hồ, ước lệ. Bundesliga tự hào ở chỗ đấy luôn là giải đấu có lượng khán giả trung bình đến sân cao nhất châu Âu và tính cạnh tranh, ở một khía cạnh nào đó, cũng đáng gọi là hấp dẫn, cân bằng nhất.

Hãy lấy một ví dụ cụ thể về tính cạnh tranh. Bundesliga có 18 đội, trong đó 4 đội được cấp vé dự Champions League (tính luôn vòng loại) và 3 đội được dự Europa League. Chỉ cần lấy tỷ lệ chọi là "2 đội chọn 1", coi như có 14/18 đội cạnh tranh ở Bundesliga với hy vọng lọt vào đấu trường châu Âu trong mùa bóng kế tiếp, hoặc 8 đội - tức gần nửa giải đấu - hy vọng được dự Champions League danh giá. Ở thái cực ngược lại, có 2 đội rớt hạng và một đội phải đá play-off giành quyền trụ hạng. Cũng với cái tỷ lệ chọi "2 chọn 1", sẽ có 6 đội - tức 1/3 giải đấu - xác định là đối thủ của nhau trong cuộc đua trụ hạng vốn luôn là một vấn đề "sống còn" trong bóng đá đỉnh cao.


10 bàn thắng đẹp nhất mọi thời đại của Bundesliga

Nhìn ra đấu trường châu Âu

Tất nhiên, việc chỉ có 18 đội thi đấu ở đẳng cấp cao nhất là chuyện riêng của người Đức, và UEFA không nhìn vào đấy để xác định "quota" tham dự các cúp châu Âu. Nó là kết quả dựa vào thành tích. Và hơn cả việc Bayern luôn là ứng viên hàng đầu thì năm 2013: hai gã khổng lồ của bóng đá TBN đã gặp hai đại diện Đức trong hai cặp đấu khác nhau ở vòng bán kết Champions League. Kết quả: các đại diện Đức là BayernBorussia Dortmund cùng thắng hai gã khổng lồ của La Liga, một cách ấn tượng!


Bayern Munich và Dortmund luôn là 2 ông lớn của Bundesliga

Giàu mạnh theo kiểu Bundesliga

Bóng đá chuyên nghiệp từ lâu đã là một ngành kinh doanh hơn là một môn thể thao thuần túy (khi Tòa án Công lý châu Âu xử "vụ án Bosman", làm cho bóng đá châu Âu thay đổi hoàn toàn, họ đã căn cứ vào các bộ luật lao động, thương mại... và buộc giới điều hành bóng đá châu Âu phải tự sửa luật bóng đá cho phù hợp). Vậy nên bây giờ, khái niệm "đội mạnh" trong làng bóng đỉnh cao trước tiên phải được hiểu là mạnh vì tiền.


Bayern Munich là gã nhà giàu của Bundesliga

Ngoại trừ Bayern Munich, các đội còn lại ở Bundesliga đều không đáng gọi là giàu nếu chỉ đơn thuần nhìn vào doanh số, lợi nhuận, quỹ lương hoặc quỹ chuyển nhượng. Sự thật là bóng đá Đức không có khả năng chi tiền hàng loạt để xem những bản hợp đồng cỡ 30 triệu euro là "chuyện bình thường" như bóng đá Anh. Các đội bóng Đức cũng không thể mua siêu sao hàng đầu thế giới như Barcelona hoặc Real Madrid. Nhưng ngược lại, các đội bóng Đức gần như không biết khái niệm nợ nần là gì, rất khó rơi vào nguy cơ phá sản. Sự ổn định và "khỏe khoắn" về tài chính luôn là một trong những đặc điểm đáng lưu ý nhất của bóng đá Đức. Vấn đề không phải là các đội bóng Đức chủ trương "thắt lưng buộc bụng". Họ kinh doanh theo cách của mình: giá vé rẻ, quỹ lương gọn nhẹ, không để lọt ra ngoài những khoản tiền phi lý (tiền chi cho giới đại diện trên thị trường chuyển nhượng chẳng hạn) và luôn gần như an toàn bởi sự ủng hộ của cộng đồng địa phương.

Đấy là những Câu-Lạc-Bộ đúng nghĩa

Khi muốn mỉa mai, người ta có thể gọi Chelsea là món đồ chơi của ông chủ Nga Roman Abramovich, Manchester City là "món hàng" của các tỷ phú Ả Rập, hoặc M.U là công cụ kinh doanh của người gia đình Glazer, người Mỹ. Nếu muốn, và dĩ nhiên phải có đủ tiền, chính bạn có thể dễ dàng mua ngay một đội bóng Anh - ở đẳng cấp chuyên nghiệp hẳn hoi. Ở Italia, Juventus thuộc gia đình Agnelli trong khi AC Milan là tài sản của Silvio Berlusconi.

Bóng đá Đức khác hẳn. Ở Đức, tuyệt đại đa số các CLB bóng đá đều thuộc sở hữu cộng đồng, do các hội viên có thẻ quyết định mọi chuyện. Các hội viên của Borussia Dortmund thậm chí còn có quyền phủ quyết giá vé nếu họ thấy như thế là quá cao. Chủ tịch đội bóng cũng do hội viên bầu ra. Đại hội hàng năm của các hội viên có thẻ luôn là sự kiện lớn, vui nhộn và hấp dẫn của các đội bóng Đức. Họ bầu chủ tịch (nếu đã hết nhiệm kỳ), nghe báo cáo và cùng nhau quyết định các vấn đề lớn thuộc về chính sách của đội bóng.


Ở Bundesliga, CLB là CLB

Tất nhiên, mô hình "sở hữu công cộng" của bóng đá có chỗ bất lợi là nếu một tỷ phú hào phóng nào đó muốn đổ tiền đầu tư cho một đội bóng thì cũng đành chịu. Hơn nửa cổ phần của CLB cứ phải thuộc về các cổ động viên! Ngay cả hai gã khổng lồ Adidas và Audi cũng chỉ sở hữu 9% vốn (mỗi công ty) ở Bayern. Ngược lại, danh nghĩa cộng đồng lại giúp các đội bóng Đức dễ dàng thu hút tiền quảng cáo, tài trợ của các doanh nghiệp trong vùng.

Càng rẻ, càng... lãi

Giá vé của các CLB Đức rẻ đến nỗi đã có một bộ phận không nhỏ trong giới hâm mộ bóng đá Anh tính rằng cứ mỗi cuối tuần, họ lại sang Đức cổ vũ Dortmund bằng một chiếc vé nguyên mùa, tính cả tiền di chuyển và khách sạn vào đấy, cũng vẫn rẻ hơn tiền vé vào sân để được cổ vũ một đội ở Premier League! Nhưng hệ quả từ giá vé rẻ là khán giả luôn đầy ắp và các đội bóng tha hồ kinh doanh sản phẩm tại sân. Cộng thêm khả năng lôi kéo tài trợ vì niềm tự hào của cả cộng đồng như đã nêu trên, các đội bóng Đức dễ dàng có lãi trong lĩnh vực kinh doanh. Có thời điểm, người ta điều tra và thấy rằng những bản hợp đồng thương mại đóng góp bình quân 55% lợi nhuận trong một đội bóng Đức. Khoản này đối với một CLB Anh chỉ là 37%.


Giá vé ở Đức rất rẻ nên khán đài luôn rất đông các CĐV

Khác biệt: các đội bóng Anh moi tiền từ cổ động viên của chính họ, còn các đội bóng Đức moi tiền của giới kinh doanh, nhờ chính các cổ động viên. Khác biệt này, cùng với quỹ lương gọn nhẹ (38% tổng thu - so với 67% trong làng bóng Anh ở cùng thời điểm khảo sát, cá biệt có đội bóng Anh phải chi lương đến 93% tổng thu trong thời điểm khảo sát ấy) giúp các đội bóng Đức luôn "sống khỏe", dù cái nhìn trên bề mặt cho thấy có vẻ như các đội Đức đều... nghèo. Giới quan sát nhìn vào cách kinh doanh phổ biến của các đội bóng Đức và thống nhất nhận định: đấy là cái nhìn, là chiến lược đường trường, luôn có tính ổn định và lâu dài.

BÓNG ĐÁ TRẺ Ư? XIN ĐỪNG HIỂU LẦM

Phát triển bóng đá trẻ là một chiến lược phổ biến của tuyệt đại đa số CLB Đức trong vòng hơn chục năm nay. Ai cũng đã thấy đội tuyển Đức được trẻ hóa, đồng đều và xuất sắc như thế nào trong các giải đấu lớn gần đây. Bàn thắng quyết định đem về cho Mannschaft chức vô địch World Cup 2014 được ghi bởi một cầu thủ chỉ vừa bước sang tuổi 22.

Nhưng, đừng hiểu lầm về tính chất "máy móc" trong việc phát triển bóng đá trẻ của Đức. Ai thấy có lợi thì làm thôi. Leverkusen gần đây đã giải tán đội U-19, theo nghĩa không tham gia giải đấu dành cho các đội hình trẻ, được tổ chức song song với Bundesliga (đấy cũng là mô hình quen thuộc ở các cường quốc bóng đá khác tại châu Âu). Nguyên nhân đơn giản: Leverkusen cảm thấy không hiệu quả về mặt tài chính khi cứ phải duy trì một đội như thế.

QUY ĐỊNH "50+1"

Không có cá nhân hoặc công ty nào ở Đức được quyền sở hữu đến 50% cổ phần ở một đội bóng. Ngoại lệ là những trường hợp đã đầu tư vào đội bóng trong hơn 20 năm liên tiếp. Bayer Leverkusen (của hãng được Bayer) và Wolfsburg (của hãng xe hơi Volkswagen) thuộc các trường hợp này. Cách đây vài năm, chủ tịch Hannover từng kêu gọi cải tổ và DFL (cơ quan quản lý các giải đấu chuyên nghiệp tại Đức) chấp nhận cho các CLB nhà nghề bỏ phiếu về việc khai tử quy định "50+1". Kết quả: chỉ có 1 phiếu thuận - dĩ nhiên chính là lá phiếu của Hannover.

CẤU TRÚC CỦA BÓNG ĐÁ ĐỨC

Hạng

2008 - nay

1994-2008

1974-1994

1963-1974

1946-1963

I

Bundesliga

Bundesliga

Bundesliga

Bundesliga

Oberliga

II

2. Liga

2. Liga

2. Liga

Regionalliga

2. Liga

III

3. Liga

Regionalliga

Am. Oberliga

1. Amateurliga

IV

Regionalliga

Oberliga

Verbandsliga

2. Amateurliga

V

Oberliga

Verbandsliga

Landesliga

VI

Verbandsliga

Landesliga

VII

Landesliga

Bezirksoberliga

VIII

Bezirksoberliga

Bezirksliga

IX

Bezirksliga

Kreisliga

X

Kreisliga

Kreisklasse A

XI

Kreisklasse A

Kreisklasse B

XII

Kreisklasse B

Kreisklasse C

XIII

Kreisklasse C


Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm