Họ là đội bóng được đánh giá yếu thế hơn nhưng rồi đang làm mưa làm gió tại World Cup 2022. Và nếu bạn không phải là một fan cuồng của bóng đá, sẽ chẳng ai trách bạn nếu không thể kể tên một cầu thủ nào trong đội tuyển Ma-rốc.
Ma-rốc đã tiến vào bán kết tại Qatar, làm nên lịch sử với tư cách là đội bóng châu Phi, Ả Rập và Hồi giáo đầu tiên lọt vào nhóm 4 đội cuối cùng của giải đấu. Trên hành trình của mình, họ cầm hòa nhà á quân World Cup Croatia, đánh bại Bỉ- đội bóng số 2 thế giới, Tây Ban Nha- đội xếp hạng 7 và Bồ Đào Nha- xếp hạng 9, mà không để đối phương xé lưới một lần nào. Trên thực tế, bàn thua duy nhất của họ là pha phản lưới nhà trong trận thắng Canada 2-1.
Huấn luyện viên của đội, ông Walid Regragui, chỉ mới được bổ nhiệm vào ngày 31 tháng 8. Khi ông được bổ nhiệm, truyền thông của quốc gia Bắc Phi đã gắn cho ông biệt danh "gã đầu bơ". Nhưng 4 tháng sau, Walid Regragui đã chứng minh cho tất cả thấy những hoài nghi về năng lực của ông đều là sai lầm. FIFA thậm chí đã photoshop một quả bơ với một quả bóng bên trong nó, đặt trong bức ảnh chụp Walid Regragui, để công kích những ai đã chỉ trích nhà cầm quân này.
Chắc hẳn sẽ rất nhiều người gọi chiến tích của Ma-rốc là một phép màu. Walid Regragui không nghĩ vậy. Sau trận thắng Bồ Đào Nha 1-0 ở tứ kết, Walid Regragui nói: "Khi bạn xem Rocky, bạn muốn ủng hộ Rocky Balboa vì sự chăm chỉ và cam kết của ông ấy. Tôi nghĩ chúng tôi là Rocky của kỳ World Cup này. Chúng tôi đang trở thành đội bóng được mọi người yêu thích tại World Cup bởi vì chúng tôi đang cho thấy rằng ngay cả khi bạn không có nhiều tài năng, nếu bạn thể hiện khát khao, tình yêu và niềm tin, bạn có thể đạt được thành tựu. Tôi chắc rằng nhiều bạn sẽ nói đây là một phép màu, nhưng chúng tôi đã giành chiến thắng mà không để thủng lưới trước Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đó là kết quả của sự chăm chỉ".
Thành công của Ma-rốc không chỉ nhờ nỗ lực của Walid Regragui trong 4 tháng ông ngồi trên ghế nóng, mà là kết quả của việc xây dựng một đội tuyển quốc gia dựa trên nỗ lực kéo dài cả gần một thập kỷ.
Bản thân Walid Regragui sinh ra ở Pháp, nơi ông chơi bóng phần lớn sự nghiệp ở vị trí hậu vệ phải. Do đó, không ngạc nhiên với khả năng phòng thủ ấn tượng của Ma-rốc trước những tiền đạo đẳng cấp thế giới của đối phương. Và giống như Walid Regragui, nhiều thành viên trong đội tuyển Ma-rốc tham dự World Cup 2022 sinh ra ở nước ngoài. Con số chính xác là 14 trong tổng số 26 cầu thủ, nhiều nhất trong số các quốc gia tranh tài ở Qatar.
Hậu vệ phải của PSG, Achraf Hakimi sinh ra ở Madrid. Thủ môn Yassine 'Bono' Bounou sinh ra ở Canada. Tiền đạo Hakim Ziyech của Chelsea sinh ra ở Hà Lan. Đội trưởng Romain Saiss là một trong số nhiều người sinh ra ở Pháp. Phần lớn trong số họ thuộc về cộng đồng người Ma-rốc di cư khắp châu Âu - tổng cộng có khoảng 5 triệu người, với hơn 1 triệu người định cư ở Pháp và khoảng 800.000 người ở Tây Ban Nha.
Vào năm 2014, Liên đoàn bóng đá Ma-rốc đã nỗ lực thuyết phục các tài năng sinh ra ở nước ngoài đại diện cho đất nước gốc gác của họ chứ không phải nơi họ sinh ra. Đầu năm 2015, hưởng ứng lời kêu gọi này, Ziyech đã từ chối đội tuyển Hà Lan để thi đấu cho Ma-rốc. Anh góp phần quan trọng trong sự thăng tiến của đội bóng, ghi bàn vào lưới Canada và thực hiện quả phạt đền thành công vào lưới Tây Ban Nha trong loạt sút luân lưu.
Quyết định chọn quá nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài đã gây tranh cãi lớn ở Ma-rốc. Nhiều người đã coi đây là một bước lùi của bóng đá quốc gia, nhất là khi mâu thuẫn nổ ra giữa Ziyech và huấn luyện viên tiền nhiệm của Regragui là Vahid Halilhodzic. Cuộc chiến giữa đôi bên kết thúc khi Liên đoàn Bóng đá Morocco chọn đứng về phía các cầu thủ và chia tay HLV Halilhodzic.
Regragui- người được chọn như phương án chữa cháy cấp tốc, đã làm được nhiều hơn những gì được mong đơik. Ông đoàn kết được tất cả các cầu thủ bên dưới một ngọn cờ. Như ông đã tuyên bố sau trận thắng tuyệt vời trước Tây Ban Nha: "Hôm nay, chúng tôi đã chứng minh rằng mọi người Ma-rốc đều là người Ma-rốc. Khi anh ấy đến đội tuyển quốc gia, họ muốn chiến đấu cho đất nước của họ. Là huấn luyện viên, tôi sinh ra ở Pháp nhưng không ai nghi ngờ tình yêu của tôi dành cho đất nước của tôi. Điều tốt là các cầu thủ được sinh ra ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Bỉ – mỗi quốc gia đều có một nền văn hóa bóng đá và chúng tôi đã tạo ra một phong cách pha trộn".
Trước giải đấu, HLV Regragui đã ra một quyết định đầy bất ngờ. Ông mời toàn bộ gia đình các cầu thủ tới Qatar và biến họ trở thành một phần quan trọng trong hành trình của đội. Tất cả các cầu thủ đều được tạo cơ hội để người thân của họ tận hưởng chuyến du lịch được chi trả toàn bộ chi phí. Đại bản doanh của họ ở Qatar, khách sạn Wyndham Doha West Bay – thường trông giống một trại hè do gia đình tổ chức.
"Trong suốt sự nghiệp cầu thủ và huấn luyện viên của con, tôi chưa bao giờ tới xem nó thi đấu. Tôi đã sống ở Pháp hơn 50 năm qua và đây là giải đấu đầu tiên tôi rời Paris để tới theo dõi", mẹ của HLV Regragui nói với kênh truyền hình Arryadia của Ma-rốc.
Cha mẹ và gia đình ngồi ở hàng ghế đầu trong các trận đấu của Ma-rốc, hoặc thậm chí vào sân ăn mừng chiến thắng cùng đội. Achraf Hakimi – một trong những hậu vệ cánh phải hay nhất thế giới, đã gây sốt khi ăn mừng cùng mẹ. Chàng trai 24 tuổi chạy lên khán đài, đặt một nụ hôn lên trán mẹ mình. "Con yêu mẹ", Hakimi chú thích cho bức ảnh anh ăn mừng cùng mẹ sau chiến thắng của tuyển Bỉ khi chia sẻ nó trên trang cá nhân.
Sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha ở tứ kết, Sofiane Boufal cũng đã bế mẹ mình từ khán đài xuống sân và cùng bà nhảy múa dưới tiếng hát của hàng nghìn cổ động viên Ma-rốc.
Và họ, những cổ động viên Ma-rốc trên khán đài World Cup, không thể quên được đóng góp của họ.
Qatar là nơi sinh sống của hơn 15.000 người Ma-rốc và hàng nghìn người ở các quốc gia lân cận. Một ước tính cho thấy có hơn 50.000 người Ma-rốc đã tới Doha cổ vũ cho trận tứ kết giữa họ và Bồ Đào Nha.
Ở mỗi trận đấu, lượng cổ động viên Ma-rốc lấp đầy hơn 80% khán đài. Tiếng hát, tiếng trống, điệu nhảy của họ, và cả điệu vỗ tay theo phong cách Viking, trở thành đặc trưng của họ trên khán đài.
Sau chiến thắng liều đầy gan dạ trước tuyển Bỉ, huấn luyện viên Regragui đã tuyên bố: "Nếu không có những người hâm mộ ở đây, chúng tôi đã không thể tiến vào vòng tiếp theo!".
Sự cuồng nhiệt của cổ động viên Ma-rốc đã khiến FIFA phải phân bổ thêm 5.000 vé cho họ ở trận đấu với Tây Ban Nha. Liên đoàn bóng đá Ma-rốc cũng đã cố gắng kiếm thêm nhiều vé và phân phát chúng miễn phí cho người hâm mộ. Huấn luyện viên Regragui thậm chí còn nhờ một nhân viên bảo vệ kéo hàng rào bên ngoài khách sạn của đội để tặng vé dự phòng cho một cổ động viên.
Không chỉ người hâm mộ quê nhà, hành trình của "Những chú sư tử Atlas" đã mê hoặc giới mộ điệu trên toàn thế giới. Ở Palestine và Tehran, người hâm mộ đã đổ ra đường ăn mừng giống như ở Marrakech hay Casablanca.
Khi Nam Phi tổ chức World Cup đầu tiên của châu Phi vào năm 2010, Ghana đã thống nhất châu Phi bằng hành trình xuất sắc vào tứ kết, trước khi gục ngã trước Uruguay trong một trận đấu đầy kịch tính. Bây giờ, đến lượt Ma-rốc mang theo hy vọng của một châu lục.
"Ngày nay, Châu Phi đã trở lại trên bản đồ bóng đá," Regragui nói sau trận thắng Bồ Đào Nha. "Chúng tôi biết mình có thể làm nên lịch sử cho Châu Phi. Bởi tôi nghĩ chúng tôi có người Qatar, có thể là người Algeria, người Tunisia, người Ả Rập Xê Út và người châu Phi… Chúng tôi có rất nhiều quốc gia ủng hộ chúng tôi làm nên lịch sử".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất