Vợ Việt hay chồng Tây danh giá hơn?

06/07/2015 18:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt?” – Di Li lấy câu hỏi mà đàn ông ngoại quốc từng hỏi chị để đặt tên cuốn sách mới nhất. Đó là nỗi bức xúc khi một số “anh Tây” tầm thường ế vợ lại cưới được vợ khi sang Việt Nam.

“Tôi chưa từng thấy một cô gái Việt Nam nào kết hôn với một nhà tài phiệt có tên trong tạp chí Forbes, một bộ trưởng Italy, một minh tinh Hollywood, một nhà văn hàng đầu của Pháp hay một ngôi sao bóng đá/ quần vợt ở Đức. Trong khi đó, nhiều phụ nữ lấy chồng Tây đều là những người “vua biết mặt, chúa biết tên” – Di Li viết.

Buổi ra mắt cuốn sách vừa diễn ra chiều 6/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội.

“Tôi chưa bao giờ đẹp trai cho đến... khi sang Việt Nam”

Đó là chia sẻ của Joe Ruelle, tác giả sách người Canada nổi tiếng trong cộng đồng mạng Việt Nam nhiều năm nay. Tiếng Việt rất khá và có góc nhìn sắc sảo, Joe (Dâu) viết blog hay sách đều ăn khách, đồng thời là MC truyền hình và thỉnh thoảng làm mẫu ảnh, được coi là đẹp trai.


Nhà văn Di Li (giữa) và chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong buổi ra mắt sách chiều 6/7

Nhưng Joe cho biết, trước khi sang Việt Nam thì anh vẫn là một chàng Tây có ngoại hình bình thường. “Tôi chưa bao giờ được nhiều người khen đẹp trai như ở Việt Nam’ – Di Li trích lời Joe trong cuốn sách – “suy ra trước khi sang Việt Nam, tôi chưa đẹp trai”.

Không có chuyện một người “bỗng dưng đẹp trai”, mà điều Joe muốn nói chính là quan niệm xã hội. Trong lối nghĩ nhún nhường có phần mặc cảm của người Việt, hoặc rộng hơn là người châu Á, bản thân gốc gác phương Tây của đối phương đã là rất danh giá, chưa tính đến ngoại hình, trình độ, phẩm chất, địa vị xã hội…

Như vậy, người Việt đã hạ mình khi cho rằng chồng Tây hẳn nhiên là danh giá hơn vợ Việt. Nhưng Di Li muốn khẳng định theo hướng ngược lại – vợ Việt danh giá hơn chồng Tây, chị chỉ muốn cảnh báo rằng lối nghĩ đó ngày nay đã quá cũ rồi.

Vợ Việt và nữ quyền

Theo chuyên gia Đinh Đoàn, có một định kiến về phụ nữ Việt lấy Tây là tham tiền và tham nhiều thứ khác. Nhưng hiện nay, không ít phụ nữ Việt Nam có học vấn cao, ngoại ngữ tốt, phông văn hóa sâu rộng đã lập gia đình với người nước ngoài. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai là một ví dụ, chị và gia đình từng sinh sống ở Philippines nhiều năm, nay vừa trở về Việt Nam.


Cuốn sách "Gã Tây kia sao lấy được vợ Việt?"

Nhà thơ chia sẻ: “Tôi nghĩ tình yêu ngày nay không có biên giới. Ngày trước, tôi từng học ở Australia một thời gian dài, lúc đó tôi chưa từng nghĩ sẽ lấy người nước ngoài vì vẫn nghĩ đàn ông Việt Nam rất tuyệt vời. Nhưng tôi đã gặp gỡ một chàng trai Đức và đem lòng yêu. Không yêu sao được khi anh ấy nấu mì Ý mà vẫn cho nước mắm, và thứ đầu tiên anh ấy mua khi đi mua sắm cho gia đình là nước mắm”.

Lâu nay, Di Li là nhà văn nữ không ngần ngại tuyên bố chị là nhà nữ quyền. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Cuốn sách chống lại những tín hiệu mặc định đứng về phía đàn ông trong xã hội. Nhưng mặt khác, Di Li cũng phê phán những phụ nữ thụ động. Bản thân chị chính là minh chứng cho những gì mình viết: một phụ nữ có chồng con nhưng vẫn phấn đấu vì những gì mình mong muốn”.

Chuyên gia Đinh Đoàn tỏ ý đồng tình: “Cách làm của Di Li xứng đáng để nhiều phụ nữ học hỏi. Phụ nữ càn độc lập về kinh tế, về các mối quan hệ và quyền tự tuyết. “Độc lập, tự do, hạnh phúc” chính là một câu khẩu hiệu về cuộc sống chứ không chỉ là chính trị đâu”.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm